Phát triển vịnh Lăng Cô thành khu du lịch đẳng cấp
Năm 2009, vịnh Lăng Cô (tỉnh Thừa Thiên-Huế) gia nhập Câu lạc bộ những vịnh đẹp nhất thế giới (Worldbays Club). Lăng Cô là vịnh biển thứ ba của Việt Nam, sau vịnh Hạ Long (tỉnh Quảng Ninh) và vịnh Nha Trang (tỉnh Khánh Hòa), được Câu lạc bộ những vịnh đẹp nhất thế giới vinh danh.
Lăng Cô – Vịnh đẹp thế giới
Trong Bằng chứng nhận do Chủ tịch Câu lạc bộ những vịnh đẹp nhất thế giới Jerome Bignon ký, ghi rõ: “Ban điều hành Câu lạc bộ những vịnh đẹp nhất thế giới công nhận vịnh Lăng Cô – Huế là một danh thắng có vẻ đẹp tuyệt vời và tầm quan trọng về du lịch, và vì lý do đó quyết định cấp danh hiệu Câu lạc bộ những vịnh đẹp nhất thế giới, và cho phép các đại diện sử dụng và quảng bá danh hiệu này trên tất cả các tài liệu liên quan đến vịnh.”
Lăng Cô – Vịnh đẹp thế giới
Vịnh Lăng Cô cách thành phố Huế 60km về phía Bắc và cách thành phố Đà Nẵng 40km về phía Nam.
Vịnh nằm giữa một nhánh rẽ của dãy Trường Sơn vươn ra biển, với phía Nam là đèo Hải Vân và phía Bắc là đèo Phú Gia. Ở đây, núi chạy dài ra biển và viền dưới là dải cát dài trắng mịn tuyệt đẹp, gần như còn nguyên sơ.
Vịnh biển này gần như kín, có độ sâu tương đối đồng đều và chiếm diện tích 150km2, trong vùng khí hậu nhiệt đới gió mùa, tương đối ôn hòa.
Vịnh Lăng Cô bao gồm bãi biển dài 13km, cát trắng mịn, thoai thoải, nước trong xanh. Phía trong là đầm Lập An, một đầm nước lợ giàu có về động thực vật vùng đầm phá, tài nguyên sinh thái. Lăng Cô còn gắn liền với “Hải Vân đệ nhất hùng quan,” một mạch núi Trường Sơn lan ra biển hùng vĩ, tráng lệ với thảm thực vật tươi xanh, giàu có.
Nhờ thiên nhiên ưu đãi, Lăng Cô là nơi chuyển tiếp giữa vịnh Bắc Bộ và Biển Đông, có núi, sông, biển, đảo, đầm phá. Vịnh vừa có vùng nước mặn, vừa có vùng nước lợ, tạo nên môi trường sinh sống của nhiều loài động vật, thực vật biển quý hiếm, có giá trị kinh tế và đa dạng sinh học cao.
Với sự đa dạng sinh thái, Lăng Cô đã được đưa vào danh sách 15 khu bảo tồn biển Việt Nam với 5 hệ sinh thái là hệ sinh thái rạn san hô, hệ sinh thái cỏ biển, hệ sinh thái vùng triều đá, hệ sinh thái vùng triều cát và hệ sinh thái rừng ngập mặn.
Trong phạm vi bán kính khoảng 150km, Lăng Cô còn là tâm điểm của một vùng tập trung bốn di sản thế giới: Quần thể di tích cố đô Huế, phố cổ Hội An, khu di tích Mỹ Sơn, di sản thiên nhiên Phong Nha-Kẻ Bàng, cùng nhiều danh thắng nổi tiếng nhất của khu vực. Với các điều kiện nêu trên, Lăng Cô có khả năng kết nối chuỗi đô thị từ Huế-Chân Mây-Lăng Cô-Đà Nẵng-Hội An trên hành trình “Con đường di sản miền Trung.”
Tất cả những yếu tố đó đã mang lại cho Lăng Cô tiềm năng to lớn để phát triển nhiều loại hình du lịch: Nghỉ dưỡng biển, du lịch sinh thái vùng đầm phá, thể thao leo núi, sân gôn, lặn biển, thám hiểm rừng nhiệt đới, du lịch văn hóa, làng nghề gắn với những điểm du lịch như suối Mơ, suối Hói Cam, Hói Dừa, khe Lý Thương, thắng cảnh Chân Mây.
Lăng Cô càng trở nên hấp dẫn và sôi động hơn với sự ra đời của Khu du lịch Lăng Cô, tọa lạc trên một dải cồn cát tuyệt đẹp rộng 10ha, với 60 biệt thự hướng ra Biển Đông. Khu du lịch được thiết kế theo phong cách truyền thống Huế, kết hợp hài hòa kiến trúc lăng tẩm, cung điện, đền đài, chùa cổ với một không gian xanh của nhà vườn Huế.
Lăng Cô còn có nhiều dịch vụ vui chơi, nhiều hoạt động thể thao như tennis với mặt sân có chất lượng tốt, sân chơi bóng chuyền bãi biển, hay dịch vụ ra khơi câu cá, lặn biển.
Phát triển du lịch biển đẳng cấp quốc gia, quốc tế
Kể từ ngày đứng trong danh sách các vịnh biển đẹp nhất thế giới, Lăng Cô đã phát triển và không ngừng “thay da đổi thịt.” Khu du lịch Lăng Cô đã được đầu tư hàng chục công trình giao thông và hàng loạt công trình phúc lợi dân sinh cấp như: đường sá, hệ thống thoát nước, vệ sinh môi trường.
Nhiều khách sạn, nhà nghỉ, nhà hàng được xây dựng, tạo nét sang trọng, lộng lẫy dọc theo biển Lăng Cô. Lăng Cô hiện đã có 44 khách sạn, khu nghỉ dưỡng hạng 4 sao trở xuống, với khoảng 600 phòng để phục vụ du khách. Vào mùa Hè, các khách sạn ở đây đều kín khách.
Trên địa bàn thị trấn Lăng Cô hiện đã có 14 dự án, với tổng diện tích 355ha, được Ủy ban Nhân dân tỉnh cấp phép đầu tư xây dựng các khu nghỉ dưỡng, khách sạn, sân golf. Ngoài ra, còn nhiều tập đoàn, doanh nghiệp đang dự định đầu tư những dự án du lịch sinh thái mang tầm quốc tế ở khu ven bắc Hải Vân, ven đầm Lập An và dọc theo biển Lăng Cô.
Là một thương hiệu du lịch biển đầy triển vọng, Lăng Cô đã được xác định trong kế hoạch tổng thể của du lịch Việt Nam, trở thành một trong những vùng du lịch phát triển. Trong tương lai, Lăng Cô sẽ đạt được những tiêu chuẩn phát triển du lịch hiện đại, có quy mô và tầm vóc quốc tế.
Theo Báo điện tử ĐCSVN
Bình luận Facebook