Những địa điểm tham quan du lịch ở Tỉnh Vĩnh Phúc

Địa hình của tỉnh chủ yếu là trung du và đồng bằng, đồi núi thấp. Nhiệt độ trung bình năm khoảng 23,4ºC. Vùng núi Tam Đảo khí hậu mát mẻ, nhiệt độ trung bình năm khoảng 21ºC, là nơi nghỉ mát lý tưởng của miền Bắc. Chảy qua Vĩnh Phúc có 4 dòng chính: sông Hồng, sông Lô, sông Phó Đáy và sông Cà Lồ.
Tiềm năng phát triển kinh tế và du lịch
Nền kinh tế của tỉnh trong những năm gần đây đã dần đi vào ổn định. Năng suất cây trồng khá, chăn nuôi gia súc, thủy sản phát triển ở hầu hết các địa phương của tỉnh.
Thiên nhiên đã tạo cho Vĩnh Phúc nhiều cảnh quan kỳ thú như Tam Đảo, Tây Thiên, hồ Đại Lải... trong đó vùng núi Tam Đảo khí hậu mát mẻ, là nơi nghỉ mát lý tưởng của miền Bắc. Tỉnh có nhiều di tích lịch sử đã được Bộ Văn hoá - Thông tin xếp hạng
Giao thông
Hệ thống giao thông của tỉnh đa dạng và tương đối phát triển, có hệ thống đường bộ, đường thủy, đường sắt từ Hà Nội đi qua tỉnh đến Lào Cai. Tỉnh là điểm đầu của quốc lộ 18 đi cảng Cái Lân (Quảng Ninh) và có đường quốc lộ 2 chạy dọc tỉnh. Tỉnh Vĩnh Phúc nằm gần kề ngay sân bay quốc tế Nội Bài, là điều kiện thuận lợi cho việc phát triển kinh tế đối ngoại.
Trung tâm Thành phố Vĩnh Yên
1. Thành phố Vĩnh Yên là trung tâm chính trị, kinh tế, văn hoá, xã hội của tỉnh. Nằm dọc hai bên quốc lộ 2A, có diện tích khoảng 50km2, dân số hơn 13 vạn người, được bố trí thành 9 đơn vị hành chính (7 phường và 2 xã). Là nơi có truyền thống văn hoá từ rất sớm, có nhiều danh thắng tiêu biểu và gần 100 di tích lịch sử văn hoá. Bao gồm các điểm tham quan:
2. Bảo tàng Vĩnh Phúc:
Bảo tàng Vĩnh Phúc được toạ lạc ở trung tâm Thành phố, có diện tích trưng bày 2.500m2, trong khuôn viên rộng 38.000m2, thuộc khu đồi Chánh sứ cũ (núi Sơn Cao) trông xuống một góc của Đầm Vạc, với hàng nghìn hiện vật, tư liệu, hình ảnh được thể hiện bằng mỹ thuật, kỹ thuật và phương tiện trưng bày hoành tráng, hiện đại. Bảo tàng Vĩnh Phúc sẽ đáp ứng nhu cầu nghiên cứu khoa học, tham quan của nhân dân trong tỉnh và du khách đến với quê hương Vĩnh Phúc.
3. Nhà lưu niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh
Vĩnh Phúc còn có vinh dự là một trong những tỉnh ở Miền Bắc được đón Bác Hồ về thăm nhiều nhất. Từ năm 1945- 1963, Đảng bộ và nhân dân Vĩnh Phúc được 8 lần đón Bác về thăm. Ngày 3/2/1963, trong một buổi nói chuyện với nhân dân Vĩnh Phúc người đã căn dăn: “Phải làm cho Vĩnh Phúc trở thành một tỉnh giàu có và phồn thịnh nhất ở Miền Bắc”
Tưởng nhớ đến Bác, Đảng bộ và nhân dân Vĩnh Phúc đã xây dựng nhà lưu niệm để giữ mãi những hình ảnh về Bác.
4. Chùa Hà Tiên
Chùa Hà Tiên (thường gọi là Chùa Hà), thuộc xã Định Trung, nằm ngay bên quốc lộ 2B từ Thành phố Vĩnh Yên lên khu nghỉ mát Tam Đảo. Toạ lạc ở một vị trí được xem là thế đất quý về mặt phong thuỷ: Trước chùa là một vùng trũng “Sơn chỉ, thuỷ giao”, hai bên có hai gò đất tựa hình Thanh Long, Bạch Hổ. Phong cảnh rất đẹp từng được ca dao nói đến:
Lên xem phong cảnh Chùa Hà
Có cây trăm thước có hoa bốn mùa
Nước giếng chùa Hà có tiếng “trong xanh, mạch thuỷ nhiệm màu” nên có câu:
“Người xấu như ma, tắm nước chùa Hà cũng đẹp như tiên”.
Chùa Hà tiên từng là một trong những trung tâm phật giáo lớn thời Lý Trần. Chùa thờ Phật, song thờ cả Quốc mẫu Tây thiên Năng Thị Tiêu và Chúa thượng ngàn, cũng là di tích lưu niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh khi người về thăm Vĩnh Phúc đến thưởng ngoạn thắng cảnh chùa Hà ngày 25/01/1963.
5. Ngoài những di tích lịch sử, văn hoá, du khách đến với trung tâm Thành phố Vĩnh Yên có thể thăm quan khu du lịch Đầm Vạc.
Đây là một điểm du lịch khá hấp dẫn du khách ngay từ khi đặt chân tới trung tâm Thành phố. Trong quần thể các đầm, hồ có giá trị cảnh quan du lịch của Vĩnh Phúc thì Đầm vạc có một vị trí quan trọng. Đầm Vạc nằm ở giữa trung tâm Thành phố Vĩnh Yên, có 23 nhánh chính tạo ra những hồ, lạch nhỏ có chu vi 14km2 Chiều rộng trung bình 1km, diện tích mặt nước rộng gần 500ha, đáy sâu nhất 4,5m, trung bình 3,8m.
Trữ lượng nước hàng năm đầy vơi theo mùa, nếu giữ ở mức 6,5m thì có trên 3 triệu m3. Đầm Vạc nằm trong hệ thống sông Hồng, nước hồ được lưu thông bởi hệ thống sông ngòi của Vĩnh Phúc. Vùng này xưa kia được rừng thiên nhiên bao bọc, lắm chim nhiều cá, những đầm cò, vạc, bồ nông, mòng, két, le le về kiếm ăn.
Có lẽ là do có nhiều cò, vạc về đây nên người xưa gọi đây là Đầm Vạc chăng? Vị trí địa lý thuận lợi, cảnh quan đẹp, khí hậu và môi trường trong lành nên Đầm Vạc đã và đang là điểm du lịch hấp dẫn du khách.
6. Du khách đến với trung tâm Thành phố Vĩnh Yên có thể tham quan khu vui chơi giải trí Trại ổi, khu du lịch dịch vụ bắc Đầm Vạc và nam Đầm Vạc
Tam Đảo
Tam Đảo, cái tên của 3 đỉnh núi nổi tiếng là Phù Nghĩa (Rùng Rình) 1350m, Thiên Thị 1375m và Thạch Bàn 1388m, là một dãy núi lớn dài 80km, rộng 10-15km, chạy theo hướng tây bắc-đông nam, nơi có Vườn Quốc gia Tam Đảo được thành lập năm 1996. Diện tích vườn là 36883 ha, có độ cao từ 100 đến 1591m, nằm trên địa bàn của 3 tỉnh là Vĩnh Phúc, Thái Nguyên và Tuyên Quang, cách thành phố Vĩnh Yên 23km về phía bắc, cách thủ đô Nội 75 km về phía Tây Bắc.
Tam Đảo có khu hệ động và thực vật rất đa dạng và phong phú. Theo thống kê gần đây của dự án GTZ (năm 2003), Tam Đảo có 1282 loài thực vật bậc cao, thuộc 179 họ khác nhau. Trong đó, có 42 loài đặc hữu và 64 loài quý, hiếm cần được bảo vệ.
Rừng mây mù
Cá cóc Tam Đảo
Loài bướm quý, hiếm (Teinopalpus aureus)
Cua bay (Cheirotonus sp.) một loại bọ cánh cứng đẹp và có giá trị họ bọ Hung
Tam Đảo gần thủ đô Hà Nội, gần thành phố Việt Trì, Vĩnh Yên. Nơi có khí hậu mát mẻ, diện tích rừng rộng lớn là một lá phổi xanh điều hoà khí hậu cho thủ đô Hà Nội và các khu vực lân cận. Một khu nghỉ dưỡng và tham quan rất quý giá. Ngoài ra, Tam Đảo còn có giá trị đặc biệt vì nó ảnh hưởng mạnh đến thời tiết, điều kiện thuỷ văn sông Hồng, sông Chảy và sông Lô.
Tháp truyền hình Tam Đảo nằm trên đỉnh núi ở độ cao 1250m. Từ đây du khách có thể nhìn về Vĩnh Yên, Việt Trì, hồ Núi Cốc. Ba đỉnh núi Tam Đảo ở độ cao trên 1300m, có rừng nguyên sinh, cảnh quan đẹp. Là nơi du khách có thể thực hiện các cuộc leo núi, du lịch sinh thái để nghiên cứu, tham quan và chụp ảnh phong cảnh, động và thực vật nơi đây. Lên tháp truyền hình hay chinh phục các đỉnh núi, đường đi dưới tán rừng thường xuyên có mây mù bao phủ, phong cảnh rất thơ mộng và hữu tình.
Rừng tự nhiên là nơi cư ngụ của các loài động và thực vật, còn là nơi tham quan, giải trí. Dù trong những ngày hè oi bức, khi bước chân vào rừng tự nhiên, ta có cảm giác như vào trong phòng điều hòa không khí tự nhiên với khí hậu rất trong lành mà không có máy điều hòa không khí nào có thể so sánh được. Du khách có thể lang thang cả ngày trong rừng mà không biết chán.
Vườn quốc gia Tam Đảo
Với những ai yêu thích thiên nhiên, thích khám phá những điều bí ẩn từ thiên nhiên, ưa sự mạo hiểm thì đi rừng là một cơ hội để thoả mãn
Nhà điều hành sân Goft Tam Đảo
Vườn Quốc gia Tam Đảo có diện tích khoảng 19.000 ha, tài nguyên rừng rất đa dạng với trên 620 loài cây thân gỗ và thân thảo, 40 % các loài sồi, giẻ. Đặc biệt ở đây có cây Pơmu là cây gỗ quý hiếm, điển hình cho vùng á nhiệt đới. Về chim có tới 120 loài, có nhiều loài chim cảnh có bộ lông màu sặc sỡ như Vàng anh, sơn tiêu trắng, sơn tiêu đỏ, gà nôi hoặc có giọng hát hay như hoạ mi, khướu bách thanh, gà rừng, đa đa, phượng hoàng đất, chim cu gáy…
Thú rừng có chừng 45 loài, trong đó có nhiều loài quý hiếm như hổ, báo, gấu, sóc bay, chồn mực, vượn, voọc quần đùi, voọc đen, nai, hoẵng, lợn rừng, sơn dương…
Rừng Quốc gia Tam Đảo vừa là nơi tham quan ngắm cảnh, vừa có giá trị nghiên cứu khoa học về hệ sinh thái rừng nhiệt đới và á nhiệt đới trên núi. Đặc sản của địa phương có nhiều cây thuốc và cây dược liệu, có nhiều rau, hoa quả quý. Là nơi nghỉ mát mùa hè, nơi nghỉ cuối tuần đối với Thủ đô Hà Nội và các khu vực xung quanh, các nhà nghỉ khách sạn đủ điều kiện để phục vụ khách trong và ngoài nước.
Du khách đến nghỉ ở Tam Đảo có thể đi thăm cảnh quan hấp dẫn như: thác Bạc, Đền Mẫu bà Chúa thượng ngàn, đền Đức Thánh Trần thăm khu du lịch Lạc Hồng mới đi vào hoạt động hoặc leo hơn 1000 bậc lên tháp truyền hình Tam Đảo. Nếu leo núi luồn rừng có thể đến khu danh thắng Tây Thiên hoặc chinh phục các đỉnh núi Rùng rình, Phù Nghĩa, Thiên Thị…
Trên đường từ Tam Đảo đi Tây Thiên du khách có thể vào tham quan đền Cô, đền Cậu và đền Chân suối ở ngay chân núi Tam Đảo.
Cũng vẫn trên tuyến đường này xin mời du khách ghé thăm khu resort tuyệt đẹp đã được khai trương vào tháng 1/2007, cùng với sân gôn 18 lỗ ngay dưới chân núi Tam Đảo rất hấp dẫn với những du khách có nhu cầu cao cấp đến chơi và nghỉ.
Sân Goft Tam Đảo
Hồ Xạ Hương
Hồ Xạ Hương nằm trong thung lũng núi Con Trâu thuộc xã Minh Quang, Huyện Tam Đảo. Hồ rộng 83 ha với nhiều ngách lớn xuyên vào các cánh rừng. Đập nước cao 41 m, sức chứa của hồ hơn 12 triệu m3 nước.
Nước hồ Xạ Hương trong xanh và sạch. Khi hồ dâng cao tới cao trình 92 tạo mặt hồ rộng, chèo thuyền giữa mênh mông sóng vỗ có thể ghé thuyền vào làng hay giữa lưng chừng núi. Lúc hồ rút xuống cao trình 76 du khách ngỡ ngàng thấy hai chú cá voi bằng đá đang nhấp nhô dưới làn nước xanh. Khi hồ còn ở cao trình 53 sẽ thấy xuất hiện hàng đàn hải mã, lợn lòi, hổ, báo bằng đá mồ côi, chúng như đang tranh mồi làm tung nước trắng xoá nơi cửa các con suối chảy vào hồ.
Tây Thiên
Cách điểm khu nghỉ mát Tam Đảo khoảng trên 10 km theo đường chim bay và 25km đường bộ, là khu danh thắng Tây Thiên một quần thể kiến trúc cổ nằm hoà với cảnh thiên nhiên của núi rừng Tam Đảo.
Cây đa chín cội – Tây Thiên
Tây Thiên nằm ở phương chính Tây của Kinh đô Nam Việt xưa, thờ Quốc Mẫu Năng Thị Tiêu thời vua Hùng. Theo truyền thuyết nữ thần núi Tam Đảo đem ba ngàn quân xuống ngã ba Hạc, tử chiến với giặc bắc xâm lược, giải nguy cho thành đô nước Văn Lang. Dẹp xong giặc, nữ thần từ chối chức tước bổng lộc của triều đình trở về với núi thiêng, tức là Tây Thiên ngày nay. Hiện nay khu danh thắng Tây Thiên còn cả đền Tây Thiên và chùa Tây Thiên. Đi từ dưới chân lên đến đỉnh của Tây Thiên xin mời du khách lần lượt tham quan các điểm như: Đền Trình, đền Thõng, đền Cô, đền Cậu, suối Giải oan…
Thác Bạc Tây Thiên - Tam Đảo
Thắng cảnh Tây Thiên là sự kết hợp hài hoà giữ thiên nhiên và sức sáng tạo của con người. Thác Bạc đổ xuống trắng xoá như rót bạc, rồi đầm Sen, ao Dứa, núi Rùng Rình. Sườn núi có chùa Tây Thiên trúc xanh, thông biếc. Trên đỉnh núi có chùa Đồng cổ. Từ phía tả khe Giải Oan lên núi đến Hồ Sen, có nhiều hòn đá với hình dáng kỳ lạ và Sen đỏ hoa nở bốn mùa. Suối từ chùa Đá toả ra bên tả là suối Bạc, bên hữu là suối Vàng. Chùa Đá có tường và nóc bằng đá, trần có khắc chữ Chùa Địa Ngục (Địa Ngục Từ). Suối Bạc và suối Vàng hợp nhau ở Hồ Sen rồi quanh co chảy suống hợp với khe Giải Oan. Từ bên bờ đi bộ khoảng nửa dặm gặp chỗ bằng phẳng thành đá dựng đứng, ở giữa có ba nền đất với tám toà đá vuông trông như hình bát bộ kim cương và một tấm bia lớn bằng đá khắc chữ “La Thành Bất Loạn”.
Đền Thõng Tây Thiên – Tam Đảo
Toàn khu Tây Thiên được xây dựng từ thời Lý, Trần, tiếp đến đời Lê có cây hương đẽo bằng đá xanh ghi khắc công lao tu bổ đền năm Bảo Thái (1720), Thời Tây Sơn cũng để lại cho Tây Thiên chiếc khánh quý bằng đồng cao 1,04m niên hiệu Cảnh Thịnh (1794). Cách chùa Tây Thiên 50m là động Sách Hoa với nhiều hình dáng kỳ thú.
Đền Thượng Tây Thiên – Tam Đảo
Tây Thiên từ lâu đã chở thành một khu di tích, danh lam thắng cảnh có giá trị nhiều mặt, nơi đây vừa được coi như một quần thể di tích kiến trúc, vừa có phong cảnh đẹp, sơn thuỷ hữu tình, giàu tiềm năng văn hoá và du lịch đã thu hút khá đông khách thập phương đến thưởng ngoạn vể đẹp kỳ vĩ của thiên nhiên và sự tài hoa của con người. Không chỉ vậy Tây Thiên còn là nơi thu hút các nhà dân tộc học, các nhà nghiên cứu văn hoá, nghiên cứu khoa học rừng nhiệt đới, động thực vật.
Thiền Viện Trúc Lâm ở Tây Thiên
Nơi khởi thuỷ của Phật giáo Việt Nam, có vẻ đẹp bề thế mà vẫn hài hoà với thiên nhiên, được toạ lạc trên sườn núi cao, từ đây du khách có thể phóng tầm mắt ra xa để thấy bao la rừng núi với đồng bằng, được xây dựng bề thế mà vẫn hài hoà với thiên nhiên.
Thiền Viện Trúc Lâm - Tây Thiên – Tam Đảo
Đình Tam Canh
Nằm cách thành phố Vĩnh Yên khoảng 7km, dọc theo quốc lộ 2A, cách Hà Nội khoảng 50km. Cụm đình Tam Canh gồm 3 đình: Hương Canh, Ngọc Canh và Tiên Hường. Đây cũng là tên của 3 làng thuộc thị trấn Hương Canh, huyện Bình Xuyên. Mỗi làng có một ngôi đình, song đều thờ 5 nhân vật lịch sử được phong “Thần” là Ngô Xương Ngập (con trưởng của Ngô Quyền), Ngô Xương Văn (con thứ của Ngô Quyền), Đỗ Cảnh Thạc (một tướng của Ngô Quyền), bà mẹ của Ngô Xương Văn là Linh Quang Thái Hậu và một ả Nữ nương được phong là Thị Tàng công chúa. Có niên đại cuối thế kỷ XVII đầu thế kỷ XVIII. Tổng thể mặt bằng ba ngôi đình bố cục kiểu chữ “Vương”. Cùng với kiến trúc hoành tráng bằng gỗ đồ sộ, cụm đình Tam Canh còn nổi tiếng về những trạm khắc trang trí nội thất.
Cụm đình Tam Canh
1. Đình Hương Canh
Tất cả các đầu dư, họng cột, những phần thừa ra ở đình đều được biến thành những tác phẩm nghệ thuật. Những đầu kìm được trạm lộng sâu tới gang tay, những nét mác cong đều nhau vun vút. Những đầu hoành, đòn tay là những chú voi mập mạp, như đang đứng đó cùng nhau khiêng đội mái đình.
Đặc biệt, những chạm trổ trên những bức cốn và ván gió mới thật tuyệt tác. Tất cả có 19 bức chạm lớn nhỏ gép thành 6 mảng lớn ở trong đình. Đây là hình ảnh thu nhỏ của ngày hội làng, phản ánh được phần nào sinh hoạt của nhân dân thời Lê Trung Hưng.
2. Đình Ngọc Canh
Nội dung và nghệ thuật chạm trổ đình Ngọc có những điểm khác đình Hương Canh. Nếu như đình Hương tả nhiều về ngày hội làng, những trò chơi đông người vui nhộn thì đình Ngọc thiên về đặc tả những người lao đông, những thú vui hàng ngày trong nông thôn. Với bố cục chặt chẽ, hài hoà, đình Ngọc Canh là một tác phẩm hoàn hảo, có nội dung tư tưởng sâu sắc. Đặc sắc nhất là bức “dựng cột buồm” được chạm trên một đầu cột con ở gian cạnh, miêu tả cảnh đóng thuyền buồm của một hiệp thợ.
3. Đình Tiên Hường
Đình Tiên Hường ít miêu tả cảnh sinh hoạt của con người. Hầu hết là chạm các cảnh thiên nhiên và vật thờ như hoa sen, rùa, phượng, kình nghê… đặc biệt là hình rồng rất phổ biến và ở nhiều tư thế khác nhau: rồng hút nước, rồng cuốn cột, cá hoá rồng…
Làng gốm Hương Canh
Thuộc huyện Bình Xuyên, Vĩnh Phúc, nằm ngay trên đường quốc lộ 2A. Nghề gốm ở đây có từ lâu đời. Tương truyền, sau khi đánh bại Quận Hẻo Nguyễn Danh Phương, triều đình Lê – Trịnh đã phái quan Nội Hầu Trịnh Xuân Biền về phủ dụ dân chúng. Thấy xóm làng xơ xác tiêu điều, dân chúng phiêu bạt, những người hồi cư không kế sinh nhai, ông Trịnh Xuân Biền đã giúp dân phục hồi sản xuất nông nghiệp và đem người đến dạy dân làm nghề cang chĩnh. Cuộc sống đi vào ổn định và khấm khá dần. Khi ông qua đời, dân làng thương tiếc, lập miếu thờ, tôn ông làm sư tổ nghề gốm.
Làng gốm Hương Canh chuyên làm vại, chĩnh, chậu, lọ, tiểu sành. Gốm Hương canh xưa nay rất được ưa chuộng. Người ta bảo nhau “Sứ Móng Cái, vại Hương Canh”. Gốm Hương Canh chống được nước thẩm thấu, ngăn được ánh sáng, giữ được bền hương vị nguyên chất của những thứ đựng bên trong.
Nếu như du khách tới đây vào những dịp đầu xuân, du khách còn được thưởng thức một số lễ hội cổ truyền đặc sắc ở đây vẫn được bảo tồn nguyên vẹn, đông vui tấp nập mỗi độ Xuân về như Kéo Song, Đố chữ…
Đại Lải
Cách trung tâm thành phố Vĩnh Yên khoảng 25km dọc theo quốc lộ 2A đến Thị xã Phúc Yên rẽ vào khoảng 8km . Hồ Đại Lải nằm ngay chân núi Tam Đảo, thuộc địa phận xã Ngọc Thanh - Thị xã Phúc Yên - Vĩnh Phúc, cách Hà Nội 40km, từ sân bay Quốc tế Nội Bài rẽ sang quốc lộ 2A qua Xuân Hoà tới khu du lịch Đại Lải khoảng 20km.
Đại Lải như một viên ngọc quý con người tự tạo ra. Giữa chập chùng những đồi núi, rừng cây là hồ nước mênh mông xanh biếc, quanh năm soi bóng mây trời. Bao quanh ven hồ là những khách sạn, nhà nghỉ với kiến trúc nhẹ nhàng thơ mộng, bãi tắm rộng thoai thoải và những dịch vụ vui chơi giải trí. Xa xa một đảo nổi mang tên đảo Chim, bóng những nhà nghỉ thấp thoáng dưới tán dừng thưa, chỉ sau nửa giờ đi thuyền du khách sẽ tới đảo. Khung cảnh Đại Lải dường như gợi cho ta cái ấn tượng thanh bình về phong cảnh êm đềm của một xứ sở Âu châu nào đó.
Đến với Đại Lại là đi vào một thế giới riêng thơ mộng êm đềm, một ốc đảo xanh cho những xúc cảm cội nguồn sâu lắng. Ở đây du khách có thể dạo chơi, ngắm cảnh, đi du thuyền mặt nước, tắm mát, câu cá, leo núi, đi rừng hoặc có thể đi thăm làng bản người Sán Dìu, nghe hát Soọng cô, thưởng thức các món ăn dân tộc, hoặc thăm hang Dơi, đi dạo trong các cánh rừng thông bạt ngàn… Những gì Đại Lải sẵn có là để dành cho những kỳ nghỉ cuối tuần, những đợt du lịch thú vị.
Đền Hai Bà Trưng
Nằm cách Vĩnh Yên khoảng 20 km, cách trung tâm Hà Nội 40km dọc theo quốc lộ 2A tới thị xã Phúc Yên rẽ vào chừng 7km là tới. Để tưởng nhớ công đức của Hai bà, nhân dân Vĩnh Phúc đã lập đền thờ tại thôn Hạ Lôi, xã Mê Linh, huyện Mê Linh, hàng năm tổ chức lễ hội tưởng nhớ công đức của Hai Bà và các tướng lĩnh vào ngày mùng 6 tháng giêng (âm lịch), là ngày Hai Bà tế cờ khởi nghĩa.
Đền Hai Bà Trưng – Mê Linh
Đền thờ Hai Bà toạ lạc trên một khu đất cao thoáng đãng. Đền hiện nay có các công trình Tam quan, nhà Tiền tế, nhà Trung tế và Hậu cung. Phía ngoài hậu cung có cây lụa già thân rỗng, trước đây là hòm thư bí mật của đông chí Trường Chinh. Tại đây những năm 1943- 1944 là nơi lãnh đạo Đảng họp để chuẩn bị cho tổng khởi nghĩa giành chính quyền ở thủ đô Hà Nội ngày 19/8/1945.
Chính vì thế mà đền Hai Bà Trưng không những là một di tích lịch sử mà còn là một di tích cách mạng.
Làng hoa Mê Linh
Cũng ở xã Mê Linh này, du khách có thể đi thăm những cánh đồng hoa bạt ngàn do người dân nơi đây trồng. Ở đây có các loại hoa như: Hoa hồng, hoa cúc, hoa huệ đủ loại… Làng hoa Mê Linh cung cấp hoa chủ yếu cho Hà Nội và các tỉnh lân cận. Không những thế hoa của Mê Linh còn xuất khẩu ra cả nước ngoài.
Xin mời du khách hãy một lần đến với làng hoa để không khỏi ngỡ ngàng trước những cánh đồng hoa bạt ngàn, nhiều loại và nhiều màu sắc mà người dân ở đây cần cù chăm bón làm đẹp cho đời.
Tháp Bình Sơn
Trong số tháp còn lại ở Vĩnh Phúc hiện nay chỉ có tháp Bình Sơn là cao nhất, có giá trị lớn về kiến trúc, mỹ thuật thời Lý, Trần, “Viên ngọc báu của kho tàng dân tộc”.Tháp Bình Sơn thuộc thôn Bình Sơn xã Tam Sơn – Lập Thạch. Tháp được xây vào thời Trần ở thế kỷ 13, là một cây tháp bằng đất nung xưa nhất hiện còn lại ở miền Bắc nước ta. Toàn bộ thân và móng tháp đều được xây bằng gạch, các chất kết dính là vôi luyện với đất sét.
Tương truyền xưa kia tháp cao 15 tầng nhưng do thời gian huỷ hoại hiện nay tháp chỉ còn có 11 tầng tháp và 1 tầng bệ cao trừng 16,5m. Những trận ngập úng chân tháp, đặc biệt là trận lụt năm 1971 đã làm cho tháp bị nghiêng và có nguy cơ sụp đổ hoàn toàn. Các nhà khoa học của vụ Bảo tồn bảo tàng cùng các nghệ nhân Việt Nam đã tháo rỡ rồi lắp ráp dựng lại theo quy cách cũ. Đến năm 1974 công việc trùng tu hoàn thành.
Du khách đến Tháp Bình Sơn, lễ chùa Vĩnh Khánh chắc còn được nghe kể nhiều câu chuyện thú vị, ly kỳ hơn nữa.
Đền Bắc Cung
Đền Bắc Cung hay còn gọi là Đền Thính cách thị trấn Yên Lạc gần 1km, thuộc xã Tam Hồng – Yên Lạc, là một trong tứ cung thờ Tản Viên Sơn thánh. Thần Tản Viên là một vị thần đứng đầu trong thần thoại Việt Nam. Thần là con rể Vua Hùng thứ 18, đã dạy dân trị thuỷ, đã đi hết làng này sang chạ khác ở bộ Văn Lang xưa, cùng dân săn bắt muông thú, thả cá, làm bánh, làm mắm ăn và đánh giặc.
Truyền thuyết kể rằng: “Tản Viên Sơn thánh dạo chơi trong vùng và cắm gậy tiên xuống đất làng Thư Xá. Mảnh đất từ đó rất thiêng, dân chúng mới dựng đền Bắc Cung. Tất cả triều Vua đều có chiếu chỉ giao cho hai tổng duy trì việc thờ phụng…”
Lễ hội đền Thính được tổ chức vào ngày mùng 6 tháng giêng hàng năm với nhiều nghi thức lễ và nhiều trò chơi văn hoá dân gian như: kéo co, đấu vật, chọi gà, cờ người…
Bài Mới Hơn
- Những địa điểm tham quan du lịch ở Tỉnh Tiền Giang - 11/05/2012 03:36
- Những địa điểm tham quan du lịch ở Tỉnh Kiên Giang - 11/05/2012 03:14
- Những địa điểm tham quan du lịch ở Tỉnh Đăk Nông - 10/05/2012 02:54
- Những địa điểm tham quan du lịch ở Tỉnh Hậu Giang - 10/05/2012 02:20
- Những địa điểm tham quan du lịch ở Tỉnh Quảng Ninh - 09/05/2012 03:15
Bài Cũ Hơn
- Những địa điểm tham quan du lịch ở Tỉnh Phú Thọ - 08/05/2012 03:07
- Những địa điểm tham quan du lịch ở Tỉnh Yên Bái - 08/05/2012 02:51
- Những địa điểm tham quan du lịch ở Tỉnh Bắc Kạn - 04/05/2012 08:54
- Những địa điểm tham quan du lịch ở Tỉnh Tuyên Quang - 28/04/2012 02:39
- Những địa điểm tham quan du lịch ở Tỉnh Hà Giang - 28/04/2012 02:21