Trang chủ   |   Giới thiệu   |   Sơ đồ báo   |   English   |   Français  | 
Hôm nay, ngày 5 tháng 12 năm 2014
Tìm kiếm     

Ðiện thoại
  +084 8048916
+084 8048161
+084 8048160
Fax:08044175
e-Mail:
  dangcongsan@cpv.org.vn
bandoc.dcsvn@gmail.com
Lễ hội đình Quan Xuyên
16:45 | 01/12/2004
Quan Xuyên trước thuộc tổng Đại Quan, huyện Đông An, phủ Khoái Châu, tỉnh Hưng Yên. Thời Nguyễn, xã Quan Xuyên gồm ba thôn: Quan Xuyên, Lan Đình, Lan Xuyên. Từ năm 1956, thôn Lan Đình chuyển về xã Nhuế Dương, thôn Quan Xuyên thuộc xã Thành Công, Khoái Châu, Hưng Yên.
Theo truyền thuyết, thôn Quan Xuyên được hình thành vào thời nhà Lý (Lý Thái Tổ 1010-1028). Thời gian này, triều đình khuyến khích các binh lính và nhân dân khai khẩn đất hoang, lập làng ấp mới. Những cư dân đầu tiên theo sông Hồng về đến bãi ven sông, thấy đất đai phì nhiêu, lại tiện sông ngòi, đã khai khẩn đất đai, lập làng và đặt tên làng là Quan Xuyên (cửa sông).
Đình Quan Xuyên tọa lạc đầu làng, thờ Ngũ vị đẳng thần: Chử Đồng Tử và Nhị vị phu nhân (Tiên Dung công chúa và Tây Sa công chúa), Vũ Quang Chiếu, Phạm Công Nghi. Theo thần phả còn lưu giữ tại đình, Chử Đồng Tử và Nhị vị phu nhân có công khai phá đất đai, chăm lo đời sống, mở mang nghề nghiệp và chữa bệnh cho dân. Truyền thuyết Chử Đồng Tử - Nhị vị phu nhân gắn liền với mảnh đất Đông Yên (An) xưa và Khoái Châu nay. Vũ Quang Chiếu, người làng Quan Xuyên, giữ chức Tham tri Hình bộ đời Lê Chiêu Tông (1516-1522), được coi là người sáng tạo ra trò chơi vật lầu ở Quan Xuyên. Phạm Công Nghi, bạn thân và tướng đồng triều với Vũ Quang Chiếu, quê ở làng Vĩnh Niệm, huyện Nghi Dương, phủ Kinh Môn, tỉnh Hải Dương, được phong chức Thái bảo Đại tướng quân.
Tương truyền, đình được xây dựng khi Vũ Quang Chiếu và Phạm Công Nghi trở về làng Quan Xuyên, kết nghĩa anh em. Tại nơi tổ chức yến tiệc kết nghĩa, thấy thế đất đẹp, Vũ Quang Chiếu đã xây tòa đình để hội họp việc làng. Đến nay đình Quan Xuyên vẫn còn giữ được sự đồng bộ về kiến trúc. Đây là di tích duy nhất trong làng / xã không bị chiến tranh tàn phá, đã được công nhận di tích lịch sử văn hóa quốc gia năm 1989.
Đình nhìn hướng Tây, xung quanh có hào nước bao bọc, phía trước là sông Hồng. Bên phải, phía trước đình là cây đa có niên đại vài trăm tuổi. Giếng nước nằm ngay bên đầu hồi trái của đình, phía trước cửa chùa. Từ đường làng, qua cầu nhỏ dài khoảng 5m, rộng 3,5m tới cột đồng trụ, được xây dựng thời Nguyễn, cao 6m. Bước qua cổng, ta sẽ thấy một sân đình rộng, bốn góc có 4 cửa: Bắc môn, Nam môn, Đông môn và Tây môn.
Đình có kiến trúc gỗ, lợp mái mũi hài, bố cục theo kiểu chữ “Đinh”. Tòa tiền tế 5 gian, hai trái, kết cấu kiểu chồng rường giá chiêng. Trên các ván dong, con rường chạm nổi, chạm kênh bong hình đao lửa, tứ linh, tứ quý. Gian giữa ghép trần gỗ sơn son. Phía dưới có sàn gỗ, đã bị phá trong kháng chiến chống Pháp, chỉ còn dấu vết các đầu mộng. Nối liền hai bên gian trung từ và cung cấm là tả vu, hữu vu. Kiến trúc kiểu chồng rường đấu xen. Phía ngoài hậu cung là cửa bức bàn. Công trình hiện nay là thời Nguyễn. Một số mảng chạm khắc trên cốn, đầu bảy mang dấu ấn thời Hậu Lê.
Phía sau đình là miếu Thượng thờ Chử Đồng Tử và Nhị vị phu nhân; miếu Trung thờ Phạm Công Nghi; miếu Hạ thờ Vũ Quang Chiếu. Hiện các di tích này đã hư hỏng, đồ tế tự đều đã chuyển lên thờ ở đình chính. Ngoài ra còn có Chùa, xây dựng từ thế kỷ XVII; nhà Sắc, còn gọi là nhà Hội đồng, là nơi hội họp, bàn việc làng, nơi lưu giữ bản sắc của làng và sắc phong thần thành hoàng, khu lăng mộ Vũ Quang Chiếu.
Lễ hội đình Quan Xuyên tổ chức hàng năm từ mùng 10-16 tháng 2 âm lịch, trong đó 13-14-15 là ngày Phạm Công Nghi và Vũ Quang Chiếu kết nghĩa anh em. Theo các cụ kể lại, từ năm 1938 trở đi, cụ Cao Văn Linh (Phán Linh) làm thống phán tòa sứ Hưng Yên (quê ở làng Quan Xuyên) thấy dân làng tổ chức lễ hội hàng năm tốn kém, đã quy định cứ 3 năm tổ chức một lần. Theo lệ, cứ vào những năm Thìn - Tuất - Sửu - Mùi thì tổ chức lễ hội. Năm 1946 là năm cuối cùng dân làng tổ chức lễ hội, sau nhiều thập kỷ, đến năm 1991, lễ hội được khôi phục.
Tương truyền, lúc sinh thời, Vũ Quang Chiếu tậu rất nhiều ruộng đất để giao cho dân làng làm ruộng công bản. Ruộng công bản của giáp giao cho tráng đinh (từ 18 tuổi trở lên) canh tác hưởng hoa lợi. Người được canh tác luân phiên nhau làm lềnh của giáp và là đại diện của giáp chăm lo việc tế tự tại đình trong năm. Trước đây, trong thôn có 9 giáp: Nhất Tiền, Nhị Tiền, Nhị Hậu, Tam Đông, Tam Nam, Tam Trung, Tam Hậu, Tứ Lục, Ngũ Hậu. Các giáp nhận phần ruộng để canh tác thu hoa lợi và có trách nhiệm sửa soạn đồ lễ dâng thánh, kể cả lễ tiết thường và lễ tiết quan trọng trong năm. Trong lễ tiết tháng 2 và tháng 9 các giáp phải chuẩn bị lễ lợn, xôi, oản và gà, còn trong các tiết khác chỉ sửa một lễ xôi và một lễ gà.
Theo quy định, cứ hai năm, vào ngày 10-3 âm lịch, làng lại thay lềnh. Lềnh các giáp phải liên lạc thường xuyên với Hội đồng hương lý và Hội đồng tộc biểu để tổ chức và phân công việc tế lễ trong các lễ tiết và lễ hội chính. Mỗi tiết trong năm, làng trích công quỹ 3 đồng giao thêm cho lềnh các giáp chuẩn bị lễ vật tế thần. Trong ngày lễ hội chính vào tháng 2 âm lịch, lềnh các giáp được tham gia mọi công việc liên quan đến lễ hội.
Làng dành 6 mẫu ruộng để làm lễ Thượng Tân, 1 mẫu 2 sào để sửa lễ Kỳ An. Số ruộng đất đó cứ 2 năm đấu giá một lần, lấy tiền bỏ vào sổ chi thu để chuẩn bị lễ vật vào dịp sóc vọng trong năm. Những người được canh tác trên đất hương hỏa của các di tích phải phụ chi mọi việc liên quan đến di tích đó.
Để tổ chức lễ hội, thôn Quan Xuyên, Lan Xuyên và Lan Đình đều có sự phân công đảm trách các nghi thức chính của lễ hội. Từ ngày mùng 5-6 tháng 2 âm lịch, dân làng đã họp để chọn người tham gia tế lễ, người rước kiệu, cầm cờ, phường bát âm, phường kèn trống, đội xướng ca, tham gia trò chơi vật lầu.
Ngày xưa, lễ hội được tổ chức “Xuân - Thu nhị kỳ” thì ngày nay, dân làng chỉ tổ chức lễ hội vào mùa xuân, còn mùa thu chỉ lễ sóc vọng. Thôn Lan Đình chuyển về xã Nhuế Dương, không tham gia lễ hội nữa. Lễ hội từ ngày 10-13 tháng 2, trọng hội là ngày 12. Quy trình lễ hội được giản tiện rất nhiều: Sáng mồng 10 làm lễ mở cửa đình, chiều rước kiệu ra nhà sắc; sáng ngày 11, rước kiệu (rước sắc phong, văn bằng, chiếu chỉ...) từ nhà sắc về đình, chiều cùng ngày tổ chức rước nước ở sông Hồng, tối tổ chức hát chèo. Sáng ngày 12 tháng 2 tổ chức dâng lễ vật tế thánh. Chiều ngày 12 và 13 tháng 2, bắt đầu trò chơi vật lầu. Chiều ngày 13 tháng 2, sau khi kết thúc trò chơi vật lầu, tổ chức trao giải thưởng cho đội thắng cuộc, kết thúc lễ hội.
Lễ hội đình Quan Xuyên có quy mô hoàn chỉnh của một lễ hội truyền thống, với đầy đủ các hoạt động: Tế lễ, rước thần, diễn tục hèm và hội làng. Lễ hội cũng mang đặc điểm chung của lễ hội vùng châu thổ sông Hồng. Đó chính là những phần lễ liên quan đến nghi thức phồn thực, một nghi thức đặc trưng của văn hóa nông nghiệp, cầu mong mưa thuận, gió hòa, mùa màng bội thu; thể hiện truyền thống uống nước nhớ nguồn, biết ơn công lao của các vị có công với đất nước, với địa phương.

Hoàng Mạnh Thắng
(Theo Tạp chí Văn hoá Nghệ thuật)


Các từ khóa theo tin:

In trang | Gửi góp ý


Các tin/bài đọc nhiều nhất
· Thủ tướng phê duyệt biên chế công chức năm 2015
Có 1.000 biên chế công chức dự phòng
· HĐND Thành phố Hà Nội: Chất vấn 2 nhóm vấn đề "nóng"
Yêu cầu làm rõ kết quả thanh tra 312 biệt thự
· Tiếp tục thực hiện có hiệu quả công tác truyền thông, phổ biến về Thừa phát lại
· Tiếp nhận sản phẩm khoa học phục vụ chăm sóc sức khỏe nạn nhân da cam
· Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc biểu dương thành tích đấu tranh phòng, chống ma túy
· Thông điệp liên bang 2014: Tổng thống Nga đề cao tinh thần vượt qua mọi thử thách
· Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải: Khẩn trương thống nhất cơ chế giá xăng E5
· Thái Lan lập các ủy ban đàm phán với lực lượng nổi dậy ở miền Nam
· Giải quyết dứt điểm các vụ việc có điều kiện thi hành, đặc biệt là các vụ án lớn
Bản quyền thuộc Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam
Toà soạn: 381 Đội Cấn, Ba Đình, Hà Nội; Điện thoại: 08048161; Fax : 08044175; E-mail : dangcongsan@cpv.org.vn
Giấy phép số 1554/GP-BTTTT ngày 26/9/2011 của Bộ Thông tin và Truyền thông về cung cấp thông tin lên mạng Internet