thông tắc cốnghut be phot
Get Adobe Flash player
  • SỞ VĂN HÓA THỂ THAO VÀ DU LỊCH BẮC GIANG - SỐ 74. NGUYỄN THỊ LƯU - TP. BẮC GIANG - TỈNH BẮC GIANG
Liên kết

Thông kê truy cập
  • Tổng số lượt: 121546843
  • Số người đang xem: 1
  • Trong ngày: 12
  • Trong tuần: 10420
  • Trong tháng: 116766
  • Trong năm: 14546843
Trang chủ

Thông điệp lịch sử từ chiếc hương án đá hoa sen chùa Khám Lạng

( 08:09 | 17/07/2014 ) Bản để inGửi bài này qua Email

 

Chùa Khám Lạng, xã Khám Lạng, huyện Lục Nam, được xếp hạng là di tích kiến trúc nghệ thuật cấp Quốc gia theo Quyết định số 53/QĐ-BVHTT ngày 2/8/1999 của Bộ trưởng Bộ Văn hóa Thông tin (nay là Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch). Ngôi chùa tọa lạc ở thôn Bến nhìn ra sông Lục Nam và dãy núi Huyền Đinh hùng vĩ. Đây là ngôi chùa cổ hiện còn lưu giữ được nhiều giá trị lịch sử văn hóa và giá trị kiến trúc nghệ thuật, trong chùa còn bảo lưu được một số tài liệu, hiện vật có giá trị, tiêu biểu nhất là chiếc hương án đá hoa sen thời Lê sơ.

Hương án đá hoa sen chùa Khám Lạng là một tác phẩm nghệ thuật hoàn mỹ thể hiện nghệ thuật chạm khắc trên đá của các nghệ nhân dân gian rất độc đáo. Hương án được tạo từ nhiều khối đá xanh ghép lại thành một khối lớn hình chữ nhật kích thước dài 3,12m, rộng 1,4m, cao 1,2m được chia ra thành ba phần chính: mặt hương án, hương án, và chân đế hương án. Mặt hương án đá gồm các phiến đá ghép lại tạo nên mặt bệ hình chữ nhật. Trên đỉnh mặt bệ đá không chạm khắc hoa văn mà chủ yếu tập trung đề tài chạm khắc hoa văn ở bốn phía xung quanh mặt hương án đá. Ở bốn mặt bệ đá có tạc ba tầng cánh sen lớn xếp đan chéo lên nhau, mặt phía trước mỗi lớp gồm 16 cánh sen. Trong các cánh sen có chạm các móc mây, ở phần mu cánh sen có chạm các chấm tròn tạo các hạt cườm nổi khối xếp thành hình chữ thập. Nhìn tổng thể ở phần mặt bệ hương án có dáng như một tòa sen lớn. Thân hương án gồm 3 thớt đá, mỗi thớt đá cũng là các phiến đá khép lại, các phiến đá tạc chân bệ theo kiểu chân quỳ dạ cá. Ở các thớt đá đã được vê tròn cạnh xen lẫn các gờ nổi tạo hình cân đối hài hòa. Phần vê tròn có tạc nổi các cánh sen mở xuống, khổ lớn. Ở tầng trên và tầng dưới lớn hơn tầng ở giữa. Trên bề mặt các phiến đá có chạm tinh tế các hình vân mây tản, phối trí, hình hoa văn sóng nước chạy trải đều khắp bốn mặt chân quỳ. Ở phần giữa thân hương án, hai mặt chính trước sau có 6 ô hình chữ nhật, tạc 6 con rồng. Ở giữa hai mặt bên đầu hồi tạc mỗi đầu một con rồng. Cạnh lại có một ô nhỏ hơn tạc hình hoa cúc dây. Rồng chạm ở hương án đá là loại rồng yên ngựa, đầu rồng có bờm lửa. Các con rồng trong tư thế bay thoải mái. Ở một ô vuông trên thân bệ thuộc mặt góc bên phải có khắc dòng chữ Hán: “Thuận Thiên ngũ niên-Nhâm Tý niên- Khám xã, Hạ phẩm, Lưu Khụ, thê Đỗ Xú”. Nghĩa là năm Nhâm Tý, niên hiệu Thuận Thiên thứ năm (đời vua Lê Thái Tổ năm 1432). Ông Lưu Khụ vợ là Đỗ Xú, hàng Hạ phẩm ở xã Khám Lạng. Qua dòng chữ này, đã xác định được chiếc hương án đá chùa Khám Lạng được tạo lập vào năm 1432. Đế hương án gồm 5 phiến đá lớn hình chữ nhật ghép liền với nhau thành một khối thống nhất tạo thành bệ. Trên mặt đá chạm nổi hình mây tản, phối trí và cụm vân mây điểm ở ba vị trí giữa chân đế và hai góc chân đế. Giữa các cạnh lại tạo 3 đường bo gờ nổi chạy thẳng, tạo dáng cân đối hài hòa.

Sập đá phía trước Phật điện chùa Khám Lạng. Ảnh: Ngọc Dưỡng

Nghệ thuật chạm khắc họa tiết hoa văn trên hương án đá chùa Khám Lạng từ hình rồng, cánh sen, hoa cúc, hoa văn sóng nước...đều kế thừa phát huy giá trị tinh hoa theo mô tuýp hoa văn của thời Lý -Trần. Hình tượng con rồng cũng phần nào mang phong cách rồng thời Lý -Trần ở phần đầu, thân và chân. Con rồng có đầu dạng rồng mào lửa. Thân rồng khắc vảy. Ngoài các lớp cánh sen to còn có lớp các cánh sen được chạm theo kiểu xếp gối lên nhau chỉ thấy nửa hình, cứ thế mà thành băng dài. Lối bố cục gối lên nhau này cũng đã thấy có ở thời Trần. Đặc biệt con rồng ở đây có thân duỗi ra ở phần giữa giống như hình yên ngựa. Trước đây các nhà nghiên cứu mỹ thuật cho rằng rồng yên ngựa chỉ có ở thời Lê Mạc (thế  kỷ XVI) nhưng việc phát hiện ra những con rồng chạm ở hương án đá chùa Khám Lạng cho thấy con rồng yên ngựa có niên đại sớm hơn và hiện nay chỉ tìm thấy ở chùa Khám Lạng, huyện Lục Nam. Có thể nói, chiếc hương án đá hoa sen này thực sự là một tác phẩm nghệ thuật điêu khắc đá độc đáo nhất ở Bắc Giang và cũng hiếm thấy ở Việt Nam.

Hương án hoa sen chùa Khám Lạng là hiện vật gốc độc bản chưa có ở nơi khác trong tỉnh và hiếm thấy ở Việt Nam: Hương án đá được tạo tác năm 1432 sau khi Lê Lợi đánh thắng quân Minh (1428) tức là sau 4 năm đất nước khải hoàn; nhân dân sau thời gian loạn lạc ly tán nay đã quay trở về ổn định cuộc sống. Mặc dù vừa trải qua chiến tranh, nhân dân ta chịu nhiều mất mát nhưng ngay từ khi bắt tay vào xây dựng cuộc sống mới đã không ngừng sáng tạo trong lao động sản xuất để có cuộc sống ấm no hòa bình. Ở thời điểm lịch sử một đất nước, một dân tộc mới giành được chủ quyền đang bắt tay vào khôi phục đất nước mà đã có tác phẩm nghệ thuật chạm khắc độc đáo trên đá như sập đá chùa Khám Lạng khẳng định sức lao động sáng tạo, sức sống lâu bền trường tồn của dân tộc. Sự xuất hiện chiếc hương án đá chùa Khám Lạng là sự tiếp nối mạch cảm hứng sáng tác của cha ông thế hệ trước, tiếp thu kế thừa tinh hoa văn hóa thời Lý -Trần. Hương án đá hoa sen là hiện vật gốc độc bản còn ghi rõ đầy đủ niên đại tuyệt đối năm tạo tác 1432. Nếu so với các hiện vật bằng đá khác trong tỉnh ở thời điểm này (thế kỷ XV) thì chưa tìm thấy hiện vật nào như chiếc hương án đá chùa Khám Lạng. Đặc biệt là hiện vật hưong án đá trong chùa thì chỉ có một hương án đá chùa Khám Lạng. Chiếc hương án đá ở đền thờ Vua Đinh- Ninh Bình cũng là tác phẩm nghệ thuật chạm khắc đẹp nhưng lại có niên đại muộn hơn (thế kỷ XVII) hương án đá chùa Khám Lạng. Giữa rất nhiều hiện vật trong các di tích ở giai đoạn này (thế kỷ XV) như hiện vật bằng gỗ, hiện vật bằng gốm, đất, hiện vật giấy, văn bằng, chiếu chỉ, dụ, sắc phong...nhưng ít thấy có hiện vật bằng đá, họa chăng chỉ có văn bia chứ không thấy có hương án đá. Chiếc hương án đá chùa Khám Lạng như là một điển hình, dấu chấm son trong các cổ vật bằng đá, ghi dấu mốc lịch sử về nghệ thuật chạm khắc trên đá thế kỷ XV mà ít thấy ở nơi khác. Chiếc hương án đá từ lâu đã là là bảo vật quý của chùa và của tỉnh Bắc Giang. Cũng chính vì giá trị lịch sử, văn hóa mỹ thuật, tính độc đáo quý hiếm của chiếc hương án đá hoa sen này mà Bảo tàng tỉnh Bắc Giang đã cho phục chế lại chiếc hương án theo đúng tỷ lệ 1:1 để phục vụ công tác trưng bày, giới thiệu khách tham quan.

Là hương án đá có hình thức độc đáo ở Bắc Giang và hiếm thấy ở Việt Nam: Cùng phản ánh nền văn hóa thời Lê sơ trên vùng đất Bắc Giang có thể thấy rất nhiều hiện vật, di vật, cổ vật tìm thấy ở thành Xương Giang, do nhà  Minh xây dựng năm 1407, thành Cần Trạm ở Kép (Lạng Giang), Đền thờ và phần mộ Phạm Văn Liêu ở Xuân Hương (Lạng Giang)...và nhiều di tích khác còn lưu giữ được nhiều tài liệu, hiện vật nhưng chỉ là các văn bản chữ Hán chứ không còn tác phẩm nghệ thật chạm khắc như hương án đá chùa Khám Lạng. Phần lớn là các văn bằng, chiếu, chỉ, lệnh, dụ, sắc phong....về niên đại các di vật cổ vật này cũng còn cách xa hương án đá chùa Khám Lạng vài trăm năm. Đến mãi những giai đoạn sau này thời Lê Trung Hưng (thế kỷ XVII-XVIII) trong các di tích lăng đá ở xứ Bắc Hà (vùng Bắc Ninh, Bắc Giang) và vùng xứ Thanh xứ Đoài (Thanh Hóa, Hà Tây) cũng có những hiện vật là hương án đá nhưng so về kích thước, kỹ thuật chạm khắc, các đề tài hoa văn trang trí, giá trị mỹ thuật khó có thể sánh bằng hương án đá ở chùa Khám Lạng. Hương án đá ở lăng Dinh Hương, lăng Nội Dinh, lăng họ Ngọ, hương án đá ở Từ chỉ Quán Quận Công, hương án ở Lăng họ Giáp... đều có quy mô hình dáng nhỏ hơn, kỹ thuật chạm khắc không được đẹp, tinh tế và độc đáo như hương án đá chùa Khám Lạng.

 Thành Lam Kinh, Thanh Hóa nơi thờ thủy tổ của nhà Lê, nơi gây dựng và phát tích phong trào khởi nghĩa Lam Sơn cũng không có hiện vật như hương án đá chùa Khám Lạng. Tại Lăng Vua Lê và Vĩnh Lăng cũng chỉ có nhà Lăng, bia đá, tượng người, tượng ngựa và tượng linh thú mà không có hương án đá. Các hiện vật ở đây được xác minh là chế tác từ năm mai táng vua Lê Thái Tổ (1433) tức là sau hiện vật hương án đá chùa Khám Lạng một năm. Cũng cùng là các đề tài chạm khắc hình rồng (trên bia đá) nhưng thân rồng uốn khúc uyển chuyển quanh hình mặt trời, hay hình rồng vươn mình đối nhau, hình áng mây, hoa văn hình nửa lá đề, hình hoa cúc dây  với nghệ thuật chạm khắc mang rõ nét của thời Lê sơ khác hẳn với các đề tài chạm khắc hình rồng, hình hoa cúc trên chiếc hương án đá chùa Khám Lạng lại mang phong cách kế thừa của thời Lý -Trần. Duy chỉ trùng lặp các đề tài chạm khắc hoa sen, hoa cúc ở hương án đá chùa Khám Lạng và đề tài chạm khắc hình lá đề trên bia đá ở Vĩnh Lăng, Thanh Hóa cùng mang một biểu trưng cho phong cách nghệ thuật trang trí trong các ngôi chùa thờ Phật.

Ngoài yếu tố tạo hình mỹ thuật các đề tài chạm khắc trên hương án đá chùa Khám Lạng còn chứa đựng nhiều thông điệp lịch sử. Chạm khắc hình hoa sen, hoa cúc mang biểu trưng sức mạnh hùng trí của nhà Phật, các đề tài hình rồng mang biểu trưng của vương quyền, các hình văn hình sóng nước mang biểu trưng của văn hóa sông nước văn hóa miền biển. Qua đó có thể thấy sự dung hòa giao thoa văn hóa vùng miền và khẳng định sự vững mạnh trường tồn của Phật giáo và Nho giáo ở giai đoạn này. Thông điệp lịch sử từ hương án đá chùa Khám Lạng cho thấy sức mạnh của một dân tộc ngoài việc giành độc lập chủ quyền, nhân dân ta còn không ngừng lao động sáng tạo và khẳng định sức sống trường tồn của nền văn hóa dân tộc dù có chiến tranh tàn phá thì sức mạnh truyền thống ấy không bao giờ mất. Có thể nói, chiếc hương án đá chùa Khám Lạng là một tác phẩm nghệ thuật độc đáo điển hình chứa đựng nhiều thông điệp về giá trị lịch sử văn hóa mỹ thuật của dân tộc ở thời Lê sơ thế kỷ XV. Với giá trị lịch sử văn hóa, giá trị mỹ thuật và tính độc đáo quý hiếm, hương án đá hoa sen chùa Khám Lạng đã được lập hồ sơ trình Cục Di sản văn hóa (Bộ Văn hóa, Thể Thao và Du lịch) xem xét trình cấp có thẩm quyền công nhận là bảo vật Quốc gia.

Đồng Ngọc Dưỡng