Không chỉ là một công trình thủy điện, hồ Núi Cốc còn là một khu du lịch sinh thái, một địa điểm du lịch có tiếng thuộc xã Tân Thái, thị trấn Ðại Từ, tỉnh Thái Nguyên (cách Hà Nội khoảng 90 km).
Một góc Hồ Núi Cốc
Những ngày cuối đầu xuân, tôi tìm về hồ Núi Cốc để khám phá nơi được mệnh danh là “vịnh Hạ Long đất” của tỉnh Thái Nguyên. Qua những cung đường ngoằn ngoèo, thon nhỏ như những dải lụa, với những đồi chè xanh mướt, cảnh hồ Núi Cốc dần hiện hữu trong mắt tôi với vẻ đẹp đầy thơ mộng. Phía xa xa, một con thuyền độc mộc chậm rãi lướt nhẹ trên mặt hồ. Những ngôi nhà ngói ẩn mình, xen lẫn vào màu xanh của đồi chè, của hồ nước. Một chiếc lưới buông thõng xuống mặt hồ, lặng im phăng phắc. Cảnh vật tĩnh lặng, pha chút gió xuân càng trở nên tình tứ, êm đềm.
Dạo bước trên bãi đất gần mặt hồ, phóng tầm mắt nhìn ra những đảo lớn, đảo nhỏ mới thấy cảnh hồ Núi Cốc chẳng khác một bức tranh thủy mặc. Những hòn đảo trở nên mờ ảo bởi sương mù bao phủ. Hàng tre ngà với đầu ngọn cong vút như tô điểm thêm cho mặt hồ Núi Cốc một vẻ mềm mại, hữu tình. Mặt nước xanh trong, gợn sóng lăn tăn từ chiếc thuyền đạp vịt bé xíu, làm tôi nhớ đến mấy câu hát quen thuộc của nhạc sĩ Phó Đức Phương: “Bồng bềnh (ơ) bồng bềnh, chòng chành (ơ) chòng chành/ Thuyền gặp khách say gió ngàn, thuyền trôi, thuyền trôi mái chèo khua gương nước” (Huyền thoại Hồ Núi Cốc).
Và trong mạch suy tư, câu chuyện tình về huyền thoại nàng Công, chàng Cốc như ùa về. Cốc là tên một ngọn núi cao, đứng sừng sững, hiên ngang. Công là tên con sông uốn lượn hiền hòa. Tên núi tên sông là tên đôi trai gái. Chàng trai ở địa vị thấp hèn, cô gái ở địa vị cao quý. Hai thân phận trái ngược dưới thời phong kiến đã không thể nên duyên vợ chồng. Mối tình không thành ấy đã để người đợi (Công) biến thành sông và người chờ (Cốc) hóa thành núi. Dù mùa lũ, con sông Công vẫn cố dâng nước lên trái núi, nhưng núi vẫn riêng, sông vẫn riêng. Hàng năm, hai bờ sông Công hoa mua tím nở rực rỡ đã trở thành biểu tượng của mối tình thủy chung, son sắt. Câu chuyện tình dân gian nghe như nửa hư, nửa thực nhưng suy cho cùng vẫn là triết lý ngàn đời về nghĩa tình của con người.
Nhiều người đã từng biết đến những câu chuyện lịch sử ở hồ Núi Cốc, như sông Công có núi Văn, núi Võ, núi Quần Ngựa, nơi mà hơn 600 năm về trước từng là bãi chiến trường diễn ra những trận đánh giữa tướng quân Lưu Nhân Chú với quân giặc nhà Minh, góp phần làm nên chiến thắng Chi Lăng lịch sử. Rồi đến thời chống thực dân Pháp, dưới lòng hồ Núi Cốc và cả vùng núi rừng bao quanh từng là căn cứ cách mạng. Bên phía Tây hồ Núi Cốc từng là nơi ở và làm việc của cơ quan Văn hóa cứu quốc trong nhiều năm chống Pháp. Cũng tại đây, tác phẩm “Nhật ký ở rừng” của nhà văn Nam Cao đã ra đời...
Còn biết bao câu chuyện về hồ Núi Cốc hoặc được thêu dệt hoặc là sự thật vẫn được lưu truyền. Dẫu vậy, dù là hư hay ảo, thì với tôi, hồ Núi Cốc vẫn là chính nó, một nơi yên ả và bình lặng để có thể thư thái, trút bỏ mọi lo toan, bận rộn của cuộc sống đô thành.
Hồ Núi Cốc là một công trình thủy điện được xây dựng từ năm 1973 để điều tiết nước sông Công tưới cho vùng lúa 3 tỉnh Thái Nguyên, Bắc giang, Bắc Ninh. Hồ rộng 2.600 ha, độ sâu tới 50m với 89 hòn đảo lớn nhỏ. Tại đây, du khách có thể tham quan các nơi như Động Huyền thoại cung, Nhà nghỉ Ba Cây Thông, Khu vườn thú, khám phá Động cổ tích và Âm phủ, vui chơi ở Công viên nước, dạo thuyền trên mặt hồ… |
Một số hình ảnh thơ mộng của Hồ Núi Cốc
Chiếc thuyền độc mộc lướt nhẹ trên mặt hồ
Cổng vào khu du lịch Hồ Núi Cốc
Những đảo lớn, đảo nhỏ mờ ảo trong màn sương bao phủ
Hồ và đảo Núi Cốc nhìn từ những búi tre ngà
Ngắm những chú hươu trong vườn thú Núi Cốc
Trên cạn có sân khấu nhạc nước và Nhà nghỉ Ba Cây Thông, nơi du khách có thể tham quan và khám phá những điều kỳ thú
Đi bộ bên hàng tre trong khuôn viên hồ
Những cánh cò chao nghiêng trên bầu trời Núi Cốc
Tố Vũ