Landmarks

Từ chỉ Quán quận công Nguyễn Thế Nho

Tags: đá

Tổng quan

Từ chỉ Quán quận công Nguyễn Thế Nho thuộc thôn Quang Biểu, xã Quang Châu, huyện Việt Yên, di tích tọa lạc kề bên tả dòng sông Cầu, cách đường Quốc lộ 1A cũ và Quốc lộ 1A mới chừng 3km, là điểm tiếp giáp giữa huyện Việt Yên của tỉnh Bắc Giang với địa giới hành chính của thành phố Bắc Ninh.

Từ chỉ ngoảnh mặt về hướng Đông Nam, phía trước từ chỉ có một đôi nghê đá và đôi linh cẩu đứng hai bên chầu tạo thành lối dẫn đi vào khu từ chỉ. Đôi nghê có kích thước bằng nhau cao 1,32m, chiều cao của thân là 0,94m, phần đế cao 0,40m, chiều rộng hai phía là (0,62m x 0,62m). Nghệ thuật chạm khắc đá rất tinh tế và đẹp, tạo tác trong tư thế ngồi chầu chống hai chân trước, ngực có đeo chuông nhạc, thân được chạm khắc hoa văn hình vân mây uốn lượn, tứ chi được tạo to mập, chắc khỏe, thế vững chãi…Linh cẩu (chó đá) có 4 con, 2 con còn nguyên vẹn, 2 con bị sứt đầu, được tạo tác bằng đá xanh, tạo thế ngồi chầu, canh giữ từ chỉ, trên cổ linh cẩu có đeo chuông nhạc, không chạm khắc hoa văn nhiều, chủ yếu là tạo nổi hình gồ trên các đường uốn lượn. Bước qua một gian cửa chính là vào bên trong từ chỉ: cách hiên từ chỉ khoảng 1m có kê một nhang án được làm bằng đá xanh, 4 mặt đều được chạm khắc hoa văn hình răng lược, hoa văn hình hoa cúc mãn khai có khoảng gần 60 bông đang nở, hoa văn hình cánh sen, phía dưới đế có trang trí hình ly chầu sinh động, điểm xuyết trang trí trên nhang án là hoa văn hình dây cúc chạy bo quanh và các đường chỉ gờ chia cắt phần mặt, thân và đế. Những cánh sen đều nhau có trên chục bông và những đoá cúc mãn khai đua nở tạo cho nhang án có giá trị thẩm mỹ và giá trị nghệ thuật điêu khắc cao. Phía sau nhang án có khắc chữ Hán ghi năm tạo tác có nội dung: “Hoàng triều Chính Hòa nhị thập nhất nhật, tam nguyệt, Canh Thìn, trọng hạ, cốc nhật….”. Tức nhang án được làm vào ngày 21 tháng 3 năm Canh Thìn (năm 1700).

Nằm ngay phía sau nhang án là sập đá, tạo hình sập dạ quỳ, được làm bằng đá xanh, sập dài 1,90m, rộng 1,55m, cao 0,55m. Sập gồm 4 phần trang trí tách biệt nhau. Phía trên của mặt sập được vê tròn, dày 15cm, phần thứ hai phần thắt phía dưới tạo 5 ô thoáng, dày 10cm, phần diềm sập và phần chân quỳ được tạo phía dưới được trang trí hoa văn hình mây lửa, cuốn xoắn, hệ thống chân quỳ được tạo chắc khỏe, vững chãi. Phía dưới phần trang trí diềm sập cả ba mặt đều trang trí hình hai thân rồng “lưỡng long” uốn khúc chụm đầu vào nhau. Nằm sát về phía sau là một tấm bia tứ diện, bia cao 2,85m, đế cao 0,35m, phần chóp bia cao 0,85m, trên thân bia có khắc chữ Hán theo thể chân phương, hoa văn chủ đạo trên trán bia và diềm trang trí là hoa văn hình hoa lá cách điệu, mặt trước của bia có đề 3 chữ Hán “Quán Quận Từ”. Nội dung của các dòng chữ Hán này là để ca ngợi việc thờ thánh và ghi nhớ công đức của Quán quận công Nguyễn Thế Nho. Hệ thống đồ thờ tự bên trong từ chỉ còn có một bài vị được làm bằng gỗ sơn son, thép vàng đẹp và 01 lư hương bằng đá xanh….

Từ chỉ Quán quận công là nơi thờ phụng và lưu niệm về Quán quận công Nguyễn Thế Nho. Ông sinh ngày 5 tháng 3 năm 1648, được triều đình trọng dụng, thăng chức Tri thị nội thư, Tả sử phiên, Tri công tượng tiền trọng kỳ, Phó cai quản, Thị nội giám, Tư lễ giám, Tổng thái giám, Thư vệ sự…Trong nội dung của tấm bia đá “Hậu Thánh Bi Ký” hiện còn lưu giữ được tại từ chỉ có đoạn ca ngợi ông như sau: “Quán quận công, Nguyễn tướng công phong độ ôn hoà, phúc hậu, nhân từ rộng rãi…”. Nguyễn Thế Nho làm quan thanh liêm, mẫu mực, khi triều đình cho cáo quan về nghỉ, ông trở lại quê hương sinh sống, ông mất vào ngày 16 tháng 6 năm 1719.

Các hiện vật hiện còn lưu lại trong từ chỉ là những hiện vật cổ quý, có giá trị về mỹ thuật và lịch sử - văn hóa. Thông qua những nội dung được ghi khắc trên bia đá, sập đá, nhang án giúp cho việc khẳng định sự nghiệp, thân thế, quê quán và những đóng góp nhất định của Quán quận công cho quê hương, đất nước. Những tài liệu, hiện vật được lưu lại trong di tích là những cổ vật có giá trị nghệ thuật cao. Đặc điểm rõ nét nhất, được thể hiện ở nghệ thuật trang trí và cách tạo dựng trên những tấm bia đá, đôi nghê chầu, linh cẩu, sập quý…là những tác phẩm nghệ thuật được tạo tác từ thời Lê Trung Hưng (thế kỷ XVIII), nghệ thuật chạm khắc, kỹ thuật đục đạt đến mức điêu luyện, tinh tế, công phu…Bố cục, cách bài trí, sắp xếp các hiện vật đá trong từ chỉ không những vừa hài hòa, tuần tự mà tạo cho giá trị thẩm mỹ cao, qua đó bảo lưu cho thế hệ sau một sơ đồ bài trí chuẩn mực và truyền lưu được hệ thống các tác phẩm điêu khắc đá tiêu biểu của nghệ thuật điêu khắc đá cổ thời kỳ Lê Trung Hưng (thế kỷ XVIII).

Từ chỉ Quán quận công là công trình văn hóa tín ngưỡng, là nơi tưởng niệm một nhân vật lịch sử và cũng là công trình kiến trúc nghệ thuật đẹp. Chính vì thế, di tích đã được Nhà nước công nhận là di tích Nghệ thuật theo Quyết định số 1568-QĐ/BT, ngày 20 tháng 4 năm 1995.

(vanhoabacgiang.vn)

Toạ độ

Retrieving
 

Hình ảnh [xem cả trang] [Google Images]




















































































Bài viết



Liên kết [Google search]



Bình luận

Lưu ý: chúng tôi không chịu trách nhiệm về nội dung các bình luận của bạn đọc
Từ chỉ Quán quận công Nguyễn Thế Nho
Địa chỉ Đường đê, Quang Biểu, Việt Yên, Bắc Giang, Vietnam
Thêm bởi admin
Vào ngày 2015-01-06 09:30:51
Các thành viên
Thời tiết tại đây  ...
Các địa điểm gần nhất