"Chắc chắn không thể kể hết những di tích đã bị trùng tu đến mức không còn cứu chữa được nữa... Các di sản vô giá đang ngắc ngoải dưới bàn tay trùng tu”. Nhà văn Nguyên Ngọc đã dùng những lời lẽ đau lòng như thế để nói đến công việc trùng tu các di tích hiện nay mà bắt đầu từ đền Đô (Bắc Ninh)...
|
Ngay trước cổng đền Đô là con sư tử... Tàu! - Ảnh: Đỗ Lãng Quân |
Quả thật bây giờ mỗi lần đi thăm các đền chùa lại thấy ngại. Ngại gặp sản phẩm trùng tu. Một ngày gần đây, một số anh em đồng học cũ chúng tôi năm nào cũng họp lớp, họp trường mãi chẳng còn gì nhiều để nói, bèn rủ nhau làm một chuyến du xuân sang bên kia sông Hồng về vùng văn hóa Kinh Bắc nổi tiếng. Thời gian không nhiều, chúng tôi chỉ thăm chùa Bút Tháp, chùa Man Nương, chùa Dâu và buổi chiều qua đền Đô.
Đã là văn hóa, phải giữ từng ngày...
|
"Cụ" voi đá khổng lồ, mới toe và chẳng giống ai, được trưng bày ở khu vực trung tâm của đền Đô (tỉnh Bắc Ninh) - Ảnh: Lãng Quân |
Bút Tháp vẫn còn đẹp, Man Nương và chùa Dâu cũng thế. Theo tôi biết, một lẽ quan trọng (và đáng buồn): các nơi ấy không - hay là chưa? - được trùng tu những năm gần đây! Tôi sang đây nhiều lần, không lần nào không kinh ngạc về các tượng ở đấy, mỗi lần cứ như được khám phá thêm, vẫn sững sờ về khuôn mặt rất Phật mà rất đời, rất nhân loại mà vô cùng Việt, xưa mà hiện đại quá chừng của Man Nương, của các bà chúa “thuần nôm” ở các chùa Mây, Mưa, Sấm, Chớp, những tượng chân dung hiện thực đến lạ lùng ở Bút Tháp, hơn nửa thiên niên kỷ rồi vẫn đau đáu nỗi đau của những ông hoàng, bà chúa xưa bị giằng xé đến rách nát cả kiếp người giữa hạnh phúc riêng và quyền lực rồi hóa cũng chỉ phù du...
Thôi thì cũng còn được một số ít nơi như thế để thỉnh thoảng tìm về, suy ngẫm và được đắm mình trong văn hóa của cha ông nghìn năm không phai. Tôi cũng được biết các chùa ấy còn giữ được như thế một phần nhờ một người họa sĩ say mê và am hiểu sâu sắc lịch sử và văn hóa cả một vùng đất này, say mê đến mức bỏ nhà sang ở ngay chùa, được mọi người trong chùa và bà con quanh vùng tin cậy, quý trọng gọi là “thầy”.
Có dạo một đại gia đem cúng chùa Bút Tháp hai lọ sứ Giang Tây cao lút đầu người, nếu ở nơi khác chắc đã được đem chưng sang trọng hai bên bàn thờ Phật rồi sẽ lạc lõng, kệch cỡm, chùa ta biến thành chùa Tàu, mà lại khó ngăn cản nổi.
Ông họa sĩ của chúng ta đã khéo léo cho đặt tạm hai cái lọ trọc phú kia ngoài hiên như là của ai gửi nhờ đấy, rồi lần sau tôi sang thì không còn thấy nữa, dẹp luôn đâu đó rồi. May quá! Hành động nhỏ ấy đã cứu Bút Tháp một phen không nhỏ, tôi dám nói thế. Văn hóa là vậy, tinh tế đến mức mong manh, một chút thô bạo có thể phá hỏng cái quý nghìn năm và mở đầu cho sự tàn hủy sẽ liên tục không ngừng. Đã là văn hóa thì phải giữ từng ngày...
|
Đèn treo ở các gian thờ của đền Đô không khác gì đèn chùm sang trọng ở khách sạn - Ảnh: Đ.L.Q. |
Tai họa của trùng tu
Sơn mới bằng... sơn Nhật
Hôm trước tôi có nghe GS Phan Huy Lê kể ông rất xấu hổ khi đưa một số bạn nước ngoài lên thăm chùa Tây Phương, định khoe với các bạn những pho tượng la hán tuyệt vời. Khi đến nơi thì tất cả vị la hán ấy đã được sơn mới lại hết bằng... sơn Nhật. Chắc cả nước đều biết loại sơn hằng ngày vẫn được quảng cáo trên tivi: “Sơn Nippon sơn đâu cũng đẹp”! |
Buổi chiều có mấy người trong đoàn nằng nặc đòi sang đền Đô, mặc dù nghe nói bên ấy trùng tu làm hỏng hết rồi, chẳng nên sang làm gì. Đền Đô tức là đền Lý Bát Đế, thờ tám vị vua đời Lý, hẳn được trùng tu cho dịp kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long sắp tới (đương nhiên ý nghĩa to lớn như vậy ắt được tiêu không ít tiền).
Hóa ra đi đền Đô cũng không uổng phí. Để mà biết thêm cái gọi là trùng tu các di tích văn hóa lịch sử đang gây tai họa tới mức nào. Quả thật có điều gì đó hầu như không thể tưởng tượng nổi. Ngay trước cổng đền là hai con sư tử... Tàu, ai đã đi Trung Quốc hẳn đều biết. Những con sư tử to tướng, khách sạn nào ở bên ấy cũng có đặt trước cửa, không ai bảo là không đẹp, nhưng chắc chắn chẳng ăn nhập gì hết với bất cứ đền chùa nào của ta. Vậy người ta định làm gì ở đây, các nhà trùng tu? Triển lãm văn hóa Trung Hoa chăng? Đố ai hiểu được.
Nhắm mắt bước qua hai con sư tử hùng vĩ ấy rồi vào đến tiền sảnh liền gặp hai tượng... người gì đây nhỉ? Là người Việt thời sơ khai chăng: ở trần, thân hình sơn trắng phau đến ngỡ bằng sứ, đầu quấn khăn đỏ, lại đóng khố đỏ, không thể không liên tưởng ngay đến... các chú Tễu rất vui mắt ở các phường rối nước. Cứ thế, cứ thế, các sáng tác độc đáo cái sau không kém cái trước, lần vô đến gian chính thờ tám vị vua Lý, đương nhiên có Lý Thái Tổ ngồi giữa, tất cả đều được sơn son thếp vàng rực rỡ, mới toanh. Và ngẩng lên: suốt mấy gian, gian nào cũng lấp lánh những chùm đèn Tây to tướng, óng ánh, đúng nguyên đèn chùm sang trọng vẫn thấy ở... khách sạn Continental hay Rex Sài Gòn...
Hết chịu nổi, tôi quay ra. Và lần nữa tôi kinh ngạc: các bạn tôi, đều là những chuyên gia trong nhiều ngành khoa học, những người trí thức, tôi xin lỗi các bạn ấy, các bạn tôi điềm nhiên đi ngắm hết chỗ này đến chỗ nọ, vẫn cung kính và tấm tắc nữa, không ai có chút phản ứng nào trước đền thiêng đã bị làm đỏm kệch cỡm kia. Chẳng lẽ văn hóa của xã hội ta đã đến mức ấy, từ người quản lý văn hóa, người là chuyên gia trùng tu đến người trí thức, người dân thường?
...Chắc chắn không thể kể hết những di tích đã bị trùng tu đến mức không còn cứu chữa được nữa. Có người đã khẩn thiết kêu gào, không hề quá đáng đâu: Xin đừng trùng tu gì hết, chạm đến đâu là hỏng đến đó. Các di sản vô giá đang ngắc ngoải dưới bàn tay trùng tu.
|
Một “sáng tác” ở đền Đô: Người Việt thời sơ khai hay chú Tễu ở phường rối nước? - Ảnh: Lãng Quân |