Cụm di tích đền chùa Thái sư Lê Văn Thịnh tọa lạc trên sườn núi Thiên Thai, phía làng Bảo Tháp, xã Đông Cứu, huyện Gia Bình, tỉnh Bắc Ninh.
Năm 1991, tôi về địa phương nghiên cứu khảo sát lập hồ sơ khoa học và pháp lý đề nghị Bộ Văn hóa Thông tin xếp hạng di tích Đền thờ Thái sư Lê Văn Thịnh. Trong dịp này, cùng với các cụ trong Ban quản lý di tích, chúng tôi đã tình cờ phát hiện ra di vật bằng đá lớn - Rồng đá (xà thần). Di vật nằm ở ngay bậc tam cấp cổng đền chùa Lê Văn Thịnh. Rồng có thân hình lạ và độc đáo, nằm ở tư thế cuộn tròn, đầu ngóc cao, miệng ngoạm vào thân, toàn thân có vảy, đầu không có bờm râu, kích thước rộng 1,37m, cao 0,72m, còn nguyên vẹn.
Đây là tượng linh vật độc đáo, hình dáng nửa mình rắn, nửa mang tư thế và móng vuốt như rồng. Hình ảnh linh vật này chưa từng thấy trong lịch sử mỹ thuật Việt Nam và Đông Nam Á. Điều đáng chú ý là trước đó hầu như chưa có tư liệu lịch sử hay truyền thuyết dân gian nào đề cập đến bảo vật rồng đá trong khu di tích này. Từ khi phát hiện cho đến nay, di vật này vẫn được lưu giữ ngay tại đền thờ Thái sư Lê Văn Thịnh. Vào năm 2013, hiện vật quý hiếm này đã được Thủ tướng Chính phủ công nhận là Bảo vật Quốc gia theo Quyết định số 2599/QĐ-TTG, ngày 30/12/2013.
Để thực hiện dự án tu bổ Đền thờ Thái sư Lê Văn Thịnh, vào tháng 8/2009, được sự cho phép của Bộ VHTT&DL, Sở VHTT&DL tỉnh Bắc Ninh đã tiến hành đào thám sát khảo cổ học tại khu vực Đền thờ Lê Văn Thịnh. Trong đợt này, các nhà nghiên cứu đã mở 3 hố thám sát với tổng diện tích là 30m2.
Dưới đây là một số thông tin đáng chú ý của đợt nghiên cứu này:
- Các hố thám sát có nhiều điểm tương đồng về địa tầng, di vật và niên đại, qua đó cho biết phần nào về diễn trình lịch sử và những thăng trầm của khu di tích. Kết quả các lớp đào cho thấy sự xuất hiện sớm và khá liên tục của khu di tích này, với sự có mặt của các hiện vật có niên đại Hán (TK I- II) đến hiện vật gốm sứ thời Lý, Trần, Lê Sơ, Hậu Lê, Nguyễn và hiện đại. Điều này cho thấy khu vực Đền thờ Lê Văn Thịnh (nay là thôn Bảo Tháp, xã Đông Cứu, huyện Gia Bình, Bắc Ninh) là một khu vực có dân cư sinh sống từ lâu đời ngay từ những thế kỷ đầu công nguyên, khu vực di tích đã tồn tại từ những thế kỷ XI- XII, liên tục được trùng tu, tôn tạo và trải qua nhiều lần thay đổi kết cấu kiến trúc cho đến hiện nay.
- Cũng trong đợt thám sát này, chúng tôi đã phát hiện được 3 di vật có thể liên quan đến bảo vật quốc gia Rồng đá (Xà thần). Những hiện vật này gồm: hai khúc phần chân Rồng đá (dài 60cm, cao 35cm, rộng 40cm) chất liệu đá nhám, phong cách điêu khắc hoàn toàn tương tự với khối rồng đá đã được phát hiện vào năm 1991; một đoạn đuôi (cuối) bằng đá xanh của con Rồng khác. Kích thước cụ thể như sau:
+ Phần chân Rồng bằng đá nhám (1): Hình bàn chân có 5 móng bám chặt vào một đoạn thân Rồng: dài 52cm x rộng 53cm, dày 30cm.
+ Phần chân Rồng bằng đá nhám (2): Hình bàn chân 5 móng bám trên đế đặt Rồng: dài 64cm x rộng 37 cm, dày 33cm.
Hai bàn chân Rồng đá (chất liệu đá nhám) phát hiện tại khu vực đền thờ Thái sư Lê Văn Thịnh
+ Phần đuôi (đoạn cuối cùng) Rồng bằng đá xanh: dài 51cm x rộng 36cm, dày 20cm.
Ba hiện vật đá nêu trên thực chất là hai bàn chân (đầu chi) của một con Rồng đá khác, vì chúng tôi chắp thử vào con Rồng vốn phát hiện trước (1991) chỉ thấy đồng chất liệu mà không khớp vào chỗ nào được và phần đuôi của con Rồng thứ 3 bằng đá xanh. Điều này góp phần đoán định rằng Rồng đá ở địa điểm Đền chùa Lê Văn Thịnh có lẽ vốn xưa không phải ở đền thờ Lê Văn Thịnh mà nó ở chùa cổ (thời Lý) ở khu vực núi Thiên Thai, như: chùa Tĩnh Lự, chùa An Quang hay Thiên Thư?
Ngày 11/8/2016 Bảo tàng Bắc Ninh sưu tầm (chuyển) các hiện vật đá nêu trên ở khu vực đền thờ Thái sư Lê Văn Thịnh về Bảo tàng trưng bày; các cụ địa phương còn cho biết thêm: trước năm 1980 đê trong huyện Gia Lương có nguy cơ bị vỡ, nên xe chở đất về đây còn chở cả 1 số phiến đoạn lớn hơn của Rồng xưa mang đi kè đê.
Lê Viết Nga (Tổng Thư ký Hội STNC cổ vật Kinh Bắc)