ĐỀN MẪU HƯNG YÊN
Theo “Đại Nam nhất thống chí”, đền được khởi dựng vào thời vua Trần Nhân Tông, niên hiệu Thiệu Bảo nguyên niên (1279). Trải lịch triều sắc tặng tôn phong cùng với đó là nhiều lần tu bổ, kiến trúc hiện nay được bảo tồn từ đợt trùng tu năm Thành Thái thứ 8 (1896). Đền là một trong những dấu mốc quan trọng liên quan đến việc hình thành và phát triển của Phố Hiến - Hưng Yên.
Đền Mẫu Hưng Yên thờ Dương Quý Phi, được tán xưng là Dương Thiên Hậu. Đền được xây trên đất làng Hoa Dương nên tên chính của đền là "Hoa Dương Linh Từ". Theo sử sách và Ngọc Phả truyền lại, thì bà là Thái hậu nhà Tống. Năm 1279, quân Nguyên xâm lược nước Tống, vua và hoàng tộc xuống thuyền chạy về phương Nam. Trên đường chạy, họ bị tướng nhà Nguyên là Trương Hoằng Phạm bắt được. Vua Tống cùng một số phi tần không chịu khuất phục đã nhảy xuống biển tuẫn tiết, xác của Dương Quý Phi trôi vào bãi cát, được nhân dân chôn cất chu đáo và lập đền thờ. Theo tư liệu truyền lại có vị thái giám họ Du thời nhà Tống. Ông là người từng phục vụ nhiều năm trong cung vua Tống, đã đứng ra hưng công xây đền thờ bà Dương Quý Phi, đặc biệt, ông đã có công lao hướng dẫn nhân dân địa phương làm nghề buôn bán, canh nông, trồng trọt, đánh cá, nhân dân nhờ vậy mà sống ấm no, hạnh phúc, làng quê dần trở thành một đô thị sầm uất, "thứ nhất Kinh kỳ, thứ nhì Phố Hiến". Để nhớ ơn ông, người ta cũng lập một ngôi đền thờ mà nay chính là đình Hiến!
Đền Mẫu Hưng Yên còn lưu giữ nhiều hiện vật thời Lê - Nguyễn như tượng thờ, kiệu, sắc phong... Trước sân đền là ba cây cổ thụ gồm: si, đa, sanh quấn quýt vào nhau thành 3 giốc 1 thân rất độc đáo. Theo nhận định của các nhà khoa học thì cây khoảng 600 đến 700 tuổi.