Bến Tượng nằm trên khu vực bãi ngoài đê sông Hóa, là di tích lịch sử thuộc cụm Di tích Lịch sử Văn hóa Quốc gia Đình, Đền, Bến Tượng A Sào (thôn A Sào, xã An Thái, Quỳnh Phụ). Đây là di tích mang đậm dấu ấn một thời quân dân nhà Trần hành quân đánh giặc Nguyên – Mông xâm lược. Những năm gần đây, nhằm tri ân công đức của các bậc anh hùng có công với đất nước, giáo dục thế hệ trẻ truyền thống yêu nước, lòng tự tôn dân tộc, Bến Tượng đã được các cấp chính quyền từ tỉnh đến cơ sở và nhân dân địa phương phục dựng. Bến Tượng - dấu tích “sử” xưa là niềm tự hào của rất nhiều người dân An Thái, Quỳnh Phụ hôm nay.
Thôn A Sào xưa có tên nôm là làng Gạo, là thái ấp của Phụng Càn Vương Trần Liễu (phụ thân Hưng Đạo Đại Vương Trần Quốc Tuấn). Đây là mảnh đất có cảnh trí hữu tình, dưới thời Lý, A Sào được xếp vào tứ cố cảnh của tỉnh. Năm 18 tuổi, sau khi Hưng Đạo Đại Vương Trần Quốc Tuấn được phong Thượng Vị Hầu, với vị trí địa lý vừa cận giang lại vừa cận lộ thuận tiện cho giao thông cả thuỷ và bộ, A Sào đã được ngài chọn lập đồn binh và kho dự trữ lương thảo.
Qua sử sách và một số ngọc phả, thần tích thờ Trần Hưng Đạo ở Quỳnh Phụ có tụng truyền một câu chuyện lịch sử giải thích nguồn gốc của Di tích Bến tượng ngày nay như sau: Lần ấy, Hưng Đạo Vương đưa quân từ A Sào theo đường tắt vượt sông Hóa để tới Lục Đầu Giang đánh quân Nguyên do Ô Mã Nhi chỉ huy. Muốn qua sông Hóa sang đất Vĩnh Bảo (Hải Phòng), phải qua bãi sình lầy. Dân trong làng đã chặt cây, mang tre, gỗ, rơm, rạ lót xuống mặt bùn làm thành đường cho quân vượt sông. Kỵ binh, bộ binh lần lượt qua sông, đến khi con voi của Hưng Đạo Vương đi qua thì bị sa lầy không lên được. Mặc dù quân và dân tìm mọi cách kéo voi lên nhưng voi càng giẫy thì càng bị lún sâu. Hưng Đạo Vương đành bỏ voi lên ngựa lệnh cho quân tiếp tục hành quân, voi ứa nước mắt nhìn theo vị chủ tướng.
Trước tình nghĩa của voi và sự ủng hộ hết lòng của nhân dân, Hưng Đạo Vương đã rút gươm chỉ xuống dòng sông Hóa mà thề rằng: “Trận này không thắng, ta quyết không trở lại bến sông này”. Sau chiến thắng trở về, Hưng Đạo Vương đã cho đắp mộ voi và nhân dân đã lập miếu thờ. Những năm sau đó, nhân dân A Sào đã tạc tượng voi bằng đá và thờ tại bờ sông. Năm 1951, giặc Pháp đóng bốt ở Đền A Sào, chúng đã dùng xe kéo voi đá về làm bia tập bắn, vòi voi bị gãy. Năm 2006, Di tích Bến Tượng A Sào được phục dựng lại, voi đá được làm với quy mô, kích thước lớn hơn trên cơ sở vóc dáng con voi đá cũ.
Ông Trần Duy Cường, một người cao tuổi thôn A Sào cho biết: Mấy năm trước, Bến Tượng chỉ là bãi bờ, trồng hoa màu. Câu chuyện về con voi tình nghĩa của Trần Hưng Đạo chỉ có trong tâm thức của lớp người đứng tuổi, thế hệ trẻ trong làng ít biết ít hỏi. Từ năm 2006, khi Di tích Bến Tượng được xây dựng lại, bắt đầu khơi dậy trí tò mò của không ít người dân trong làng nhất là các cháu học sinh. Khi được hỏi về lịch sử Bến Tượng, mỗi người già trong làng đều trả lời với niềm tự hào được sinh ra và lớn lên trên mảnh đất giàu truyền thống yêu nước này; các cháu nhỏ khi được nghe kể thì rất chăm chú, nhiều cháu sau đó còn tích cực tham gia các hoạt động của trường giữ gìn, làm đẹp cảnh quan khu vực Bến Tượng”.
Cô Nguyễn Thị Mỹ Bình, Tổng phụ trách Đội, Trường Trung học cơ sở An Thái cho biết: Bài đọc thêm “Con voi của Trần Hưng Đạo” trong sách giáo khoa chương trình Tiểu học đã làm xúc động rất nhiều thế hệ học sinh. Năm 2006, khi Di tích Bến tượng A Sào được quy hoạch, xây dựng; nhà trường luôn có ý thức giáo dục lòng yêu nước, tinh thần tự hào về truyền thống quê hương cho các em học sinh thông qua những tiết học lịch sử, địa lý địa phương, sinh hoạt dưới cờ, các cuộc thi mà nhà trường tổ chức như “Rung chuông vàng”, thi các trò chơi dân gian.
Với việc đảm nhận trọng trách chăm sóc di tích, mỗi dịp xã tổ chức lễ hội hay đầu năm mới, các em học sinh trong Liên đội Trường Trung học cơ sở An Thái đều tham gia dọn dẹp vệ sinh môi trường xung quanh cụm Di tích ở A Sào đặc biệt là khu vực Bến Tượng. Theo quan sát của một số thầy cô chủ nhiệm, mặc dù ở lứa tuổi hiếu động nhưng khi tham gia dọn dẹp xây dựng môi trường quanh khu vực Bến Tượng, các em đều rất có ý thức, không có hiện tượng nghịch dại, làm mất cảnh quan chốn linh thiêng. Học sinh trong trường nhất là các em học sinh ở thôn A Sào đều hiểu rất tường tận về lịch sử Bến Tượng và cảm thấy tự hào, vinh dự vì câu chuyện “Con voi của Trần Hưng Đạo” diễn ra trên mảnh đất quê hương mình, cha ông mình theo Hưng Đạo Vương đi đánh giặc nên rất có tinh thần bảo tồn di tích.
Trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Đức Nhuần, cán bộ văn hóa xã An Thái cho biết: nhằm giữ gìn và phát huy những giá trị văn hóa, lịch sử của Di tích Bến Tượng, ngày 7/10/2011, UBND tỉnh đã phê duyệt quy hoạch xây dựng Cụm di tích Đình – Đền – Bến Tượng A Sào trong đó Di tích Bến Tượng có diện tích 16.500 m2 bao gồm các hạng mục: Tượng đồng Trần Hưng Đạo cao 9,7m đặt trên bệ cao 7m tư thế đứng chỉ tay xuống dòng sông Hóa, khu nhà trưng bày hiện vật, khu quản lý, khu dịch vụ, khu cây xanh cây cảnh phục vụ du khách đến tham quan. Công trình sẽ được khởi công xây dựng trong thời gian tới nhằm đáp ứng nhu cầu tâm linh của nhân dân địa phương và du khách thập phương.
Vũ Hường