Thủ Đức

Bách khoa toàn thư mở Wikipedia
Bước tới: menu, tìm kiếm
Quận Thủ Đức
Quận
VN-F-HC-QTD position in city core.png
Vị trí Quận trong địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh
Địa lý
Tọa độ: 10°51′20″B 106°45′5″Đ / 10,85556°B 106,75139°Đ / 10.85556; 106.75139Tọa độ: 10°51′20″B 106°45′5″Đ / 10,85556°B 106,75139°Đ / 10.85556; 106.75139
Diện tích 48 km²[1]
Dân số (2011)  
 Tổng cộng 474.547 [1]
 Thành thị 100%
 Nông thôn 0%
 Mật độ 9.886 [1] người/km²
Dân tộc Người Việt là chủ yếu,...
Hành chính
Quốc gia  Việt Nam
Vùng Đông Nam Bộ
Thành phố Thành phố Hồ Chí Minh
 Chủ tịch UBND Trương Văn Thống
Phân chia hành chính hiện nay có 12 phường
Mã hành chính 762[2]
Website Quận Thủ Đức

Quận Thủ Đức là một quận cửa ngõ phía đông bắc Thành phố Hồ Chí Minh. Năm 1997, Huyện Thủ Đức cũ đã được chia thành ba quận mới là Quận 9, Quận 2 và Quận Thủ Đức.

Trên địa bàn của Quận Thủ Ðức có Ga Bình Triệu, Làng đại học Thủ Đức, làng thiếu niên Thủ Ðức, Khu chế xuất Linh Trung 1 và 2, Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh, và rất nhiều cảng sông và cảng đường bộ.... Một phần phía tây nam của Thủ Ðức được bao bọc bởi dòng sông Sài Gòn.

Lịch sử[sửa | sửa mã nguồn]

Thời phong kiến[sửa | sửa mã nguồn]

Đình thần Bình Đức ở phường Tam Phú, quận Thủ Đức

Năm Mậu Dần (1698), Thống suất Nguyễn Hữu Cảnh được Chúa Minh Vương Nguyễn Phúc Chu điều vào "kinh lược đất Chân Lạp, chia đất Đông Phố thành hai huyện: lấy xứ Đồng Nai làm huyện Phước Long, dựng dinh Trấn Biên (Biên Hòa), lấy xứ Sài Côn làm huyện Tân Bình, dựng dinh Phiên Trấn (Gia Định)".[3] Năm 1808, vua Gia Long đổi dinh Trấn Biên thành trấn Biên Hòa, huyện Phước Long được nâng lên thành phủ gồm 4 huyện là Bình An, Phước Chánh, Long Thành và Phước An. Năm 1832, vua Minh Mạng đổi trấn Biên Hòa thành tỉnh Biên Hòa. Năm 1837, vua cho lập thêm phủ Phước Tuy và 2 huyện Ngãi An và Long Khánh..

Trước khi thực dân Pháp chiếm Miền Đông Nam Kỳ, địa bàn vùng đất Thủ Đức ngày nay tương ứng với phần lớn huyện Ngãi An thuộc phủ Phước Long, tỉnh Biên Hòa và tổng Long Vĩnh Hạ thuộc huyện Long Thành, phủ Phước Tuy, tỉnh Biên Hòa. Huyện Ngãi An bao gồm 5 tổng với 51 thôn: An Bình (10 thôn), An Điền (09 thôn), An Thổ (10 thôn), An Thủy (14 thôn), Chánh Thiện (08 thôn). Riêng tổng Long Vĩnh Hạ có 12 thôn.

Thời Pháp thuộc[sửa | sửa mã nguồn]

Với Hòa ước Nhâm Tuất (1862), triều đình Huế nhượng hẳn 3 tỉnh miền Đông Nam Kỳ cho Pháp làm thuộc địa. Chính quyền thực dân Pháp chia 3 tỉnh này thành 13 thành các hạt thanh tra (inspection), do các viên chức Pháp ngạch thanh tra các công việc bản xứ (inspecteur des affaires indigeânes) đứng đầu, nhưng tạm thời vẫn giữ cơ cấu phủ huyện cũ.

Sau khi chiếm được toàn bộ Nam Kỳ, năm 1868, chính quyền thực dân Pháp bãi bỏ các đơn vị hành chính phủ, huyện, phân chia lại toàn bộ cõi Nam Kỳ. Các hạt thanh tra về sau cũng được đổi thành hạt tham biện (arrondissement), do các Chánh tham biện (administrateur) người Pháp đứng đầu. Tuy vậy, chính quyền thực dân Pháp vẫn giữ lại cơ cấu hành chính cấp thấp như tổng, thôn.

Trên địa bàn tỉnh Gia Định cũ (đến ngày 16 tháng 8 năm 1867 đổi tên thành tỉnh Sài Gòn), chính quyền Pháp thành lập tuần tự các đơn vị hành chính trực thuộc, trong đó có Khu thanh tra Sài Gòn và thành phố (Ville)Sài Gòn.

Ngày 29 tháng 10 năm 1866, khu thanh tra Sài Gòn nhận thêm phần đất của khu thanh tra Ngãi An giải thể nhập vào (khu thanh tra này thành lập từ ngày 14 tháng 3 năm 1866, trên địa bàn huyện Ngãi An cũ thuộc phủ Phước Long, tỉnh Biên Hòa; lúc bấy giờ huyện này đã giải thể, địa bàn nhập vào huyện Bình An cùng phủ từ năm 1862). Khi nhập vào khu thanh tra Sài Gòn, huyện Ngãi An còn bốn tổng trực thuộc (An Bình, An Điền, An Thổ, An Thủy); riêng tổng Chánh Thiện giải thể vào ngày 29 tháng 10 năm 1866, địa bàn nhập vào các tổng kế cận. Đến ngày 9 tháng 10 năm 1868, huyện Ngãi An tách ra lập khu thanh tra độc lập, mang tên gọi là khu thanh tra Thủ Đức; nhưng đến ngày 30 tháng 12 năm 1868, lại giải thể tái nhập vào khu thanh tra Sài Gòn.

Năm 1871, các thôn đổi thành làng. Năm 1874, Tổng thống Pháp Jules Grévy ký sắc lệnh thành lập thành phố Sài Gòn (ville saigon). Tòa tham biện hạt Sài Gòn chuyển từ trung tâm thành phố Sài Gòn đặt tại làng Bình Hòa,[4] tại vị trí ngày nay là trụ sở Ủy ban Nhân dân quận Bình Thạnh.

Ngày 18 tháng 12 năm 1872, thành lập thêm tổng An Thành gồm 09 làng, từ phần đất cắt ra của tổng An Bình. Năm 1874, địa bàn huyện Ngãi An (cũ) có sáu tổng: An Thổ, An Thủy, An Bình, An Điền, An Thành, Long Vĩnh Hạ với 60 làng.

Ngày 24 tháng 8 năm 1876, hạt Sài Gòn đổi tên thành hạt Bình Hòa. Tuy nhiên, do người Pháp dễ xảy ra sự nhầm lẫn giữa hạt Bình Hòa và hạt Biên Hòa, ngày 16 tháng 12 năm 1885, hạt Bình Hòa đổi tên thành hạt Gia Định theo quyết định của Thống đốc Nam Kỳ. Theo Nghị định ngày 20 tháng 12 năm 1899 của Toàn quyền Đông Dương đổi tất cả các hạt tham biện thành tỉnh thì từ ngày 1 tháng 1 năm 1900 hạt tham biện Gia Định trở thành tỉnh Gia Định.

Tỉnh Gia Định từ ngày 1 tháng 1 năm 1911 chia thành 4 quận: Hóc Môn, Thủ Đức, Gò VấpNhà Bè. Vào năm 1940, quận Thủ Đức gồm 06 tổng: An Bình, An Điền, An Thành (tổng này giải thể từ ngày 25 tháng 1 năm 1945, các làng thuộc tổng sáp nhập vào hai tổng: An Bình và Long Vĩnh Hạ cùng quận), An Thổ, An Thủy và Long Vĩnh Hạ.

Thời Việt Nam Cộng hòa[sửa | sửa mã nguồn]

Năm 1955, quận Thủ Đức có 19 làng:

  • Tổng An Bình có 05 làng: Bình Trưng, Thạnh Mỹ Lợi, Phú Hữu, An Phú và An Khánh Xã;
  • Tổng An Điền có 04 làng: Linh Xuân Thôn, Phước Long Xã, Linh Đông Xã và Tăng Nhơn Phú;
  • Tổng An Thổ có 03 làng: An Bình Xã, Hiệp Bình Xã và Tam Bình Xã;
  • Tổng An Thủy có 03 làng: Bình An, Đông Hòa Xã và Tân Đông Hiệp;
  • Tổng Long Vĩnh Hạ có 04 làng: Long Thạnh Mỹ, Long Trường, Long Phước Thôn và Long Bình.

Sau năm 1956, các làng gọi là xã. Quận lỵ Thủ Đức đặt tại xã Linh Đông Xã.

Năm 1957, giải thể tổng An Thổ của quận Thủ Đức; xã An Bình Xã thuộc tổng này sáp nhập vào tổng An Thủy, hai xã còn lại: Hiệp Bình Xã và Tam Bình Xã nhập vào tổng An Điền. Như thế lúc nảy tổng An Thủy có 04 xã, tổng An Điền có 06 xã. Cắt tổng Long Vĩnh Hạ với bốn xã: Long Thạnh Mỹ, Long Trường, Long Phước Thôn và Long Bình, cùng tổng An Thủy với bốn xã: Bình An, An Bình Xã, Đông Hòa Xã và Tân Đông Hiệp, chuyển sang thuộc tỉnh Biên Hòa. Như thế quận Thủ Đức còn 11 xã.

Năm 1962, tổng Long Vĩnh Hạ với bốn xã: Long Thạnh Mỹ, Long Trường, Long Phước Thôn và Long Bình trả lại cho quận Thủ Đức. Như thế lúc này quận Thủ Đức có 15 xã. Từ năm 1962, chính quyền Việt Nam Cộng hòa bỏ dần, đến năm 1965 bỏ hẳn cấp hành chính tổng, các xã trực tiếp thuộc quận.

Năm 1966, do cắt xã An Khánh Xã nhập vào Đô thành Sài Gòn, nên quận Thủ Đức còn 14 xã. Địa bàn xã An Khánh Xã cũ được chia thành 02 phường: An Khánh và Thủ Thiêm cùng thuộc quận 1 của Đô thành Sài Gòn. Đầu năm 1967, lại tách 02 phường: An Khánh và Thủ Thiêm lập quận 9 (quận Chín) thuộc Đô thành Sài Gòn.

Năm 1972, lập xã Phước Bình thuộc quận Thủ Đức. Như thế quận Thủ Đức có 15 xã. Cho đến ngày 29 tháng 4 năm 1975, quận Thủ Đức gồm 15 xã trực thuộc: Tam Bình Xã, Long Bình, Long Phước Thôn, Long Thạnh Mỹ, Bình Trưng, Thạnh Mỹ Lợi, Phú Hữu, An Phú, Linh Xuân Thôn, Phước Long Xã, Linh Đông Xã, Long Trường, Tăng Nhơn Phú, Hiệp Bình Xã, Phước Bình.

Trước năm 1975, quận Thủ Đức có diện tích vào khoảng 200 km2 và gồm có tất cả 15 xã với dân số là 184.989 người.[5]

Giai đoạn 1975-1996[sửa | sửa mã nguồn]

Sau khi Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa Miền Nam Việt Nam tiếp quản Đô thành Sài Gòn và các vùng lân cận vào ngày 30 tháng 4 năm 1975, ngày 3 tháng 5 năm 1975 thành phố Sài Gòn - Gia Định được thành lập. Theo nghị quyết ngày 9 tháng 5 năm 1975 của Ban Chấp hành Đảng bộ Đảng Lao động Việt Nam thành phố Sài Gòn - Gia Định, huyện Thủ Đức được thành lập trên cơ sở toàn bộ quận Thủ Đức cũ thời Việt Nam Cộng hòa.

Ngày 20 tháng 5 năm 1976, tổ chức hành chánh thành phố Sài Gòn - Gia Định được sắp xếp lần hai (theo quyết định số 301/UB ngày 20 tháng 5 năm 1976 của Ủy ban Nhân dân Cách mạng thành phố Sài Gòn - Gia Định). Theo đó, quận 9 (quận Chín) bị giải thể, hai phường trực thuộc chuyển thành hai xã: Thủ Thiêm và An Khánh nhập vào huyện Thủ Đức cùng thuộc Thành phố Sài Gòn - Gia Định.

Ngày 2 tháng 7 năm 1976, Quốc hội nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam khoá VI, kỳ họp thứ 1 chính thức đổi tên thành phố Sài Gòn - Gia Định thành Thành phố Hồ Chí Minh. Huyện Thủ Đức trở thành huyện trực thuộc Thành phố Hồ Chí Minh.

Sau ngày 30 tháng 4 năm 1975, chính quyền chuyển xã Linh Đông Xã thành thị trấn Thủ Đức; đổi tên năm xã: Tam Bình Xã thành Tam Bình, Long Phước Thôn thành Long Phước, Linh Xuân Thôn thành Linh Xuân, Phước Long Xã thành Phước Long và Hiệp Bình Xã thành Hiệp Bình, Đến tháng 5 năm 1976, huyện Thủ Đức nhận hai xã: An Khánh và Thủ Thiêm vốn là hai phường của quận 9 (quận Chín) giải thể, nhập về. Như thế huyện Thủ Đức gồm 1 thị trấn Thủ Đức và 16 xã: An Khánh, An Phú, Bình Trưng, Hiệp Bình, Linh Xuân, Long Bình, Long Phước, Long Thạnh Mỹ, Long Trường, Phú Hữu, Phước Bình, Phước Long, Tam Bình, Tăng Nhơn Phú, Thạnh Mỹ Lợi, Thủ Thiêm.

Ngày 14 tháng 2 năm 1987, theo Quyết định số 33-HĐBT[6] của Hội đồng Bộ trưởng, huyện Thủ Đức thành lập thêm các xã mới trực thuộc như sau:

1.Chia xã Tam Bình thành ba xã lấy tên là xã Tam Bình, xã Tam Phú và xã Linh Đông; tách 221 hécta đất với 6.410 nhân khẩu của thị trấn Thủ Đức để sáp nhập vào xã Linh Đông.

a) Xã Tam Bình có 11.816 nhân khẩu với 895 hécta đất.

b) Xã Tam Phú có 267,5 hécta đất với 10.125 nhân khẩu.

c) Xã Linh Đông có 227 hécta đất với 13.591 nhân khẩu.

2. Chia xã Tăng Nhơn Phú thành ba xã lấy tên là xã Tăng Nhơn Phú, xã Hiệp Phú và xã Tân Phú; tách 6,7 hécta đất của xã Tăng Nhơn Phú để sáp nhập vào xã Phước Long.

a) Xã Tăng Nhơn Phú có 825 hécta đất với 8.878 nhân khẩu.

b) Xã Hiệp Phú có 235,7 hécta đất với 9.442 nhân khẩu.

c) Xã Tân Phú có 785,2 hécta đất với 9.084 nhân khẩu.

3. Chia xã Linh Xuân thành hai xã lấy tên là xã Linh Xuân và xã Linh Trung; tách 141 hécta đất với 2.665 nhân khẩu của thị trấn Thủ Đức để sáp nhập vào xã Linh Xuân; tách một phần ấp 5 với 32 hécta đất cùng 1.069 nhân khẩu và ấp 1 với 260 hécta đất cùng 2.920 nhân khẩu của xã Linh Trung để sáp nhập vào thị trấn Thủ Đức.

a) Xã Linh Xuân có 284 hécta đất với 8.116 nhân khẩu.

b) Xã Linh Trung có 472 hécta đất với 9.114 nhân khẩu.

4. Tách 14,17 hécta đất với 232 nhân khẩu của thị trấn Thủ Đức để sáp nhập vào xã Phước Long; tách 52,7 hécta đất với 2.641 nhân khẩu của xã Phước Long để sáp nhập vào thị trấn Thủ Đức.

a) Thị trấn Thủ Đức có 319 hécta đất với 31.347 nhân khẩu.

b) Xã Phước Long có 1.172 hécta đất với 16.772 nhân khẩu.

5. Chia xã Hiệp Bình thành hai xã lấy tên là xã Hiệp Bình Phước và xã Hiệp Bình Chánh.

a) Xã Hiệp Bình Phước có 749 hécta đất với 8.441 nhân khẩu.

b) Xã Hiệp Bình Chánh có 628 hécta đất với 9.610 nhân khẩu.

Như thế lúc này huyện Thủ Đức có 01 thị trấn và 22 xã.

Từ năm 1997 đến nay[sửa | sửa mã nguồn]

Ngày 6 tháng 1 năm 1997, Chính phủ Việt Nam ban hành Nghị định số 03-CP[7] về việc giải thể huyện Thủ Đức cũ và thành lập các quận, phường mới thuộc thành phố Hồ Chí Minh như sau:[8]

I. Thành lập Quận Thủ Đức và các phường thuộc Quận Thủ Đức:

1. Thành lập Quận Thủ Đức trên cơ sở toàn bộ diện tích tự nhiên và dân số của các xã Linh Đông, Linh Trung, Tam Bình, Tam Phú, Hiệp Bình Phước, Hiệp Bình Chánh, thị trấn Thủ Đức, 55 ha diện tích tự nhiên và 366 nhân khẩu của xã Hiệp Phú; 298 ha diện tích tự nhiên và 3.188 nhân khẩu của xã Tân Phú; 367 ha diện tích tự nhiên và 6.651 nhân khẩu của xã Phước Long, thuộc huyện Thủ Đức.

Quận Thủ Đức có 4.726,5 ha diện tích tự nhiên và 163.394 nhân khẩu.

2. Thành lập các phường thuộc Quận Thủ Đức:

a) Thành lập phường Linh Đông trên cơ sở toàn bộ diện tích tự nhiên và dân số của xã Linh Đông, gồm 259 ha và 19.206 nhân khẩu.

b) Thành lập phường Hiệp Bình Chánh trên cơ sở toàn bộ diện tích tự nhiên và dân số của xã Hiệp Bình Chánh, gồm 626 ha và 16.508 nhân khẩu.

c) Thành lập phường Hiệp Bình Phước trên cơ sở toàn bộ diện tích tự nhiên và dân số của xã Hiệp Bình Phước, gồm 766 ha và 12.354 nhân khẩu.

d) Thành lập phường Tam Phú trên cơ sở toàn bộ diện tích tự nhiên và dân số của xã Tam Phú, gồm 298 ha và 12.926 nhân khẩu.

e) Thành lập phường Linh Xuân trên cơ sở toàn bộ diện tích tự nhiên và dân số xã Linh Xuân, gồm 382,5 ha và 13.666 nhân khẩu.

f) Thành lập phường Linh Chiểu trên cở sơ 130 ha diện tích tự nhiên và 11.576 nhân khẩu của thị trấn Thủ Đức.

Phường Linh Chiểu có 130 ha diện tích tự nhiên và 11.576 nhân khẩu.

g) Thành lập phường Trường Thọ trên cơ sở 367 ha diện tích tự nhiên và 6.651 nhân khẩu của xã Phước Long; 42 ha diện tích tự nhiên và 13.510 nhân khẩu của thị trấn Thủ Đức.

Phường Trường Thọ có 409 ha diện tích tự nhiên và 20.161 nhân khẩu.

h) Thành lập phường Bình Chiểu trên cơ sở 549 ha diện tích tự nhiên và 12.288 nhân khẩu của xã Tam Bình.

Phường Bình Chiểu có 549 ha diện tích tự nhiên và 12.288 nhân khẩu.

i) Thành lập phường Linh Tây trên cơ sở 61 ha diện tích tự nhiên và 10.158 nhân khẩu của thị trấn Thủ Đức; 80 ha diện tích tự nhiên và 1.680 nhân khẩu của xã Linh Trung.

Phường Linh Tây có 141 ha diện tích tự nhiên và 11.838 nhân khẩu.

k) Thành lập phường Bình Thọ trên cơ sở 108 ha diện tích tự nhiên và 10.906 nhân khẩu của xã Tam Bình.

Phường Bình Thọ có 108 ha diện tích tự nhiên và 10.906 nhân khẩu.

l) Thành lập phường Tam Bình trên cơ sở 341 ha diện tích tự nhiên và 7.831 nhân khẩu của xã Tam Bình.

Phường Tam Bình có 341 ha diện tích tự nhiên và 7.831 nhân khẩu.

m) Thành lập phường Linh Trung trên cơ sở 328 ha diện tích tự nhiên và 10.630 nhân khẩu của xã Linh Trung; 298 ha diện tích tự nhiên và 3.138 nhân khẩu của xã Tân Phú; 55 ha diện tích tự nhiên và 366 nhân khẩu của xã Hiệp Phú.

Phường Linh Trung có 681 ha diện tích tự nhiên và 14.134 nhân khẩu.

II. Thành lập Quận 2 và các phường thuộc Quận 2:

Thành lập Quận 2 trên cơ sở toàn bộ diện tích tự nhiên và dân số của các xã An Phú, An Khánh, Thủ Thiêm, Bình Trưng, Thạnh Mỹ Lợi thuộc huyện Thủ Đức.

Quận 2 có 5.020 ha diện tích tự nhiên và 86.027 nhân khẩu.

III. Thành lập Quận 9 và các phường thuộc Quận 9:

Thành lập Quận 9 trên cơ sở toàn bộ diện tích tự nhiên và dân số các xã Long Bình, Long Thạnh Mỹ, Tăng Nhơn Phú, Long Phước, Long Trường, Phú Hữu, Phước Bình, 484 ha diện tích tự nhiên và 15.794 nhân khẩu còn lại của xã Tân Phú, 891 ha diện tích tự nhiên và 16.868 nhân khẩu còn lại của xã Phước Long, 172 ha diện tích tự nhiên và 13.493 nhân khẩu của xã Hiệp Phú, 140 ha diện tích tự nhiên của xã Bình Trưng, thuộc huyện Thủ Đức.

Quận 9 có 11.362 ha diện tích tự nhiên và 126.220 nhân khẩu.

Như vậy, quận Thủ Đức có 12 phường: Linh Chiểu, Linh Đông, Linh Trung, Linh Xuân, Bình Chiểu, Bình Thọ, Tam Bình, Tam Phú, Hiệp Bình Chánh, Hiệp Bình Phước, Trường Thọ và Linh Tây.

Tên gọi[sửa | sửa mã nguồn]

Có thuyết rằng tên gọi Thủ Đức là lấy từ tên một vị quan trấn thủ một khu đồi xưa trên khu vực này tên là Đức. Về sau, một thương gia tên Tạ Dương Minh đến đây lập chợ, lấy tên và chức của vị quan trấn thủ tên Đức kia đặt cho chợ Thủ Đức để tỏ lòng biết ơn. Từ đó có địa danh Thủ Đức.[9]

Tuy nhiên, trong báo cáo của phòng Di sản văn hóa thuộc Sở Văn hóa, Thông tin và Du lịch Thành phố Hồ Chí Minh ngày 10 tháng 10 năm 2010, thì: "...ông Tạ Dương Minh (Tạ Huy), hiệu Thủ Đức, chính là người đã góp phần khai khẩn lập ấp vùng Linh Chiểu xưa và xây dựng ngôi chợ đầu tiên tại đây mang tên hiệu của ông là chợ Thủ Đức" [10]

Đơn vị hành chính[sửa | sửa mã nguồn]

Quận Thủ Ðức hiện nay có 12 phường:

Giáo dục[sửa | sửa mã nguồn]

Phổ thông[sửa | sửa mã nguồn]

Quận Thủ Đức là nơi tập trung nhiều cơ sở giáo dục lớn nhỏ, hiện có:

- THPT Thủ Đức (Đào tạo hệ thống nâng cao,các lớp chuyên Ban) (****)

- THPT Nguyễn Hữu Huân (Đào tạo hệ thống nâng cao, lớp chuyên) (****)

- THPT Tam Phú (**)

- THPT Hiệp Bình (**)

- THPT Dân lập Phương Nam

- THPT Tư thục Bách Việt

- THPT Đông Dương (Đào tạo hệ thống giáo dục Quốc tế)

- THPT Đào Sơn Tây

Ngoài ra, còn phải kể đến cơ sở nuôi dạy trẻ mồ côi hiện đại mang tên Làng Thiếu Nhi nằm trên đường Võ Văn Ngân, Phường Linh Chiểu, do Marina Picasso Foundation thành lập.[11]

Đại học, cao đẳng và dạy nghề[sửa | sửa mã nguồn]

Quận Thủ Đức là nơi tập trung nhiều trường đại học và trung học chuyên nghiệp như

Giao thông[sửa | sửa mã nguồn]

Các tuyến đường chính trên Quận Thủ Ðức là: Quốc Lộ 1A, Xa Lộ Hà Nội, Quốc Lộ 13, Quốc Lô 1K, Võ Văn Ngân, Kha Vạn Cân, Ðặng Văn Bi, Tỉnh Lộ 43, Linh Ðông, Ngô Chí Quốc, Lê Thị Hoa, Hoàng Diệu 2.....

Các tuyến đường đang được triển khai: đường Tân Sơn Nhất - Bình Lợi (đang trọng giai đoạn giải phóng mặt bằng - nối liền sân bay Tân Sơn Nhất đến Sân bay Long Thành - Ðồng Nai), đường Bình Thái - Gò Dưa (đang tạm ngưng - nối liền ngã tư Bình Phước đến ngã tư Bình Thái - Xa Lộ Hà Nội), tuyến ống nước D2000 Xa Lộ Hà Nội.

Công nghiệp & Thương mại[sửa | sửa mã nguồn]

Thủ Đức ngày nay có rất nhiều nhà máy của các xí nghiệp quốc doanh, xí nghiệp tư doanh, xí nghiệp liên doanh với nước ngoài, xí nghiệp 100% vốn nước ngoài. Toàn quận hiện nay có khoảng 150 nhà máy có quy mô sản xuất lớn (phần lớn tập trung trong các Khu công nghiệp, Khu chế xuất) và hàng ngàn nhà máy nhỏ.[11]

Đặc biệt là Khu chế xuất Linh Trung được thành lập năm 1993 trên diện tích khoảng 150 ha, quy tụ được 32 công ty nước ngoài (với tổng số vốn đầu tư là 171 triệu đô la. Năm 1996, Quận hình thành thêm 2 Khu Công Nghiệp lớn là: Khu công nghiệp Linh Trung-Linh Xuân (450 ha), và Khu Công Nghiệp Bình Chiểu (200 ha).

Về thương mại, quận có một số chợ truyền thống như chợ Bình Triệu, chợ Linh Xuân, chợ Phước Long, chợ Hiệp Phú, chợ Tăng Nhơn Phú, chợ Tân Phú.[11] Bên cạnh đó là nhiều khu thương mại và dịch vụ lớn tại các Phường Hiệp Bình Chánh, Tam Bình,Bình Chiểu, Linh Xuân.

Tôn giáo[sửa | sửa mã nguồn]

Thủ Đức tập trung khá nhiều đình chùa, nhà thờ của nhiều tôn giáo khác nhau.[11]

Nhà thờ Giáo xứ Châu Bình ở phường Tam Phú, quận Thủ Đức
Công giáo
Tin Lành
  • Nhà thờ Hội thánh Tin Lành ở Linh Chiểu
Chùa Vạn Đức trong một ngày lễ tang cố Hòa thượng Thích Trí Tịnh
Phật Giáo
  • Chùa Huê Nghiêm (Bình Thọ)
  • Chùa Huỳnh Vỏ (Linh Trung)
  • Chùa Long Nhiểu (Linh Tây)
  • Chùa Vạn Quang (Phường Tam Phú)
  • Chùa Vạn Ðức (Phường Tam Phú)
  • Chùa Bảo Thắng (phường Tam Phú)
  • Chùa Pháp Trí (Linh Xuân)
  • Chùa Vô Ưu (Linh Đông)
  • Chùa Thiên Phước (Trường Thọ)
  • Chùa Nhất Trụ (tức Một Cột, Bình Thọ)
  • Chùa Bửu Quang (Tam Bình)
  • Chùa Thanh Sơn (Long Bình)
  • Chùa Quan Âm Ni Tự (Linh Xuân)
  • Chùa Kiều Đàm (Tân Phú)
  • Chùa Pháp Bảo(Tân Phú)
  • Chùa Sùng Ðức (Phường Trường Thọ)
  • Chùa Bửu Hương (Phường Trường Thọ)
  • Tu Viện Pháp Hoa (Phường Trường Thọ)
  • Tu viện Quảng Ðức (Phường Trường Thọ)
  • Tu viện Trúc Lâm (Phường Trường Thọ)
  • Tịnh xá Ngọc Triệu - Bình Triệu (phường Hiệp Bình Chánh)
Cao Đài
  • Thánh Thất Linh Đông (Phường Linh Chiểu)
  • Thánh Thất Long Vân (Phường Linh Trung)
  • Điện Thờ Phật Mẫu Linh Đông (Phường Linh Chiểu)
  • Điện Thờ Phật Mẫu Long Vân (Phường Linh Trung)

Địa điểm giải trí[sửa | sửa mã nguồn]

Chợ Thủ Đức
Làng ẩm thực Thủ Đức

Nằm cách Ngã 4 Thủ Đức vào khoảng 500m, nơi đây là nơi tập trung của hàng trăm quán nhậu và quán cafe trong khuôn viên khoảng 2 km.

Công Viên Nước (Saigon Water Park)

Nằm trên đường Kha Vạn Cân, Phường Linh Đông, là một khu giải trí với các trò chơi dưới nước hiện đại. Hiện nay công viên nước này đã giải thể, đã có một thời báo chí đăng rất nhiều chuyên đề về công viên nước: 1 số người có ý định chuyển đổi công viên nước (công cộng) thành 1 khu dân cư (cá nhân), tuy nhiên việc làm này đã bị UBND Thành phố Hồ Chí Minh bác bỏ

Đường Thống Nhất

Đây là con đường ẩm thực của phường Bình Thọ, là nơi có hàng chục quán ăn, quán cafe,...

Đường Võ Văn Ngân

Đây là con đường thương mại chính của Quận Thủ Đức,có rất nhiều cửa hàng, quán ăn,... Du khách có thể đến đây để ăn uống, mua sắm trên con đường này. Đường luôn đông người nhưng không hề bị tắc đường.

Định hướng quy hoạch[sửa | sửa mã nguồn]

Năm 2008, đề án quy hoạch chung của quận Thủ Đức được Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh phê duyệt với tổng diện tích 4.764,89 ha. Theo đó, quận sẽ được quy hoạch như sau:[12]

Việc phân bố dân cư trên địa bàn quận Thủ Đức chia thành 5 khu ở tập trung:

  • Khu ở 1: Nằm ở phía đông bắc có diện tích 1.233 ha, gồm các phường Linh Xuân, Linh Trung, Linh Chiểu và một phần Linh Tây, dân số dự kiến sẽ vào khoảng 100.000 người, mật độ xây dựng cho phép từ 28-32%.
  • Khu ở 3: Nằm ở phía tây có diện tích 1.413 ha, bao gồm phường Hiệp Bình Chánh, Hiệp Bình Phước Dân số dự kiến khoảng 18.000 người, mật độ xây dựng trung bình 24-28%, tập trung dân cư tập trung chủ yếu tại dọc quốc lộ 13.
  • Khu ở 4: Có diện tích 620 ha, bao gồm phường Bình Chiểu và một phần các phường Hiệp Bình Phước, Tam Bình. Dân số dự kiến sau quy hoạch khoảng 100.000 người.
  • Khu ở 5: Nằm tại khu ở trung tâm quận với diện tích 885 ha, bao gồm phường Bình Thọ và một phần các phường Tam Bình, Tam Phú, Trường Thọ, Linh Tây. Dân số khoảng 135.000 người.

Trung tâm hành chính quận Thủ Đức sẽ được di dời từ phường Bình Thọ về nơi quy hoạch mới nằm tại phường Tam Phú (theo quy hoạch chung phê duyệt năm 1999). Các Trung tâm Thương mại - dịch vụ sẽ được phát triển tập trung theo hành lang dọc các tuyến đường giao thông lớn như: xa lộ Hà Nội, xa lộ Xuyên Á, đường Võ Văn Ngân, Tân Sơn Nhất – Bình Lợi – vành đai ngoài... Bên cạnh đó, các Trung tâm văn hoá – Thể dục thể thao vẫn sẽ nằm tại công viên Tam Phú và khu vực phường Linh Chiểu, Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh vẫn nằm tại phường Linh Trung. Tuy nhiên, theo 1 số chuyên gia có trách nhiệm thì việc dời trung tâm hành chính của Quận Thủ Ðức từ Phường Bình Thọ về Phường Tam Phú là 1 việc bất khả thi

Chú thích[sửa | sửa mã nguồn]

  1. ^ a ă â Dan so quan thu duc nam 2011,Theo Cục Thống kê thành phố Hồ Chí Minh
  2. ^ “Mã số đơn vị hành chính Việt Nam”. Bộ Thông tin & Truyền thông. Truy cập ngày 10 tháng 4 năm 2012. 
  3. ^ Hội Đồng Trị Sự Nguyển Phúc Tộc. Nguyễn Phúc tộc thế phả: thủy tổ phả, vương phả, đế phả. Huế: Nhà xuất bản Thuận Hóa, 1996. Tr. 149.
  4. ^ Nguyễn Đình Đầu, Địa danh Phú Nhuận, Tạp chí Xưa và Nay.
  5. ^ Huỳnh Minh. Gia Định xưa và nay. Sài Gòn: Tác giả xuất bản, 1973. Tr. 429.
  6. ^ “Quyết định 33”. Truy cập 7 tháng 2 năm 2015. 
  7. ^ Công Báo, ngày 15 tháng 03 năm 1997, tr. 283-289
  8. ^ Giới thiệu về Quận Thủ Đức, Cổng thông tin điện tử Sài Gòn.
  9. ^ Huỳnh Minh (2006). Gia Định xưa. Nhà xuất bản Văn Hóa Thông Tin. tr. tr. 93–94. 
  10. ^ Nguồn: "Chợ Thủ Đức và ngôi nhà thờ hoang phế" đăng trên Việt Nam.net ngày 20/01/2012 [1].
  11. ^ a ă â b Thủ Đức xưa và nay
  12. ^ Quy hoạch chung quận Thủ Đức--Thuvien.xaydung.gov.vn, Truy cập 18/07/09

Liên kết ngoài[sửa | sửa mã nguồn]