Thành nhà Hồ
- Xem các mục từ khác có cùng tên "Tây Đô" tại Tây Đô.
Thành nhà Hồ | |
---|---|
Di sản thế giới UNESCO | |
|
|
Quốc gia | Việt Nam |
Dạng | Văn hóa |
Tiêu chuẩn | ii, iv |
Tham khảo | 1358 |
Vùng† | Châu Á-Thái Bình Dương |
Lịch sử công nhận | |
Công nhận | 2011 (Kỳ họp thứ 35) |
* Dịch từ tên chính thức trên danh sách Di sản thế giới. † Vùng được UNESCO phân loại chính thức. |
Thành nhà Hồ (hay còn gọi là thành Tây Đô, thành An Tôn, thành Tây Kinh hay thành Tây Giai) là kinh đô nước Đại Ngu (quốc hiệu Việt Nam thời nhà Hồ), nằm trên địa phận nay thuộc tỉnh Thanh Hóa. Đây là tòa thành kiên cố với kiến trúc độc đáo bằng đá có quy mô lớn hiếm hoi ở Việt Nam, có giá trị và độc đáo nhất, duy nhất còn lại ở Đông Nam Á và là một trong rất ít những thành lũy bằng đá còn lại trên thế giới[1]. Thành được xây dựng trong thời gian ngắn, chỉ khoảng 3 tháng (từ tháng Giêng đến tháng 3 năm 1397) và cho đến nay, dù đã tồn tại hơn 6 thế kỷ nhưng một số đoạn của tòa thành này còn lại tương đối nguyên vẹn.
Ngày 27 tháng 6 năm 2011, sau 6 năm đệ trình hồ sơ, Thành nhà Hồ đã được UNESCO công nhận là di sản văn hóa thế giới. Hiện nay, nơi đây đã được thủ tướng chính phủ Việt Nam đưa vào danh sách xếp hạng 23 di tích quốc gia đặc biệt.
Mục lục |
[sửa] Đặc điểm
Thành Tây Đô được xây vào năm 1397 dưới triều Trần do quyền thần Hồ Quý Ly chỉ huy, người không lâu sau (1400) lập ra nhà Hồ. Thành xây trên địa phận hai thôn Tây Giai, Xuân Giai nay thuộc xã Vĩnh Tiến và thôn Đông Môn nay thuộc xã Vĩnh Long, huyện Vĩnh Lộc, tỉnh Thanh Hoá.
Theo sử sách, thành bắt đầu xây dựng vào mùa xuân tháng Giêng năm Đinh Sửu niên hiệu Quang Thái thứ 10 đời vua Thuận Tông của vương triều Trần. Người quyết định chủ trương xây dựng là Hồ Quý Ly, lúc bấy giờ giữ chức Nhập nội Phụ chính Thái sư Bình chương quân quốc trọng sự, tước Tuyên Trung Vệ quốc Đại vương, cương vị Tể tướng, nắm giữ mọi quyền lực của triều đình. Người trực tiếp tổ chức và điều hành công việc kiến tạo là Thượng thư bộ Lại Thái sử lệnh Đỗ Tỉnh (có sách chép Mẫn). Hồ Quý Ly xây thành mới ở động An Tôn (nay thuộc địa phận các xã Vĩnh Long, Vĩnh Tiến, huyện Vĩnh Lộc, tỉnh Thanh Hóa), làm kinh đô mới với tên Tây Đô, nhằm buộc triều Trần dời đô vào đấy trong mục tiêu chuẩn bị phế bỏ vương triều Trần. Tháng 3 năm Canh Thân (26-3 đến 24-4-1400), vương triều Hồ thành lập (1400- 1407) và Tây Đô là kinh thành của vương triều mới, thành Thăng Long đổi tên là Đông Đô vẫn giữ vai trò quan trọng của đất nước. Vì vậy thành Tây Đô được dân gian quen gọi là Thành nhà Hồ. Thành đá được xây dựng trong một thời gian kỷ lục, chỉ chừng 3 tháng. Các cấu trúc khác như các cung điện, rồi La Thành phòng vệ bên ngoài, đàn Nam Giao... còn được tiếp tục xây dựng và hoàn thiện cho đến năm 1402.
Hổ Quý Ly từ khi nắm quyền lực của triều Trần cho đến khi sáng lập vương triều mới đã ban hành và thực thi một loạt chính sách cải cách về các mặt chính trị, kinh tế, tài chính, văn hóa, giáo dục nhằm khắc phục cuộc khủng hoảng của chế độ quân chủ cuối triều Trần, củng cố chính quyền trung ương và chuẩn bị cho cuộc kháng chiến chống Minh. Trong lịch sử chế độ quân chủ Việt Nam, Hồ Quý Ly là một nhà cải cách lớn với một hệ thống chính sách và biện pháp khá toàn diện, táo bạo. Thành nhà Hồ được xây dựng và tồn tại trong những biến động cuối thế kỷ XIV đầu thê kỷ XV, gắn liền với sự nghiệp của nhà cải cách lớn Hồ Quý Ly và vương triều Hồ.
Theo chính sử, thành được xây dựng rất khẩn trương, chỉ trong 3 tháng. Thành Tây Đô ở vào địa thế khá hiểm trở, có lợi thế về phòng ngự quân sự hơn là trung tâm chính trị, kinh tế và văn hoá. Vị trí xây thành đặc biệt hiểm yếu, có sông nước bao quanh, có núi non hiểm trở, vừa có ý nghĩa chiến lược phòng thủ, vừa phát huy được ưu thế giao thông thủy bộ. Như mọi thành quách bấy giờ, thành bao gồm thành nội và thành ngoại. Thành ngoại được đắp bằng đất với khối lượng gần 100.000 mét khối, trên trồng tre gai dày đặc cùng với một vùng hào sâu có bề mặt rộng gần tới 50m bao quanh.
Bên trong thành ngoại là thành nội có mặt bằng hình chữ nhật chiều Bắc - Nam dài 870,5m, chiều Đông - Tây dài 883,5m. Mặt ngoài của thành nội ghép thẳng đứng bằng đá khối kích thước trung bình 2 m x 1 m x 0,70 m, mặt trong đắp đất. Bốn cổng thành theo chính hướng Nam - Bắc - Tây - Đông gọi là các cổng tiền - hậu - tả - hữu (Cửa Tiền hay còn gọi là Cửa Nam, Cửa Hậu còn gọi là Cửa Bắc, cửa Đông Môn và cửa Tây Giai). Các cổng đều xây kiểu vòm cuốn, đá xếp múi bưởi, trong đó to nhất là cửa chính Nam, gồm 3 cửa cuốn dài 33,8 m, cao 9,5 m, rộng 15,17 m. Các phiến đá xây đặc biệt lớn (dài tới 7 m, cao 1,5 m, nặng chừng 15 tấn).
Các cung điện, dinh thự trong khu vực thành đã bị phá huỷ, di tích còn lại hiện nay là 4 cổng thành bằng đá cuốn vòm, tường thành và đặc biệt là Di tích Đàn tế Nam Giao còn khá nguyên vẹn. Trong các phế tích đáng chú ý có nền chính điện chạm một đôi tượng rồng đá rất đẹp dài 3,62 m.
Thành Tây Đô thể hiện một trình độ rất cao về kĩ thuật xây vòm đá thời bấy giờ. Những phiến đá nặng từ 10 đến 20 tấn được nâng lên cao, ghép với nhau một cách tự nhiên, hoàn toàn không có bất cứ một chất kết dính nào[2]. Trải qua hơn 600 năm, những bức tường thành vẫn đứng vững.
Được xây dựng và gắn chặt với một giai đoạn đầy biến động của xã hội Việt Nam, với những cải cách của vương triều Hồ và tư tưởng chủ động bảo vệ nền độc lập dân tộc, Thành Nhà Hồ còn là dấu ấn văn hóa nổi bật của một nền văn minh tồn tại tuy không dài, nhưng luôn được sử sách đánh giá cao[2].
[sửa] Kích thước
Mặc dù thành Tây Đô, với bốn bức tường và cổng thành còn lại tương đối nguyên vẹn, sẽ là rất đơn giản trong việc xác định về cấu trúc toà thành, nhưng các công trình nghiên cứu trước nay đều đưa ra các số liệu khác nhau về kích thước tường thành, cổng thành và do đó, việc nhận định về cấu trúc toà thành vẫn chưa thống nhất.
[sửa] Theo các tài liệu
Theo Đại Nam nhất thống chí cho biết: Thành Tây Đô mỗi mặt dài 120 trượng (1 trượng tương đương 4m), cao 1 trượng 2 thước và trong thành nay là ruộng ước chừng hơn 300 mẫu. (Theo số liệu này thì thành Tây Đô có cấu trúc hình vuông, mỗi cạnh khoảng 480 m).
Trong Thanh Hoá Vĩnh Lộc huyện chí của Lưu Công Đạo lại đưa ra số liệu: Thành Tây Đô vuông, mỗi mặt thành dài 424 tầm (một tầm khoảng 2m).
Trong Lịch triều hiến chương loại chí ghi: Thành rộng ước hơn 300 mẫu, đường đi lối ngang lối dọc đều lát đá hoa, móng thành bốn mặt đều xây đá xanh, từ mặt đất trở lên xây gạch, vuông vắn dày dặn rất bền...
Theo học giả L. Bezacier thì thành xây dựng trên một đồ án hình vuông mỗi chiều dài 500m.
Trong các sách: Thành cổ Việt Nam; Hồ Quý Ly; Lịch sử Thanh Hoá; Khảo cổ học Việt Nam đều khẳng định: Thành nhà Hồ có mặt bằng hình chữ nhật, chiều dài 900m, chiều rộng 700m.
Trong Đại cương Lịch sử Việt Nam (tập 1, xuất bản năm 2000), lại ghi thành Tây Đô là một hình vuông, mỗi cạnh dài 500m.
[sửa] Theo số liệu đo đạc
Năm 2005, đoàn khảo sát Nhật Bản đã dùng máy móc hiện đại đo đạc rồi công bố số liệu như sau: Cạnh Nam: 877,1m; Cạnh Bắc:877,0m; Cạnh Đông: 879,3m; Cạnh Tây: 880m. Như vậy chúng có độ lớn vào khoảng 877m cạnh Đông Tây và 880m cạnh Nam Bắc. Chúng gần như một hình vuông chỉ có điều chiều Nam Bắc dài hơn chiều Đông Tây khoảng 3m. Tuy nhiên dù đã đưa ra con số chính xác nhưng các chuyên gia Nhật Bản lại không cho biết quy tắc đo.
Theo số liệu của tổ Lịch sử Trường Đại Học Hồng Đức trực tiếp đo bằng phương pháp thủ công thì: Chiều Nam Bắc dài 860m (tính từ mép trong theo trục Nam Bắc). Chiều Đông Tây dài 863m (tính từ mép trong theo trục Đông Tây). Nếu tính theo mép ngoài cổng thành thì: Chiều Đông Tây là 883,5m; chiều Nam Bắc là 870,5m (độ chênh lệch lớn hơn 13m)[3]
[sửa] Kết cấu
Thành hình gần vuông, mỗi cạnh trên dưới 800m và chu vi trên 3,5km. Thành phía ngoài xây bằng đá, bên trong xây bằng đất đầm nện chắc, mở bốn cửa theo bôn hướng Nam, Bắc, Đông, Tây. Tường thành đá bên ngoài xây bằng những khối đá nặng trung bình 10-16 tấn, có khối nặng đến trên 26 tấn, được đẽo gọt khá vuông vắn và lắp ghép theo hình chữ công “X” tạo nên sự liên kết kiên cố. Đất đắp bên trong thoai thoải dần. Thành qua thời gian trên 6 thế kỷ đã bị bào mòn và có chỗ bị sạt lở, nhưng di tích còn lại vẫn dày khoảng 4-6m, chân thành rộng khoảng trên 20m. Bốn cửa thành xây theo kiểu vòm cuốn, bằng đá, riêng cửa Nam là cửa chính có ba cổng ra vào, dài trên 34m, cao hơn 10m. Hào bao quanh thành cho đến nay vẫn còn có đoạn rộng khoảng 10-20m và La thành bảo vệ vòng ngoài. Theo sử liệu, trên thành còn xây tường bằng gạch mà khảo cổ học đã phát hiện khá nhiều, trên nhiều viên gạch còn khắc tên đơn vị các làng xã được điều động về xây thành. Ngoài ra còn nhiều kiến trúc khác, trong đó đàn Nam Giao xây trên sườn phía Tây Nam núi Đốn Sơn bằng đá qui mô khá lớn. Hiện các kiến trúc cung điện, tường gạch bên trên thành cùng các bộ phận bằng gạch, gỗ bị sụp đổ, hủy hoại và tòa thành cũng không tránh khỏi có phần bị sạt lở, nhưng gần như tổng thể kiến trúc bằng đá vẫn tồn tại.
[sửa] Khu di tích thành nhà Hồ
Khu di tích thành nhà Hồ với trung tâm là thành nhà Hồ, nằm ở phía tây huyện Vĩnh Lộc, Thanh Hóa, gần quốc lộ 45. Khu di tích này nằm giữa sông Mã và sông Bưởi, thuộc địa giới hành chính các xã Vĩnh Tiến, Vĩnh Thành, Vĩnh Long, Vĩnh Yên, Vĩnh Quang, Vĩnh Ninh, Vĩnh Khang, thị trấn Vĩnh Lộc, một phần xã Vĩnh Phúc (huyện Vĩnh Lộc) và một phần xã Thạch Long (huyện Thạch Thành). Ngoài thành nhà Hồ, được gọi là thành trong, khu di tích này có:
- Hào thành
- La Thành
- Đàn Nam Giao
- Đền thờ nàng Bình Khương
- Đình Đông Môn
- Nhà cổ
- Đền Tam Tổng
- Hồ Mỹ Đàm
- Hang Nàng và núi An Tôn
- Chùa Giáng
- Đền thờ Trần Khát Chân
- Chùa Du Anh
- Động Hồ Công
[sửa] Vấn đề công nhận và bảo tồn
Thành nhà Hồ đã được xếp hạng di tích quốc gia từ năm 1962. Mặc dù có nhiều dự án tôn tạo nhưng vẫn chưa được triển khai và thiếu công tác nghiên cứu cơ bản, các cổ vật đang bị phân tán và tòa thành bị tôn tạo "không đúng cách"[4].
Tháng 6 năm 2011, thành Tây Đô đã được Tổ chức Văn hóa, Khoa học và Giáo dục Liên Hiệp Quốc (UNESCO) công nhận là Di sản văn hóa thế giới. Đây là Di sản văn hóa thế giới thứ 5 của Việt Nam sau phố cổ Hội An, cố đô Huế, thánh địa Mỹ Sơn, và Hoàng thành Thăng Long.[5]
[sửa] Hình ảnh
[sửa] Chú thích
- ^ Thành Tây Đô - Thành lũy bằng đá duy nhất còn lại ở Đông Nam Á
- ^ a b Thành nhà Hồ sắp trở thành di sản
- ^ tạp chí Lịch sử quân sự, số 222, mục Sửa lại cho đúng, bàn thêm cho rõ
- ^ Hãy cứu lấy di tích Thành nhà Hồ!
- ^ "Thành nhà Hồ được UNESCO công nhận..." theo RFI
[sửa] Liên kết ngoài
Wikimedia Commons có thêm hình ảnh và tài liệu về: |
- Giới thiệu trên cổng thông tin điện tử của UBND Thanh Hóa
- Trang thông tin điện tử khu di tích Thành Nhà Hồ
- Bản đồ khu di tích Thành nhà Hồ
- Giới thiệu và đánh giá trên website của UNESCO
- Khám phá Thành nhà Hồ - di sản văn hóa thế giới
|
|
|