Đình Minh Hương Gia Thạnh

Bách khoa toàn thư mở Wikipedia
Bước tới: menu, tìm kiếm
Đình Minh Hương Gia Thạnh tại quận 5, Thành phố Hồ Chí Minh

Đình Minh Hương Gia Thạnh (tên chính thức: 明鄉嘉盛會館, Minh Hương Gia Thạnh Hội Quán)[1] do người Hoa sang định cư, rồi xây dựng trên đất Đề Ngạn xưa (Chợ Lớn ngày nay) vào đầu thế kỷ 18. Ngôi đình hiện tọa lạc tại 380 đường Trần Hưng Đạo, phường 11, quận 5, thành phố Hồ Chí Minh.

Nguồn gốc[sửa | sửa mã nguồn]

Năm 1698, một số con cháu người Hoa đã ngụ cư từ lâu[2] ở dinh Phiên Trấn xin thành lập làng Minh Hương, tức ngay khi Nguyễn Hữu Cảnh (1650-1700) vào Nam lập phủ Gia Định.

Tuy nhiên, theo Hương ước của làng, thì năm 1789, mới là năm chính thức lập "Minh Hương xã". Và liền sau đó, một ngôi đình do nhiều người Hoa đóng góp được dựng lên, để có nơi thờ cúng và chức sắc xã có nơi làm việc[3]. Năm 1808, vua Gia Long ban cho tên "Gia Thạnh đường". Năm 1867, chính quyền Pháp thay đổi cơ cấu hành chính, đình không còn là nhà việc của xã, vì thế đình trở thành hội quán của Hội Minh Hương Gia Thạnh.

Đề cập đến cổ tích này, học giả Vương Hồng Sển viết:

Một ngôi chùa...liên hệ rất nhiều đến lịch sử là chùa Minh Hương Gia Thạnh, lập năm Kỷ Dậu (1789) do di thần Minh mạt và con cháu Minh Hương, dựng trong Chợ Lớn (Sài Gòn thời đó), để di dưỡng tinh thần yêu cố quốc, mến quê hương, chùa nầy đến nay khói hương không dứt, được tiếng khéo tu bổ, khéo săn sóc nhứt trong vùng.[4]

Kiến trúc[sửa | sửa mã nguồn]

Đình Minh Hương Gia Thạnh từ khi được xây dựng, trải qua vài lần trùng tu vào các năm 1839, 19011962. Lần cuối, có sử dụng một số vật liệu hiện đại và xây thêm tầng lầu trên chính điện.

Đình bằng tường gạch, xây theo kiểu nhà năm gian. Mái đình lợp ngói ống, trang trí hình lưỡng long tranh châu, cá hóa long, tượng ông Nhật bà Nguyệt, phù điêu trích tuồng tích của Trung Quốc... do lò gốm Đồng Hòa sản xuất năm Tân Sửu (1901). Trước đình có hai câu đối chữ Hán đề: 嘉献复振基光旧, 盛德长留庙貌新 (Gia hiến phục chấn cơ quang cựu, thịnh đức trường lưu miếu mạo tân), nghĩa là: Gia tăng văn hiến, chấn hưng nghiệp xưa, chỉnh trang nên móng cũ, làm hưng thịnh đức độ, chuyển nối lâu dài, dựng xây đền miếu mới.

Nội thất đình bao gồm võ ca, chính điện và hậu điện. Bên phải võ ca có miếu Ngũ Hành. Bộ khung gỗ kết cấu kiểu kẻ chuyền và các cột gỗ kê trên chân đế bằng đá, tạo cho đình thêm nét cổ kính. Trên cột và các đà ngang treo nhiều hoành phi, câu đối, phần lớn được làm từ đầu và giữa thế kỷ 19...

Chính điện đình xây trên nền cao, phía trước trang trí ba bao lam chạm lộng các đề tài tùng-hạc, mai-điểu, liên-áp, giỏ cua, giỏ trái cây...Cuối chính điện là ba khám thờ lớn bằng gỗ đặt trên bệ gạch, được chạm viền chung quanh lưỡng long tranh châu, lân, phụng, dây hoa...

Thờ cúng[sửa | sửa mã nguồn]

Chánh điện Đình Minh Hương Gia Thạnh

Đặc điểm của đình ở chỗ đối tượng thờ chính là thần Bổn cảnh Thành hoàng như các đình làng Việt, nét riêng khác nữa, là ở đây có phối tự các nhân vật tiêu biểu của đất Gia Định xưa, như Nguyễn Hữu Cảnh, Trần Thượng Xuyên, Trịnh Hoài Đức, Ngô Nhơn Tịnh,...

Sơ lược cách bài trí:

Khám thờ thần đặt ở giữa với các bài vị: Ngũ thổ tôn thần, Ngũ cốc tôn thần, Đông trù tư mệnh, Bổn cảnh thành hoàng. Phía trước khám thờ này có một lư trầm bằng đá, hai tượng Trịnh Hoài ĐứcNgô Nhân Tịnh cũng bằng đá đặt hai bên.

Bên trái là khám thờ Thống suất Nguyễn Hữu Cảnh và Đô đốc tướng quân Trần Thượng Xuyên[5]. Bên phải thờ là khám thờ Trịnh Hoài Đức và Ngô Nhân Tịnh, hai người Minh Hương làm quan đến chức thượng thư.[6]

Ngay sau chánh điện là sân rất rộng gọi là Thiên Quang Tỉnh (giếng trời), kế đến là hậu điện. Ở đây cũng có ba khám thờ trang trí giống nhau để thờ các vị tiền hiền khai sáng ra làng (khám giữa), các hương chức và phu nhân có công, vợ chồng ông Trương Công Sĩ, người đã tặng đất cho xã (khám trái) và những viên chức nhỏ có công (khám phải).

Ở miếu Ngũ Hành thờ Ngũ Hành Nương Nương và Chúa Sinh Nương Nương (người chuyên lo giúp việc sinh đẻ). Trước tượng Chúa Sinh Nương Nương là tượng hai người hầu và mười hai bà mụ bồng đứa trẻ trên tay. Ngoài ra, Phúc đức chính thần (Thổ Địa) và Bạch Mã Thái giám cũng được thờ ở miếu.

Hiện vật quí[sửa | sửa mã nguồn]

Trong đình, trước chính điện vẫn còn treo tấm biển khắc 4 chữ thiện tục khả phong (tục tốt đáng khen) do vua Tự Đức ban tặng năm 1863, và câu đối của Trịnh Hoài Đức làm năm Minh Mạng thứ 2 (1821):

Minh đồng nhật nguyệt diệu Nam thiên,
Phượng chử lân tường gia cẩm tú
Hương mãn càn khôn binh Việt địa,
long bàn hổ cứ thạnh văn chương.

Tạm dịch:

Sáng cùng nhật nguyệt rạng trời Nam,
Lân múa, phượng bay thêm gấm vóc
Hương khắp đất trời thơm cõi Việt,
Rồng chầu hổ phục thịnh văn chương.

Góc trái chính điện có một chuông đồng do vua Minh Mạng tặng, với sắc phong và cho phép chuyển tên từ "làng" sang "đình". Chuông được gióng một năm một lần vào ngày 16 tháng Giêng. Quai chuông là một con rồng hai đầu, bốn chân. Thân chuông đúc nổi 2 hàng chữ "Gia Định thành Minh Hương xã công tạo", "Long tập Quí Mùi thu nguyệt" (chuông do xã Minh Hương thành Gia Định làm năm Quý Mùi, 1823).

Trong đình còn nhiều hiện vật quí khác, như: bia lập năm 1839 ghi tên những người Minh Hương làm quan có tiếng dưới triều Nguyễn, một số hoành phi câu đối (có tất cả 38 hoành phi và 22 câu đối). Đặc biệt là đôi câu đối làm cong theo thân cột, chạm nổi long, lân, qui, phụng...với đầu rồng được chạm cao hơn bề mặt câu đối gần một tấc, hai đỉnh gang làm năm 1842, bộ ghế chạm rồng, phượng; bộ thập bát binh khí...Góc trái miếu Ngũ Hành có một chuông đồng đúc năm Tự Đức thứ 2 (1849).

Giá trị[sửa | sửa mã nguồn]

Đình Minh Hương Gia Thạnh là một trong những ngôi đình xưa ở Thành phố Hồ Chí Minh. Ngoài ý nghĩa là một di tích của xã Minh Hương, nơi thờ tự hương hỏa của người Minh Hương, đình còn có giá trị về nghệ thuật thư pháp, nghệ thuật chạm khắc gỗ mang phong cách Việt Nam thế kỷ 19.

Một giá trị khác nữa, đó là nơi đình này, nhóm Bình Dương thi xã (sáng lập bởi Trịnh Hoài Đức, Ngô Nhân Tịnh, Lê Quang Định) đã tề tựu, gặp gỡ với nhiều nhân sĩ, để cùng nhau xướng họa thi ca và luận bàn thế sự, vào những năm cuối thế kỷ 18-đầu thế kỷ 19.

Ngày 7 tháng 1 năm 1993, ngôi đình đã được Bộ Văn hóa ra quyết định số 43-VH/QĐ công nhận là di tích kiến trúc nghệ thuật cấp Quốc gia.

Chú thích[sửa | sửa mã nguồn]

  1. ^ Đình Minh Hương Gia Thạnh khác với chùa Minh Hương ở đường Hùng Vương. Ở chùa Minh Hương, chính điện thờ Quan Công, hai bên có khán thờ Bà Cửu Thiên Huyền Nữ và đủ các loại thần dân gian người Hoa, như: Thần Tài, Thổ địa v.v...
  2. ^ Người Hoa có mặt ở dinh Phiên Trấn muộn nhất là 1679, tức vào năm chúa Nguyễn (Nguyễn Phúc Tần) cho phép Trần Thượng Xuyên, Dương Ngạn Địch đưa khoảng ba ngàn quân dân vào định cư ở Biên HòaMỹ Tho. Và sau khi Cù lao Phố, Hà Tiên, Mỹ Tho đã xảy ra nhiều bất ổn, những người Hoa ở các xứ ấy, đổ về Sài Gòn-Bến Nghé ngày một thêm nhiều, nhanh chóng biến nơi đây thành nơi đô hội.
  3. ^ Theo [1]Sổ tay hành hương đất phương Nam do Huỳnh Ngọc Trảng chủ biên. (nhà xuất bản Thành phố Hồ Chí Minh, 2002, tr. 236)
  4. ^ Vương Hồng Sển cũng cho biết, đường Trần Hưng Đạo trước năm 1975 có trên là Đồng Khánh, và khi xưa đình day mặt ngó qua bót cảnh sát quận 4, nay đã là trụ sở công an quận 5 (Sài Gòn năm xưa. Nhà xuất bản Thành phố Hồ Chí Minh, 1991, tr. 160).
  5. ^ Nơi thờ có hai di ảnh Tổng binh Trần Thượng Xuyên (tự là Trần Thắng Tài).
  6. ^ Trịnh Hoài Đức và Ngô Nhân Tịnh cùng với Lê Quang Định hợp thành "Gia Định tam gia", một nhóm nổi tiếng về văn học và sử học.

Liên kết ngoài[sửa | sửa mã nguồn]


Một số chùa miếu của người Việt gốc Hoa tại Thành Phố Hồ Chí Minh Chùa Ôn Lăng.jpg
Miếu Nhị Phủ • Hội quán Hà Chương • Hội quán Ôn Lăng • Đình Minh Hương Gia Thạnh • Chùa Bà Thiên Hậu • Chùa Ông • Chùa Ngọc Hoàng