KÊNH VĨNH TẾ TRONG QUAN HỆ VIỆT NAM – CHÂN LẠP – XIÊM LA DƯỚI THỜI VUA GIA LONG Dương Thành Thông
Khoa Lịch sử - Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn TP HCM Quan hệ Việt Nam – Chân Lạp – Xiêm La trong khoảng 30 năm đầu thế kỉ XIX là những quan hệ chính trị, quân sự rối ren, phức tạp, lúc hòa hoãn, lúc lại xung đột gay gắt. Về cơ bản, có thể nhận thấy nội dung nổi bật nhất của quan hệ “tay ba” ấy chính là việc tranh giành vị thế, ảnh hưởng của hai nước Việt Nam và Xiêm ở Chân Lạp. Trong mối quan hệ này, đối với nước ta, kênh Vĩnh Tế (được khởi công xây dựng dưới thời vua Gia Long và hoàn thành dưới thời vua Minh Mạng) - ngoài giá trị về kinh tế - còn đóng vai trò đặc biệt quan trọng về quân sự, một công trình có giá trị như một “Như Nguyệt” của thế kỉ XIX, một tiền tiêu phòng ngự bảo đảm an ninh ở vùng biên giới phía Tây Nam, đồng thời vươn ra thiết lập ảnh hưởng và tao lập vị thế của triều Nguyễn ở Chân Lạp. Bài viết này tìm hiểu vai trò và ý nghĩa quân sự, chính trị của kênh Vĩnh Tế trong chính sách và hoạt động ngoại giao của triều Nguyễn đối với Chân Lạp và Xiêm trong khoảng 30 năm đầu thế kỉ XIX. Ảnh: Kênh Vĩnh Tế xưa
1. Từ khoảng thế kỉ XVI đến cuối thế kỉ XVIII, tình hình các quốc gia phong kiến Đại Việt, Chân Lạp, Xiêm La có nhiều biến động to lớn, làm thay đổi về căn bản tương quan lực lượng giữa ba nước. Cho đến giữa thế kỉ XVIII, về cơ bản vùng đất Thủy Chân Lạp cho đến Hà Tiên đã thuộc quyền cai quản của các chúa Nguyễn. Lãnh thổ nước Chân Lạp lúc này chỉ còn lại phần Lục Chân Lạp. Vương quốc Chân Lạp sau thời Ăng – co hùng mạnh từ thế kỉ XV đã trở nên suy yếu bởi những cuộc tấn công từ bên ngoài (của người Thái) và những cuộc tranh giành quyền lực kéo dài. Về phía Xiêm, vương quốc của người Thái (vương quốc A-út-thay-a thành lập từ thế kỉ XIV, đến năm 1767 đổi thành vương quốx Xiêm) từ thế kỉ XIV cho đến cuối thế kỉ XVIII là thời kì thịnh vượng của chế độ phong kiến. Họ nhanh chóng bành trướng thế lực của mình ra các nước lân cận, trong đó, vương quốc Ăng – co của người Khmer trở thành đối tượng tấn công chính của họ. Trong vòng một thế kỉ, người Thái đã 5 lần tấn công vào Ăng – co. Từ sau khi Ăng – co bước vào thời kì suy thoái, Chân Lạp liên tục là vùng đất mà người Xiêm muốn đặt ảnh hưởng. Trong khi đó, vương quốc Đại Việt từ thế kỉ XVI cũng bước vào thời kì suy yếu, chiến tranh phong kiến diễn ra liên miên, tình hình chính trị bất ổn. Tuy nhiên ở phía Nam, chúa Nguyễn cũng đã bước đầu thiết lập được những ảnh hưởng ban đâu ở Chân Lạp (thông qua quan hệ hôn nhân, kinh tế…). Tuy nhiên, do phải đối phó với khởi nghĩa Tây Sơn, các chúa Nguyễn đã không duy trì được những ảnh hưởng của mình ở Chân Lạp. Do đó, cho đến cuối thế kỉ XVIII, về cơ bản triều đình Băng Cốc đã khống chế và thiết lập được chế độ bảo hộ ở Chân Lạp. Các vua Chân Lạp từ cuối thế kỉ XVIII đến đầu thế kỉ XIX đều được làm lễ tấn phong ở Băng Cốc. Dưới thời vua Xiêm Rama I, vua Chân Lạp là Ang Eng (Nặc Ông Ấn) đã phải cắt đất, nhường cho Xiêm hai tỉnh Battambang và Siêm Riệp. 2. Năm 1802, Nguyễn Phúc Ánh đánh bại triều Tây Sơn, lập ra triều Nguyễn, Việt Nam trở thành một quốc gia phong kiến thống nhất. Điều kiện lịch sử đó đã tạo cho dòng họ Nguyễn Phúc một vị thế mới, một vương triều đại diện cho cả dân tộc, cai quản trên toàn bộ lãnh thổ đất nước. Vị thế mới đó đã làm thay đổi diện mạo, nội dung và tính chất của quan hệ Việt Nam – Chân Lạp – Xiêm. Trong thời gian đầu mới thiết lập vương triều, vua Gia Long chưa có điều kiện để tăng cường ảnh hưởng của mình ở Chân Lạp do phải nhanh chóng thiết lập quan hệ với triều Thanh ở Trung Quốc và củng cố tình hình nội trị. Do đó, thời kì này, đối với Chân Lạp, triều Nguyễn mới chỉ cố gắng duy trì những ảnh hưởng trước đây dưới thời các chúa Nguyễn vả củng cố tình hình an ninh ở khu vực biên giới phía Tây Nam. Đối với Xiêm, nhà Nguyễn cũng tỏ ra mềm dẻo và hòa hiếu. Phần là do những mối quan hệ về mặt tình cảm giữa Xiêm với vua Gia Long lúc còn bôn ba trong cuộc chiến với Tây Sơn, phần vì triều Nguyễn chưa có những điều kiện cần thiết để tranh giành ảnh hưởng ở Chân Lạp với Xiêm. Cho nên, về cơ bản cho đến khoảng một thập niên đầu của thế kỉ XIX, Chân Lạp vẫn thuộc vùng ảnh hưởng và chịu sự chi phối mạnh mẽ từ Xiêm. Năm 1806, vua Xiêm làm lễ tấn phong cho Ang Chan (Nặc Ông Chân) làm vua Chân Lạp sau khi Ang Eng mất (1796). Bị triều đình Xiêm can thiệp quá lớn vào nội tình Chân Lạp, Ang Chan muốn tìm một chỗ dựa để giảm những áp lực từ phía Xiêm. Tháng 9 năm 1807, Ang Chan cử sứ giả đến Huế xin phong vương. Nhà Nguyễn chấp nhận ngay ý muốn đó vì lúc này tình hình trong nước đã tương đối ổn định, Gia Long không cần phải quá e dè thái độ của Xiêm đối với vấn đề Chân Lạp. Đến đây, triều Nguyễn đã đóng vai trò như một đối trọng với triều đình Xiêm trong ảnh hưởng đối với Chân Lạp. Hành động xin thuần phục triều Nguyễn và chính sách “chư hầu kép” của Ang Chan đã làm triều đình Xiêm tức giận. Quan hệ giữa Xiêm và Chân Lạp ngày càng xấu đi kể từ khi Rama I mất, Rama II lên thay. Hoàn cảnh đó buộc Ang Chan ngày càng thể hiện quyết tâm dựa vào triều Nguyễn để làm đối trọng với Xiêm. Trong khi đó, Rama II cũng có nhiều biện pháp để tăng cường ảnh hưởng của Xiêm trong triều đình của Ang Chan. Rama II phong tước vị “vua thứ hai”, “vua thứ ba” cho hai người em của Ang Chan là Ang Snguon và Ang Im, sau đó đưa họ về nước đòi Ang Chan chia đất để cai quản… Ang Chan chẳng những không chấp nhận những yêu sách của Xiêm mà còn cứng rắn trong việc thủ tiêu các phần tử thân Xiêm trong triều đình. Một bộ phận nổi dậy chống lại Ang Chan. Ngay lập tức Rama II liền cử quân vào Chân Lạp. Ang Chan cầu cứu triều Nguyễn. Cũng nhân cơ hội đó, Gia Long cũng cử ngay Nguyễn Văn Nhân (lúc ấy là Tổng trấn Gia Định) đem quân vào Chân Lạp (11/1810). Sau đó, triều đình Huế còn tăng cường thêm 1200 quân lương nữa. Những việc làm đó của triều Nguyễn đã làm bùng lên mâu thuẫn giữa nước ta và Xiêm trong vấn đề Chân Lạp. Nước Xiêm lúc này đã suy yếu, lại cộng thêm sự quyết liệt của triều Nguyễn nên đành nhượng bộ, rút quân về. Gia Long sau khi “gửi thư trách vua Xiêm” cũng lệnh cho rút quân về nhưng để lại 1000 quân “giúp” Ang Chan. Trong những năm sau đó, tình hình Chân Lạp tiếp tục không ổn định. Được sự giúp đỡ của Xiêm, Ang Snguon nhiều lần đòi Ang Chan chia đất, Xiêm lại nhiều lần lấy cớ can thiệp vào nội tình Chân Lạp. Tháng 3 năm 1812, Xiêm đưa quân vào Chân Lạp định giúp Ang Snguon lật đổ Ang Chan. Không chống cự nổi, Ang Chan bỏ kinh đô Uđông chạy về Phnôm Pênh và được quân Nguyễn ở đây đưa về Gia Định. Quân Xiêm do e ngại quân Nguyễn cũng không dám tấn công Phnôm Pênh, đành hòa hoãn với triều đình Huế. Tháng 4 năm 1813, Gia Long sai Tổng trấn Gia Định Lê Văn Duyệt (thay Nguyễn Văn Nhân từ năm 1812) cùng Ngô Nhân Tĩnh đem 13000 quân đưa Ang Chan về nước. Theo đề xuất của Lê Văn Duyệt, Gia Long cho đóng quân lại để “bảo hộ” Chân Lạp đồng thời tạo thế đối phó với Xiêm. Quân Nguyễn còn đắp thành Nam Vang làm nơi cư trú mới cho Ang Chan, và xây thành Lô Yêm để cho quân đội đóng đồn (có khoảng 1000 quân do Nguyễn Văn Thụy chỉ huy đóng quân). Gia Long còn cho người sang Chan Lạp đắp đường dịch lộ, đặt nhà trạm để chuyển công văn giấy tờ, nhằm nắm bắt chặt chẽ tình hình Chân Lạp. Như vậy, nhìn chung cho đến lúc này, triều Nguyễn đã thiết lập được ảnh hưởng của mình ở Chân Lạp, “chia sẽ” quyền đô hộ với Xiêm, thậm chí còn tỏ ra có thế lực hơn khi sau đó Ang Chan quyết định cắt đứt các mối quan hệ thần phục với Xiêm, mãi đến khi Gia Long vì không muốn gây thêm tình trạng căng thẳng không cần thiết, đã yêu cầu Ang Chan nối lại các quan hệ triều cống. Tuy nhiêu, triều đình Chân Lạp do Ang Chan đứng đầu tỏ ra hoàn toàn thần phục triều Nguyễn. Nhiều công việc nội trị lớn nhỏ Ang Chan đều cử người sang Gia Định xin ý kiến. Sự lệ thuộc quá chặt vào triều đình Huế của Chân Lạp chứng tỏ vị thế của triều Nguyễn ngày càng mạnh ở Chân Lạp. Song song với đó là sự can thiệp ngày càng sâu, chuyên quyền, hà khắc của triều Nguyễn đối với triều đình Ang Chan và nhân dân Chân Lạp. Tình hình đó một mặt củng cố sự ảnh hưởng của triều Nguyễn và giữ vững an ninh vùng biên giới Tây Nam; nhưng mặt khác nó cũng là mầm mống để gây nên sự bất bình ngày càng sâu sắc của nhân dân Chân Lạp, nguồn gốc của tình hình bất ổn do các cuộc khởi nghĩa của nhân dân Chân Lạp. 3. Chân Lạp ở vào một vị trí đặc biệt đối với vùng đất mà các vua Nguyễn đang cai quản: giáp với vùng Nam Bộ. Đất Nam Bộ là vùng đất mới khai phá, triều đình chưa thể quản lí hết, nên có thể khẳng định, đây là vùng đất mà triều đình quản lí lỏng lẻo nhất. Điều đó cũng có nghĩa là vấn đề an ninh, phòng thủ vùng biên giới là vấn đề được sự quan tâm lớn của các vua triều Nguyễn. Nam Bộ có đường biên giới giáp với Chân Lạp, lại có đường biên giới biển tiếp nối với Xiêm. Chân Lạp đang là vùng đất được triều Nguyễn thiết lập và củng cố chế độ “bảo hộ”, còn Xiêm là một quốc gia lớn, có sức mạnh và dã tâm. Chính vì vậy để thực hiện được hai mục đích là giữ vững được chế độ bảo hộ hiện có ở Chân Lạp, đồng thời phòng thủ tuyến biên giới đối với Xiêm, nhà Nguyễn cần xây dựng Nam Bộ trở thành nơi vừa có khả năng phòng thủ lại vừa có khả năng tiến công tốt. Kênh Vĩnh Tế là một trong những công trình được xây dựng nhằm vào mục tiêu đó. Kênh Vĩnh Tế chảy dài từ Châu Ðốc đến Hà Tiên, thông từ miền Thất Sơn ra biển Ðông, ngót nghét 100 km, mà An Giang là tỉnh đầu nguồn. Năm 1802, sau khi lên ngôi, Gia Long bắt tay vào thực hiện kế sách quan trọng, với công trình trọng tâm là đào kênh khơi nguồn nước ở miền Tây Nam Bộ, nhằm đẩy mạnh việc khẩn hoang, giữ vững an ninh quốc phòng ở vùng đất mới. Vào năm 1816, khi thành Châu Đốc được đắp xong, Trấn thủ Vĩnh Thanh Lưu Phước Tường tâu lên. Vua Gia Long xem địa đồ miền đất này liền truyền: Xứ này nếu mở đường thủy thông với Hà Tiên, thì hai đàng nông thương đều lợi. Trong tương lai, dân đến ở làng đông, đất mở càng rộng, sẽ thành một trấn to vậy.. Tháng 9 năm Kỷ Mão (1819), vua Gia Long cho lệnh đào kênh, và công việc được bắt đầu khởi công vào tháng chạp năm ấy, trải qua mấy giai đoạn trong suốt 5 năm, đến tháng 5 năm Nhâm Thân (1824), dưới triều vua Minh Mạng mới xong. Kênh đào song song với đường biên giới Việt Nam - Campuchia, bắt đầu từ bờ Tây sông Châu Đốc thẳng nối giáp với sông Giang Thành (thị xã Hà Tiên, tỉnh Kiên Giang). Dưới sự chỉ huy của Trấn thủ Vĩnh Thanh Nguyễn Văn Thoại (tức Thoại Ngọc Hầu) (1761-1829), cùng với Chưởng cơ Nguyễn Văn Tuyên (1763-1831), Điều Bát Nguyễn Văn Tồn (1763 – 1820). Về sau có thêm Tổng trấn thành Gia Định Lê Văn Duyệt (1764 - 1832), Phó Tổng trấn thành Gia Định Trương Tấn Bửu, Phó Tổng trấn thành Gia Định Trần Văn Năng, Thống chế Trần Công Lại góp sức. Kênh hoàn thành với chiều dài 205 dặm rưỡi (khoảng 91km), rộng 7 trượng 5 thước (25m), sâu 6 thước(3m). Ước tính, trong 5 năm, các quan phụ trách đã phải huy động đến hơn 80.000 dân binh. Trước khi khởi đào, vua Gia Long có lời dụ cho dân chúng, vừa động viên vừa chỉ rõ sự lợi ích: Công trình đào sông này rất khó khăn, nhưng kế giữ nước và cách biên phòng quan hệ chẳng nhỏ, các ngươi ngày nay tuy là chịu khó, nhưng mà lợi ích cho muôn đời về sau. Vậy dân chúng cần bảo nhau cho biết, đừng nên sợ nhọc. Năm 1822, vua Minh Mạng lại có chỉ dụ tương tự: Đường sông Vĩnh Tế liền với tân cương, xe thuyền qua lại đều là tiện lợi. Đức Hoàng Khảo Thế Tổ Cao Hoàng Đế ta (ý nói vua Gia Long) mưu sâu, tính xa, chú ý việc ngoài biên. Công việc đào kênh mới bắt đầu chưa xong. Nay ta theo chí tiên hoàng, cố nghĩ cách khó nhọc một lần mà được thong thả lâu dài về sau. Đào xong, Đại Nam nhất thống chí, phần An Giang tỉnh, một lần nữa ghi nhận: Từ ấy đường sông lưu thông, từ kế hoạch trong nước, phòng giữ ngoài biên cho tới nhân dân mua bán đều được tiện lợi vô cùng. Ca dao có câu: Kênh Vĩnh Tế, biển Hà Tiên, Ghe thuyền xuôi ngược bán buôn dập dìu. Trải qua năm năm (1819 - 1824) con kênh được hoàn thành, thẳng tắp nối liền Châu Ðốc tới Hà Tiên, vua Minh Mạng cho lấy tên vợ chánh của Nguyễn Văn Thoại là Châu Vĩnh Tế, để đặt tên cho con kênh lớn nhất Nam Bộ. Kênh Vĩnh Tế đã là một công trình quan trọng về quốc phòng, bảo vệ biên giới Tây Nam, đồng thời là một công trình kinh tế. Ngoài ra còn là con đường dẫn thủy nhập điền khai thác đồng bằng Thất Sơn, vùng tứ giác Long Xuyên. 4. Như vậy, có thể nhận thấy vai trò của kênh Vĩnh Tế đối với quan hệ đối ngoại của triều Nguyễn đối với Chân Lạp và Xiêm thể hiện ở một số khía cạnh sau: Thứ nhất, kênh Vĩnh Tế đóng vai trò như là một phòng tuyến quân sự có khả năng phòng ngự trong hoàn cảnh sảy ra chiến tranh (mà đối thủ trực tiếp lúc này là Xiêm). Hơn ai hết, các vua triều Nguyễn, đặc biệt là Gia Long hiểu rõ dã tâm của người Thái. Ông đã từng bôn ba trên đất Xiêm nhiều năm, vì vậy ông hiểu rõ tham vọng của người Xiêm và chính sách Đông tiến của họ (vì phía Tây và phía Nam đều là biển, trong khi phía Bắc họ phải đối đầu với quân Miến Điện). Nam Bộ và Chân Lạp là hai vùng đất mà cả triều Nguyễn và Xiêm đều muốn chiếm giữ. Đối với triều đình Xiêm, đó là “mặt trận” duy nhất khả thi để bành trướng thế lực, còn đối với triều Nguyễn, hơn ai hết họ hiểu rõ tầm quan trọng của Nam Bộ. Đất Nam Bộ là đất đứng chân, đất khởi nghiệp của dòng họ Nguyễn Phúc. Trong những cuộc truy bức tưởng chừng khó thoát của quân Tây Sơn, chính đất và dân Nam Bộ đã che chở, đùm bọc Nguyễn Ánh trong cơn nguy khốn. Cũng từ đây mà ông ta mới có thể đứng vững để phản công lại lại Tây Sơn, giành lại vương quyền. Vì vậy, ông hiểu rõ tầm quan trọng của Nam Bộ đến mức nào. Kênh Vĩnh Tế ngoài giá trị kinh tế là khá rõ thì nó còn đóng vai như là một con hào khổng lồ, một phòng tuyến kiên cố rất khó vượt qua. Con kênh dài gần 100 cây số, nối liền hai trung tâm kinh tế, chính trị, xã hội, quân sự của triều đình. Thiết nghĩ đó không phải là một việc làm không có chủ ý. Thứ hai, kênh Vĩnh Tế cũng đóng vai trò như một đồn tiền tiêu dùng để vươn ra khống chế, củng cố và duy trì chế độ bảo hộ ở Chân Lạp. Gia Long hiểu rằng bất kì một hành động đóng quân nào của lực lực quân đội nước ngoài, dù với mục đích gì đi nữa thì cũng sẽ gây nên sự phản cảm từ phía người dân. Thêm vào đó, triều đình không thể quản lí hết được những hành động sách nhiễu dân chúng, tàn bạo, tham lam của các quan lại được cử đến (bằng chứng là đã có nhiều trường hợp bị phát giác, như trường hợp của Lưu Phúc Tường). Đó là chưa kể những quan niệm về chủ quyền của vùng đất Nam Bộ của một bộ phận không nhỏ người Khmer ở Chân Lạp. Tất cả những yếu tố đó buộc Gia Long phải tìm một chỗ đứng quân sự vững chắc nhưng không thuộc lãnh thổ Chân Lạp (tránh khoét sâu thêm những mâu thuẫn với người dân Chân Lạp), nhưng đồng thời cũng không làm suy giảm đi ảnh hưởng của triều Nguyễn đối với Chân Lạp. Và như vậy về cơ bản, kênh Vĩnh Tế đã giải quyết thỏa đáng tất cả những vấn đề trên. Ba là, kênh Vĩnh Tế đóng vai trò như một công trình đánh dấu, xác lập chủ quyền của người Việt trên vùng đất Nam Bộ. Như đã nói, vấn đề chủ quyền trên đất Nam Bộ vốn là vấn đề nhạy cảm và dễ gây những bất đồng xung đột giữa người Việt và người Khmer mà những thế lực chống đối có thể lợi dụng để gây chia rẽ và kích động. Gia Long hiểu rõ điều này và ngay từ khi lên ngôi, ông đã có nhiều biện pháp để củng cố và thiết lập chủ quyền lãnh thổ quốc gia ở vùng đất Nam Bộ. Việc xúc tiến đào kênh Thoại Hà rồi sau đó lại cho đào kênh Vĩnh Tế đã chứng tỏ rõ điều này. Vốn là những người đến sau khai phá, chỉ có một công trình lớn, mang tầm vóc, thể hiện quyết tâm, khả năng chinh phục tự nhiên, mới có thể là bằng chứng thuyết phục nhất về chủ quyền của người Việt ở vùng đất này. Trong hoàn cảnh này, theo tôi, Gia Long đã thể hiện là một người có tầm nhìn xa và am hiểu tườg tận vùng đất Nam Bộ. Cuối cùng, kênh Vĩnh Tế đóng vai trò như một trung tâm kinh tế ở khu vực ngã ba của ba nước Việt – Chân Lạp – Xiêm. Đó không chỉ là một công trình nhằm thu hút thuyền bè các nước láng giềng đến làm ăn buôn bán, mà còn có ý nghĩa về mặt chính trị, quân sự. Bởi lẽ, một trung tâm quân sự vững mạnh phải đồng thời là một vững mạnh về khả năng kinh tế. Nơi ấy có thể trực tiếp và chủ động những nguồn lực quân sự một khi chiến tranh sảy ra. Đồng thời, tâm lí chung của bất kì người dân nào là đều muốn một cuộc sống ổn định để làm ăn, sinh sống, không ai muốn chiến tranh loạn lạc. Chính vì vậy, tạo điều kiện cho người dân hai nước, cả Việt Nam và Chân Lạp có điều kiện thuận lợi để làm ăn sinh sống chính là một biện pháp “phòng thủ từ xa” hữu hiệu nhất. Tóm lại, kênh Vĩnh Tế là một công trình quan trọng, không chỉ có giá trị to lớn về mặt kinh tế mà có vai trò quan trọng về mặt chính trị, quân sự, đặc biệt là trong quan hệ với các nước Chân Lạp và Xiêm dưới thời trị vì của vua Gia Long. Vai trò đó đã được chứng minh khi quân dân ta một lần nữa lại đánh đuổi được quân Xiêm xâm lược ra khỏi bờ cõi vào năm 1834 trong hoàn cảnh đất nước đang diễn ra nhiều biến động do tác động của cuộc khởi nghĩa của Lê Văn Khôi ở Gia Định. Công trình kênh Vĩnh Tế gắn liền với tên tuổi và sự nghiệp của Thoại Ngọc Hầu nhưng đồng thời cũng là sản phẩm thể hiện quyết tâm, khả năng và sức mạnh của nhân dân Nam Bộ trong công cuộc khai phá chinh phục vùng đất mới. Một trăm năm trước, ông cha ta đã làm nên một kênh Vĩnh Tế với biết bao gian lao, khó nhọc. Một trăm năm sau, nhiệm vụ của những người hôm nay là phát huy hết những giá trị mà con kênh mang lại, góp phần xây dựng một đất nước Việt Nam đàng hoàng, giàu mạnh./. (Bài gửi Hội thảo "Danh nhân Thoại Ngọc Hầu" tỉnh An Giang) |