Cách quốc lộ khoảng 3 - 4 km (gần trung tâm thị trấn Diễn Châu) không mấy khó khăn đã thấy hai dãy tướng, lính và voi, ngựa, nghê đá chầu cạnh một ngôi mộ hình mai rùa sát bờ đê.

Những hiện vật còn sót lại trong khu lăng mộ Sát Hải Đại tướng quân

Ngoài những hiện vật trên, mọi thứ gần như không còn gì. Một số hộ dân quanh đó tận dụng khoảng trống để trồng hoa màu ngay cả... dưới chân “các ông tướng” (tên thường gọi của dân ở đây với di tích này), bởi từ lâu chính quyền địa phương đã cấp đất khu vực này cho dân làm nhà ở. 

Chúng tôi đã tiếp xúc với nhiều người dân tại đó và được khẳng định, đây chính là khu lăng mộ của Sát Hải Chàng Lại Đại tướng quân Hoàng Tá Thốn - Dũng tướng đời Trần. Trong lịch sử, ông được xem như Yết Kiêu thứ 2 của nước ta và đã từng phò tá Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn 2 lần đại thắng quân Nguyên Mông.

Lập được nhiều chiến công hiển hách, ông được nhà vua đặc ân ban cho họ Hoàng. Sát Hải Đại tướng quân đã qua đời trên đường tuần hành và được vua ban thuyền rồng đưa về tận quê hương mai táng. Nhớ công ơn của vị tướng tài ba, nhân dân đã lập nên đền thờ ngay tại khu lăng mộ ông đặt ở phía Tây của làng, hướng ra cửa biển.

Theo truyền thuyết, cũng như các cụ cao niên trong vùng kể lại, khu đền vốn có quy mô rất lớn: Tổng diện tích hơn 2.000 m2, với kiến trúc giống như một số lăng tẩm vua Nguyễn ở Huế nhưng nhỏ hơn gần nhiều công trình kiến trúc, tượng... Xung quanh khu di tích này vẫn có rất nhiều cây đại thụ che chắn.

Khu di tích này từng trải qua rất nhiều thăng trầm. Cách đây không lâu, khi tiến hành làm một con đê, người ta đã không ngại lấp luôn cả những gì còn sót lại. Một số tượng đá cũng bị thất tán. Hậu duệ tướng quân Hoàng Tá Thốn chạy các cửa, đến năm 2003, người ta mới chịu dịch chuyển con đê sang một bên. Bí thư Đảng ủy xã Diễn Vạn Trần Ngọc Cảnh thú nhận việc bảo vệ di tích Đền Sát Hải Đại tướng quân thì... xã lực bất tòng tâm.

Việc làm có ý nghĩa nhất của UBND xã từ trước đến nay là thu hồi 4 con ngựa đá và một tượng người đưa về “gác” trụ sở UBND và nghĩa trang liệt sĩ. Ông Hoàng Nam Tộc trưởng dòng họ Hoàng, hậu duệ đời thứ 19 ở Diễn Vạn - lòng cứ như lửa đốt: “Nhà thờ họ Hoàng tại Vạn Tràng (xã Long Thành, Yên Thành, Nghệ An) đã được xếp hạng Di tích Lịch sử Quốc gia từ năm 1992; 36 cửa Lạch trong cả nước có đền thờ ngài, nhưng lăng mộ ngài nơi đây vẫn trơ trọi, mặc dù vẫn còn nhiều hiện vật quý”.

Nói rồi ông chỉ cho chúng tôi đến tấm bia đá mà cụ Cao Xuân Dục khắc tặng năm xưa bị vỡ đôi và đau đáu: “Chúng tôi xin dự án theo cách dòng họ và Nhà nước cùng làm. Lăng của ngài có tất cả 12 ông tướng, 4 voi, 4 ngựa, nhiều nghê đá, bia đá và các sắc phong của nhiều đời vua. Chỉ mong một ngày nào đó, di tích được Nhà nước công nhận, tu bổ lại, chúng tôi sẽ ra Uỷ ban xã, đến nhà dân đòi lại tượng đá”.

Video đang được xem nhiều