Liên kết website


Trang chủDi tích - Danh thắng

Văn miếu Trấn Biên

Đăng ngày: 31/05/2012
​Cảnh quan và hạng mục công trình

Cảnh quan

Văn miếu Trấn Biên xưa, theo sách Gia Định thành thông chí của Trịnh Hoài Đức, nằm “ở địa phận thôn Bình Thành và thôn Tân Lại, huyện Phước Chánh, cách tây trấn hai dặm rưỡi (...) phía nam hướng đến sông Phước, phía bắc dựa theo núi rừng, núi sông thanh tú cỏ cây tươi tốt”.
 
Ngày nay, dấu vết cũ không còn, dựa vào thư tịch cổ, các nhà khoa học, cùng với lãnh đạo tỉnh Đồng Nai đã xác định nơi có  đặc điểm giống  như miêu tả trong sách của Trịnh Hoài Đức. Đó là khu vực hồ Long Vân, thuộc Khu du lịch Bửu Long, phường Bửu Long, thành phố Biên Hòa. Quần thể công trình Văn miếu Trấn Biên có diện tích xây dựng gần 20.000 mét vuông (2 ha), nằm trên khu đất cao.
 
Vì Văn miếu Trấn Biên là công trình kiến trúc vừa có ý nghĩa hiện đại, vừa mang dấu ấn lịch sử truyền thống, nên khi quan điểm thiết kế, mà trước hết là quan điểm lựa chọn thế đất có sự kết hợp giữa quan niệm cũ và quan niệm mới.
 
Theo quan niệm kiến trúc xưa, các công trình xây dựng đều tuân theo nguyên tắc nhất định phù hợp với thế của đất và trời, tạo thành thể tống nhất Thiên – Địa – Nhân hòa hợp. Nguyên tắc này khiến cho nơi cư trú hoặc thờ phụng của con người tận dụng được tối đa những yếu tố thuận lợi của tự nhiên và hạn chế tối thiểu những tác động xấu của thiên nhiên, thời khí.
 
Ngày nay, kế thừa quan điểm trên, kết hợp với việc khảo sát, nghiên cứu địa hình, thăm dò hiện trạng, khu đất xây dựng Văn miếu Trấn Biên có cảnh quan đẹp, hội tụ phong thủy và tiện ích, có hình chữ nhật, trải dài theo hướng bắc – nam. Phía trước có hồ nước lớn làm Minh Đường; phía sau có núi Bửu Long và núi Long Ẩn làm Tả Thanh Long và Hữu Bạch Hổ; bên trái có hồ nước trong xanh; bên phải có đường giao thông chính. Không gian nơi Văn miếu tọa lạc khoáng đãng, phong cảnh hữu tình với cây cối xanh tươi, nước hồ trong xanh, núi đồi nhấp nhô... Cảnh quang này, theo thuật phong thủy được xem là quý địa, rất phù hợp với một công trình văn hóa, giáo dục như Văn miếu Trấn Biên.
 
Hạng mục công trình
 
Văn miếu Trấn Biên là một quần thể kiến trúc tập hợp nhiều công trình. Mỗi một công trình vừa là thành tố của cả quần thể, vừa có chức năng riêng. Sau đây là các công trình và chức năng của nó ở Văn miếu Trấn Biên theo thứ tự từ ngoài vào trong, trên trục thần đạo. Một số công trình đã được xây dựng hoàn chỉnh ở giai đoạn 1, một số công trình đang tiếp tục hoàn chỉnh ở giai đoạn 2. Khi giới thiệu các công trình đang hoàn chỉnh chúng tôi dựa vào dự án nghiên cứu khả thi đầu tư xây dựng đã được các cấp hữu quan phê duyệt. 

 

1. Văn Miếu Môn 
VanmieuMon-550.jpg
 
Văn Miếu Môn là cổng ra vào của Văn miếu, nơi chào đón quan khách, ngăn cách không gian bên trong với bên ngoài Văn miếu. Văn Miếu Môn có kích thước 12000x3000, được kiến trúc làm hai tầng mái. Tầng mái 1 có độ cao +4200 so với cốt đường. Tầng mái 2 có độ cao +8000 so với cốt đường. Dưới cốt +4200 ở trên cửa lớn đặt bức đại tự bằng gỗ sơn son thiếp bạc phủ hoàn kim đề chữ “Văn Miếu Môn”. Tường ngoài Văn Miếu Môn theo dự kiến đặt hai câu đối nằm trên trục A cắt trục 2 và 3. Mặt sau Văn Miếu Môn trên trục E cắt trục 3 và 4 đặt hai câu đối khác có hình thức giống hai câu đối mặt trước.
 
2. Nhà Bia
Nhabia-550.jpg
  
Nhà Bia có mái che. Ngay chính giữa là bia đá với chất liệu là đá Granít Bửu Long. Trên bia đá khắc bài văn bia do Giáo sư, Anh hùng Lao động Vũ Khiêu viết. Bài văn bia khái quát truyền thống văn hóa, giáo dục của dân tộc và vùng đất Biên Hòa – Đồng Nai, thể hiện khát vọng của nhân dân Đồng Nai trong kỷ nguyên mới và ý nghĩa của việc xây dựng Văn miếu Trấn Biên.
 
3. Khuê Văn Các
 
Khuevancat-550.jpg
 
Khuê Văn Các được xem là công trình chủ đạo trong khu vực Văn miếu. Khuê Văn Các ngày xưa là nơi các bậc hiền tài, những tao nhân mặc khách gảy đàn, ngâm thơ, ngắm trăng, đàm luận chuyện văn chương, thời cuộc. Ngày nay, Khuê Văn Các là nơi để các nhà văn, nhà thơ, các nhà khoa học trong và ngoài tỉnh, các vị lãnh đạo cao cấp đến thuyết trình, hội thảo về các vấn đề văn hóa, giáo dục, văn chương, bàn luận chuyện quốc kế dân sinh.
 
Khuê Văn Các đã được xây dựng có kích thước 5.900x8.700, độ cao 16.000 so với cốt sân. Công trình có 2 tầng cùng 2 tầng mái với kết cấu bê tông giả gỗ. Theo dự kiến, tầng 1: dưới mái đặt bức đại tự ở trung tâm mặt trước ngôi nhà đề chữ “Khuê Văn Các”; tầng 2: trên gác Khuê văn đặt 2 bài viết của các hiền nhân, được khắc trên gỗ.
 
4. Thiên Quang Tỉnh
 
Thien quang tinh 01.jpg
 
Thiên Quang Tỉnh là hồ nước lớn nằm giữa Khuê Văn các và Đại Thành Môn, ngay trên trục thần đạo. Hồ có hình chữ nhật, chung quanh được kè bằng đá Bửu Long. Nước hồ trong xanh, được thả các loại cá và sen. Buổi sáng, Khuê Văn Các; buổi chiều Đại Thành Môn in bóng trên mặt hồ càng tạo thêm phong cảnh tươi đẹp cho Văn miếu.
 
5. Đại Thành Môn
Daithanhmon-550.jpg
  
Đại Thành Môn nằm trên trục thần đạo, là cửa chính để vào khu thờ phụng, tế lễ của Văn miếu. Bên phải và bên trái Đại Thành Môn là Kim Thành Môn và Ngọc Chấn Môn.
 
Đại Thành Môn được kiến trúc 2 tầng mái. Dưới tầng mái 1, mặt trước đặt một biển đại tự gỗ đề chữ “Đại Thành Môn”.
 
Kim Thành Môn và Ngọc Chấn Môn là hai cổng phụ của Đại Thành Môn, có kích thước nhỏ, một tầng mái. Dưới mái đặt biển đại tự đề tên của từng cửa.
 
6. Nhà bia Khổng Tử
 NhabiaKT-550.jpg
 
 
Khổng Tử là người khai sáng Nho giáo và Nho học của cả phương Đông. Vì thế, Nhà bia Khổng Tử được đặt ở vị trí trang trọng, trước sân Đại Bái, nằm trên trục thần đạo. Nhà bia Khổng Tử có 4 mái, 2 cột. Bia Khổng Tử được đặt trên bệ đá chạm khắc hoa văn cao 80cm. Tấm bia đá có kích thước: 1500x1750x280. Trong bia có khắc hình Khổng Tử theo tranh vẽ của các họa sĩ cổ điển Trung Hoa. Trên bia có mặt Hổ phù cao 65 cm. Kích thước toàn bia cao 320m. Mặt sau của bia, ở chính giữa có khắc chữ Văn, hai bên là hai câu đối, được lấy từ những lời răn dạy của Khổng Tử. 
 
7. Sân Đại Bái
 
Sân Đại Bái nối Nhà bia Khổng Tử và Nhà Đại Bái (Nhà thờ chính) theo trục thần đạo, nối toà nhà Văn Vật Khố với Hội Trường theo chiều ngang. Sân Đại Bái hình chữ nhật, có diện tích rộng. Đây là nơi diễn ra các buổi lễ quan trọng tại Văn miếu Trấn Biên. 
 
8. Nhà Đại Bái (Nhà thờ chính)
 
Nhà Đại Bái là công trình kiến trúc quan trọng nhất của quần thể kiến trúc Văn miếu Trấn Biên. Nhà có 3 gian.
 
Gian giữa Nhà Đại Bái là nơi thờ Chủ tịch Hồ Chí Minh, anh hùng giải phóng dân tộc Việt Nam, danh nhân văn hóa thế giới. Nơi đặt tượng cùng hương án thờ Bác Hồ được đặt trên một bệ ghép bằng các đá tảng cốt cao so với nền cốt nhà là +600. Xung quanh bệ thờ có lan can tay vịn cũng bằng đá tảng đục. Lối lên bục ở giữa tiếp đến  bán hương đại bằng đồng, sau đó là bộ hương án gỗ sơn son thiếp vàng. Tượng Bác Hồ bán thân đúc bằng đồng đặt trên bệ đá cao hơn hương án gỗ 200. Phía sau không gian thờ Chủ tịch Hồ Chí Minh là biểu tượng của mặt trống đồng Ngọc Lũ, biểu trưng của văn hóa Việt Nam. Toàn bộ biểu tượng mặt trống đồng được gò khắc bằng tôn đồng, đường kính 4.000 có tâm đặt cao hơn tượng Bác Hồ.
 
Gian bên tả (từ ngoài vào) Nhà Đại Bái thờ những danh nhân văn hóa cả nước (thứ tự từ trái qua phải): Chu Văn An, Nguyễn Trãi, Nguyễn Bỉnh Khiêm, Lê Quý Đôn, Nguyễn Du.
 
Gian bên hữu Nhà Đại Bái thờ những danh nhân văn hóa gắn bó với vùng đất Biên Hòa – Đồng Nai và Nam bộ xưa (thứ tự từ trái qua phải):  Võ Trường Toản, Đặng Đức Thuật, Gia Định tam gia (Trịnh Hoài Đức, Lê Quang Định, Ngô Nhơn Tĩnh), Nguyễn Đình Chiểu, Bùi Hữu Nghĩa.
 
Tất cả các danh nhân  được thờ có bài vị đặt trong khám thờ, trước có hương án sơn son thiếp vàng, hai bên bàn thờ có bát bửu bằng gỗ cũng sơn son thiếp vàng.
 
Nhà Bái Đường còn nhiều chi tiết liên quan sẽ được nói rõ hơn ở phần về: văn tự, hiện vật bày trí, tặng vật...
 
9. Văn Vật Khố
 
Nha thu kho 01.jpg Nha thu kho 02.jpg
 
Văn Vật Khố được đặt bên trái (từ ngoài vào) Nhà Bái Đường. Kiến trúc của Văn Vật Khố được mô phỏng theo kiến trúc Nhà trưng bày sản phẩm của Trường  Bá nghệ Biên Hòa trước đây ở khu vực Tòa bố Biên Hòa (giao lộ quảng trường Sông Phố). Thực hiện chỉnh trang đô thị, năm 2000, Nhà trưng bày này nằm trong khu vực phải giải tỏa. Tuy nhiên, tất cả các thành tố kiến trúc của công trình được bảo quản cẩn thận. Khi xây dựng Văn miếu Trấn Biên, công trình này được tái dựng lại. Vì thế, Văn Vật Khố  có kiến trúc theo hình chữ nhất, diện tích 134 mét vuông. Bên trong chia thành 5 gian phòng, có cửa chính đi vào lối gian trung tâm. Từ gian trung tâm có lối thông qua các phòng còn lại.
 
Văn Vật Khố là nơi trưng bày các giá trị nghệ thuật của các ngành, nghề thủ công truyền thống ở vùng đất Biên Hòa – Đồng Nai, bao gồm các nghề chính: mộc, rèn, đúc đồng, đá, thổi gang. Những sản phẩm tiêu biểu nhất của mỗi  nghề sẽ được trưng bày tại đây.
 
10. Nhà Thư Khố
 
Nhà Thư Khố ở phía đối diện với Văn Vật Khố, là nơi lưu giữ các công trình văn hóa – nghệ thuật, khoa học, giáo dục  đã được thể hiện thành ấn phẩm (sách) về vùng đất Biên Hòa – Đồng Nai.
 
Bài và ảnh: Theo Tài liệu chính thức của UBND Tỉnh Đồng Nai