Lam Kinh - Cội nguồn vương triều hậu Lê
Lam Kinh - Cội nguồn vương triều hậu Lê
Sau 10 năm kháng chiến chống giặc Minh (1418 - 1427) và giành lại nền độc lập cho đất nước, thủ lĩnh của cuộc khởi nghĩa Lam Sơn, người anh hùng dân tộc Lê Lợi đã chính thức lên ngôi vua ở Đông Đô (tức Thăng Long), lập nên triều đại mới của lịch sử phong kiến Việt Nam là triều Hậu Lê. Để tưởng nhớ quê hương tiên tổ, cũng là căn cứ địa của cuộc khởi nghĩa Lam Sơn, Thái tổ cao hoàng đế Lê Lợi đã cho xây dựng Sơn Lăng ở vùng đất thiêng Lam Sơn, mà sau này là Lam Kinh.

Bài và ảnh: Hà Thành

Từ Lam Sơn đến Lam Kinh

Khu di tích lịch sử Lam Kinh hiện thuộc xã Xuân Lam, huyện Thọ Xuân, tỉnh Thanh Hóa; cách thành phố Thanh Hóa 50 km về phía Tây Bắc. Lam Kinh được công nhận là di tích lịch sử cấp quốc gia từ năm 1962.

1. Bạch kiều bắc qua sông Ngọc, đây là công trình được xây dựng mới trên vị trí cũ. 2 Giếng Ngọc trước Nghi môn

1. Hoa văn chạm khắc trên thềm rồng. 2 Đầu rồng bằng đá được tìm thấy ở khu Cửu Miếu, Lam Kinh  năm 1995

Các sách sử không ghi chép nhiều về quá trình hình thành, xây dựng Lam Kinh như thế nào; ngay cả tên gọi Lam Kinh mà hiện nay vẫn sử dụng cho khu di tích lịch sử này cũng không chính xác bắt đầu từ khi nào.

Phạm vi và giới hạn của Lam Kinh cũng chưa xác định được rõ ràng qua sử sách và các công tác khảo cổ sau này. Nhưng theo Việt sử thông giám cương mục thì có thể thấy Lam Kinh là một vùng rộng lớn, có cả rừng núi, sông ngòi, làng bản chứ không chỉ có yếu tố thành quách cung điện.Và Lam Kinh không mang yếu tố đô thị, không phải đô thị. Chữ “Kinh” để bày tỏ sự tôn kính, và tôn vinh quê hương của vua.

Ở Lam Kinh không có đàn tế giao (tế trời) như ở Đông Đô (Thăng Long) hay thành Tây Đô (thành nhà Hồ - Vĩnh Lộc, Thanh Hóa) cũng như ở kinh đô Huế của triều Nguyễn về sau; nên Lam Kinh không phải là kinh đô, kinh sư của Đại Việt.

Hiện nay, khu di tích lịch sử Lam Kinh rộng khoảng 200 héc-ta, bao gồm lăng mộ, đền miếu và hệ thống thành điện, hành cung của các vua nhà Hậu Lê khi về quê hương bái yết tổ tiên.

Kiến trúc Lam Kinh – huy hoàng và phế tích

Lam Kinh được xây dựng chịu ảnh hưởng của thuyết phong thủy, điều đó thể hiện rõ trong việc xác định hướng và bố cục tổng thể công trình. Bố cục tổng thể này nương vào điều kiện địa lý tự nhiên rất hợp lý và hài hòa, tận dụng các ưu thế của thiên nhiên đã tạo ra. Trục chính của Lam Kinh có hướng bắc – nam, với dòng sông Chu trước mặt, chảy uốn cong từ tây sang đông là yếu tố minh đường. Từ trung tâm miếu điện Lam Kinh, nhìn về hướng tây – nam có núi Mục Sơn bên hữu ngạn sông Chu là yếu tố hữu tiền án, hướng đông – nam có núi Chủ bên tả ngạn sông Chu là yếu tố tả tiền án. Phía đông có có rừng Phú Lâm và núi Ngọc làm yếu tố tả thanh long, phía tây có núi Hướng và núi Hàm Rồng làm yếu tố hữu bạch hổ. Phía sau (hướng bắc) là ngọn núi Dầu làm yếu tố hậu chẩm che chắn. Rừng núi sông suối ở nơi đây thực sự là cảnh quan tuyệt đẹp, kỳ thú, xứng đáng với mảnh đất địa linh nhân kiệt.

Nội thất tòa thái miếu số 6

215

Trong quá trình hình thành và xây dựng; Lam Kinh đã có nhiều thay đổi qua những lần trùng tu:

- Năm 1429 - lần đầu tiên, vua Lê Thái Tổ về bái yết Sơn Lăng. Năm 1433, đức Thái Tổ băng hà, triều đình đưa về an tang tại Lam Sơn, dựng bia Vĩnh Lăng, điện Lam Kinh được xây dựng quy mô.
- Tháng 9 năm 1434, vua Lê Thái Tông sai Hữu bộc xạ Nguyễn Nhữ Lãm về Lam Kinh dựng miếu thờ Thái mẫu. Tháng 11 năm 1434, Lam Kinh bị hỏa hoạn.
- Tháng 9 năm 1448, vua Lê Nhân Tông xuống chiếu cho quan Thiếu úy Lê Khả điều các Cục Bách tác làm lại miếu điện ở Lam Kinh. Năm 1456, vua Lê Nhân Tông đã đặt tên cho 3 điện chính ở Lam Kinh là các điện Quang Đức, Sùng Hiếu và Diên Khánh.
- Năm 1466, vua Lê Thánh Tông cho làm các tẩm cung thờ Thái hoàng, Thái phi ở sau điện Lam Kinh
- Năm 1531, trong cuộc chiến Lê - Mạc, điện Lam Kinh bị quân nhà Mạc đốt phá phần lớn
- Sau khi nhà Lê giành lại ngôi từ nhà Mạc, tức giai đoạn Lê Trung Hưng (1533-1789), triều đình nhà Lê nhiều lần cho tu sửa lại Lam Kinh.
- Năm 1789, khi quân Tây Sơn ra bắc lần thứ ba để đánh đuổi giặc Mãn Thanh, Lam Kinh một lần nữa lại bị thiêu hủy do chiến tranh. Từ đó Lam Kinh trở nên hoang phế
- Sau khi lên ngôi và lập triều Nguyễn (1802), vua Gia Long Nguyễn Ánh cho xây điện Hoằng Đức ở làng Kiều Đại, xã Bố Vệ, tổng Bố Đức, phủ Đông Sơn (nay là thành phố Thanh Hóa) để phụng thờ các hoàng đế và hoàng hậu thời Lê; đồng thời cho dỡ miếu điện ở Lam Kinh và các kiến trúc ở Thăng Long đưa về Phú Xuân (Huế); thì Lam Kinh lại càng hoang phế hơn.

Cấu trúc và kiến trúc của khu thành điện Lam Kinh, qua sử sách và qua khảo cổ học cũng có thể cho thấy những nét chính của một quần thể kiến trúc từng huy hoàng trong lịch sử.

Khu thành điện Lam Kinh có hình chữ nhật, với chiều dài theo hướng đông – tây, với kích thước 341x254m, tường thành dày khoảng 1m; có cổng chính quay về hướng nam. Qua cổng thành khoảng 10 m có sông Ngọc bao quanh khu miếu điện. Trên trục chính có Bạch Kiều (cầu trắng, hay còn gọi là cầu sông Ngọc), bắc qua sông Ngọc để đi vào trung tâm khu miếu điện, sau Bạch Kiều khoảng 50m là tới một giếng cổ có tên là giếng Ngọc phía trước Nghi môn, nằm chếch về phía trái trục chính. Nghi Môn là cổng vào sân Rồng, có 3 cửa; trong đó cửa giữa rộng 3,5m, 2 cửa hai bên rộng 2,7m. Trước Nghi môn có 2 con nghê đá đứng canh. Qua Nghi môn là sân Rồng (sân chầu) có chiều rộng trải hết bề ngang chính điện, tới sát nhà tả vu, hữu vu hai bên; sân Rồng có kích thước rộng 57m, sâu 55m. Từ sân Rồng đi qua thềm Rồng 9 bậc bằng đá là tới nền điện. Thềm Rồng có 3 lối, lối giữa rộng 1,8m, 2 lối bên rộng 1,2m. Rồng ở hai bên lối giữa được tạc tròn, thân uốn khúc, trên thân khắc hoa văn hình ngọn lửa trên sóng xoắn, trên đầu thể hiện một bờm, mép rồng trang trí hình râu xoắn, dưới cằm có râu dài xoắn hình vặn thừng, tay rồng giống bàn tay người nắm gọn râu phần dưới đặt trên một viên ngọc; được gọi là long hí châu. Rồng phía biên được tạc cách điệu hình mây. Nền điện cao hơn nền sân rồng khoảng 1,8m. Các điện (3 điện) có bố cục hình chữ “công”, là các điện Quang Đức (phía trước, 9 gian), Sùng Hiếu (giữa, 4 gian) và Diên Khánh (phía sau, 9 gian). Tổng cộng có 22 gian liên hoàn với tổng diện tích khoảng 1.650m2.

Phía sau điện Lam Kinh là Cửu Miếu (9 tòa miếu); cửu miếu có bố cục hình cánh cung ôm ra phía trước. Đây là nơi thờ các vua và hoàng hậu, cùng một số người trong gia tộc. Sau khu vực này 50m là tường hậu của khu miếu điện. Đây cũng là phạm vi kết thúc thành nội (khu miếu điện). Thành nội có công năng là thờ cúng và là nơi diễn ra các lễ nghi khi vua từ Đông Đô về. Phía ngoài thành nội là các công trình của bộ máy thường trực trông coi miếu điện (khu thành ngoại). Các lăng mộ vua và  hoàng thái hậu được xây tập trung nhiều về phía đông bắc trung tâm thành điện Lam Kinh.. Riêng lăng mộ vua Lê Thái Tổ nằm trên trục chính, phía sau thành nội…

Rất tiếc hầu như toàn bộ kiến trúc thành điện Lam Kinh đã bị phá hủy, số ít ỏi còn lại cũng không còn nguyên vẹn. 600 năm với bao sự tàn phá khắc nghiệt của thiên tai, của khói lửa chiến tranh đã làm cho một quần thể công trình từng đẹp huy hoàng trở thành phế tích. Tường thành đã bằng phẳng, nghi môn bị phá hủy, nhà tả vu, hữu vu cũng vậy; các điện chỉ còn những chân tảng trên mặt đất, cửu miếu cũng chỉ còn dấu vết của nền móng… Một số kiến trúc đã và đang được phục dựng lại như cầu sông Ngọc, nghi môn, cửu miếu… Một trong những dấu tích còn lại là thềm rồng, cũng bị hư hại nặng nề.

Dấu ấn còn lại và những giá trị vĩnh hằng

Dẫu bị hủy hoại, khu thành điện Lam Kinh vẫn cho thấy những giá trị nghệ thuật kiến trúc qua những dấu tích hiện hữu, qua những vật liệu tìm thấy nhờ khai quật khảo cổ. Và vẫn còn đó những lăng mộ và bia ký của các vua và hoàng thái hậu thời Lê sơ. Ở Lam Kinh hiện còn 5 lăng mộ vua và 1 lăng mộ hoàng thái hậu nhà Lê sơ. Đó là: Vĩnh Lăng (lăng mộ vua Lê Thái Tổ), Hựu lăng (lăng mộ vua Lê Thái Tông), Chiêu lăng (lăng vua Lê Thánh Tông), Khôn Nguyên Chí Đức (lăng Hoàng thái hậu Ngô Thị Ngọc Dao, mẹ vua Lê Thánh Tông),  Dụ Lăng (lăng vua Lê Hiến Tông), Kính lăng (lăng vua Lê Túc Tông). Các lăng mộ nhà Lê sơ thống nhất trong bố cục, quy mô xây cất khiêm nhường, giản dị. Cấu trúc lăng mộ gồm 3 thành phần chính: Bia mộ, đặt trước mộ với một khoảng cách xa, tiếp đến là 2 hàng tượng đá (tượng quan quân hầu và tượng thú) chầu trước mộ và trong cùng là mộ. Lăng mộ vua Lê Thái Tổ (Vĩnh Lăng) được đặt ngay sau khu miếu điện Lam Kinh là điển hình và cũng là giới hạn về quy mô. Vì lẽ đó, các lăng mộ các vua về sau đều noi theo sự khiêm nhường ấy!

Có giá trị lớn và là một trong những di vật còn vẹn nguyên nhất ở Lam Kinh là bia Vĩnh Lăng. Bia Vĩnh Lăng được dựng ở phía tây nam điện Lam Kinh, bằng đá trầm tích nguyên khối, cao 2,97m, rộng1,94m, dày 0,27m; đặt trên lưng một con rùa lớn cũng tạc bằng đá trầm tích nguyên khối có chiều dài 3,46m; rộng 1,9m; cao 0,94m kể cả đế. Bia Vĩnh lăng có trang trí nghệ thuật tinh xảo, chữ khắc rất sắc nét; thể hiện trình độ cao trong điêu khắc và kỹ thuật xây dựng (bia gần như vẫn nguyên vẹn qua 6 thế kỷ). Dưới trán bia khắc 5 chữ triện lớn “Lam Sơn Vĩnh Lăng bia”. Văn bia Vĩnh Lăng ngắn gọn súc tích, tóm tắt sự nghiệp và ca ngợi công đức của vua Lê Thái Tổ; do khai quốc công thần nhà Lê, danh nhân văn hóa Nguyễn Trãi soạn. Nhà bia hiện nay được xây dựng lại năm 1961, theo lối kiến trúc thời Lê, có mặt bằng hình vuông, cạnh dài 8,8m; 4 mái cong lợp ngói mũi hài.

Lam Kinh, nơi an nghỉ ngàn thu của người anh hùng dân tộc Lê Lợi, cũng là nơi an nghỉ của nhiều vị vua, hoàng thái hậu nhà Hậu Lê.

Lam Kinh, đó là cội nguồn vương triều Hậu Lê, triều đại phong kiến dài nhất trong lịch sử Việt Nam (1428-1789). Đó là nơi thể hiện tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên, hướng về cội nguồn, là đạo lý của dân tộc Việt Nam. Lam Kinh cũng là nơi thể hiện tinh thần tự tôn dân tộc, ý chí quật cường của dân tộc, thể hiện hào khí chiến thắng của cuộc khởi nghĩa Lam Sơn do Lê Lợi lãnh đạo, dành lại độc lập cho đất nước.

Chia sẽ link:
Phản hồi
Ý kiến của bạn



 Back on top

Đăng ký tài khoản


Bạn có thể chọn một email hoặc mạng xã hội để đăng nhập
Thông tin login
Email
Password
Lưu mật khẩu:
  

Đăng nhập


Bạn có thể chọn một email hoặc mạng xã hội để đăng nhập
Thông tin login
Email
Password
Lưu mật khẩu:
  

Tìm lại password

Email
New Password