Tướng quân Phạm Bạch Hổ có tên tự là Phạm Phòng ất, Người sinh ra trong một gia đình nông dân - thương nhân tại trấn Đằng Châu, ngày 10 tháng giêng năm Canh Ngọ (910). Thân phụ của Người là Phạm Lệnh Công, nguyên quán tại Trà Hương, huyện Kim Thành, lộ Nam Sách, Hải Dương. Ngay từ nhỏ Phạm Phòng ất đã nổi tiếng hiếu học, có tư chất thông minh, tính tình nóng nẩy nhưng hết sức cương trực.
Người lớn lên đúng vào lúc người anh hùng Dương Diên Nghệ đứng lên đánh đuổi quân Nam Hán khỏi thành Đại La năm Tân Mão (931), giành lại chính quyền, xưng Tiết Độ Sứ. Dương Diên Nghệ nguyên là một nha tướng của họ Khúc. Là một họ lớn ở đất Hồng Châu, họ Khúc (gồm Khúc Thừa Dụ, Khúc Hạo (là con), và Khúc Thừa Mỹ (là cháu), quê làng Cúc Bồ, Thanh Miện, Hải Dương, đã có công đầu trong việc khôi phục quyền tự chủ cho dân Việt ta từ năm 906 đến năm 923. Sau nước ta lại bị quân Nam Hán xâm chiếm.
Để thu phục nhân tài, Dương Diên Nghệ gả con gái cho Ngô Quyền (897 – 944) và giao cho cai quản Châu ái (tức vùng Thanh Hóa ngày nay). Năm Đinh Hợi (927), vừa bước vào tuổi 18, Phạm Phòng ất đã là hào trưởng đất Đằng Châu, và đã tham gia ngay từ buổi đầu dựng nghiệp của Nhà Ngô. Năm Đinh Dậu (937) Người đem một nghìn quân của mình đến hợp binh với Ngô Quyền ở Gia Viên thuộc Châu ái. Với trí thông minh và tài thao lược của mình, Người được Ngô Quyền rất mực tin yêu. Cũng năm ấy, Kiều Công Tiễn, nha tướng của Dương Diên Nghệ, giết Diên Nghệ, hòng đoạt chức Tiết Độ Sứ, Kiều Công Tiễn với mưu đồ củng cố thế lực cá nhân, đang tâm “cõng rắn cắn gà nhà”, đi cầu cứu quân Nam Hán, để chúng có cớ đem quân sang xâm lược nước ta một lần nữa.
Ngô Quyền đã nhanh chóng tập hợp lực lượng. Để có thể rảnh tay tập trung chống ngoại xâm, đầu mùa đông năm Mậu Tuất (938), Ngô Quyền cử Phạm Bạch Hổ, Đỗ Cảnh Thạc, Dương Tam Kha (em vợ Ngô Quyền, con Dương Diên Nghệ) và Ngô Xương Ngập (con cả Ngô Quyền) đem năm nghìn quân vượt đèo Ba Dội, tiến ngay về Đại La để trừ khử tên phản phúc đó. Chính Phạm Bạch Hổ đã chém chết Kiều Công Tiễn, giải phóng thành Đại La, bêu đầu tên phản bội ngoài cổng thành, tạo thế cho Ngô Vương lên ngôi, để có danh chính ngôn thuận cho cuộc kháng chiến.
Tháng 12 năm Mậu Tuất (938) trong trận Bạch Đằng nổi tiếng (trận Bạch Đằng đầu tiên trong lịch sử nước ta), mà chiến công còn vang vọng mãi đến ngày nay, chính Phạm Bạch Hổ là Tướng Tiên phong đi nhử quân giặc – do đích thân thái tử, con vua Nam Hán là Lưu Hoằng Tháo chỉ huy, lọt vào khu vực mai phục và cắm sẵn cọc ngầm của quân ta. Rồi dưới sự chỉ huy của Ngô Vương, Phạm Bạch Hổ đã cùng chư tướng Phạm Cự Lãnh, Đinh Công Trứ, Trần Lưu và cả Kiều Công Chuẩn (con Kiều Công Tiễn) đánh cho quân Nam Hán phải tan tác, kinh hồn... Lưu Hoằng Tháo chết tại trận. Vua Nam Hán là Lưu Cung, đang áp quân ở phía Nam Quảng Tây, sát biên giới nước ta, để yểm trợ cho con, cũng hoảng hốt bỏ chạy ngay về Phiên Ngung, không dám sang quấy nhiễu nữa.
Năm Giáp Thìn (944), Tiền Ngô Vương (Ngô Quyền) mất, Dương Tam Kha lợi dụng quyền nhiếp chính, đoạt ngôi vua, xưng là Bình Vương (945 – 950). Ngô Xương Ngập, con trưởng của Tiền Ngô Vương, phải lánh về nhà Phạm Lệnh Công ở Trà Hương, lộ Nam Sách Giang (Kim Thành, Hải Dương ngày nay). Năm Tân Hợi (951), trung thành với sự nghiệp Nhà Ngô, Phạm Bạch Hổ lại phò tá Ngô Xương Văn, con thứ của Tiền Ngô Vương, giành lại ngôi vua. Xương Văn xưng là Nam Tấn Vương, mời anh về cùng lên ngôi, là Thiên Sách Vương (đời sau gọi chung là Hậu Ngô Vương). Theo tư liệu dòng họ Ngô, đăng trên tạp chí “Xưa và Nay” (1998) thì Phạm Phòng ất còn là nhạc phụ của Ngô Xương Ngập nữa.
(còn tiếp) |