Dư Hồng Quảng |
VIỆT TRÌ- TP LỄ HỘI VỀ VỚI CỘI NGUỒN hongquang | 15/04/2009 20:01 |
Ảnh: đêm trên đại lộ Hùng Vương Thành phố Việt Trì được xây dựng trên nền kinh đô Văn lang xưa, đất phát tích của dân tộc Việt nam. Đại lộ Hùng Vương nối liền từ chân núi Nghĩa Lĩnh tới Bạch Hạc, chạy dọc theo thành phố ngã ba sông với tổng chiều dài gần 20 km. Nhìn cảnh tấp nập của phố phường hiện đại, ít người biết rằng, Việt Trì được xây dựng trên nền cố đô của các vua Hùng Ảnh: một góc Tp ngã ba sông Việt Trì. Nơi chim hạc trắng quần tụ xưa giờ là phường Bạch Hạc "Bay đâu cánh hạc năm xưa, tìm đâu bóng dáng cố đô đất này"? Câu hỏi đó theo chúng tôi suốt hành trình làm phim tài liệu tìm về nguồn cội. Bản Ngọc phả Đền Hùng soạn đời Hồng Đức (1470) còn ghi rõ: khi tới vùng này, vua thấy ngàn ngọn núi quay về, vạn dòng sông tụ lại, thảy đều chầu về Nghĩa Lĩnh liền chọn làm kinh đô. Từ núi Nghĩa Lĩnh tới Bạch Hạc, vua cho dựng 50 lầu đại cung điện. Chính điện được dựng trên núi Nghĩa Lĩnh (còn gọi là núi Hùng), ngoại ô Tp Việt Trì ngày nay.
Cách đây nửa thế kỷ, lời thề giữ nước lại vang lên trên vùng đất Tổ. Tại đền Giếng, nơi thờ 2 công chúa Tiên Dung và Ngọc Hoa, ngày 19/9/1954, trên đường về tiếp quản thủ đô, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã thắp hương tưởng niệm các Vua Hùng và căn dặn cán bộ chiến sỹ Đại đoàn quân tiên phong: "Các Vua Hùng đã có công dựng nước, Bác cháu ta phải cùng nhau giữ lấy nước". Đất cội nguồn- nơi gặp gỡ của 2 thời đại rực rỡ nhất trong lịch sử dân tộc: Thời đại Hùng Vương dựng nước và Thời đại Hồ Chí Minh giữ nước.
"Dù ai đi ngược về xuôi, nhớ ngày giỗ Tổ mùng 10 tháng 3". Về đền Hùng, trước lăng Vua Hùng, thắp nén hương trầm bên mộ tổ, dâng bánh chưng xanh tạ ơn trời, con cháu thành kính tri ân công đức tổ tiên đã dày công khai sơn phá thạch, gây dựng non sông gấm vóc ngày nay. Giỗ tổ Hùng Vương trở thành lễ hội mang tính văn hoá tâm linh lớn nhất của dân tộc Việt Nam. Các công trình tôn tạo khu di tích lịch sử Đền Hùng được tập trung đầu tư để thực hiện ý nguyện của toàn dân tộc: từ Đền Hùng nhìn ra cả nước, cả nước hướng về Đền Hùng. Trên đỉnh núi Vặn, một trong 3 ngọn "Tam sơn cấm địa" thuộc khu di tích lịch sử Đền Hùng, năm 2004 đã khánh thành Đền vọng mẫu Âu cơ để tri ân công đức mẹ Âu Cơ. Và đúng vào dịp Lễ hội tháng 3 năm nay, tỉnh Phú Thọ vừa khánh thành đền thờ Đức Quốc Tổ Lạc Long Quân trên đỉnh núi Sim cũng thuộc khu di tích lịch sử Đền Hùng.
Thuỷ tổ Hồng bàng sinh bách tính, Mẫu nghi Lạc Việt phát thiên chi (Tổ đầu Hồng Bàng sinh trăm họ, Mẫu nghi Lạc Việt nảy nghìn chi) Nhà nghiên cứu văn hoá dân gian Nguyễn Khắc Xương- 85 tuổi, con trai thi sỹ Tản Đà Nguyễn Khắc Hiếu, nói: vua Kinh Dương Vương đi thuyền rồng đến hồ Động Đình gặp và kết duyên với Thần Long Ngọc Nữ sinh ra hoàng tử Lạc Long Quân là cha đẻ của vua Hùng. Như vậy Thần Long Ngọc Nữ là bà nội của các vua Hùng.
Theo sách Đại Nam nhất thống chí của Viện sử học thì "Thành cổ của vua Kinh Dương Vương ở sau chùa Hoa Long, thôn Việt Trì, huyện Bạch Hạc, có một gò đất, tương truyền đấy là nền thành cũ". Chùa Hoa Long còn giữ được 2 hiện vật quý. Chiếc khánh đồng đúc năm Kỷ Mùi ( 1799) rộng 1,2 mét, cao 1 mét được tạo dáng hình lá bồ đề. Quả chuông đồng đúc vào triều vua Lê Cảnh Hưng năm Đinh Sửu (1757), cao 1,3 mét, đường kính 60 cm. Trên thân chuông ghi 4 chữ Hán lớn: Hoa Long thiền tự .
Đình Việt Trì, đền Bạch Hạc, chùa Hoa Long đều nằm ở 2 bờ nơi hợp lưu của 3 dòng sông lớn nhất Miền Bắc: sông Hồng, sông Lô, sông Đà. Trên cùng một dòng sông hoà chung 3 màu nước, tượng trưng cho tinh thần đại đoàn kết dân tộc. Vùng đất tụ thuỷ, tụ nhân, tụ phúc này, vì vậy, đã được chọn làm điểm khởi đầu của kinh đô thời dựng nước. Vùng Ngã Ba Hạc sơn thuỷ hữu tình này tương truyền là nơi Vua Hùng từng ngồi thuyền du ngoạn. Vào đúng ngày Giỗ tổ Hùng Vương 10/3 hàng năm tại vùng ngã ba Hạc tổ chức lễ hội bơi chải sôi động. Ngã Ba Hạc cũng là nơi duy nhất còn loài cá Anh Vũ dùng để tiến vua. Đó là giống cá: "ngực bướu, mồm to, đuôi loáng bạc, thịt vàng, thân trắng, mắt pha thau". Việt Trì còn một đặc sản nổi tiếng là hồng Hạc. Đây là loại hồng không có hạt, giòn tan, vị thơm mát. " Tiến vua, hồng Hạc ngàn năm trước; vườn cũ, cây xưa, giống vẫn còn". Thừa hưởng sự đắp bồi phù sa màu mỡ của 3 dòng sông lớn là yếu tố quyết định để xã Minh Nông- Tp Việt Trì trở thành quê hương của nghề trồng lúa nước. Lễ hội tịch điền ở Minh Nông là một nét văn hoá đặc trưng của nền văn minh lúa nước. Minh Nông xưa có tên là Kẻ Lú, nghĩa là Kẻ Lúa, làng lúa cung cấp cho kinh thành Văn Lang. Lễ hội tịch điền ở Minh Nông hàng năm gợi lại truyền thuyết Vua Hùng dạy dân cấy lúa. Đời sau nhân dân nhớ ơn vua Hùng, suy tôn nhà vua làm ông Tổ nghề nông (Minh Nông), thường gọi là vua Thần Nông.Các vua Hùng gieo nắm thóc nơi này Buổi dựng nước vua tôi cùng cày cấy Làng Minh Nông có tên từ thủa ấy Hạt lúa xưa để giống đến bây giờ. Cách đền Hùng 9 km ven bờ sông Lô là làng cổ Khả Lãm trang ( nay là xã Hùng Lô). Thần tích còn ghi rằng, từ thời dựng nước, các vua Hùng kinh lý qua đây thường dừng chân ngắm cảnh, săn bắn. Dân làng làm ăn thịnh vượng mới lập miếu thờ các vua Hùng. Năm Đinh Tỵ (1197) thời vua Lý Cao Tông, miếu được trùng tu, và qua hơn 800 năm, nhiều dấu tích kiến trúc đời Lý vẫn còn nguyên vẹn. Nằm bên miếu cổ là Đình Hùng Lô được xây dựng vào thời Lê Trung Hưng, niên hiệu Chính Hoà (1697). Đặc sắc nhất trong quần thể di tích lịch sử văn hoá đền miếu Hùng Lô là nghệ thuật trạm khắc sinh động, tinh tế, tạc mà như vẽ. Ngày 10/3 hằng năm, từ Đình Hùng Lô, nhân dân trong vùng tổ chức lễ rước kiệu về Đền Hùng tiến hành lễ hội.
Nằm gần Lâu Thượng, Lâu Hạ là ngôi miếu cổ ở thôn Hương Lan, hai bên miếu có 2 cây táu cổ thụ, một cây nở hoa vàng, một cây nở hoa bạc. Trong miếu có đôi câu đối: Hùng lĩnh trung chi thắng tích Nam thiên chính khí linh từ (Tạm dịch: núi Hùng thắng tích đầu cả nước, miếu thiêng chính khí toả trời Nam) Trên bệ cao trong miếu có 2 pho tượng sơn son thếp vàng là tượng nhà giáo Vũ Thê Lang và vợ của thày là bà Nguyễn Thị Thục. Theo ngọc phả do Đông các Đại học sỹ Nguyễn Bính phụng soạn năm 1573 thì thày giáo Vũ Thê lang mất năm Quý Dậu 288 trước công nguyên. Thiên cổ miếu là bức thông điệp của nền văn hiến thời đại Hùng Vương: ông cha ta rất coi trọng giáo dục và tôn vinh người thày đào tạo hiền tài, vì hiền tài là nguyên khí quốc gia.
Cách không xa Thiên Cổ Miếu có một cây cổ thụ đặc biệt, vỏ cây đỏ như màu da bò nên gọi là cây da bò. Tán lá cây xum xuê xoè xuống như chiếc lọng che chở nơi yên nghỉ của 3 vị đô sỹ thời Hùng Vương. Tương truyền vợ chồng thày giáo Vũ Thê Lang sinh 3 người con trai văn võ song toàn, được vua Hùng Duệ Vương phong làm đô sỹ cận vệ hoàng cung. Khi vua Thục An Dương Vương thay thế nhà Hùng, 3 vị đô sỹ đã trẫm mình tử tiết. An Dương Vương kính trọng khí tiết ấy mới phong họ làm trung thần, nhân dân thôn Hương Lan tôn làm Thành Hoàng làng hương khói quanh năm, đời đời thờ phụng. Những di tích như vậy dễ dàng tìm thấy rải rác khắp xóm phố Việt Trì hiện nay. Giếng Rùng, phường Tân Dân theo truyền thuyết là nơi vua Hùng từng dừng chân tắm gội. Vì nước lạnh, khiến vua rùng mình nên Người đã đặt tên là Giếng Rùng. Nước giếng trong vắt 4 mùa, không bao giờ cạn vì tương truyền mạch thông với Giếng Ngọc trên Đền Hùng. Tiếp giáp Tân Dân là phường Dữu Lâu. Người dân thôn Hương Trầm kể rằng, Vua Hùng thứ sáu muốn truyền ngôi, mới xuống chiếu cho các hoàng tử sắm lễ vật dâng hiến tổ tiên. 17 hoàng tử đi khắp nơi săn tìm sơn hào hải vị của ngon vật lạ. Riêng Lang Liêu khai khẩn đất Hương Trầm nghèo khó không làm được như vậy rất buồn. Chàng nghĩ chỉ có lúa gạo là nuôi sống con người, nên lấy gạo nếp thơm làm ra những chiếc bánh giầy hình tròn tượng trưng cho trời; dùng lá dong gói gạo thành bành chưng vuông tượng trưng cho đất. Vua cha rất hài lòng với lễ vật của hoàng tử út, người con chịu khó thông minh, hiếu thảo nên đã truyền ngôi cho Lang Liêu trở thành Vua Hùng thứ bảy. Từ đó, người Việt có tục dùng bánh chưng, bánh giày để thờ cúng tổ tiên.
Các xã vùng ven Đền Hùng còn duy trì được nhiều lễ hội độc đáo. Cách núi Hùng 2 km về phía Tây là 2 làng Vi- Trẹo thuộc xã Chu Hoá và Hy Cương có lễ hội rước Chúa gái (còn gọi là hội He) Vui nhất là hội chùa Thầy Vui thì vui vậy không tày hội He Chuỵện kể rằng vua Hùng thứ 18 dựng lầu kén rể tìm người tài đức. Thần núi Sơn Tinh với voi 9 ngà, gà 9 cựa, ngựa 9 hồng mao đã thắng thần nước Thuỷ Tinh và được đón công chúa Ngọc Hoa về làm vợ. Khi qua đình Cả, Ngọc Hoa vì thương cha nhớ mẹ nên không muốn đi nữa. Dân làng phải làm lễ tế Thành Hoàng làng và làm các trò bách nghệ khôi hài... để làm vui lòng công chúa. Nàng đã ưng thuận lên kiệu về nhà chồng. Thông qua lễ hội rước chúa gái, phong tục hôn nhân một vợ một chồng thời Hùng Vương như kén rể, thách cưới, đón dâu được thể hiện khá rõ. Đi qua xóm núi Thậm Thình Bâng khuâng nhớ nước non mình ngàn năm Vua Hùng một sớm đi săn Trưa tròn bóng nắng dừng chân chốn này...
Nhưng trong lòng đất, trong lòng người Việt Trì vẫn còn lưu giữ những dấu tích lịch sử văn hoá mấy ngàn năm trước. Các di sản văn hoá trên đất Việt Trì đã thực sự trở thành tài sản quý giá, giúp cho con cháu hôm nay và thế hệ mai sau hiểu rõ hơn về quá khứ rực rỡ của ông cha, là niềm tự hào của mỗi người dân Việt Nam nói chung và người dân Việt Trì- đất Tổ nói riêng. Trong khu công nghiệp hiện đại bắc Việt Trì ngày nay, vẫn còn nguyên vẹn ngôi chùa cổ. Xen giữa những ống khói nhà máy còn một cây sui gần nghìn năm tuổi, cành lá vẫn xum xuê toả bóng trước cửa chùa.
Trong hành trình tìm về nguồn cội, khôi phục vốn cổ, người Việt Trì đã tìm thấy nhiều dấu tích đáng quý. Khi tôn tạo chùa Phượng Lâu, người dân đã đào được phiến đá cổ bị mài vẹt, trên có đôi câu đối: Bạt kiếm ma đao trừ Bắc tặc Phất kỳ tấn hịch hiệu Nam bang ( Vung kiếm mài đao trừ giặc Bắc, phất cờ truyền hịch động trời Nam) Phiến đá ghi nhớ công đức bà Vũ Thục Nương, đại tướng của Hai Bà Trưng. Dưới bóng cây đa cổ thụ bên bờ sông Lô, miếu thờ người con gái Phượng Lâu trung trinh tiết liệt đang được trùng tu thành đền Bát Nàn Đại tướng quân. Chính quyền và nhân dân địa phương đã có dự án kè đá bờ sông trước cửa đền để làm sân diễn, khôi phục làn điệu hát Xoan độc đáo của quê hương. Việc khảo sát, tôn tạo, khôi phục các di tích lịch sử, các đền đài, miếu mạo, các phong tục, lễ hội thời đại Hùng Vương có ý nghĩa vô cùng quan trọng nhằm xây dựng Việt Trì xứng đáng với tầm vóc đất đế đô đầu tiên của dân tộc. Cùng với cố gắng, quyết tâm của Đảng bộ và nhân dân trong tỉnh, ngày 2/11/2005, Thủ tướng chính phủ đã có quyết định điều chỉnh quy hoạch xây dựng Việt Trì trở thành thành phố du lịch lễ hội về với cội nguồn của dân tộc VN. Vận hội mới đã mở ra trên Tp ngã ba sông.
Đất cội nguồn nuôi dưỡng, bồi đắp tâm hồn và nhân cách Việt Nam.
Bài liên quan:
LỄ DÂNG HƯƠNG TƯỞNG NHỚ CÁC VUA HÙNG
|
Góp ý (2) |
Xin cảm ơn tác giả ! |
Phong | 18/05/2009 14:36 |
Em là 1 người con của Đất Tổ , đọc được bài viết này của anh . Rất cám ơn đã viết về quê hương nơi em được sinh ra , Vì xa quê từ khi còn bé nên nhiều điều em vẫn chưa được biết về quê hương mình nhưng qua bài viết của anh em đã có thêm những hiểu biết về quê hương mình . |
re bạn Phong |
dhq | 18/05/2009 21:45 |
Bài viết tương đối dài (không hợp với văn mạng), biết vậy nhưng mình cứ viết, coi như lưu tư liệu trong chuyến đi làm phim về cố đô của các vua Hùng. |