17.01.2012 16:16:59
Tổ Đình Tôn Thạnh (Cần Giuộc, Long An)
Tổ Đình Tôn Thạnh nằm cạnh tỉnh lộ 835, tọa lạc ở ấp Thanh Ba, xã Mỹ Lộc, huyện Cần Giuộc, tỉnh Long An, cách thành phố Hồ Chí Minh 30km theo hướng Tây Nam. Ðây là ngôi chùa cổ nhất của tỉnh Long An được xây dựng vào năm 1808, thuộc hệ phái Bắc tông. Chùa do Thiền sư Viên Ngộ dựng vào năm 1808 với tên chùa ban đầu là Lan Nhã.
Thiền sư Viên Ngộ húy Tánh Thành thuộc Thiền phái Lâm Tế chi phái Liễu Quán đời thứ 39. Ở nhà Tổ của chùa có đặt thờ bài vị các vị Tổ dòng thiền Liễu Quán: Tổ Thiệt Diệu - Liễu Quán (đời thứ 35), Tổ Tế Nhơn - Hữu Bùi (đời thứ 36), Tổ Đại Bửu - Ngọc Sâm (đời thứ 37), Tổ Đạo Tứ - Quảng Thanh (đời thứ 38), Tổ Tánh Thành - Viên Ngộ.
Cổng Tổ Đình Tôn Thạnh
Theo Đại Nam Nhất Thống Chí, Tăng Ngộ tên là Nguyễn Chất (có tài liệu ghi Nguyễn Văn Chất, Nguyễn Ngọc Ngộ) người huyện Phước Lộc, phủ Tân An, tỉnh Gia Định. Năm 1806, Chất phát nguyện đi tu nhưng cha mẹ không cho. Cha của Chất còn bảo: “Ta nghe nói, đức Phật là nhất thiết không hư, không có vật gì dính ở thân mình. Mầy muốn bỏ trần theo Phật thì hãy xuống bếp lấy tay cầm than lửa đem lên đây cho cha hút thuốc, cha mới tin là con có chân tâm phụng Phật”. Nghe cha nói xong, Chất xuống bếp lấy than lửa bỏ trên bàn tay mang lên, than cháy bỏng cả lòng bàn tay. Người cha phải cho Chất đi tu.
Năm 1808, ngài đến làng Thanh Ba (Cần Giuộc) cất chùa Lan Nhã rộng lớn (sau chùa đổi tên là Tông Thạnh. Đến năm 1841, vì kỵ húy tên vua Thiệu Trị là Miên Tông nên chùa đổi tên là Tôn Thạnh). Năm 1846, Ngài quyết định tuyệt thủy rồi viên tịch vào ngày 19/2 năm Bính Ngọ. Người trong làng xây tháp thờ Ngài trong khuôn viên chùa. Chùa đã được đại trùng tu năm 2005.
Tấm bia kỷ niệm nhà thơ Nguyễn Đình Chiểu
Tổng diện tích toàn bộ khu vực chùa là 34.410m², trong đó diện tích chùa chiếm 940m². Chùa Tôn Thạnh vẫn giữ được nét cổ xưa qua hệ thống cột kiểu tứ tượng ở chánh điện, những tượng Phật có từ đầu thế kỷ XIX, các hoành phi câu đối chữ Hán sơn son thếp vàng. Tượng Bồ tát Địa Tạng ở chùa cao 110cm, ngồi trên mình con thanh sư. Tay phải ở tư thế kết ấn, tay trái đặt ngửa ngang ngực, lòng bàn tay chứa hạt minh châu.
Điện Phật chùa được bài trí tôn nghiêm. Bàn thờ giữa tôn trí tượng đức Bổn sư Thích Ca, tượng Di Dà Tam Tôn (đức Phật A Di Đà, Bồ tát Quan Thế Âm, Bồ tát Đại Thế Chí), tượng Đản sanh, tượng Di Lặc, tượng Hộ Pháp. Các bàn hai bên thờ tượng Bồ tát Địa Tạng, Thập bát La hán… Đặc biệt, chùa còn giữ pho tượng cổ Tiêu Diện bằng đất nung.
Mặt bên của chùa
Mười sáu năm sau khi thiền sư Viên Ngộ viên tịch, chùa Tôn Thạnh đã đi vào lịch sử nước nhà với bài Văn tế nghĩa sĩ Cần Giuộc. Trong 3 năm 1859 - 1861 nhà thơ yêu nước Nguyễn Đình Chiểu đã về đất Thanh Ba, lấy chùa Tôn Thạnh làm nơi dạy học, làm thơ và làm thuốc. Dưới mái chùa Tôn Thạnh, nhà thơ yêu nước Nguyễn Đình Chiểu đã cho ra đời nhiều tác phẩm văn học bất hủ như Lục Vân Tiên, Văn tế nghĩa sĩ Cần Giuộc…
Trong chùa còn có tấm bia kỷ niệm nhà thơ Nguyễn Đình Chiểu được xây dựng năm 1973. Bia xây bằng gạch, xi măng, cao 160cm, rộng 130cm, dày 23cm. Các chân bia tạo thành hình tứ giác, nóc bia có mái che nhỏ, bốn góc mái là bốn đầu đào cong, chính giữa đỉnh bia có hình bầu hồ lô. Mặt bia bằng đá cẩm thạch màu đen, khắc những dòng chữ:
"Dưới mái chùa Tôn Thạnh này, từ năm Kỷ Mùi (1859) đến năm Nhâm Tuất (1862). Đại chí sĩ Nguyễn Đình Chiểu (1822 - 1888) bề ngoài mở lớp dạy học, bên trong lãnh đạo nghĩa binh chống Pháp và cũng nơi đây cụ đã sáng tác Lục Vân Tiên".
Tiền đường
Trong vườn còn có tháp ba tầng hình lục giác cao 4,5m, nơi yên nghỉ của tổ sư Viên Ngộ (viên tịch năm Thiệu Trị thứ 5 - 1845), xây dựng năm 1846, trùng tu năm 1959, tầng trên cùng chạm nổi dòng chữ “Nam mô A di đà Phật”
Trong cả khu chùa có trên dưới 20 cặp đối, trong đó xưa nhất có cặp đối với hai chữ ở đầu mang tên chùa, được phiên âm là:
“Tôn tích Như Lai kiến thiết pháp minh đản nguyện dân an quốc thới
Thạnh hưng tam bửu sùng tu diệu điển chỉ kỳ võ thuận phong điều”...
Tổ Đình Tôn Thạnh là một ngôi Cổ tự có ý nghĩa lịch sử vô cùng to lớn. Di tích lịch sử đã được Bộ VHTT xếp hạng cấp Quốc gia ngày 27/11/1997 (theo số quyết định 2890-VH/QĐ).
Thông tin địa danh:
Địa chỉ: Ấp Thanh Ba, Xã Mỹ Lộc, Huyện Cần Giuộc, Tỉnh Long An.
Nguồn NTO
- Chùa Dư Hàng (Q.Lê Chân, Tp.Hải Phòng) (17.01)
- Chùa Đức La (Yên Dũng, Bắc Giang) (17.01)
- Chùa Tiêu (Tiên Sơn, Bắc Ninh) (17.01)
- Chùa Vạn Phật (Q.5, Tp.HCM) (17.01)
- Chùa Phước Minh Cung (Tp.Trà Vinh) (17.01)
- Chùa Xiêm Cán (Bạc Liêu) (17.01)
- Chùa Tà Cú (Hàm Thuận, Bình Thuận) (17.01)
- Chùa Dâu (Thuận Thành, Bắc Ninh) (17.01)
- Chùa Nghĩa Phương (Tp.Nha Trang) (17.01)
- Chùa Thầy (Quốc Oai, Hà Tây) (17.01)
Xem bình luận