|
|
Hình ảnh đình Phú Nhi được in trên bưu thiếp. Ảnh: Tư liệu |
Trong số những tấm ảnh xưa nhất được Sác-lơ Ê-đua Hốc-qua, một bác sĩ trong quân đội viễn chinh Pháp chụp năm 1884, chụp về "đình Đoài" mà cụ thể là ở vùng đất Sơn Tây xưa, có bức hình chụp một công trình kiến trúc được ghi chú là "chùa Phú Nhi gần Sơn Tây". Về sau, công trình kiến trúc này còn được người Pháp chụp lại nhiều lần để in bưu thiếp gửi khắp nơi. Ngày ấy bưu thiếp rất phổ thông và đa dụng. Người ta sử dụng bưu thiếp với nhiều mục đích về chính trị như truyền bá một tư tưởng hay hình ảnh một lãnh tụ, hoặc phát triển nghệ thuật, thương mại, quảng bá du lịch...
Có điều là công trình kiến trúc này khi thì họ chú là chùa Phù Xa (pagode de Phu Xa), khi thì chú là chùa Văn Miếu (pagode de Van-Méou). Lý do là những ngày đầu người Pháp mới sang nước ta, họ không thể phân biệt được giữa đình, chùa và miếu nên đã gọi chung tất cả là chùa (pagode). Phú Nhi, công trình kiến trúc này đồ sộ, lại có tính nghệ thuật cao, dễ làm người ta lầm tưởng đây là Văn Miếu Sơn Tây.
Thực ra hình ảnh trong bưu thiếp là cổng của đình Phú Nhi. Trải qua bao thời gian, bao cuộc chiến tranh, nhiều biến động khắc nghiệt của lịch sử, đình vẫn giữ được nét văn hóa đậm đà bản sắc dân tộc, dù cho cảnh quan có nhiều thay đổi. Nhìn vào những tấm ảnh xưa, ta thấy có hai cây cổ thụ, một ở phía ngoài, một ở phía trong cổng đình. Để hiểu sâu hơn về những tấm hình này, chúng tôi tìm đến, hỏi những người quản lý. Theo ông Cát Văn Giảng, Trưởng ban quản lý Cụm di tích đình-đền Phú Nhi thì phía ngoài là cây gạo, năm 1936, ông Phó Cấn đến sửa đình đã chặt cây gạo này đi. Theo cụ Tô Văn Xứng (sinh năm 1921) nói lại thì cây bên trong là cây muỗm.
Căn cứ vào tư liệu về địa chí Sơn Tây và theo lời kể của các cụ cao niên trong làng, đình Phú Nhi được xây dựng vào năm 1827, sau khi xây dựng xong Thành cổ Sơn Tây 5 năm. Với quy mô lớn, khang trang, nổi tiếng nhất vùng nên người dân trong vùng còn gọi đình Phú Nhi là Đình Cả.
Theo ông Cát Văn Giảng và ông Tô Xuân Quỳ trong Ban quản lý Cụm di tích đình-đền Phú Nhi thì trước đây có hai ngôi đền, đền Thượng thờ Thánh Mẫu Liễu Hạnh, đền Hạ thờ Tản Viên Sơn thần, nhưng sau năm 1992 chuyển cả về khu đất của đình thành Cụm di tích đình-đền Phú Nhi, có diện tích 4.419m3.
Hiện nay, đền Phú Nhi còn lưu giữ được bản sắc phong ca ngợi công đức của Thánh Mẫu Liễu Hạnh do vua Tự Đức ban vào năm 1846. Trong Cụm di tích đền-đình Phú Nhi còn lưu giữ được tấm bia đá ghi tên 61 vị khoa bảng, cùng tên các chức sắc trong làng.
Bài ký văn bia nói rằng: "Đạo cổ trong trời đất, từ xưa đã hiển hành trong vũ trụ rộng lớn. Bia đá có thể không lập, trời đã truyền đạo ấy... nên chi bằng hãy ghi lại vào bia đá này để giữ mãi. Dân làng xã ta vốn có từ xưa bên châu thổ sông Hồng, dân ta lần ấy đã di chuyển tới đây vào năm Đinh Hợi. Thật may mắn.
Thầy địa lý họ Trần đã chọn đất này lập làng mới, từ đó được đặt yên vị lập nghiệp ở đây. Văn từ vẫn còn cao vời vợi. Văn từ sắp đặt tòa ngang dãy dọc, trấn cứ một vùng, là nơi dân xã sùng hính, tế tự quanh năm."...
Không chỉ là nơi thờ tự, đình-đền Phú Nhi còn là nơi diễn ra lễ hội rước nước hiếm thấy trong các lễ hội truyền thống Việt Nam. Lễ rước nước ở đình Phú Nhi cùng với các vùng lân cận đi vào tâm thức của mỗi người dân nơi đây: "12 rước nước Phú Nhi/ 13 Thanh Trì/ 14 Phù Sa/ 15 trảy hội đền Và/ Có đi anh đợi, có ra anh chờ". Ngày 25 tháng Chạp hằng năm, dân làng thường tổ chức lễ "phụng nghinh": Rước thánh từ miếu về đình.
Đến ngày 12 tháng Giêng, làng lại tổ chức lễ Yết cáo, đây được coi là ngày hội chính của đình-đền Phú Nhi. Nhân dân trong làng lấy nước từ sông Hồng về "tắm Thánh" bằng nhiều thuyền được trang hoàng cờ hoa đẹp đẽ. Ngày 13 tháng Giêng là ngày tiệc chính của đình với nhiều lễ vật. Đến ngày 16 tháng Giêng, dân làng lại làm lễ tế tạ, sau đó rước thánh về yên vị ở đình và đóng cửa đình.
|
Cổng đình Phú Nhi ngày nay. |
Phú Nhi xưa là một ngôi làng ở ngoại ô Sơn Tây, tỉnh Hà Tây. Phú Nhi (còn gọi là Bần Nhi) là tên thôn cổ, thuộc tổng Cam Giá Thịnh được gọi là Cam Thịnh, huyện Quảng Oai, trấn Sơn Tây. Sau năm 1945, Phú Nhi cùng với các làng Yên Thịnh, Thuần Nghệ, Phù Sa, Thiều Xuân, Tiền Huân, Hồng Hậu lập thành xã Viên Sơn thuộc huyện Phúc Thọ.
Năm 1982, Viên Sơn thuộc về thị xã Sơn Tây; năm 2000, Phú Nhi cùng với các thôn Yên Thịnh, Phú Mai, Hồng Hậu được tách khỏi xã Viên Sơn sáp nhập vào phường Phú Thịnh, cho đến nay vẫn thuộc thị xã Sơn Tây, TP Hà Nội. Nhắc đến Phú Nhi ngày nay, du khách không thể quên hai loại bánh đặc sản của làng là bánh dợm và bánh tẻ. Thú vị hơn khi được nghe những truyền thuyết và giai thoại nói về nguồn gốc của hai loại bánh này.
Biết thêm về ngôi đình có quy mô hoành tráng nhất một thời, biết thêm về lịch sử - văn hóa làng xã Phú Nhi, cho chúng ta một cái nhìn gợi mở về truyền thống huy hoàng của vùng đất xứ Đoài, một vùng đất "địa linh nhân kiệt", mà ngày nay đã được gắn vào vùng đất đế đô Thăng Long để hợp thành bản sắc phức hợp của cả vùng đất Thủ đô mở rộng.