NGHEANDOST - THÔNG TIN KH&CN NGHỆ AN SỐ 6 - 2012
Tìm hiểu sự tích Sát Hải Đại tướng quân
Ngày đăng tin : 10/7/2012
Sát Hải Đại vương Hoàng Tá Thốn quê ở làng Vạn Phần, phủ Diễn Châu, nay là xã Diễn Vạn, huyện Diễn Châu, tỉnh Nghệ An. Hiện nay ở Nghệ An có ba ngôi đền thờ Ngài được nhà n¬ước công nhận di tích lịch sử văn hóa (Vạn Phần, Vạn Tràng, Đức Hoàng). Không chỉ Nghệ An mà nhân dân nhiều vùng ven biển các tỉnh nh¬ư Thanh Hoá, Ninh Bình, Nam Định, Hải Phòng, Quảng Ninh, Hà Tĩnh... đều suy tôn Ngài là Thành hoàng và lập đền thờ phụng.

Sát Hải Đại tướng quân là danh hiệu vua Trần Nhân Tông phong cho Nội gia thư Hoàng Tá Thốn, khi Ngài được trao ấn phù chỉ huy chư tướng, thống lĩnh vạn binh thủy chiến tới sông Bạch Đằng bủa vây thuyền giặc, đại phá quân Nguyên. Họ Hoàng và tước Minh tự là vua ban cho Ngài, sau khi bình định công lao to lớn (Kỳ hậu bình định nguyên công) của các tướng. Các sự kiện này, trong “Nam miếu tôn thần sự tích”, bài văn bia do Đông các Đại học sĩ Cao Xuân Dục soạn năm Mậu Tuất Thành Thái (1898), khắc dựng tại Đền thờ Ngài ở làng Vạn Phần (sau đây gọi tắt là Văn bia), đã nêu đầy đủ và được coi là một tư liệu chính để làm nền cốt cho những bài viết ca ngợi công tích và uy đức của Ngài. Tuy nhiên, ở bài Văn bia này, theo bản dịch, trong “Văn bia Nghệ An”, Nxb Nghệ An, 2004, còn có chỗ cần tìm hiểu thêm nhằm làm sáng tỏ những tồn nghi văn bản. Chẳng hạn như: Sát Hải Đại vương lập công trong trận chiến Bạch Đằng vào năm Trùng Hưng, 1288, 1289, nhưng theo văn bia, ngài có con trai là Hoàng Công Lộ, giúp vua Lê Thái Tổ (1428-1433) đánh giặc Ngô (Văn bia Nghệ An, tr.67). Vậy tức là công trạng của hai cha con cách xa nhau tới 140 năm (?).

Về sự tích và công trạng của Sát Hải Đại tướng quân Hoàng Tá Thốn, có hai câu thơ ghi lại, hiện được lưu giữ ở các đền sở thờ Ngài:

Triệu ứng hoàng ngưu thiên định mệnh;

Công trừ Ô Mã quốc lưu ân”

(Điềm ứng “Trâu vàng” mệnh trời đã định;

Công trừ tên tướng giặc, Nguyên soái Ô Mã Nhi, đất nước lưu ơn)

Lần theo những tư liệu hiện có tại Thư viện Nghệ An như: Các thư tịch, Di bản văn bia, Gia phả họ Hoàng, Vạn Phần và tham khảo một số bài viết tương quan trên các ấn phẩm gần đây, vấn đề lại càng có nhiều điều cần được khảo cứu, lý giải.

1. Về sự tích “điềm ứng Trâu vàng”: So với Văn bia ở đền Sát Hải Vạn Phần, tuy có nhiều chỗ khác nhau, song tựu trung đều kể về câu chuyện bà Trương Thị ra bến sông gánh nước gặp hai con trâu thần từ dưới nước nhảy lên húc nhau, bà lấy đòn gánh ngăn chúng, một chiếc lông trâu dính vào đầu đòn gánh, bà khuấy xuống giếng, tự nhiên nước giếng cạn khô. Thấy lạ, bà gói chiếc lông trâu ấy, cất kín. Bà có thai, sinh được chàng trai tuấn tú, khôi ngô dị thường, lớn lên thông minh, dũng lược hơn người, bơi lội dưới nước như đi trên đất bằng. Vua Trần nghe tin, triệu vào làm “nội gia thư (Sử chép, nội thư gia), một chức quan thân tín làm việc trong cung đình”. Còn có chỗ giải thích “Tá là giắt, Thốn là lưng” để gắn tên Ngài với sự kiện vừa nêu là không có căn cứ, bởi trong các chữ Hán, các từ đồng âm “TᔓThốn”  không có từ nào theo nghĩa ấy.

2. Về công trạng (“Công trừ Ô Mã”):

Ở “Đại Việt sử ký toàn thư”, Nxb Khoa học xã hội, Hà Nội, 1985, Tập II, tr 60, có ghi “Nội minh tự Đỗ Hành bắt được Ô Mã Nhi và Tích Lê. Cơ Ngọc dâng lên thượng hoàng”. Và ở tr.62: “Mùa hạ, tháng 4, định công dẹp giặc Nguyên… Đỗ Hành chỉ được phong quan nội hầu, vì khi bắt được Ô Mã Nhi không dâng lên quan gia (tức là vua, đương kim hoàng thượng), lại dâng lên thượng hoàng”. Về việc đục thuyền dìm chết bọn Ô Mã Nhi, Đại Việt Sử ký ghi: “… Kỷ Sửu Trùng Hưng năm thứ 5, 1289, mùa xuân, tháng 2, sai nội thư gia Hoàng Tá Thốn đưa bọn Ô Mã Nhi về nước, dùng kế của Hưng Đạo vương, lấy người giỏi bơi lặn, sung làm phu thuyền, ban đêm dùi thuyền cho đắm, bọn Ô Mã Nhi đều chết đuối cả” (Sđd, tr.61).

Dựa theo sử sách, Văn bia thuật lại:

Đến thời Nhân Tông, Thiệu Bảo (1279-1284), bọn giặc Nguyên, Thoát Hoan, Ô Mã Nhi xâm chiếm kinh thành, Thánh Tông bèn hạ chiếu cho làm quản tướng quân lĩnh ấn phù chỉ huy các tướng, thống lĩnh vạn binh; Chỉnh tàu thuyền tới sông Bạch Đằng, bủa vây thuyền giặc, đại phá quân Nguyên. Hưng Đạo vương Trần Quốc Tuấn dẫn bộ binh giáp chiến, bắt được tướng Ô Mã Nhi, Thoát Hoan, rồi lấy bộ binh về kinh báo tin vui. Vua Trần thân ra nghinh tiếp, sắc phong là “Sát Hải Chàng Rái (1) Đại tướng quân”.   

(察海撞獺(1)大將軍) khâm mệnh thống tổng sung chư hải phường, phi tướng (vị tướng thống quản các vùng biển của đất nước).

Tới năm Kỷ Sửu, (bản sao Văn bia chép nhầm Ất Sửu), niên hiệu Thiệu Bảo (1289), đưa bọn Nguyên phu (tù binh Nguyên) Ô Mã Nhi, Thoát Hoan(2) về nước, Nội gia thư tôn thánh vâng mệnh đưa đi, dùng “vương kế”, lấy người giỏi bơi lặn sung vào thuyền, đang đêm khoan thuyền, cho thuyền đắm, cả bọn Ô Mã Nhi đều chết.

Sau khi bình xét, định rõ công lao to lớn của các tướng, nhà vua ban cho ngài là họ Hoàng, tước Minh tự (thời Trần, Minh tự là tước dưới Quận công, trên thượng phẩm - chú thích của văn bia).

Về cuối đời, trên đường nhung vụ, tướng sĩ (của Ngài) về tới xứ Thanh Hóa, phủ Hà Trung, huyện Hoằng Hóa, đương khi vô bệnh, Ngài bảo chư quân: Hôm nay tốt ngày, (nhằm ngày Nguyên đán), ta chầu trời.

 (Được tin) Vua cho thuyền rồng đưa quan quách về xã Vạn Phần, an thố ở xứ Mả Cháy. Từ đó, dân xã lập đền thờ trên mộ. Đến nay, miếu vũ nguy nga, hương đền không dứt.

Vua Trần nhớ công, phong tặng các mỹ tự: Đại Liêu Thiên Bồng Đại tướng quân, phối Thượng đẳng bách linh (theo Gia phả, còn có thơ ngự bút).

Từ ấy đến nay, trải qua các triều đại đều có sắc phong”.

3. Về thế hệ các chi họ Hoàng

3.1. Theo Văn bia, gồm có các chi: 1 chi tại bản xã; 1 chi tại xã Vạn Tràng; 1 chi tại xã Cổ Đan; 1 chi tại xã Cao Xá.

Trong nguyên bản, tiếp theo là 4 vòng tròn nhỏ (o-o-o-o) rồi đến:

 Thánh phi Triệu(3) Thị Hòa phu nhân, hiệu Từ Huệ, sinh hoạch nam tử Hoàng Công Lộ, phụng tá Lê Thái Tổ bình Ngô tặc, chí kim mộ tại miếu...” (Xem ảnh bên). Nghĩa là, Thánh phi Triệu Thị Hòa phu nhân, hiệu Từ Huệ, sinh được con trai là Hoàng Công Lộ, phụng tá Lê Thái Tổ bình Ngô(4), đến nay mộ tại miếu.

Đây là vấn đề cần khảo cứu.

3.2. Theo Gia phả họ Hoàng, Vạn Phần, bản đã dịch ra quốc ngữ, chép tay, chưa rõ người dịch (Phần thơ ghi, Trần Hữu Thung dịch), lưu tại Thư viện Nghệ An, đại lược như sau:

Đời thứ I

Đức Thái Thỉ tổ, Sát Hải Chàng Lại (Rái) Đại tướng quân quản quân, mạnh lang, Hoàng Minh tự Tô Đại Liêu Thiên Bồng Đại tướng quân. Lịch triều gia phong phong tặng tôn chư mỹ tự tối linh đại vương.

Sinh ngày? (có chỗ ghi ngày 16), tháng quý hạ (tức tháng 6 âm lịch), năm Giáp Dần, đời Trần Thái Tông (1254); Mất ngày Nguyên đán năm Mậu Dần (1338), thọ 84 tuổi. Mộ tại xứ Mả Cháy, Diễn Vạn, Diễn Châu.

Tiểu sử (trích): Nguyên Thánh mẫu Trương Thị phu nhân ở sách Vạn Phần, thuộc lộ Diễn Châu. Tục truyền rằng... (như đã kể trên).

Đức Thỉ tổ ra đời, Thánh mẫu đặt lông trâu lên trán con, từ đó lớn lên thiên tư dĩnh ngộ phi thường, người cao 6 thước (=2,4m), dũng lược quán thế, thông tuệ hơn đời, lội nước qua sông như đi trên đất bằng, từng cứu ngư dân thoát bao cơn phong ba bão lụt. Vua Trần biết tiếng, liền vời ra làm gia thư. Đến đời Trần Nhân Tông, giặc Nguyên dưới sự thống lĩnh của Thoát Hoan, Ô Mã Nhi kéo đến xâm lược kinh thành, Đức Thỉ tổ vâng lệnh, nhận tước phong chỉ huy thống lĩnh các tướng cùng vạn quân sắp sẵn tàu thuyền đến sông Bạch Đằng bố trí trận địa mai phục.

Khi quân địch lọt vào trận địa, Đức Thỉ tổ chỉ huy tướng sĩ nhắm vào thuyền giặc đánh phá. Bị đánh bất ngờ, quân địch trở tay không kịp, hốt hoảng tháo chạy, bị giết rất nhiều, máu đổ đục ngầu dòng sông. Lúc này, Hưng Đạo vương tung bộ truy kích, bắt sống Ô Mã Nhi, rồi tâu báo về kinh.

Được tin thắng trận, vua Trần thân chinh ra đón và sắc phong cho tướng sĩ. Đức Thỉ tổ được phong là Sát Hải Chàng Rái Đại tướng quân và giao cho Ngài chỉ huy các đạo thủy quân đặc trách vùng Hải Ninh, Hải Phòng.

Đến năm Kỷ Sửu, Thiệu Bảo (1289), cho bọn Ô Mã Nhi về nước, theo kế của vương, Đức Thỉ Tổ khoan thuyền dìm chết cả lũ rồi bơi về.

Sau chiến công này, Đức Thỉ tổ được vua ban họ Hoàng, tước Minh tự. Vào cuối đời, trên đường công vụ, qua huyện Hoằng Hóa, tỉnh Thanh Hóa, không đau ốm, Ngài gọi tướng sĩ lại mà nói rằng: “Hôm nay tốt ngày, ta về chầu trời”. Ngài qua đời đúng ngày Nguyên đán Mậu Dần (1338).

Nhà vua cho thuyền rồng đưa linh cữu Ngài về quê an thố. Ghi nhớ công lao của ngài, nhà vua truy tặng bài thơ:

Phiên âm:

Thiên phò xã tắc tứ công sinh

Tuấn dị khôi ngô trạc quyết linh

Hải quốc thủy tiên chung tú khí

Nhân gian thần tướng diệu thư(5) tinh

Đằng dương vạn lý sơn tàng hổ

Trầm phá thiên sưu hải chiếm kình

Hà lộ(6) tha niên tinh cáo trụy

Độc tương nghĩa tử báo triều đình.

Tạm dịch thành thơ:

Trời phò xã tắc để ngài sinh

Tuấn dị khôi ngô chói hiển linh

Tiên nước thủy cung chung tú khí

Tướng thần nhân thế sáng hùng tinh

Băng vòi vạn dặm hùm ẩn núi

Lặn phá ngàn thuyền bể vượt kình

Hà lộ năm nào sao báo rụng

Trọn đem nghĩa khí báo triều đình.

Trần Hữu Thung(7) dịch

Theo Tộc phả, về thơ, vua Trần Nhân Tông còn có thơ khen và Hoàng tướng quân có thơ họa, đáp lại, tạ ơn chúa thượng. Song, hiện chỉ có tư liệu chép tay qua truyền miệng, và gần đây, bài thơ trên đã được khắc vào bia, dựng tại đền Đức Hoàng, song văn tự nhiều chỗ chưa chuẩn, nên chưa có căn cứ và khó luận ra để dịch.

Tỉ như:

Nhĩ đề điện mãnh tự đương niên”, câu mở đề của bài thơ “Trần Nhân Tông ngự thi, tặng Tá Thốn”, được viết là ‘爾啼殿猛自當年’ và dịch là: “Đầu xuân kế sách được tâu lên” (Lời tri ân, Nxb Nghệ An, 2010) hoặc:“Tấu chương vang dội được dâng lên” (ngheandost 4/10/2012). Trong khi, nếu quả đúng nguyên văn có cặp từ “Nhĩ đề” như đã có, thì nghĩa của cặp từ này là “nhà ngươi kêu khóc”! Hay như, “Chiêu hàng ngoại quốc đại huân tuyên” (招降 - chứ không phải: 昭行). “Chiêu hàng ngoại quốc” không phải là công của Tá Thốn. 

Trần Nhân Tông - một vị minh quân hẳn rất cân nhắc khi định công cũng như khi dùng chữ nghĩa.

Thỉ Tổ tỉ: Trần Thị phu nhân; Triệu Thị phu nhân sinh 3 người con. Văn bia cụ Cao Xuân Dục đề ở Nhà thờ họ Hoàng,Vạn Phần: “Sinh tam tử giai vi triều đình hiển hoạn”, nghĩa là, sinh 3 con đều làm quan trong triều, vinh hiển nhưng trong phả chỉ ghi 2 con trai. Đó là: Trưởng nam, Khai khẩn Thiên Bồng Đại tướng quân, Vân Kỵ hầu Hoàng Công Luật; Thứ nam, Công tử Bình Ngô đại thắng Hoàng Công Tăng.

Đời thứ II

Khai khẩn Thiên Bồng Đại tướng quân, Đô tổng binh Vân Kỵ hầu Hoàng Công Luật, quý tước, thụy Cương trực tôn công. Thọ 80 tuổi. Kị: mồng một tháng giêng. Mộ: Mả Cháy, Vạn Phần.

Đại phá quân Nguyên Mông, kết thúc cuộc chiến, đất nước thái bình, Vân Kỵ hầu vừa lo việc nước, vừa tiếp tục khai khẩn mở mang khu đất Vạn Tràng từ Mả Cát, Thiên Bồng đến Cầu Vông, cùng nhân dân xây dựng xóm làng, thiết lập từ đường thờ Đức Thỉ tổ, sau đó mới cưới vợ cho con - Hoàng Công Lộ (Theo Gia phả, Hoàng Công Lộ là cháu, chứ không phải là con như Văn bia đã ghi).

Hoàng công chính thất, Triệu Thị Ngọc Hòa, tam nương, hiệu Từ Huệ phu nhân. Thọ 76 tuổi. Kị: mồng 2/10. Mộ tại Mả Cháy.

Sinh hạ: Quan viên Hoằng tín đại phu Hoàng Công Lộ.

Bà Ngọc Hoa là người đoan chính, đảm đang thay chồng kiến cơ lập nghiệp xây dựng xứ Thiên Bồng, chăm lo việc học của con. Nhờ vậy, Hoằng Tín đại phu ra sức trau dồi kinh sử, sớm trở thành vị quan văn thông tuệ giúp vua Trần sửa sang chính sự.

Đời thứ III

Quan viên Hoằng Tín đại phu, thụy Đức Thiện tôn công. Thọ 88 tuổi. Kị: ngày 20/4. Mộ xứ Cồn Thần, Vạn Tràng, Long Thành.

Hoàng công chính thất Triệu Thị Ngọc Minh, thụy Huệ Chính phu nhân. Thọ 75 tuổi. Kị 26/10. Mộ xứ Cồn Thần. Sinh hạ: Hoàng Công Cẩn.

Đời thứ IV

Quan viên Triều liệt đại phu, Hoàng Công Cẩn, thụy Đức Thiện tôn công.

Thọ 80 tuổi. Kị 5/5. Mộ tại xứ Tha Hoang. Hoàng công chính thất, Hoàng Thị Ngọc Văn, thụy Từ Nhân phu nhân. Thọ 80 tuổi. Kị 5/5. Mộ xứ Tha Hoang. Sinh hạ: Trưởng nam, Hoàng Nhân Hòa; Thứ nam, Hoàng Đình Thọ.

Đời thứ V

Quan viên đại phu, Hoàng Nhân Hòa, thụy Phúc Tộ phủ quân. Thọ 83 tuổi. Kị:15/3. Mộ tại Cồn Thần, Vạn Tràng.

Tổ tỉ, Triệu Thị Ngọc Phúc, thụy Từ Hòa phu nhân. Thọ 80 tuổi, Kị:11/10. Mộ tại Cồn Tráng. Sinh hạ: Trưởng nam, Hoàng Đình Trung; Thứ nam, Hoàng Đình Thứ

Đời thứ VI

Đặc tiến phụ quốc thượng tướng quân, Cẩm y vệ Đô chỉ huy sứ ty đô chỉ huy đồng tri, Quảng Lệ hầu, Hoàng Đình Trung, thụy Chân Tinh tôn công. Thọ 78 tuổi. Kị:7/6. Mộ Cồn Thần.

Quảng  Lệ  hầu  sinh  vào  thời  đất nước suy vi,

thuộc thời nhà Minh thống trị (1414-1427), nhân dân khắp nơi nổi dậy dưới ngọn cờ khởi nghĩa Lam Sơn, đánh bại quân xâm lược. Quảng Lệ hầu được vua ban bảo kiếm để giúp người thu phục giang sơn, mở mang đất nước.

Đọc đoạn phả trên đây, ta thấy Văn bia có sự khác biệt vói Gia phả:

1. Theo văn bia, Hoàng Công Lộ là con của Sát Hải Đại tướng quân Hoàng Tá Thốn, khác với Gia phả ghi, Hoàng Công Lộ là cháu đích tôn(?);

2. Cũng theo văn bia, người có công phò Lê Thái Tổ bình Ngô là Hoàng Công Lộ, con trai Hoàng Tá Thốn, khác với Phả ghi, Quảng Lệ hầu, Hoàng Đình Trung, tằng tôn (chắt nội) của Hoằng Tín đại phu Hoàng Công Lộ, là người có công tích này.

Xét về mặt khoảng cách thời gian, đơn thuần, so cùng sự kiện và thế hệ huyết thống, thì tư liệu có trong Gia phả là phù hợp.  

Truyền thuyết và lịch sử của một nhân vật lịch sử, một nhân thần có thể có nhiều chỗ khác nhau, nhất là đối với những tên tuổi sống cùng dân tộc ta gần 1000 năm tuổi, như Sát Hải Đại tướng quân là điều dễ hiểu. Song, mốc thời gian gắn cùng sự kiện không thể mơ hồ. Hy vọng, bài viết nhỏ này sẽ góp thêm những tư liệu cần thiết cho bạn đọc tham khảo, bổ chính cho những tồn nghi văn bản./.


 

Chú thích

(1) Nguyên là chữ Thát = bộ Khuyển + chữ Lại (=+), có  nghĩa là con rái cá. Đọc theo chữ Nôm là “Rái”. Bản dịch Văn bia trước đây đọc nhầm “Chàng Lại”. Nay xin đính chính, đọc là “Chàng Rái”.

(2) Thoát Hoan (theo Đại Việt sử ký toàn thư, tr.60: Thoát Hoan theo đường bộ chạy trốn, đã thoát được, chứ không bị bắt).

(3) Chữ này được viết theo cách ẩn ý, gồm chữ ‘sào’ + chữ ‘phụ’ (+), các Tự điển, Từ điển hiện nay không thấy, chỉ thường thấy trong các Đạo sắc, các văn bia cổ mà cách đọc tùy theo. Có khi là họ Nguyễn, có khi là họ Triệu. Ở đây, theo các văn bản tương quan đều đọc là Triệu.

(4) Lê Lợi dựng cờ khởi nghĩa bình Ngô vào mùa xuân năm Mậu Tuất (1418), tới ngày 3/1 năm Mậu Thân(1428), đất nước ta sạch bóng quân thù.

(5) Trong bài, bản chép tay, phần chữ Hán, từ này được viết, bên trái là chữ “”, bên phải là bộ “”,, lại đọc là “thư”, dịch là “hùng”. Theo Tự điển,+=, đọc là “thôi”: cao lớn; Thôi tinh: ngôi sao lớn. Nếu là “hùng tinh”, ngôi sao mạnh mẽ, để chỉ Sát Hải tướng quân thì phần chữ Hán phải là chữ “hùng” (): con trống, mạnh mẽ chứ không là chữ “thư” (): con mái, mềm dẻo, như đã phiên âm. Ở bài viết này, chúng tôi theo nghĩa của Trần Hữu Thung đã dùng, xin chép là “hùng tinh”(雄星).

(6) Hà lộ (河路) như đã chép trong bài là vô nghĩa. Theo văn mạch, đó là Hà lạc(河洛): Bản sách bàn về lý số, tương truyền do Trần Đoàn soạn ra, luận về số mệnh.

(7) Trần Hữu Thung (1923-2000), nhà thơ, người làng Trung Phường, xã Diễn Minh, huyện Diễn Châu.

 

Tư liệu khảo cứu

1. Nguyên văn “Nam miếu Tôn thần sự tích”, bản chữ Hán, lưu tại Thư viện Nghệ An (Xem ảnh)

2. Ảnh bia đá hiện có ở Nhà thờ họ Hoàng –Vạn Phần.

Gia phả họ Hoàng - Vạn Phần, bản dịch, chép tay, lưu Thư viện Nghệ An.

 

Tư liệu tham khảo

1. Đại Việt Sử ký toàn thư, Nxb Khoa học xã hội, Hà Nội,1985.

2. Almanach những nền văn minh thế giới, Nxb Văn hóa Truyền thông, Hà Nội, 1997.

3. Văn bia Nghệ An, Nxb Nghệ An, 2004.

  Bùi Văn Chất

XEM CÁC BÀI TRONG SỐ NÀY
 
Dương Vân
PHỤ TRÁCH
Hải Yến
SUPPORT
Hoàng Nghĩa - Dương Hạnh
SUPPORT
038.3 564.869
1082
Hôm nay : 4955
Hôm qua : 4843
Trong tháng : 38560
Tất cả : 3108729
cổng thông tin điện tử hoạt động khoa học công nghệ Nghệ An
Cơ quan thường trực: Sở Khoa Học và Công Nghệ Nghệ An.
Cơ quan trị sự: Trung tâm thông tin Khoa Học Công Nghệ và Tin Học.
Địa chỉ: Số 75A Nguyễn Thị Minh Khai, thành phố Vinh, tỉnh Nghệ An.
Điện thoại: 0383.842471 - 0383.564869
Hộp thư: thongtinkhcnnghean@gmail.com
© Ghi rõ nguồn ngheandost.gov.vn khi phát hành lại thông tin từ website này.
Giấy phép thiết lập số :96/GP-TTĐT ngày 16/05/2011 do cục quản lý phát thanh,truyền hình và thông tin điện tử cấp