Bạc Liêu

Bách khoa toàn thư mở Wikipedia
Bước tới: menu, tìm kiếm
Bạc Liêu
Tỉnh
Đường phố ở TX.Bạc Liêu.jpg
Đường phố ở Thành phố Bạc Liêu
Địa lý
Tọa độ: 9°18′44″B 105°29′37″Đ / 9.312214, 105.493469
Diện tích  2.468,7 km²[1]
Dân số 2011
 Tổng cộng 873.300 người[1]
 Mật độ  354 người/km²
Dân tộc  Việt, Hoa, Chăm, Khmer
Hành chính
Quốc gia  Cờ Việt Nam Việt Nam
Vùng  Đồng bằng Sông Cửu Long
Tỉnh lỵ  Thành phố Bạc Liêu
Chính quyền   
 Chủ tịch UBND  Phạm Hoàng Bê
 Chủ tịch HĐND  Võ Văn Dũng
 Bí thư Tỉnh ủy  Võ Văn Dũng
Phân chia hành chính  1 thành phố, 6 huyện
Mã hành chính  VN-55
Mã bưu chính  96xxxx
Mã điện thoại  781
Biển số xe  94
Web: Tỉnh Bạc Liêu

Tọa độ: 9°18′44″B 105°29′37″Đ / 9.312214, 105.493469

Bạc Liêu là một tỉnh thuộc duyên hải vùng đồng bằng sông Cửu Long, nằm trên bán đảo Cà Mau, miền đất cực Nam của Việt Nam. Tỉnh được thành lập ngày 20 tháng 12 năm 1899, chính thức hoạt động từ ngày 01 tháng 01 năm 1900. Năm 1956, tỉnh Bạc Liêu bị giải thể nhập vào tỉnh Ba Xuyên. Năm 1964, tỉnh Bạc Liêu được tái lập. Sau ngày 30 tháng 04 năm 1975, tỉnh Bạc Liêu lại bị giải thể, nhập vào tỉnh Minh Hải. Ngày 06 tháng 11 năm 1996, tỉnh Bạc Liêu được tái lập, chính thức đi vào hoạt động từ ngày 01 tháng 01 năm 1997.

Bạc liêu có nhiều dân tộc khác nhau sinh sống như người Hoa, người Việt, người Khmer, người chăm... Người Bạc Liêu có phong cách phóng khoáng, đặc trưng của vùng Nam Bộ. Bạc Liêu có Công tử Bạc Liêu lừng danh một thuở giàu có và chịu chơi, ngoài ra vùng đất này còn gắn liền với tên tuổi của nhạc sĩ Cao Văn Lầu và bài Dạ cổ hoài lang đặt nền móng cho sự phát triển của nền cổ nhạc Nam Bộ. Bạc Liêu được nhiều người biết đến bởi nghề làm muối, muối Bạc Liêu xưa nay vốn nổi tiếng về chất lượng do không có vị đắng, chát và ít lẫn tạp chất. Thời Pháp, Mỹ, hoạt động kinh doanh muối Bạc Liêu rất rộng lớn, chiếm cứ toàn vùng Nam Bộ, ra tới tận Phan Thiết miền Trung và đặc biệt giao lưu xuất khẩu theo đường sông Mêkông qua Campuchia, hiện nay nghề làm muối tuy không còn thịnh như trước nhưng Bạc Liêu vẫn là vùng sản xuất muối lớn nhất miền Tây.

Bạc Liêu từng là vùng đất có một vị trí quan trọng trong chiến lược khai thác và xây dựng vùng Đồng bằng Sông Cửu Long của người Pháp, được người Pháp lên kế hoạch xây dựng thành trung tâm hành chính của miền Tây, đồng thời đầu tư nhiều tiền của xây cất dinh thự và công sở tại đây. Bạc Liêu cũng nổi tiếng là vùng đất có nhiều người Hoa sinh sống qua câu ca dao:

Bạc Liêu là xứ cơ cầu,

dưới sông cá chốt trên bờ Triều Châu

Ca dao Việt Nam

Mục lục

[sửa] Vị trí địa lý

Tỉnh Bạc Liêu nằm ở miền Tây Nam Bộ, thuộc khu vực đồng bằng sông Cửu Long, có toạ độ từ 9000’00’’ đến 9037’30’’ vĩ độ bắc và từ 105015’00” đến 105052’30” kinh độ đông, cách thành phố Hồ Chí Minh 280 km về phía bắc. Phía đông và đông bắc giáp tỉnh Sóc Trăng, phía đông nam giáp biển Đông, phía tây và tây nam giáp tỉnh Cà Mau, phía đông và Phía bắc giáp tỉnh Hậu GiangKiên Giang[2].

Kênh Bạc Liêu - Cà Mau, đoạn qua Giá Rai

[sửa] Địa lý tự nhiên

Bạc Liêu có địa hình khá bằng phẳng, không có đồi, núi chính vì lẽ đó cũng không có các chấn động địa chất lớn. Địa hình chủ yến là đồng bằng, sông rạch và kênh đào chằng chịt. Bạc Liêu nằm trong vùng khí hậu nhiệt đới gió mùa, thời tiết chia thành hai mùa rõ rệt là mùa mưamùa khô. Mùa khô hay còn gọi là mùa nắng thường bắt đầu từ tháng 10, tháng 11 năm trước đến tháng 4, tháng 5 năm sau. Mùa mưa bắt đầu từ tháng 4, tháng 5 đến tháng 10, tháng 11. Nhiệt độ trung bình năm 28,50C, nhiệt độ thấp nhất trong năm là 210C , nhiệt độ cao nhất trong năm là 360C. Bạc Liêu thuộc hệ sinh thái rừng ngập mặn các rừng chủ yến như rừng tràm, chà là, giá, cóc, lâm vồ,... Bên dưới là thảm thực vật gồm cỏ và các loài dây leo[3]. Rừng Bạc Liêu có 104 loài thực vật, 10 loài thú nhỏ, 8 loài bò sát,...

Bạc Liêu có bờ biển dài 56 km. Biển Bạc Liêu có nhiều loài tôm, , ốc, sò huyết,... Hàng năm, sản lượng khai thác đạt gần 100 nghìn tấn cá, tôm. Trong đó, sản lượng tôm gần 10 nghìn tấn. Hệ thống sông ngòi tại Bạc Liêu chia làm hai nhóm. Nhóm 1 chảy ra hải lưu phía nam, nhóm 2 chảy ra sông Ba Thắc. Bờ biển thấp và phẳng rất thích hợp để phát triển nghề làm muối, trồng trọt hoặc nuôi tôm, cá. Hàng năm, sự bồi lấn biển ở Bạc Liêu ngày một tăng. Đây là điều kiện lý tưởng cho Bạc Liêu phát triển thêm quỹ đất, đồng thời là yếu tố quan trọng đưa kinh tế biển của Bạc Liêu phát triển[4].

[sửa] Đơn vị hành chính

Hiện nay, Bạc Liêu có 7 đơn vị hành chính cấp huyện, bao gồm 1 thành phố và 6 huyện, trong đó có 63 đơn vị hành chính cấp , gồm có 7 phường, 7 thị trấn và 49 .

Ðơn vị hành chính cấp Huyện Thành phố
Bạc Liêu
Huyện
Hồng Dân
Huyện
Hòa Bình
Huyện
Giá Rai
Huyện
Phước Long
Huyện
Vĩnh Lợi
Huyện
Đông Hải
Diện tích (km²) --- --- --- --- --- --- ---
Dân số (người) --- --- --- --- --- --- ---
Mật độ dân số (người/km²) --- --- --- --- --- --- ---
Số đơn vị hành chính 7 phường, 3 xã 1 thị trấn, 6 xã 1 thị trấn, 7 xã 2 thị trấn, 8 xã 1 thị trấn, 7 xã 1 thị trấn, 7 xã 1 thị trấn, 10 xã
Năm thành lập
Nguồn: Website tỉnh Bạc Liêu
Đường phố ở Thành phố Bạc Liêu

[sửa] Lịch sử

Tên gọi “Bạc Liêu”, đọc giọng Triều Châu là "Pô Léo", có nghĩa là xóm nghèo, làm nghề hạ bạc, tức nghề chài lưới, đánh cá, đi biển. phát âm theo tiếng Hán Việt là “Bạc” và Léo phát âm là “Liêu”. Ý kiến khác lại cho rằng "" là "bót" hay "đồn", còn "Liêu" có nghĩa là "Lào" (Ai Lao) theo tiếng Khơme, vì trước khi người Hoa kiều đến sinh sống, nơi đó có một đồn binh của người Lào. Còn đối với người Pháp, họ căn cứ vào tên Pô Léo theo tiếng Triều Châu nên họ gọi vùng đất này là Phêcheri - chaume có nghĩa là "đánh cá và cỏ tranh".

Năm 1680, Mạc Cửu với vai trò là một di thần nhà MinhTrung Quốc đến vùng Mang Khảm chiêu tập một số lưu dân người Việt, người Hoa cư trú ở Mang Khảm, Phú Quốc, Rạch Giá, Long Xuyên (Cà Mau), Luống Cày (Lũng Kỳ), Hưng úc (tức Vũng Thơm hay Kompong som), Cần Bột (Campốt) lập ra những thôn xóm đầu tiên trên vùng đất Bạc Liêu.

Năm 1708, Mạc Cửu dâng vùng đất Mang Khảm cho chúa Nguyễn Phúc Chu. Chúa Nguyễn Phúc Chu đặt tên toàn bộ thôn xóm vùng này là trấn Hà Tiên, lúc này Mạc Cửu được phong làm Tổng binh trấn Hà Tiên, với tước Cửu Ngọc Hầu. Mạc Cửu lập dinh trại đồn trú tại Phương Thành, dân cư ngày càng đông đúc hơn. Năm 1757, chúa Nguyễn Phúc Khoát thu nhập thêm vùng đất Ba Thắc, lập ra Trấn Giang (Cần Thơ), Trấn Di (Sóc Trăng, Bạc Liêu). Toàn bộ vùng đất phương Nam thuộc về chúa Nguyễn. Đến năm 1777, Trấn Giang, Trấn Di được bãi bỏ. Năm 1802, vua Gia Long lên ngôi. Năm 1808, trấn Gia Định đổi là thành Gia Định cai quản 5 trấn là Phiên An, Biên Hoà, Định Tường, Vĩnh Thanh (tức Vĩnh Long), Hà Tiên.

Năm 1832, vua Minh Mạng bỏ thành Gia Định, chia Nam Kỳ thành lục tỉnh là Biên Hoà, Gia Định, Định Tường, Vĩnh Long, An Giang, Hà Tiên, bao gồm đất từ Hà Tiên đến Cà Mau. Phần đất tỉnh An Giang, tính từ Châu Đốc đến Sóc TrăngBạc Liêu tính đến cửa biển Gành Hào. Ngày 5 tháng 1 năm 1867, thực dân Pháp chiếm Nam Kỳ lục tỉnh. Đến ngày 5 tháng 6 năm 1876, Nam Kỳ được Pháp chia thành 24 khu tham biện (inspection) do các viên thanh tra hành chính (inspecteur) đảm nhiệm.

Năm 1877, Nam Kỳ được Pháp điều chỉnh lại còn 20 khu tham biện. Đến ngày 18 tháng 12 năm 1882, Pháp cắt các tổng Quảng Long, Quảng Xuyên, Long Thuỷ của đại lý (Dlégation) Cà Mau thuộc địa hạt Rạch Giá (Arrondissement de Rach Gia) và hai tổng Thạnh Hoà, Thạnh Hưng của đại lý Châu Thành thuộc địa hạt Sóc Trăng và thành lập địa hạt Bạc Liêu (Arrondissement de Bạc Liêu). Địa hạt Bạc Liêu là địa hạt thứ 21 của Nam Kỳ, lúc đầu có 2 đại lý là Vĩnh LợiVĩnh Châu.

Ngày 20 tháng 12 năm 1899, toàn quyền Đông Dương ký sắc lệnh bỏ xưng danh địa hạt, đổi thành tỉnh, đại lý đổi thành quận. Ngày 1 tháng 1 năm 1900, sắc lệnh trên được áp dụng cho toàn Nam Kỳ. Năm 1904, cắt một phần đất phía bắc của quận Vĩnh Lợi nhập thêm vào quận Vĩnh Châu. Năm 1918, một phần đất phía nam quận Vĩnh Lợi và một phần đất phía bắc quận Cà Mau được chính quyền thực dân Pháp cắt để thành lập quận Giá Rai. Ngày 25 tháng 10 năm 1955, Ngô Đình Diệm ký Sắc lệnh số 143/NV phân định lại địa phận hành chính các tỉnh miền Nam, sáp nhập các quận Giá Rai, Vĩnh Lợi, Vĩnh Châu vào Sóc Trăng, thành lập tỉnh Ba Xuyên. Toàn bộ vùng đất quận Cà Mau lập thành tỉnh An Xuyên.

Ngày 8 tháng 9 năm 1964, Việt Nam Cộng hòa ký Sắc lệnh số 254/NV tái lập tỉnh Bạc Liêu gồm các quận Giá Rai, Vĩnh Lợi, Vĩnh ChâuPhước Long (Rạch Giá). Năm 1947, quận Hồng Dân thuộc Tỉnh Rạch Giá Giá giao hai làng Vĩnh Hưng, Vĩnh Phú về quận Vĩnh Lợi, tỉnh Bạc Liêu.

Năm 1948, tỉnh Bạc Liêu giao quận Vĩnh Châu và làng Hưng Hội về tỉnh Sóc Trăng, đồng thời thành lập thêm quận mới lấy tên là quận Ngọc Hiển. Ngày 13 tháng 11 năm 1948, cắt 2 làng Vĩnh Trạch, Vĩnh Lợi để thành lập thị xã Bạc Liêu. Cùng thời điểm này, tỉnh Sóc Trăng giao làng Châu Thới về Bạc Liêu. Làng Châu Thới hợp nhất với làng Long Thạnh thành làng Thạnh Thới. Năm 1951, thành lập thêm huyện Trần Văn Thời, gồm các xã: Khánh Bình Đông, Khánh Bình Tây, Trần Hợi, Hưng Mỹ, Khánh An, Khánh Lâm. Đồng thời, tỉnh Bạc Liêu tiếp nhận hai huyện An Biên, Hồng Dân của tỉnh Rạch Giá.

Sau Hiệp định Giơ-ne-vơ, năm 1955, huyện Vĩnh Châu được đưa về tỉnh Bạc Liêu, huyện An Biên và huyện Hồng Dân đưa về tỉnh Rạch Giá. Huyện Vĩnh Lợithị xã Bạc Liêu được tái lập. Năm 1957, Liên Tỉnh uỷ miền Tây chia các huyện Giá Rai, Vĩnh Lợi, Vĩnh Châu, Hồng Dân, thị xã Bạc Liêu về tỉnh Sóc Trăng. Tỉnh uỷ Sóc Trăng quyết định hợp nhất huyện Vĩnh Châu và huyện Vĩnh Lợi, thành huyện Vĩnh Lợi - Vĩnh Châu. Năm 1962, huyện Giá Rai sáp nhập vào tỉnh Cà Mau. Năm 1963, Tỉnh uỷ Sóc Trăng quyết định tách huyện Vĩnh Châu khỏi huyện Vĩnh Lợi - Vĩnh Châu, thành lập huyện Vĩnh Châu. Ngày 07 tháng 03 năm 1972, nhập xã Vĩnh Hưng của quận Giá Rai vào quận Vĩnh Lợi.

Sau ngày 30 tháng 04 năm 1975, tỉnh Bạc Liêu hợp nhất với tỉnh An Xuyên thành tỉnh Minh Hải, gồm thị xã Minh Hải, thị xã Cà Mau và 7 huyện là Vĩnh Lợi, Hồng Dân, Giá Rai, Châu Thành, Thới Bình, Trần Văn Thời, Ngọc Hiển. Tỉnh lỵ đặt tại thị xã Minh Hải. Ngày 11 tháng 07 năm 1977, Hội đồng chính phủ nước Cộng hoà Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam ra quyết định số 181-CP giải thể huyện Châu Thành. Các xã của huyện này được nhập vào các huyện Giá Rai, Trần Văn ThờiThới Bình. Ngày 29 tháng 12 năm 1978, Hội đồng chính phủ ra quyết định số 326-CP lập thêm 6 huyện mới là Phước Long, Cà Mau, U Minh, Phú Tân, Cái Nước, Năm Căn. Số huyện trong tỉnh tăng lên 12 huyện.

Ngày 30 tháng 08 năm 1983, Hội đồng Bộ trưởng ra quyết định số 94-HĐBT giải thể huyện Cà Mau, các xã của huyện này được sáp nhập vào thị xã Cà Mau và các huyện Giá Rai, Thới Bình, Cái Nước. Tỉnh còn lại 2 thị xã và 11 huyện. Ngày 17 tháng 05 năm 1984, Hội động Bộ trưởng ra nghị định số 75-HĐBT đã đổi tên thị xã Minh Hải thành thị xã Bạc Liêu. Hợp nhất huyện Hồng Dân và huyện Phước Long lấy tên là huyện Hồng Dân. Hợp nhất huyện Cái Nước và huyện Phú Tân thành huyện Cái Nước. Ngày 17 tháng 12 năm 1984, Hội đồng Bộ trưởng ra quyết định 168/HĐBT đổi tên huyện Năm Căn thành huyện Ngọc Hiển (mới), đồng thời đổi tên huyện Ngọc Hiển (cũ) thành huyện Đầm Dơi. Chuyển tỉnh lỵ tỉnh Minh Hải từ thị xã Bạc Liêu về thị xã Cà Mau. Lúc này, tỉnh Minh Hải có 11 đơn vị hành chính trực thuộc là thị xã Cà Mau, thị xã Bạc Liêu và 9 huyện là Vĩnh Lợi, Hồng Dân, Giá Rai, Thới Bình, U Minh, Cái Nước, Trần Văn Thời, Đầm Dơi, Ngọc Hiển.

kênh Bạc Liêu - Cà Mau, TP.Bạc Liêu

Ngày 06 tháng 11 năm 1996, kỳ họp thứ 10, Quốc hội khoá IX, ra Nghị quyết chia và điều chỉnh địa giới một số tỉnh. Theo đó, chia tỉnh Minh Hải thành hai tỉnh Bạc Liêu và Cà Mau. Tỉnh Bạc Liêu lúc này gồm có thị xã Bạc Liêu, Huyện Hồng Dân, Huyện Giá Rai.

Ngày 25 tháng 08 năm 1999, Chính phủ Việt Nam ban hành Nghị định số 82/1999/NĐ-CP[5], về việc điều chỉnh địa giới hành chính xã thuộc thị xã Bạc Liêu và các huyện Hồng Dân, Giá Rai. Ngày 25 tháng 09 năm 2000, Chính phủ Việt Nam ban hành Nghị định số 51/2000/NĐ-CP[6], điều chỉnh địa giới hành chính huyện Hồng Dân để thành lập huyện Phước Long, tỉnh Bạc Liêu. Ngày 24 tháng 12 năm 2001, Chính phủ Việt Nam ban hành Nghị định số 98/2001/NĐ-CP, chia huyện Giá Rai, tỉnh Bạc Liêu thành hai huyện Đông HảiGiá Rai[7].

Ngày 24 tháng 12 năm 2003, Chính phủ Việt Nam ban hành Nghị định số 166/2003/NĐ-CP, thành lập xã, phường thuộc các huyện Vĩnh Lợi, Phước Long, Hồng Dân, Giá Rai, Đông Hảithị xã Bạc Liêu[8]. Cuối năm 2004, tỉnh Bạc Liêu gồm có Thị xã Bạc Liêu, huyện Hồng Dân, huyện Phước Long, huyện Vĩnh Lợi, huyện Giá Rai và huyện Đông Hải.

Ngày 26 tháng 07 năm 2005, Chính phủ Việt Nam ban hành Nghị định số 96/2005/NĐ-CP, thành lập huyện Hoà Bình[9]. Tỉnh Bạc Liêu có 7 đơn vị hành chính trực thuộc là thị xã Bạc Liêu, huyện Vĩnh Lợi, huyện Hoà Bình, huyền Hồng Dân, huyện Phước Long, huyện Giá Rai, huyện Đông Hải.

Ngày 27 tháng 8 năm 2010, Chính phủ ra nghị quyết số 32/NQ-CP thành lập thành phố Bạc Liêu thuộc tỉnh Bạc Liêu trên cơ sở toàn bộ diện tích tự nhiên, dân số và các đơn vị hành chính trực thuộc của thị xã Bạc Liêu[10].

Thị trấn Giá Rai, Bạc Liêu

[sửa] Kinh tế

Năm 2011, Mặc dù trong điều kiện còn nhiều khó khăn, nhưng tình hình kinh tếxã hội tỉnh Bạc Liêu tiếp tục duy trì ổn định và phát triển. Trong đó, tổng sản phẩm trong tỉnh (GDP) đạt 9.826 tỷ đồng, tăng 12% so với năm 2010. Thu nhập bình quân đầu người trong năm 2011 đạt gần 25 triệu đồng (tương đương 1.123 USD), Cơ cấu kinh tế gồm khu vực nông nghiệp chiếm 51,7%, công nghiệp xây dựng chiếm 24,52% và dịch vụ chiếm 23,78% trong GDP. Tổng vốn đầu tư phát triển năm 2011 thực hiện 5.603 tỷ đồng, chiếm khoảng 25,83% GDP. Giá trị sản xuất nông nghiệp đạt 9.958 tỷ đồng, tăng 7,8% so với cùng kỳ, sản lượng lương thực 900 ngàn tấn, sản lượng thuỷ sản khai thác và nuôi trồng cả năm lên trên 250 ngàn tấn, giá trị sản xuất công nghiệp của tỉnh lên 4.356 tỷ đồng. Kim ngạch xuất khẩu thực hiện 260 triệu USD, chỉ số giá cả năm tăng 16,5%, tổng mức lưu chuyển hàng hoá đạt 18.060 tỷ đồng. Doanh thu du lịch đạt gần 470 tỷ đồng, với khoảng 530 ngàn lượt du khách (Trong đó có khoảng 17.000 lượt khách Quốc tế). chỉ số năng lực cạnh tranh của tỉnh được cải thiện đáng kể. Trong năm, tỉnh đã tiếp nhận và xúc tiến đầu tư 42 dự án, trong đó đã đồng ý chủ trương đầu tư 25 dự án, với tổng số vốn đăng ký 1.107 tỷ đồng và 225 triệu USD. Tổng thu ngân sách trên địa bàn thực hiện 1.484 tỷ đồng, trong đó, thu trong cân đối 871 tỷ đồng. Tổng chi ngân sách địa phương trong cân đối đạt 2.490 tỷ đồng, bằng 106,9% dự toán, bằng 97,9% so năm 2010. Kết quả giải ngân vốn đầu tư xây dựng cơ bản khu vực Nhà nước ước thực hiện 2.062/2.155 tỷ đồng, đạt 95,6%. Tổng các nguồn vốn huy động đạt 12.000 tỷ đồng, tăng 12%, trong đó huy động tại địa phương tăng 19%, tổng dư nợ cho vay đạt 9.800 tỷ đồng, tăng 17%, cho vay trung và dài hạn đạt 3.300 tỷ đồng, tăng 13% so với năm 2010[11].

Cánh đồng lúa tại xã Vĩnh Mỹ A, huyện Hòa Bình

Trong năm 2011, có 78% rác thải đô thị được thu gom, 94% hộ nhân dân sử dụng nước hợp vệ sinh, trong đó khu vực nông thôn là 54%. Hoạt động quản lý khoa họccông nghệ có sự chuyển biến tích cực, chất lượng thẩm định các đề tài khoa học từng bước được nâng lên, nhiều đề tài, dự án đã đưa vào ứng dụng mang lại hiệu quả thiết thực, góp phần nâng cao năng suất lao động trên nhiều lĩnh vực và cải thiện đời sống người dân[11].

Trong giai đoạn 6 tháng đầu năm 2012, Tuy có sự ảnh hưởng của suy thoái kinh tế thế giới và những khó khăn trong nước, nhưng tình hình kinh tế - xã hội tiếp tục có những chuyển biến tích cực. Tổng sản phẩm trong tỉnh (GDP) đạt 3.626 tỷ đồng (theo giá so sánh 1994), tăng 11,87% so cùng kỳ, trong đó Khu vực nông nghiệp tăng 8,96%, công nghiệp - xây dựng tăng 13,95% và dịch vụ tăng 14,15% so với cùng kỳ. Các chỉ tiêu kinh tế như giá trị sản xuất công nghiệp, kim ngạch xuất khẩu, sản lượng lương thực, thu ngân sách, tổng vốn đầu tư phát triển toàn xã hội đều có mức tăng trưởng so cùng kỳ. Một số chỉ tiêu được xếp ở vị trí khá so với các tỉnh miền Tây Nam bộ như Tăng trưởng kinh tế ở vị trí 2/22 tỉnh, thành phố. Tổng vốn đầu tư toàn xã hội 3/22 tỉnh, thành phố. thu ngân sách 7/22 tỉnh, thành phố. số doanh nghiệp vừa và nhỏ ngừng hoạt động và tỷ lệ nợ xấu thấp nhất so các tỉnh thành trong khu vực[12].

Lịch sử phát triển
dân số
Năm Dân số
1995 709.500
1996 716.300
1997 724.200
1998 732.100
1999 738.200
2000 749.700
2001 764.200
2002 777.400
2003 789.100
2004 801.300
2005 812.800
2006 823.800
2007 835.800
2008 847.500
2009 856.800
2010 863.300
2011 873.300
Nguồn:[13]

Tháng 12 năm 2012, thực hiện theo Nghị quyết số 01/NQ-CP ngày 03 tháng 1 năm 2012. Do đó, Sản xuất nông nghiệp về diện tích gieo trồng và sản lượng thu hoạch đều tăng trưởng so với cùng kỳ, công tác phòng trừ sâu hại và dịch bệnh được triển khai thực hiện tốt, nhờ thực hiện tốt các kiểm soát, kiểm dịch nên chăn nuôi gia súc, gia cầm phát triển tốt và tăng so với cùng kỳ, giá trị sản xuất công nghiệp trong 12 tháng tăng 15,5% so với cùng kỳ, tổng giá trị hàng hóa xuất khẩu tăng 20,3% so với cùng kỳ, tổng nguồn vốn đầu tư cho xây dựng tăng 17% so với cùng kỳ. Về tài chính, mặc dù đang trong giai đoạn thực hiện Nghị quyết số 13/NQ-CP của Chính phủ về tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp nên nguồn thu trong cân đối tăng chậm, tổng thu trong cân đối ngân sách tăng 19% so với cùng kỳ, thu quản lý qua ngân sách trên địa bàn tỉnh tăng 16,7% so với cùng kỳ. Bên cạnh đó, các mặt công tác Văn hóa - Xã hội và An ninh - Quốc phòng tiếp tục ổn định và giữ vững, công tác thanh tra, tư pháp thực hiện theo kế hoạch đề ra đạt hiệu quả, đúng quy định của pháp luật, tình hình tai nạn giao thông so với tháng trước giảm cả 03 mặt, Về số vụ, số người chết và số người bị thương[14].

[sửa] Văn hóa xã hội

Chợ Hòa Bình từ cầu Hòa Bình nhìn xuống

[sửa] Dân cư

Tính đến năm 2011, dân số toàn tỉnh Bạc Liêu đạt gần 873.300 người, mật độ dân số đạt 354 người/km²[15] Trong đó dân số sống tại thành thị đạt gần 234.700 người[16], dân số sống tại nông thông đạt 638.600 người[17]. Dân số nam đạt 434.500 người[18], trong khi đó nữ đạt 438.800 người[19]. Tỷ lệ tăng tự nhiên dân số phân theo địa phương tăng 10,1 ‰[20]

[sửa] Du lịch

Nằm ở vùng đồng bằng châu thổ Cửu Long, Bạc Liêu vốn được thiên nhiên ưu ái cho những sản vật vô cùng trù phú. Nếu vùng nam Quốc lộ 1A nổi tiếng với nguồn lợi thủy hải sản vô cùng dồi giàu và đa dạng, như cá đồng, cá biển, mực, tôm, cua, nghiêu, sò, óc... Đặc biệt, muối Đông Hải nổi tiếng khấp Nam Kỳ Lục tỉnh, về cả sản lượng lẫn chất lượng. Thì về phía bắc Quốc lộ 1A là những cánh đồng lúa bạt ngàn, bất tận. Nơi cho ra đời gạo một bụi đỏ Hồng Dân, vốn đã khẳng định được giá trị trên bản đồ gạo Việt Nam. bánh tầm Ngan Dừa, dưa bồn bồn Vĩnh Mỹ B, Hòa Bình, hay mắm chua Vĩnh Hưng (được làm từ cá trắm) là những sản vật không thể bỏ quên khi đến nơi đây. Bên cạnh đó là những món ăn của người Bạc Liêu có thể xem là đặc sản như Bún bò cay, Bún cá, Bún nước lèo, Bánh xèo, Bánh canh, Bánh củ cải, Bánh tầm, các loại lẩu như lẩu cá kèo, lẩu mắm, hay lẩu hải sản... được chế biến theo một phong cách riêng biệt của ẩm thực Bạc Liêu.

[sửa] Giáo dục & Y tế

[sửa] Giáo dục

Hệ thống giáo dục của tỉnh Bạc Liêu nhìn chung có nhiều cấp học khác nhau, bao gồm giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông và giáo dục chuyên nghiệp. Theo thống kê đến ngày 30 tháng 9 năm 2007, Bạc Liêu có 234 trường học ở các cấp phổ thông, thấp nhất khu vực Đồng bằng Sông Cửu Long[21]. Sáng ngày 20 tháng 07 năm 2009, 100% xã, phường, thị trấn trong toàn tỉnh có phòng học kiên cố. Trong đó có 64 trường Mầm non, 154 trường Tiểu học, 67 trường trung học cơ sở, có 85 trường Trung học, chỉ tiêu phổ cập đúng độ tuổi và THCS đều đạt và vượt tiêu chuẩn do Bộ Giáo dục & Đào tạo qui định: 96,93% đối tượng tốt nghiệp lớp 9 ; 81,35% đối tượng từ 15-18 tuổi có bằng tốt nghiệp THCS, trẻ em 6 tuổi vào lớp 1 đạt 99,10%, trẻ em 11-14 tuổi tốt nghiệp Tiểu học đạt 90,79%. 31/61 xã, phường đạt chuẩn phổ cập giáo dục tiểu học đúng độ tuổi.

[sửa] Y tế

[sửa] Giao thông

[sửa] Tham khảo

  1. ^ a b “Diện tích, dân số và mật độ dân số năm 2011 phân theo địa phương”. Tổng cục Thống kê Việt Nam. Truy cập 30 tháng 9 năm 2012.
  2. ^ Tỉnh Bạc Liêu nằm ở miền Tây Nam Bộ, thuộc khu vực đồng bằng sông Cửu Long, UBND tỉnh Bạc Liêu.
  3. ^ Viện Sinh học Nhiệt đới, Theo Website Viện Sinh học Nhiệt đới.
  4. ^ Bạc Liêu nằm trong vùng khí hậu nhiệt đới gió mùa, thời tiết chia thành hai mùa rõ rệt, Cổng thông tin điện tử Tỉnh Bạc Liêu.
  5. ^ Nghị định số 82/1999/NĐ-CP của Chính phủ : V/v điều chỉnh địa giới hành chính xã thuộc thị xã Bạc Liêu và các huyện Hồng Dân, Giá Rai, tỉnh Bạc Liêu, Cổng thông tin Chính phủ Việt Nam.
  6. ^ Nghị định 51/2000/NĐ-CP về việc điều chỉnh địa giới hành chính huyện Hồng Dân để thành lập huyện Phước Long, tỉnh Bạc Liêu, Theo Nghị định Chính phủ Việt Nam.
  7. ^ Nghị định 98/2001/NĐ-CP về việc chia huyện Giá Rai, tỉnh Bạc Liêu thành hai huyện Đông Hải và Giá Rai, Theo Nghị định Chính phủ Việt Nam.
  8. ^ Nghị định số 166/2003/NĐ-CP của Chính phủ : Nghị định thành lập xã, phường thuộc các huyện Vĩnh Lợi, Phước Long, Hồng Dân, Giá Rai, Đông Hải và thị xã Bạc Liêu, tỉnh Bạc Liêu, Cổng thông tin Chính phủ Việt Nam.
  9. ^ Nghị định 96/2005/NĐ-CP về việc thành lập huyện Hoà Bình, tỉnh Bạc Liêu, Theo Nghị định Chính phủ Việt Nam.
  10. ^ Nghị quyết số 32/NQ-CP của Chính phủ : Về việc thành lập thành phố Bạc Liêu thuộc tỉnh Bạc Liêu, Cổng thông tin Chính phủ Việt Nam.
  11. ^ a b Năm 2011, kinh tế - xã hội tỉnh Bạc Liêu tiếp tục duy trì ổn định và phát triển., Ủy ban nhân dân tỉnh Bạc Liêu.
  12. ^ Tình hình Kinh tế - xã hội tỉnh Bạc Liêu 6 tháng đầu năm 2012, Ủy ban nhân dân tỉnh Bạc Liêu.
  13. ^ Dân số trung bình phân theo địa phương qua các năm, Theo Tổng cục thống kê Việt Nam.
  14. ^ Tình hình kinh tế - xã hội tỉnh Bạc Liêu tháng 12/2012 và công tác trọng tâm tháng 01/2013, Ủy ban nhân dân tỉnh Bạc Liêu.
  15. ^ Diện tích, dân số và mật độ dân số năm 2011 phân theo địa phương, Theo Tổng cục thống kê Việt Nam.
  16. ^ Dân số thành thị trung bình phân theo địa phương, Theo Tổng cục thống kê Việt Nam.
  17. ^ Dân số nông thôn trung bình phân theo địa phương, Theo Tổng cục thống kê Việt Nam.
  18. ^ Dân số nam trung bình phân theo địa phương, Theo Tổng cục thống kê Việt Nam.
  19. ^ Dân số nữ trung bình phân theo địa phương, Theo Tổng cục thống kê Việt Nam.
  20. ^ Tỷ lệ tăng tự nhiên dân số phân theo địa phương, Theo Tổng cục thống kê Việt Nam.
  21. ^ Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, tại thời điểm 30-09-2007