Đôi chuông hiện được lưu giữ và bảo quản trong khuôn viên của quần thể di tích chùa Đà Quận. Đây là một quần thể di tích có một không hai ở tỉnh Cao Bằng hiện nay, bao gồm có chùa (chùa Đà Quận), có đền (đền Quan Triều) và có gác chuông.
|
Chuông nhỏ được treo trên gác chuông bằng gỗ, cách chùa Đà Quận 3,5 m về hướng nam. |
Đôi chuông chùa Đà Quận gồm: Chuông nhỏ được treo trên gác chuông bằng gỗ cách chùa Đà Quận 3,5 m về hướng nam. Tháp chuông có tổng diện tích 100 m2, phần mái gồm 2 lớp lợp bằng ngói vẩy cá. Chiều cao chuông nhỏ 160 cm (thân cao 132 cm, quai cao 28 cm), đường kính miệng 95 cm, độ dày vành chuông 8 cm.
Chuông to được treo ở tháp chuông cũ ở trước đền Quan Triều với diện tích khoảng 10 m2, 4 trụ của gác chuông được xây bằng gạch thời nhà Mạc, mái lợp bằng ngói máng địa phương. Chiều cao chuông to 175 cm (thân cao 140 cm, quai cao 35 cm), đường kính miệng 106 cm, độ dày vành chuông 7 cm.
|
Du khách thỉnh chuông chùa Đà Quận.
|
Năm 1995, đôi chuông chùa Đà Quận đã được Bộ Văn hóa - Thông tin (nay là Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch) công nhận là: Di tích Nghệ thuật chuông Chùa Đà Quận, theo quyết định số 2861 QĐ/BT ngày 04/9/1995.
|
Chuông to vẫn được treo ở tháp chuông cũ với diện tích khoảng 10 m2, ở trước đền Quan Triều. |
Theo tài liệu do Bảo tàng tỉnh thu thập, chùa Đà Quận được xây dựng từ thời Lý, đời vua Lý Anh Tông (1138 - 1175), chùa được khởi dựng cùng đền Quan Triều (thờ Dương Tự Minh, người đã có công đánh đuổi giặc ngoại xâm phương bắc thế kỷ XII); trải qua thời gian dài, chùa và đền đều bị hoang phế. Đến khi nhà Mạc lên đất Cao Bằng đóng đô mới trùng tu lại chùa và đúc chuông (chuông đúc năm 1611). Chùa Đà Quận và đền Quan Triều là 2 di tích đã được xếp hạng là Di tích lịch sử văn hóa cấp tỉnh năm 2008.
|
Chiều cao chuông to 175 cm, đường kính miệng 106 cm, độ dày vành chuông 7cm. |
Chuông chùa Đà Quận là di sản văn hóa của vương triều nhà Mạc còn lại trên đất Cao Bằng, là một trong những chuông cổ quý hiếm của tỉnh Cao Bằng nói riêng, của cả nước nói chung. Là hiện vật gốc có giá trị đặc biệt gắn với truyền thống đúc đồng Việt thế kỷ XVII. Mỗi quả chuông là một tác phẩm nghệ thuật, một bằng chứng của trình độ kỹ thuật đúc, kỹ thuật khắc đương thời.
|
Phần quai của quả chuông to. |
Căn cứ vào các tiêu chí theo Luật Di sản văn hóa năm 2001 được sửa đổi bổ sung năm 2009, Bảo tàng tỉnh đã lập hồ sơ trình Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch thẩm định, trình Thủ tướng Chính phủ xem xét công nhận đôi chuông chùa Đà Quận là bảo vật Quốc gia.