Thác Bản Giốc - báu vật muôn đời - Kỳ 1: Cột mốc 836
TT - Vượt gần 300km từ Hà Nội lên thị xã Cao Bằng, thêm gần 100km nữa để vào huyện lỵ Trùng Khánh và ngược về xã Đàm Thủy, thác Bản Giốc hiện ra ngỡ ngàng trong vẻ đẹp nguyên sơ và trinh bạch giữa núi rừng Việt Bắc.
Thác Bản Giốc, hơn cả một địa danh, hơn cả một thắng cảnh, cái tên ấy đau đáu một phần máu thịt người Việt với bao tháng năm dâu bể cùng nắng mưa miền biên ải...
|
Du khách ngắm thác Bản Giốc - Ảnh: Việt Dũng |
Cả một dải biên cương phía Bắc dài hơn 1.400km núi phủ mây phong, tấc đất nào không nhuốm mồ hôi xương máu tiền nhân? Có dòng suối, con sông, tên núi, tên làng... nào lại không vang lên lay động cõi lòng người Việt? Nhưng Bản Giốc lại khác, đó là nơi có một dòng thác đẹp vào hàng đệ nhất danh thác của Việt Nam.
Cảm xúc Bản Giốc
Ngày 14-1-2009, cột mốc cuối cùng được cắm trên địa phận biên giới tỉnh Cao Bằng tiếp giáp với Trung Quốc chính là cột mốc ở thác Bản Giốc - cột mốc 836 (2).
Ngay thời điểm đó Phó thủ tướng kiêm Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Gia Khiêm đã có bài viết “Việt -Trung xem xét hợp tác du lịch ở thác Bản Giốc”, nhấn mạnh hai bên (Việt Nam và Trung Quốc) sẽ ký một thỏa thuận cấp chính phủ về vấn đề hợp tác khai thác tiềm năng du lịch tại đây. |
“Thiên địa phong trần, hồng nhan đa truân”. Có lẽ điều đúc kết của cổ nhân cũng vận vào thác Bản Giốc này khi đã có bao thăng trầm dâu bể bởi nhan sắc kiều mị của chính mình. Khó có thể kể hết tâm lực và cả máu xương mà người lính biên phòng và nhân dân miền non nước Cao Bằng đã đổ ra để bảo vệ và gìn giữ tặng vật mà thiên nhiên ban cho miền đất này. Và những câu chuyện ấy, có khi rất nhiều năm sau nữa thế hệ con cháu mới bình thản ngồi nghe kể lại...
Thác Bản Giốc, từ năm 1922 đã được miêu tả trong tư liệu của Sở Địa chất Đông Dương thế này: “... Đây là một vùng đẹp nhất của Tonkin (tức miền Bắc), nếu không vì xa xôi và phương tiện lưu thông khó khăn nó rất xứng đáng để du khách đến thăm viếng với những hang động, những cây cầu chữ Z bắc lên những tảng đá băng qua sông, và nhất là cái thác hùng vĩ, gọi là thác bậc thềm có tên Tu Tong (Tụ Tổng) được người châu Âu biết đến nhiều qua tên thác Bản Giốc”. (Bulletin du service géologique de l’Indochine - 1922, trang 34).
Giờ đây, đối diện với dòng thác đang tung bọt ngang trời kia, một cảm xúc rất lạ chợt dâng lên nghẹn cứng lồng ngực chúng tôi. Ấy chính là xúc cảm chủ quyền, là cảm thức đất mẹ, cái cảm thức vừa thiêng liêng như tình mẫu tử, vừa đau đáu nỗi dấu yêu với tấc núi tấc sông trong di huấn tiền nhân!
Cột mốc 836 đã cắm cả hai phía thác, bên phía Việt Nam là mốc 836 (2), bên đất Trung Quốc là mốc 836 (1). Đường biên giới đã phân định đi từ cột mốc 835 trên cồn Pò Thoong chạy xuống điểm giữa của mặt thác chính, rồi chạy dọc theo dòng chảy sâu nhất của sông Quây Sơn. Phía Việt Nam sở hữu phần thác phụ và một nửa thác chính, phía Trung Quốc sở hữu một nửa thác chính phía bờ bắc sông Quây Sơn. Cả mặt sông phía chân thác thành khu vực khai thác du lịch chung, khách từ Việt Nam hay từ Trung Quốc đều có thể lên bè, lênh đênh trên dòng Quây Sơn để ngắm thác từ nhiều góc độ.
Từ tỉnh lộ 206 đi vào phía Hạ Lang, thác Bản Giốc hiện ra trước mắt chúng tôi. Không may mắn gặp ngày nắng để nhìn cầu vồng bảy sắc hắt lên từ bụi nước của thác, nhưng sắc trời âm âm của biên cương chiều mưa với những áng mây sà thấp và bụi nước mờ mờ ngang triền núi đá, người thưởng ngoạn sẽ có cảm giác như dòng nước bạc từ trên độ cao hơn 50m rạch ngang mây trời, buông mình xuống với trần gian...
|
Cột mốc 836 (2) phía VN - Ảnh: GIA TIẾN |
Cột mốc bên triền thác
Sau cuộc làm việc với trung tá Luân Ngọc Cầu, đồn trưởng đồn biên phòng Đàm Thủy, chúng tôi theo chân đại úy Đinh Tiến Hóa, trưởng trạm biên phòng Bản Giốc, vào nơi trạm đứng chân.
Một thanh chắn của Công ty cổ phần Du lịch Cao Bằng dựng lên chênh chếch phía trước cổng trạm biên phòng ngay lối xuống thác để thu vé của du khách. Giá vé tham quan thác Bản Giốc chỉ 15.000 đồng/người lớn. Đối diện với thanh chắn là một tấm panô lớn với bản đồ quy hoạch chi tiết khu du lịch thác Bản Giốc được ghi nổi bật hàng chữ: “Quy hoạch tổng thể phát triển khu du lịch thác Bản Giốc - theo quyết định 134/QĐ TTg của Thủ tướng Chính phủ”. Số tiền dự kiến đầu tư từ đây đến năm 2020 lên tới 2.400 tỉ đồng.
Trên chiếc mảng của những người dân Bản Giốc làm du lịch, chúng tôi được đưa ra giữa dòng Quây Sơn, neo mảng thật lâu nơi chân thác để nghe bọt nước se lạnh thấm qua lòng mình những yêu thương với miền đất địa đầu biên ải.
Quanh chúng tôi là những chiếc mảng của khách du lịch Trung Quốc cũng đầy khách tham quan thác. Nước vẫn trôi như không có lằn ranh biên giới, mây vẫn vắt ngang những đỉnh núi trầm tư như chưa hề biết chuyện những tháng ngày đấu trí, đấu lực để gìn giữ giang sơn. Cột mốc nơi chân thác này sẽ là một chứng nhân lịch sử kể lại cho muôn đời sau...
Chàng trai chèo mảng chở chúng tôi tên Phương Đình Hoàn, dân tộc Tày, vốn là cư dân Bản Giốc trên sông Quây Sơn, Hoàn nói: “Từ thủa cha sinh mẹ đẻ đến giờ tôi mới thấy một cột mốc được xây dựng công phu như vậy”. Thật tình cờ, Hoàn sinh năm 1979. Ký ức tuổi thơ của Hoàn còn đọng lại hình ảnh những bãi bom mìn rải đầy khu vực thác, người dân chẳng dám lại qua, trâu bò lỡ lạc bước vào tạo nên những tiếng nổ át cả tiếng thác reo. Hoàn cũng có nhiều ngày tháng chứng kiến những vất vả của người lính biên phòng nơi đây trước khi diễn ra sự kiện trọng đại cắm mốc 836 (2).
Không chỉ có Hoàn say sưa và tự hào về Bản Giốc, mà từ lâu rồi nơi này đã trở thành tâm điểm để những trái tim người Việt từ năm châu bốn bể đau đáu vọng về.
Ngồi một lát ở phòng khách của trạm biên phòng Bản Giốc, chúng tôi đã cảm nhận được tình cảm từ khắp mọi miền đất nước dành cho những người lính biên phòng nơi đây: chiếc đồng hồ treo tường do đảng ủy Bộ Ngoại giao tặng, hai anh chiến sĩ biên phòng đang cắm cúi bên chiếc máy tính xách tay - quà của Hội Phụ nữ tỉnh Thái Nguyên mang lên, chiếc tivi và đầu VCD là quà của thanh niên thủ đô, những hàng cây cảnh xanh mướt ngoài sân cũng từ các địa phương dưới xuôi vượt đường xa lên tạo dáng cùng cây rừng...
Và một vinh dự nữa mà không phải trạm kiểm soát biên phòng nào cũng có được: hầu như lãnh đạo cao cấp nhất của Đảng, Nhà nước, Chính phủ và Quốc hội đều đã đến đây!
LÊ ĐỨC DỤC - VÕ VĂN THÀNH
-------------------------------------------------
Dựng cột mốc bằng đá hoa cương đã rất khó, nhưng dựng cột mốc trong lòng dân mới là thách thức trường tồn của những người lính biên phòng nơi miền biên viễn...
Kỳ tới: Yên dân, phên dậu muôn đời...