Tất cả » ĐB sông Hồng » Hà Nội » Huyện Thường Tín » Lăng mộ Quận Vân »
Tải lại

Lăng mộ Quận Vân


Liên quan tới: Lăng Quận Vân

Đã 7 năm được công nhận di tích lịch sử quốc gia và được đánh giá là một quần thể di tích giàu giá trị lịch sử, thế nhưng khu lăng mộ đá Quận Vân (xã Vân Tảo, huyện Thường Tín, Hà Nội) đang phải kêu cứu…

Khu lăng mộ bị hoang phế

Theo lời kể của người dân nơi đây, khu lăng mộ đá Quận Vân được xây dựng từ năm 1734 nhưng đã từng bị trận lũ lịch sử năm 1914 nhấn chìm. Sau thời điểm đó, người ta vẫn nghĩ khu lăng mộ đã bị cơn lũ cuốn đi. Thế nhưng, qua nhiều năm bị quên lãng, khu lăng mộ ẩn sâu dưới lòng đất bất ngờ được phát lộ vào năm 1985, trong khi người dân xã Vân Tảo cải tạo lô đất có chứa di tích này để canh tác.

Di tích nằm trơ vơ giữa ruộng lúa

Di tích nằm trơ vơ giữa ruộng lúa


Ngay sau khi có thông tin phát lộ di tích này, nhiều nhà khảo cổ đã tận nơi để xem xét và đã xác nhận di tích này cùng với một lăng mộ khác ở tỉnh Thừa Thiên-Huế là hai công trình lăng mộ bằng đá độc đáo hàng đầu ở Việt Nam. Vì thế, đến năm 1989, UBND tỉnh Hà Sơn Bình (cũ) ra quyết định công nhận Khu lăng mộ đá Quận Vân là Di tích văn hóa cấp tỉnh. Tiếp đến năm 2002, Bộ Văn hóa - Thông tin (cũ) đã công nhận và xếp hạng Khu lăng mộ Quận Vân là Di tích lịch sử văn hoá cấp quốc gia.

Theo quan sát của phóng viên khi tiếp cận khu di tích này, đây là một quần thể di tích đẹp với nhiều công trình bằng đá được chạm trổ tinh vi, tỉ mỉ đến từng chi tiết. Phía ngoài có một con chó đá đang tạc dở, tiếp đó là hai chiến binh tay cầm gươm đao, mũ, áo chỉnh tề, cao khoảng 1,5m. Đến khu giữa của di tích là 2 án thư đá và 2 ngai đá (đều cao khoảng gần 2m, rộng 1,2m, dài 2,4m) được chạm trổ theo hình “long mã chầu nguyệt”. Ở mỗi bên có 2 con voi phục và 2 con ngựa chiến, phía trong cùng là 2 con nghê đá đứng chầu trước nhà bia 8 mái với chiều cao gần 1,8m, được dựng lên bởi hàng chục phiến đá to chạm trổ hình rồng, phượng nổi, chìm. Có thể nói, mỗi tượng đá là một tác phẩm nghệ thuật độc đáo, tinh xảo. Theo các chuyên gia khảo cổ, để có được những bức tượng đá này, các nghệ nhân thời xưa phải kỳ công đẽo gọt từ những tảng đá nặng từ 7 đến 10 tấn trở lên. Cho đến nay, người dân nơi đây vẫn không hiểu việc quần thể lăng mộ đá đồ sộ này được vận chuyển đến đây bằng cách nào?

Khi mới được phát lộ, có rất nhiều lời đồn đại bí ẩn xung quanh khu lăng mộ này như: có xuất hiện rắn thần, khu lăng mộ là chùa nổi…nên đã thu hút nhiều khách thập phương kéo đến thăm quan. Thế nhưng, theo thời gian, khu lăng mộ đá từng được đánh giá độc đáo bậc nhất Việt Nam này đang dần bị rơi vào quên lãng và xuống cấp nghiêm trọng.

Khi chúng tôi đến, khu lăng mộ không có một du khách nào đến thăm và xem ra thường ngày vẫn vậy. Bao trùm nơi đây là quang cảnh đìu hiu, vắng vẻ và sự hoang phế, xuống cấp của khu di tích. Suốt nhiều năm nay, cả quần thể di tích này chỉ được chăm sóc bởi người trông nom duy nhất là ông Trương Văn Tuân, năm nay đã 80 tuổi và một số ít người dân làng đến thăm vào những dịp mùng 1, ngày rằm…

Qua tìm hiểu, chúng tôi được biết, sau 20 năm được khai lộ và 7 năm được xếp hạng Di tích quốc gia nhưng khu lăng mộ chưa một lần được trùng tu, cải tạo. Giờ đây, tuy không còn nguy cơ bị vùi lấp bởi phù sa hay đất cát nhưng khu lăng mộ đang đứng trước nguy cơ bị quên lãng và hoang phế dần theo thời gian.

Bị ruộng lúa xâm lấn…

Quan sát của phóng viên cho thấy, hầu hết các bức tượng đá đều đã bị sứt sẹo, bào mòn. Mũi chiến binh bị sứt, đuôi 2 con voi, mũi chó đá và ngà voi đều bị gãy. Đầu nghê đá thì nham nhở. Một số người dân quanh vùng đã dùng xi măng để trát và đắp lại, song đó chỉ là biện pháp tạm thời vì phần trát thêm không phù hợp, thậm chí còn làm các bức tượng nhem nhuốc hơn.

Các bức tượng đá đều bị sứt sẹo, nham nhở

Các bức tượng đá đều bị sứt sẹo, nham nhở


Hơn thế nữa, nhiều đồ đạc lỉnh kỉnh như chai lọ, gạch ngói, thùng đựng… bị vứt ngổn ngang trong những khe tượng đá hay trong nhà bia tám mái trông rất mất mỹ quan. Theo lời giải thích của ông Tuân thì đống gạch đó để ông tự tạo những ô trồng hoa quanh di tích, còn các đồ đạc khác như chai lọ, thùng đựng thì cất vào đấy cho… gọn (!?). Tuy được tạo nên với thiện chí muốn làm đẹp cho khu di tích của ông Tuân, nhưng những chậu hoa được quét vôi ve xanh đỏ nằm rải rác thực sự không hợp với cảnh quan của khu di tích. Tệ hại hơn, giờ đây khu lăng mộ đã bị người dân quanh vùng xâm lấn bằng cách trồng lúa xung quanh. Do vậy, tuy được công bố có diện tích lên đến 2000m² nhưng thực tế khu di tích đã bị thu hẹp rất nhiều.

Hiện nay, những hoa văn chạm trổ trên đá và các văn tự có giá trị lịch sử cao tại nhà bia trong khu lăng đều đã mờ, một số bị hư hỏng. Do nằm ở vùng trũng nên năm nào quần thể lăng cũng bị chìm ngập vài lần. Là người đã có thâm niên chăm sóc khu di tích, ông Tuân cho biết: “Từ ngày lăng lên di tích lịch sử quốc gia cũng không có gì đổi khác, chúng tôi chưa hề nhận được đồng tiền nào từ trên rót xuống để trùng tu, cải tạo. Khu lăng đá cũng chưa một lần được tu sửa hay nâng cấp. Đứng trước cha ông, tôi thề làm việc bằng tấm lòng mà tự tạo và tu sửa cho lăng”.

Nhiều đồ đạc lỉnh kỉnh bị vứt ngổn ngang trong khu di tích

Nhiều đồ đạc lỉnh kỉnh bị vứt ngổn ngang trong khu di tích


Mặc dù chỉ được nhận số tiền trợ cấp ít ỏi (60 nghìn đồng/1tháng), ông Tuân vẫn không quản ngại ngày ngày chăm sóc, nhổ cỏ, thu dọn cho khu lăng. Tất cả những cây hoa được trồng xung quanh quần thể này đều do một mình ông Tuân tự trồng và chăm sóc, tiền điện cũng được chi trả bằng số tiền cá nhân. Ông Tuân cho biết, thậm chí số tiền công đức ít ỏi mà người dân đóng góp cho khu lăng cũng bị mang đi tu bổ cho di tích khác (!?).

Ai cũng biết nhưng không ai làm?

Vân Tảo có đến 5 di tích cấp quốc gia, 5 cấp tỉnh, nhưng Phó Chủ tịch UBND xã, ông Nguyễn Văn Lựu, hầu như không nắm được con số nào về khu lăng mộ đá Quận Vân. Cán bộ văn hoá xã Đỗ Văn Hùng thì cũng trong tình trạng tương tự khi không có một tài liệu nào về di tích với lí do rất khách quan, bởi… không có ai bàn giao?! Chính bản thân anh Hùng cũng thừa nhận: “Tại xã hiện nay có quá nhiều di tích vì thế địa phương cũng không chú trọng lắm đến khu lăng mộ đá vì không có đủ điều kiện. Mặc dù cũng có phản ánh lại với báo chí về tình trạng xuống cấp của khu lăng mộ nhưng xã cũng chưa một lần đề nghị cải tạo, tu sửa lên trên bằng công văn”.

Hiện Vân Tảo vẫn đang tiếp tục đề nghị một số di tích mới được xếp hạng lên cấp quốc gia nhưng xem ra những di tích cũ lại chưa được quan tâm đúng mức. Lãnh đạo xã khẳng định khu lăng mộ đá Quận Vân là một di tích mang tính cao cấp độc đáo hơn cả nhưng lại chưa được cải tạo và bảo quản vì những di tích khác xuống cấp trầm trọng hơn, đây cũng vì là quần thể bằng đá nên xã cũng... chịu.

Bác Trương Thanh Trì, một người dân sống lâu năm gần khu lăng mộ bộc bạch: “Chúng tôi cũng muốn cấp chính quyền quan tâm hơn đến khu lăng mộ đá này vì chúng là một quần thể đẹp, giàu giá trị lịch sử. Nhưng từ ngày khai lộ khu lăng hầu như chưa được cấp chính quyền nào quan tâm, ngoài một chút rầm rộ thời gian đầu. Nếu cứ để thế này khéo một ngày khu lăng lại bị xoá sổ một lần nữa mất”.

Dân biết, chính quyền cũng biết việc tối thiểu cần làm ngay là xây cổng, xây tường bao, thiết lập hệ thống thoát nước, cải tạo lại khu lăng… cho quy củ hơn nhưng lại không có ai làm. Một người trông nom tâm huyết như ông Tuân hàng tháng được nhận có 60 nghìn đồng trợ cấp cũng chỉ có thể dọn dẹp, nhổ cỏ, trồng thêm cây cảnh….cho khu lăng mộ. Trong khi đó, chính quyền cấp xã thì bảo không có kinh phí, cấp cao hơn nữa có lẽ không biết đến thực trạng xuống cấp của di tích. Nếu không có giải pháp nào kịp thời, e rằng chẳng bao lâu nữa Khu di tích lăng mộ đá Quận Vân sẽ trở thành…phế tích./.