Mùa hạ tháng 5, năm Bính Thân, niên hiệu Minh Mạng thứ 17 (TL từ 14/6 đến 13/7/1836), người ta đã đúc xong chín cái đỉnh đồng. Vua Minh Mạng bảo Nội các rằng: “Nay đúc đỉnh, khắc các hình tượng núi, sông, và mọi vật cũng không cần phải khắc đủ cả, duy phải khắc rõ tên, hiệu và xứ sở để tiện nhận xét. Đó là cái ý người xưa vẽ hình mọi vật”...
...Những họa tiết ẩn dụ về hình tượng mặt trời, mặt trăng, gió, mưa, sấm, chớp, sông, núi, cửa biển, cửa quan, cây gỗ, loài hoa, chim chóc, loài cá, ngũ cốc, linh vật, rau, đậu, củ, quả, xe, thuyền, vũ khí… của đất nước được tinh chọn, phân ra từng nhóm, mỗi nhóm lại chọn ra chín loại, được sắp xếp và tuân thủ theo “quan niệm, triết học, chức năng, vị trí của mỗi đỉnh”.
...Nhóm họa tiết về hình tượng dưới đây chúng tôi căn cứ vào thực tế của từng hình tượng được đúc khắc theo bố cục của từng đỉnh để phân loại, sắp xếp; do vậy, có thể không đồng nhất với cách phân loại, sắp xếp của một số tác giả khác:
Cửu Đỉnh. Ảnh: VNN
Chín tên của Cửu đỉnh:
1. Cao đỉnh (高鼎); 2. Nhân đỉnh (仁鼎); 3. Chương đỉnh (章鼎);
4. Anh đỉnh (英鼎); 5. Nghị đỉnh (毅鼎); 6. Thuần đỉnh (純鼎);
7. Tuyên đỉnh (宣鼎); 8. Dụ đỉnh (宣鼎); 9. Huyền đỉnh (玄鼎).
Chín tinh tú và thiên nhiên trong vũ trụ:
1. Nhật (Mặt trời); 2. Nguyệt (Mặt trăng); 3. Ngũ Tinh (Năm ngôi sao); 4. Bắc Đẩu (Sao Bắc Đẩu); 5. Nam Đẩu (Sao Nam Đẩu); 6. Phong (Gió); 7. Vân (Mây); 8. Lôi (Sấm); 9. Vũ (Mưa).
Chín ngọn núi lớn:
1. Thiên Tôn Sơn (Núi Thiên Tôn ở Thanh Hóa); 2. Ngự Bình Sơn (Núi Ngự Bình ở Thừa Thiên Huế); 3. Thương Sơn (Núi Thương ở Thừa Thiên Huế); 4. Hồng Sơn (Núi Hồng Lĩnh ở Hà Tĩnh); 5. Tản Viên Sơn (Núi Tản Viên ở thành phố Hà Nội); 6. Duệ Sơn (Núi Duệ ở Thừa Thiên Huế); 7. Đại Lĩnh (Núi Đại Lãnh ranh giới giữa Phú Yên và Khánh Hòa); 8. Hải Vân Quan (Cửa quan trên đèo Hải Vân giữa Đà Nẵng và Thừa Thiên Huế); 9. Hoành Sơn (Đèo Ngang, giữa Quảng Bình và Hà Tĩnh).
Chín sông lớn:
1. Ngưu Chử Giang (Sông Bến Nghé ở thành phố Hồ Chí Minh); 2. Hương Giang (Sông Hương ở tỉnh Thừa Thiên Huế); 3. Linh Giang (Sông Gianh ở Quảng Bình); 4. Mã Giang (Sông Mã ở Thanh Hóa); 5. Lô Hà (Sông Lô chảy qua các tỉnh Hà Giang, Tuyên Quang, Phú Thọ, Vĩnh Phúc); 6. Bạch Đằng Giang (Sông Bạch Đằng ở Quảng Ninh và thành phố Hải Phòng); 7. Thạch Hãn Giang (Sông Thạch Hãn ở Quảng Trị); 8. Lam Giang (Sông Lam ở Nghệ An); 9. Nhĩ Hà (Sông Hồng ở các tỉnh Bắc Bộ và thành phố Hà Nội).
Chín sông đào và sông khác:
1. Vĩnh Tế Hà (Kênh đào Vĩnh Tế ở An Giang và Kiên Giang); 2. Vĩnh Điện Hà (Sông đào Vĩnh Điện ở Quảng Nam); 3. Vệ Giang (Sông Vệ ở Quảng Ngãi); 4. Lợi Nông Hà (Sông đào Lợi Nông ở Thừa Thiên Huế); 5. Phổ Lợi Hà (Sông đào Phổ Lợi ở Thừa Thiên Huế); 6. Vĩnh Định Hà (Sông đào Vĩnh Định ở Quảng Trị); 7. Cửu An Hà (Sông đào Cửu An ở Hưng Yên); 8. Thao Hà (Sông Thao ở Phú Thọ); 9. Ngân Hán (Sông Ngân ở thiên trung).
Chín cửa biển, cửa quan, biển, cầu vồng:
1. Đông Hải (Biển phía Đông của Việt Nam); 2. Nam Hải (Biển phía Nam của Việt Nam); 3. Tây Hải (Biển phía Tây của Việt Nam); 4. Thuận An Hải Khẩu (Cửa biển Thuận An ở Thừa Thiên Huế); 5. Cần Giờ Hải Khẩu (Cửa biển Cần Giờ ở thành phố Hồ Chí Minh); 6. Đà Nẵng Hải Khẩu (Cửa biển Đà Nẵng ở thành phố Đà Nẵng); 7. Quảng Bình Quan (Cửa thành ở Quảng Bình); 8. Hồng (Cầu vồng); 9. Cửa sông Tiền, sông Hậu (ở Nam Bộ).
Chín con thú lớn bốn chân:
1. Hổ (con cọp); 2. Tượng (con voi); 3. Báo (con beo); 4. Tê (con tê giác); 5. Mã (con ngựa); 6. Ly Ngưu (con bò tót); 7. Dương (con dê); 8. Thỉ (con heo, lợn); 9. Sơn Mã (lộc mã - ngựa núi, con hươu).
Chín con vật linh:
1. Long (con rồng); 2. Miết (con trạnh); 3. Nhân Ngư (cá voi); 4. Linh Qui (rùa thiêng); 5. Ngạc Ngư (cá sấu); 6. Đại Mại (con đồi mồi); 7. Nhiêm Xà (con trăn); 8. Ngoan (rùa biển); 9. Mãng Xà (rắn lớn).
Chín loài chim:
1. Khổng Tước (chim công); 2. Trĩ (chim trĩ); 3. Khôi Hạc (chim hạc); 4. Uyên Ương (chim uyên ương); 5. Hoàng Oanh (chim vàng anh); 6. Tần Cát Liễu (chim nhồng); 7. Kê (con gà trống); 8. Anh Vũ (chim vẹt); 9. Thốc Thu (chim ông già).
Chín loại cây lương thực:
1. Canh (lúa tẻ); 2. Nhu (lúa nếp); 3. Lục Đậu (hạt đậu xanh); 4. Đậu Khấu (quả đậu khấu); 5. Biển Đậu (quả đậu ván); 6. Hoàng Đậu (đậu nành); 7. Địa Đậu (lạc - đậu phụng); 8. Bạch Đậu (đậu trắng); 9. Nam Trân (trái lòn bon).
Chín loại rau, củ:
1. Thông (cây rau hành, hống, thái bá); 2. Cửu (cây rau hẹ, chung nhũ, cửu thái); 3. Giới (cây củ kiệu, hỏa thông, thái chi); 4. Uất Kim (củ nghệ, mã mê, khương hoàng); 5. Giới (cây rau cải); 6. Hương Nhu (cây rau é, hương nhung); 7. Tử Tô (cây tía tô, xích tô); 8. Khương (củ gừng); 9. Toán (củ tỏi, huân, hồ).
Chín loại hoa:
1. Tử Vi Hoa (hoa tử vi, phạ dưỡng, hồng vi hoa, bá tử kinh...); 2. Mạt Lỵ (hoa nhài - lài, nại hoa, mạt lệ, mộc lệ hoa...); 3. Mai Khôi Hoa (hoa hồng, hoa thích mai,...); 4. Hải Đường Hoa (hoa hải đường); 5. Quỳ Hoa (hoa quỳ); 6. Trân Châu Hoa (hoa hòe - hoa sói); 7. Thuấn Hoa (hoa mộc cận); 8. Liên Hoa (hoa sen); 9. Ngũ Diệp Lan (hoa lan năm lá).
Chín loại cây lấy quả:
1. Ba La Mật (quả mít); 2. Am La (quả xoài); 4. Lê (quả lê); 5. Mai (quả mơ - mận trắng); 6. Xích Ty Đào (đào đất - đào tơ); 7. Súc Sa Mật (sa nhân); Long Nhãn (quả nhãn); 8. Lệ Chi (quả vải); 9. Miên (bông gòn).
Chín loại dược liệu quí:
1. Trầm Hương (cây dó bầu); 2. Kỳ Nam (chất dầu đặc biệt của cây dó bầu); 3. Tang (cây dâu); 4. Tô Hợp (cây tô hợp lấy dầu); 5. Yến Oa (ở đây hiểu là tổ yến); 6. Phù Lưu (cây trầu không); 7. Tân Lang (cây cau có quả); 8. Quế (vỏ cây quế - sâm quế); 9. Nam Sâm (sâm nam - sâm ta).
Chín loại cây thân gỗ:
1. Thiết Mộc (cây gỗ lim); 2. Thuận Mộc (cây gỗ huện); 3. Tử Mộc (cây gỗ kiền kiền); 4. Đàn Mộc (cây hoàng đàn); 5. Nam Mộc (cây gỗ sao); 6. Tòng (cây gỗ tùng - cây thông); 7. Bách (cây gỗ bá - trắc bách diệp); 8. Tất Mộc (cây gỗ lấy nhựa sơn); 9. Ngô Đồng (cây có hoa mọc thành chùm màu hồng tím khác với cây vông đồng).
Chín loại vũ khí:
1. Đại Pháo (đại bác - súng lớn); 2. Luân Xa Pháo (pháo lớn đặt trên bệ đỡ có bánh xe); 3. Điểu Thương (súng bắn chim); 4. Trường Thương (giáo dài); 5. Bài Đao (bảng gác đao kiếm - siêu đao); 6. Nỏ (cung); 7. Phác Đao (cây phạng - loại đao thường); 8. Hỏa Phún Đồng (ống đồng đốt đạn, ống hỏa lệnh); 9. Hồ Điệp Tử (đạn bươm bướm: khi nổ tung giống hình nở tổ của con bươm bướm nên có tên vậy).
Chín loài cá, ốc, côn trùng:
1. Lục Hoa Ngư (cá tràu, cá đô); 2. Đăng Sơn Ngư (con cá rô); 3. Thạch Thủ Ngư (cá đầu đá, có sách phiên là cá mú?); 4. Bạng (con ngao); 5. Hậu ngư (con sam); 6. Cáp (khôi cáp - con sò huyết); 7. Thiền (con ve sầu, con điêu, tề nữ); 8. Hồ Gia Tử (con đuôn dừa); 9. Quế Đố (con cà cuống, đà đuống...).
Chín loại thuyền, xe, cờ:
1. Đa Sách Thuyền (loại thuyền có nhiều dây); 2. Lâu Thuyền (thuyền có lầu); 3. Mông Đồng Thuyền (loại thuyền chiến); 4. Hải Đạo (thuyền đi biển); 5. Đỉnh (loại thuyền nhỏ, thuyền đua); 6. Lê Thuyền (thuyền có sáu mái chèo); 7. Ô Thuyền (thuyền sơn màu đen); 8. Xa (xe); 9. Kỳ (cờ hiệu).
Tháng 5 năm Bính Thân (tháng 6.1836), đã “Đúc xong chín cái đỉnh”. Chính xác hơn là người ta mới đúc xong phần thô của chín cái đỉnh đồng đồ sộ, và còn phải cần làm cho hình thù của nó nhẵn nhụi đẹp hơn, mà thuật ngữ kỹ thuật đúc gọi là làm nguội để đẩy lộ rõ các đường nét mỹ thuật theo từng chủ đề của họa tiết. Bởi vậy, nên vua Minh Mạng mới sai Nội các tuyển chọn nghệ nhân, tập trung sức lực, trí tuệ của cả nước về Kinh đô để khắc những hình tượng đã được đúc nổi phần thô theo chủ đề lên từng đỉnh trước đó. Và phải mất hơn tám tháng sau, bằng những dụng cụ (đồ nghề) tự chế để sử dụng được thích hợp hơn trong việc trau chuốt, tạo nên các đường nét trên khuôn hình, và bằng phương pháp thủ công như: tỉa, gọt, đục đẽo, chạm trổ… thì người ta mới khắc xong 162 họa tiết hình tượng; tập hợp thành bức tranh toàn cảnh của đất nước Việt Nam thống nhất thời nhà Nguyễn.
Dương Phước Thu