Landmarks

Bia Thuỷ môn đình (1670)

“Việt Nam hầu thiệt. Trấn Bắc ải quan”
Tags: đá

Tổng quan

Sự có mặt của hai chữ Việt Nam trong tấm bia Thủy Môn Đình có một ý nghĩa đặc biệt quan trọng, vì tấm bia chỉ cách ải Nam Quan (nay là cửa khẩu Hữu Nghị) có 2km. Nó lại dựng lên bởi “Bắc quân Đô đốc xứ Lạng Sơn” nên tấm bia có ý nghĩa hành chính rõ rệt. Như vậy, từ hơn 3 thế kỷ trước đây, tên gọi Việt Nam đã chính thức nằm trên tấm bia hiên ngang nơi quan ải, khẳng định chủ quyền, lãnh thổ của đất nước.

Năm 1802, Nguyễn Ánh lên ngôi vua và cho đổi tên nước là Việt Nam. Sách Đại Nam thực lục chép: “Giáp Tý, Gia Long năm thứ 3 (1804), tháng 2, ngày Đinh Sửu, đặt Quốc hiệu là Việt Nam, đem việc cáo Thái Miếu. Xuống chiếu bố cáo trong ngoài”. Đây là lần đầu tiên hai chữ “Việt Nam” được sử dụng với tư cách Quốc hiệu, được công nhận hoàn toàn về ngoại giao. 

Tuy nhiên, hai chữ “Việt Nam” đã xuất hiện khá sớm trong lịch sử nước ta. Ngay từ thế kỷ XIV, hai chữ “Việt Nam” xuất hiện lần đầu tiên ở tiêu đề cuốn sách “Việt Nam thế chí” (ghi chép về các đời ở Việt Nam) của Trạng nguyên Hồ Tông Thốc  .

Trên nhiều tấm bia, các nhà nghiên cứu đã tìm thấy hai chữ “Việt Nam”, như trên tấm bia khắc ở chùa Bảo Lâm (Chí Linh, Hải Dương) năm 1558, có câu “Việt Nam đại danh lam bất tri kỳ cơ”. Tuy nhiên, hiện nay chùa Bảo Lâm và tấm bia hiện nay đã mất, chỉ còn lại bản dập văn bia lưu giữ ở Viện Hán Nôm.Tấm bia thứ hai là tấm bia thời Mạc tại chùa Cam Lộ (Đào Xá, Phú Xuyên, Hà Tây (cũ)), năm 1590, có câu “Chân Việt Nam chi đệ nhất”. Chùa Cam Lộ không còn nhưng tấm bia vẫn được đặt trong một cái am nhỏ.

Tấm bia thứ ba có hai chữ Việt Nam là tấm bia dựng năm 1664 tại chùa Phúc Thành, xã Mộ Đạo, huyện Quế Võ, tỉnh Bắc Ninh. Chùa Phúc Thành và tấm bia  nay không còn nữa nhưng bản dập văn bia vẫn còn lưu giữ tại Viện Hán Nôm.

Trước đây, bia được dựng trong Đình Thuỷ Môn, nên thường gọi là bia Thuỷ Môn Đình, do quan Đô Tổng binh, Bắc quân Đô đốc phủ Lạng Sơn Nguyễn Đình Lộc – lúc đó làm nhiệm vụ trông coi, trấn giữ vùng biên giới ở Lạng Sơn và tiếp đón các sứ thần của hai nước Việt Nam và Trung Quốc, dựng năm Cảnh Trị Bát niên (tức năm 1670). Đình Thuỷ Môn vừa là nơi làm việc,vừa là nơi thờ tự của dòng họ Nguyễn Đình tại Đồng Đăng. Sau này, khi đình Thủy Môn bị hư hỏng trở thành phế tích, tấm bia vẫn nằm ở địa điểm cũ nhưng đã bị đổ, rời khỏi phần đế bia.

Đây là bia đá xám hình khối hộp chữ nhật dẹp, thân bia cao 1,5m; rộng 0,82m; dày 0,18m. Trán bia hình bán nguyệt cao 0,2m, ở mặt trước trán bia trang trí chạm nổi “Lưỡng long chầu nhật” và hình mặt trời, bao quanh là mây lửa. Mặt trước khắc Hán tự "Thể tồn bi ký", nghĩa là Bia gìn giữ bảo tồn truyền thống tộc họ. Ở đầu và cuối của dòng chữ này chạm hình hai con chim phượng trong tư thế nhìn nghiêng đang sải cánh, kích thước giống nhau chầu hai bên. Suốt độ dày của bia từ chân đế đến đỉnh có hình trang trí một bên Rồng chầu và bên kia Hổ phục, với phần đuôi các con vật hướng lên trên, xung quanh điểm xuyết hình mây đao lửa. Diềm bia soi gờ nổi xung quanh, hoa văn trang trí loại dây lá. Hai cạnh bên của thân bia là đôi câu đối được viết theo kiểu cỡ chữ to, phiên âm: 

An trấn Thuỷ Môn đình đình tiền thuỵ lục.
Tỏa thược Thiên Nam giới giới hạn thiên thu.

Dịch nghĩa:
Gìn giữ đình Thuỷ Môn, trước đình đường quanh suối lượn.
Khoá chặt ải Nam Quan, quan ải phân định sách trời.

Ngay dưới đôi câu đối chạm nổi hình đôi hạc (cao 40cm, giống hệt nhau về hình dáng, kích thước) tư thế chân đứng thẳng, đầu ngẩng cao, mỏ ngậm cành sen đứng trên lưng rùa, đối xứng nhau. Sát chân bia có một đường diềm trang trí cúc dây. Bia có chân mộng hình chữ nhật cao 0,17m; dài 0,6m;  rộng 0,15m để lắp vào đế bia trên lưng một con rùa đá lớn. 

Phần lớn diện tích mặt trước của bia khắc chìm chữ Hán bài ký với chủ đề “Liên kết để tồn tại”. Đô đốc Nguyễn Đình Lộc đã ghi lại những việc làm để đoàn kết các tầng lớp nhân dân chung sức bảo vệ vững chắc biên cương Tổ quốc. Mặt sau của bia tạc khá đơn giản, chỉ có chữ mà không có hình trang trí. Chính giữa khắc chìm ba chữ Hán theo lối đại tự, bố trí theo chiều dọc: “Thủy Môn Đình” (Đình Thủy Môn). Bên cạnh ghi tên những người đã đóng góp dựng bia.

Giá trị đặc biệt của tấm bia chính là nội dung văn bia chứa đựng tư liệu vô cùng quý giá về tên gọi, chủ quyền lãnh thổ của đất nước ở nơi địa đầu Tổ quốc. Trong văn bia có câu “Việt Nam hầu thiệt. Trấn Bắc ải quan” nghĩa là Đây là cửa ngõ và yết hầu của nước Việt Nam và là ải quan trấn giữ phương Bắc. Vách đá giữa trời đất, quận sâu nơi biên giới. Ấp thiêng xứ Đồng Đăng.

Toạ độ

Retrieving
 

Hình ảnh [xem cả trang] [Google Images]




 © Hiện tại bia đã được dời về bảo tàng Lạng Sơn




 © Hai chữ "Việt Nam" trên bia Thủy Môn Đình







 © Cạnh bia một bên chạm rồng, một bên chạm hổ



Bài viết



Liên kết [Google search]



Bình luận

Lưu ý: chúng tôi không chịu trách nhiệm về nội dung các bình luận của bạn đọc
Bia Thuỷ môn đình (1670)
Địa chỉ QL1A, tt. Đồng Đăng, Cao Lộc, Lạng Sơn, Vietnam
Thêm bởi admin
Vào ngày 2016-05-10 07:28:09
Các thành viên
Thời tiết tại đây  ...
Các địa điểm gần nhất