Lăng Dinh Hương thuộc xã Đức Thắng được đánh giá là một trong những lăng mộ khá đồ sộ và tiêu biểu tại Bắc Giang. Lăng được xây dựng năm 1727 dưới triều vua Lê Dụ Tông. Yên nghỉ tại khu lăng đá này là Quận công La Quý Hầu (La Đoan Trực), một võ quan thủy binh có nhiều công lao với triều đình, hai lần được nhà vua cử đi sứ phương Bắc. Năm 1740, dưới triều vua Lê Hiển Tông, La Quý Hầu cầm quân đi dẹp loạn ở các vùng thuộc đạo Kinh Bắc, Sơn Nam, Hải Dương. Đến năm 1749, ông qua đời, được vua phong phúc thần "Trung Cẩn đại vương". Điểm nổi bật, độc đáo của lăng Dinh Hương là các bức tượng đồ sộ, được chạm khắc tinh tế, có hồn. Với những giá trị độc đáo về lịch sử, văn hóa, kiến trúc nghệ thuật, khu lăng mộ này được nhà nước xếp hạng Di tích cấp Quốc gia vào năm 1965.
Xây dựng năm 1697, lăng họ Ngọ (xã Thái Sơn) lưu giữ di hài Phương quận công Ngọ Công Quế. Theo các tư liệu lịch sử, Ngọ Công Quế là bậc văn võ song toàn, tư cách khoan hòa độ lượng, tận tâm phụng sự việc nước, hết lòng quan tâm giúp đỡ quê hương. Lăng do chính Ngọ Công Quế thuê thợ đục đá về làm. Phía sau hương án là cổng vào phần mộ có tường đá bao quanh cao 1,9m, cạnh hương án là hai con nghê ngẩng cao đầu ngồi chầu, trên nền cổng phần mộ chạm hai người đứng hầu.
Hầu hết các công trình lăng đá ở Hiệp Hoà được xây dựng từ thế kỷ thứ XVII - XVIII dưới thời Lê Trung Hưng. Nét độc đáo ở các khu lăng mộ là các nhóm tượng với nhiều cách thể hiện phong phú. Riêng tượng voi cũng có nhiều tư thế như: ngồi, đứng, quỳ, phục, vòi cuộn lại, cổ đeo chuông... Tượng ngựa được tạc với đầy đủ yên cương, nhạc ngựa, lục lạc, ngò hoa, vải phủ, khăn thêu. Đặc biệt, tượng nghê và sấu được miêu tả rất có hồn. Theo tiến sĩ sử học Nguyễn Huy Hạnh, Trung tâm Bảo tồn Di sản Thăng Long - Hà Nội (nguyên Phó Giám đốc Bảo tàng tỉnh Bắc Giang), Hiệp Hòa là nơi có mật độ và quy mô lăng đá lớn nhất nước. Lăng đá ở đây được xem là tiêu biểu cho nghệ thuật xây dựng và điêu khắc lăng mộ đã phát triển đến đỉnh cao thời nhà Lê và giữ vị trí quan trọng trong nền kiến trúc - điêu khắc lăng tẩm Việt Nam. Vào khoảng thế kỷ XVII-XVIII, Kinh Bắc vốn là vùng đất có nhiều làng nghề với lực lượng lao động thủ công đông đảo, trong đó có cả những phường thợ chuyên đục đá. Đây cũng là vùng đất có truyền thống khoa cử lâu đời, bởi vậy số lượng quan lại cao cấp trong chính quyền Lê - Trịnh khá đông (những người thuộc cấp bậc công tước, hầu tước trong cung vua, phủ chúa mới được phép xây dựng lăng). Khi già, họ thường về quê chọn đất xây mộ. Các lăng đá ở Hiệp Hoà cũng như trên địa bàn Bắc Giang được hình thành là hệ quả của diễn trình lịch sử đó.
Huyện Hiệp Hòa hiện còn gần 30 lăng đá cổ. Những lăng đá có giá trị nghệ thuật cao như: lăng Bầu, lăng Dinh Hương, lăng họ Ngọ, lăng Nội Dinh, lăng họ Bùi, lăng họ Hà, lăng Ngọ Khổng… Những năm gần đây, chính quyền, nhân dân địa phương và hậu duệ các dòng họ đã quan tâm gìn giữ, bảo vệ các lăng đá này, hầu hết các lăng đã được nhà nước xếp hạng di tích lịch sử, một số lăng được đầu tư kinh phí tu bổ, tôn tạo. Được biết, trong kế hoạch phát triển du lịch của huyện Hiệp Hoà, hệ thống lăng đá là một trong những điểm đến được quan tâm đầu tư để thu hút du khách.
Đắc Thụ