NETVIET - Những phiến đá xanh hàng trăm năm tuổi, vững vàng qua thời gian cứ bóng lên phủ lớp trầm tích. Nấp trong lớp đá mòn vẹt mầu thời gian, con đường cổ lát gạch đá xanh như ẩn cả ngàn trang sử làng.
Đi qua dâu bể của thời gian, Phù Lưu vẫn còn đó vẹn nguyên trong niềm luyến nhớ một làng quê vinh hiển, chốn đi về của biết bao văn nhân, chính khách. Ra đi từ Phù Lưu, bao lớp người thành danh đã đóng góp sức tài cùng đất nước. Nhiều người sẽ ngạc nhiên khi bước chân về Phù Lưu hôm nay, bởi bên ngoài cái vẻ ồn ào của phố thị, làng Phù Lưu vẫn giữ được những vẻ trầm mặc cổ kính.
Phù Lưu là một ngôi làng cổ nằm ven thị trấn Từ Sơn, có tên gọi là làng Giầu hay Chợ Giàu - nơi có truyền thống buôn bán và văn hóa lâu đời, quê hương của nhiều trí thức, văn nghệ sĩ nổi tiếng thời kỳ cận hiện đại. Vào những thế kỷ XV, XVI, Phù Lưu đã là một chợ mang tên Thôn Thị buôn bán rất sầm uất. Dân ở đây hầu như không làm ruộng, ruộng chỉ đếm trên đầu ngón tay. Phụ nữ Phù Lưu nổi tiếng buôn bán giỏi nuôi chồng nuôi con ăn học.
Ở đây còn tồn tại di tích đình, đền, chùa đã được xếp hạng di tích lịch sử văn hóa, cũng như những di chỉ khảo cổ thuộc thời kỳ đồ đá mới. Ba công trình đình – đền – chùa Phù Lưu là những công trình tiêu biểu phản ánh một bề dày văn hóa rất đáng tự hào của nhân dân làng Giầu được hình thành và phát triển suốt mấy ngàn năm lịch sử trong mối quan hệ gắn bó với không gian văn hóa đậm đặc của vùng Kinh Bắc nói riêng và cả nước nói chung. Giống như bao làng Việt, đình Phù Lưu là không gian sinh hoạt văn hóa của cả làng.
Cổng làng
Cổng làng Phù Lưu là nơi ghi lại lịch sử lâu đời cũng như vị thế của ngôi làng.
“Hồng bàng tứ thiên dư niên cổ ấp”
“Bạo loa lục thập mẫu hồ cư dân”
(Nghĩa là: Cái ấp này có từ thời Hồng bàng cách đây trên 4000 năm
Dân cư ở làng Phù Lưu này nằm trên bờ đầm. Có bờ đầm 60 mẫu để cho nhân dân sinh sống được)
Bên cạnh đó, cổng làng còn ghi lại những điều răn dạy các thế hệ mai sau như:
“Nhập hương vấn tục” (Nghĩa là khi vào làng là phải hỏi phong tục, phải hiểu được phong tục trong làng)
“Xuất môn kiến tân” (Nghĩa là: ra khỏi cổng nhà mình, con người phải tinh tươm, gọn gàng, hồ hởi như đi đón khách)
“Trừ giai sơn hương lý quần cư” (Nghĩa là nếu như mình có chức tước khi về đến quê hương phải hòa bình với dân, phải sống cộng đồng với dân, phải tạo điều kiện để giúp đỡ nhân dân.)
“Phù Lưu thủy vĩ quan hòa noãn” (Nghĩa là mạch nước Phù Lưu của chúng ta rất ngon và ngọt, nuôi con người Phù Lưu có một tình cảm nhân hậu, đôn hòa, chất phác, luôn vui vẻ sống với nhau)
Đình Phù Lưu
Qua bao lần tôn tạo trùng tu, đình Phù Lưu vẫn giữ được nét kiến trúc cổ. Đó là những tòa nhà mái rộng mà các đầu đao của nó được uốn cong vút lên, có tác dụng làm cho không gian nội thất của đình có phần sáng sủa, vừa tạo cho toàn bộ kiến trúc có cảm giác nhẹ nhõm.
Hệ thống cột, với những bộ khung sườn chắc chắn có sức bền vững với năm tháng dài. Những gian đình cao rộng, thoáng mát, sáng sủa tiện lợi cho sinh hoạt cộng đồng. Đằng sau mầu vàng sắc gụ, những họa tiết hoa văn trạm khắc vẫn giữ được dấu tích của mấy trăm năm lịch sử.
Không có tài liệu nào ghi rõ từ bao giờ nhưng qua nghiên cứu của các nhà văn hóa dân gian cũng như các nhà kiến trúc dân gian, người ta xác định đình được xây vào khoảng chuyển cuối thế kỷ XVI đầu thế kỷ XVII. Tính đến nay đã trên 400 năm. Theo các tài liệu nghiên cứu, ban đầu, đình chỉ có một dãy nhà 5 gian được bố trí theo kiểu chữ nhất (tức là một hàng ngang), cũng không nói bằng tranh, tre, nứa, lá, ngói… nhưng cho đến bây giờ đã trải qua 4 lần đại trùng tu, từng bước mở rộng. Đình làng xưa họp chợ khắp cả sân đình, tràn cả vào trong đình và chùa. Các cụ mới thấy rằng một nơi thờ linh thiêng như vậy mà để dân buôn bán vào tận trong thì không được tôn nghiêm lắm nên các cụ đã kiến thiết ngôi đền, coi như là tư dinh rước cụ về ở đấy. Chỉ hàng năm ngày hội mới rước cụ lên đây vui với cộng đồng sau đó lại rước cụ về dinh. Cho nên giờ hàng ngày ở đây chỉ là nơi thờ vọng hoặc có những sinh hoạt cộng đồng diễn ra.
Tại đình còn lưu giữ hai di vật cổ: 1 là bức hoành phi có 5 chữ “Thánh cung vạn vạn tuế”, bên trong có chữ “Trung hòa thả bình” được sơn son thiếp vàng với lỗi chữ cổ ngày nay ít người biết được.
Chùa Phù Lưu
Ngay bên phải đình là ngôi chùa Pháp Quang, có lẽ được xây dựng từ trước khi có đình. Chùa có kiến trúc đơn giản, quy mô vừa phải, song lại rất hài hòa với cảnh quan chung của làng.
Cũng như đình, chùa Phù Lưu có quan hệ mật thiết với chợ. Hội chùa ngày 9 tháng Giêng trùng vào một phiên chợ chính đầu năm. Người đi hội chùa cũng là người đi chợ.
Ở đây đời sống vật chất và đời sống tinh thần đan xen chặt chẽ và bổ sung cho nhau. Dân làng vừa muốn làm ăn buôn bán phát đạt, vừa muốn hướng tới cái tâm thiện của Thích Ca, vừa luôn luôn dấn thân vào cuộc sống náo nhiệt của đời thường, lại vừa có lúc tìm đến trạng thái thư giãn, tĩnh mịch, tôn nghiêm nơi cửa Phật.
Đi chùa niệm Phật mong làm điều thiện, ra đình tham dự các sinh hoạt chung cộng đồng, dân làng Giầu không lúc nào quên, trái lại thường xuyên tưởng nhớ đến những người anh hùng có công với nước, đồng thời cũng tôn vinh là thần hoàng của làng.
Đền thờ Đức thánh Tam Giang
Cách đình khoảng 50m về phía Tây Nam là đền, nơi an vị, bài vị thánh Tam Giang. Đây là công trình kiến trúc thời Nguyễn, trong đó đáng chú ý nhất là tòa tiền tế được xây cất công phu, chạm khắc tinh tế. Hàng năm, đến dịp hội lễ (từ 7/3 đến 16/3), bài vị và ngai thờ thành hoàng được rước ra đình, dân làng tổ chức tế lễ, thờ phụng, rồi sau lại rước về an vị tại đền.
Đền Phù Lưu là nơi thờ Đức Thánh Tam Giang có tước vị là Khước Địch Đại Vương Thượng Đẳng Phúc Thần làm thành hoàng làng. Ngoài ra, đền còn thờ hai nhân vật là nhân vật Nguyễn Lệnh - một trong những người làm quan của triều đình, về hưu trí tại địa phương, có công mở chợ, dạy dân làm ăn buôn bán theo hướng thương trường và từ đó kinh tế ở làng ta khá phát triển và Võ tướng bản thôn Lão Thần thi sỹ - người khởi dựng ngôi đình từ xa xưa.
Hương hiền từ
Hương hiền từ là nét đặc trưng về giáo dục Nho học cấp làng xã vùng đồng bằng Bắc bộ, vốn là nơi có truyền thống hiếu học và khoa bàng của cả nước. Hương hiền từ coi trọng người có tài, người có công và không nằm ngoài mục đích khuyến khích nhân tài. Đây vừa là nơi thờ người có công với làng, vừa là nơi thờ người đỗ khoa trường. Đó là nét riêng của một làng quê có truyền thống hiếu học. Trong nhà có ba ban thờ, ban giữa có bia Hương hiền từ thờ các vị có công với làng và những vị đỗ đại khoa. Hai bên là 2 bài vị.
Từ xa xưa, làng đã có cụ Chu Tam Dị đậu tiến sĩ năm 1529. Tiếp nối truyền thống hiếu học của ông cha, nhiều thế hệ người Phù Lưu đã thành đạt trên nhiều lĩnh vực như nhà báo Hoàng Tích Chu, họa sỹ Hoàng Tích Chù, nhà văn Kim Lân, nhà văn Nguyễn Địch Dũng, nhà thơ Hoàng Hưng; nhà quay phim, NSND Nguyễn Đăng Bẩy, nhạc sỹ Hồ Bắc, họa sỹ Thành Chương,… giúp cho văn hóa, nêp sống phù lưu in đậm vào thơ ca, lưu truyền cho nhiều thế hệ.
Tiếp nối truyền thống hiếu học của cha ông, làng Phù Lưu là một trong những nơi có phong trào khuyến học mạnh nhất trong vùng. Hàng ngày, vào lúc 19h30 tiếng trống khuyến học Phù Lưu vang lên đều đặn trên hệ thống loa truyền thanh thôn như lời nhắc nhở các em học sinh ngồi vào bàn học tập.
Không chỉ giữ được những nét cổ từ đường làng, nhà cổ, hệ thống đình, đền chùa. Làng Phù Lưu còn có một đặc điểm mà không làng nào có đó là nằm trong vùng có những làn điệu dân ca Quan họ nổi tiếng (làng Lim) nhưng nghệ thuật tuồng cổ đã có một thời hưng thịnh với nhiều kép hát tài ba, tiếng hát làm rung động nơi thôn quê dân dã Kinh Bắc xưa.Làng Phù Lưu nằm trong vùng quan họ của Kinh Bắc – Bắc Ninh. Truyền thống về tuồng cổ của làng đã có trên 200 năm.
Ai đã đặt chân đến Phù Lưu một lần, chắc chắn sẽ có những tình cảm đậm đà khó quên. Người Phù Lưu sẽ luôn giữ nề nếp của cha ông xưa, phát huy truyền thống văn hóa, xây dựng cuộc sống mới cho toàn dân làng Phù Lưu hôm nay và mai sau.
Tuyết Nhung