Thời cụ Tam nguyên Yên Đổ Nguyễn Khuyến, kinh tế nông thôn đồng bằng Bắc Bộ, nhất là cái vùng đồng chiêm trũng Hà Nam của cụ Tam, nó thuần nông, mang đầy tính cát cứ, o bế, người dân rất khổ cực.
|
Nhà thơ Nguyễn Khuyến |
Tuy thế, đôi khi vẫn có những người biết tính toán làm ăn hoặc gặp một cơ may nào đó, khá giả lên rất nhanh.
Khi đã giầu thì phải tính việc làm sang. Chuyện làm sang ngày đó, đầu tiên là phải xin cho bằng được mấy chữ của cụ Nguyễn Khuyến.
Rất nhiều người làm ăn phát đạt, Tết đến là tới Vườn Bùi xin cụ Tam nguyên thửa chữ cho. Đã có những chuyện xin chữ của các ông chủ mới toe này trở thành giai thoại được truyền tụng cho đến nay. Nhân dịp Tết Canh Dần sắp gần kề, tôi xin hầu bạn đọc kể hai chuyện sau đây:
Chuyện thứ nhất
Ở làng Nãi Văn (nay thuộc xã Vũ Bản, huyện Bình Lục, tỉnh Hà Nam) có một người chủ gia đình tên là Hàn Soạn. Chữ Hàn ở đây hàm nghĩa là nghèo. Hàn Soạn, có nghĩa anh ta tên Soạn và nghèo.
Do gặp vận may và cũng biết cơ chỉ làm ăn, chắt bóp, đến một dạo Hàn Soạn đã "đổi đời". Tâm tính anh ta cũng chuyển đổi: Càng khá giả anh ta càng tỏ ra khinh người, dáng đi điệu đứng khệnh khạng, ngữ khí hách dịch, kẻ cả, rất có vẻ ta đây.
Hàn Soạn làm nhà to, còn xây liền kề một ngôi từ đường lớn làm nơi thờ phụng tiên tổ, ông cha. Một ngôi từ đường oách đến thế không thể thiếu bức hoành phi, đôi câu đối của cụ Tam nguyên Yên Đổ.
Hàn Soạn đến làng Và, tìm vào Vườn Bùi, trang viên của cụ Tam nguyên, nêu nguyện vọng với cụ. Cụ Tam nguyên có một cái đức: Ai xin chữ hay mua chữ, cụ đều vui vẻ nhận lời, không phân biệt kẻ sang người hèn.
Đôi câu đối cụ viết cho Hàn Soạn:
Nhất mạch quán thông, vãng giả quá, lai giả tục.
Tam thần cung bái, ấu tại hậu, trưởng tại tiền.
Dịch là:
Một mạch thông suốt, người trước qua, người sau tiếp.
Ba vì lễ bái, trẻ lễ sau, già lễ trước.
Mang cặp câu đối về, Hàn Soạn rất hài lòng, vì nội dung của nó ca ngợi "dòng dõi gia giáo" và ngày càng hưng thịnh của gia đình anh ta. Hàn Soạn cho chạm khắc vào hai tấm gỗ quý, sơn son thếp vàng, treo trang trọng hai bên tả - hữu từ đường.
Ai vào nhà, Hàn Soạn cũng khéo léo giới thiệu cặp câu đối ứng rất sát với hoàn cảnh danh giá của anh ta. Khi được khách ngợi khen, Hàn Soạn càng vênh vang.
Nhưng cũng chỉ vì có sự xuất hiện của cặp câu đối có vẻ kỳ kỳ ấy trong từ đường nhà Hàn Soạn mà từ đó người ta bắt đầu có cái nhìn săm soi, bới lông tìm vết với gia đình anh ta. Người ta nhớ ra ba đời nhà anh ta từng làm thợ xẻ.
Họ bắt đầu đọc và suy ngẫm kỹ lưỡng hơn cặp câu đối cụ Nguyễn Khuyến viết cho Hàn Soạn. Cuối cùng họ luận ra, cặp câu đối, ngoài cái nghĩa bề nổi, còn có một nghĩa chìm, mô tả những động tác của cha con thợ xẻ:
Một mạch cưa thông suốt, kẻ kéo qua, người kéo lại.
Ba vì lạy nhau, con lạy trước, cha lạy sau.
Thâm ý của cụ Tam nguyên là muốn nhắc nhở Hàn Soạn: Trước kia ba đời nhà anh làm thợ xẻ, cũng nghèo khổ như ai, bây giờ mới khá giả chớ vội vênh vang, khinh suất, chẳng hay hớm gì.
Mọi người nói đến tai Hàn Soạn, anh ta toan hạ cặp câu đối xuống, nhưng lại cảm thấy xót tiền của bỏ vào việc mua gỗ và thuê người trạm khắc, hơn nữa, anh ta nghĩ: Ở cái vùng quê đa phần là nông dân mù chữ này mấy ai suy diễn được cái ý thứ hai của câu đối!? Thế là anh ta cứ để treo.
Chuyện thứ hai
Cũng ở trong vùng nông thôn đồng chiêm trũng ấy, có một anh làm nghề coi chợ, còn gọi là khán thị. Nhờ cái vị thế coi chợ, vợ chồng anh ta còn buôn bán thêm, kiếm được khá, chẳng bao lâu xây được căn nhà to, ngự sát chợ lại gần sông.
Nhất cận thị, nhị cận giang. Như thế, tòa nhà của anh ta chiếm luôn cả ngôi nhất và ngôi nhì. Vậy thì không có lý do gì lại không tổ chức một bữa liên hoan thật xôm mừng nhà mới.
Mặc dù anh ta chỉ biết lõm bõm dăm bảy chữ nho có tính thông dụng, nhưng trong tiệc liên hoan mừng nhà anh ta lại muốn chứng tỏ cho mọi người biết thân phận anh ta đã thay đổi, không còn thuộc hàng thứ dân cấp thấp như xưa nữa.
Anh ta tìm đến Vườn Bùi xin cụ Nguyễn Khuyến thửa cho một cặp câu đối. Cụ Tam ngyên nhận lời, hẹn hôm sau đến lấy.
Anh ta về nhà khoe với vợ, bảo vợ chuẩn bị tiền tạ lễ cụ Tam. Chị vợ mù tịt chữ nho nên muốn thửa một cặp câu đối chữ nôm cho dễ hiểu. Sau một hồi tranh cãi không ngã ngũ, không ai chịu ai, vợ chồng anh ta cùng kéo nhau đến gặp cụ Tam nguyên. Nghe họ tranh nhau trình bày mấy câu, cụ Tam nguyên đã hiểu ra vấn đề, cụ xua xua tay:
- Thôi thôi, thửa câu đối cho nhà mới mà cứ cãi nhau như xát ốc thế này thì dông lắm, gở lắm! Để ta chiều cả hai, viết một bên nho, một bên nôm, được chưa nào?
Rồi cụ viết:
Nhất cận thị, nhị cận giang, thử địa tích tằng xưng tị ốc.
Giầu ở làng, sang ở nước, nhờ trời nay đã vểnh râu tôm.
Vế trước, bằng chữ Hán, ca ngợi cái thế "phong thủy" đẹp của ngôi nhà. Vế sau, bằng chữ nôm, ca ngợi cái địa vị mới của anh khán thị:
Thị (chữ nho, tức chợ) đối với làng (chữ nôm).
Giang (chữ nho, tức sông) đối với nước (chữ nôm).
Địa (chữ nho, tức đất) đối với trời (chữ nôm).
Tích tằng (chữ nho, tức xưa từng) đối với đã (chữ nôm).
Đúng là chữ Hán chữ nôm cứ đối nhau chan chát y như như hai vợ chồng đấu khẩu với nhau. Nhưng phải đến ba chữ cuối Xưng tị ốc (Hán) đối với Vểnh râu tôm (nôm) thì toàn bộ cặp câu đối mới "thăng hoa" hết ý nghĩa: Cụ Tam đã khái quát đắc địa, trúng phóc cái khung cảnh nhà cửa, phong thái trưởng giả học làm sang của cặp vợ chồng mới giầu xổi!
Cổ Nhuế - Hà Nội, mùa đông năm 2009
Lê Hoài Nam (Tiền Phong)
Tài liệu tham khảo:
- Nguyễn Khuyến và giai thoại, Hội VHNT Hà Nam Ninh, 1984.
- Giai thoại làng nho, Sài Gòn, 1966.
- Đại Nam thực lục chính biên, NXB KHXH.