Trang chủ | PG Việt Nam | Danh lam | Phúc Nghiêm Tự (Chùa Tổ) ngôi Chùa cổ bên dòng sông Lục

Phúc Nghiêm Tự (Chùa Tổ) ngôi Chùa cổ bên dòng sông Lục

Đã đọc: 1004 Cỡ chữ: Decrease font Enlarge font
image

Nhắc đến Trung tâm Phật giáo của nước Việt xưa (nay thuộc huyện Thuận Thành, Bắc Ninh), nhiều người thường liên tưởng tới các địa danh như chùa Bút Tháp, chùa Dâu, lăng Kinh Dương Vương, đền thờ Sỹ Nhiếp..., những di tích mang đậm dấu ấn văn hoá tâm linh của người Việt. Song còn một chốn thiền môn mà sự ra đời của di tích ấy gắn liền với “đất Phật Luy Lâu”, đó là Chùa Tổ thôn Mãn Xá, xã Hà Mãn, huyện Thuận Thành.

Chùa Phúc Nghiêm được dân gian quen gọi là chùa Chản, vì chùa nằm ở thôn Chản Làng, xã Yên Sơn, huyện Lục Nam, tỉnh Bắc Giang. Thôn Chản Làng có tên chữ là Khê Khẩu thôn, dưới thời Lê thuộc xã Lan Sơn, tổng Trí Yên, huyện Phượng Nhỡn, phủ Lạng Giang, xứ Kinh Bắc. Thôn Khê Khẩu xưa nay được chia thành 3 đơn vị thôn riêng lẻ độc lập (Chản Làng, Chản Đồng và Trại Cầu) cho nên chùa Phúc Nghiêm trở thành công trình tín ngưỡng Phật giáo của cả 3 thôn. Hàng năm, vào tiết tháng Hai, ngày 19 và 20 âm lịch dân 3 thôn tổ chức Hội chùa thu hút đông đảo đệ tử Phật giáo và du khách thập phương về trẩy hội.

Qua việc khảo sát di tích, người ta đoán định chùa Phúc Nghiêm được khởi dựng vào khoảng thế kỷ 14- 15, tức là thời gian cuối triều Trần, đầu thời Lê sơ. Trải qua năm, sáu trăm năm lịch sử, công trình kiến trúc đã qua nhiều lần trùng tu sửa chữa nên có nhiều thay đổi so với kiểu thức kiến thức ban đầu. Công trình kiến trúc hiện còn đến ngày nay mang đậm phong cách kiến trúc thời Nguyễn với các hạng mục công trình tiêu biểu như: Tòa tam bảo, nhà tổ, nhà tăng, tháp cổ... Khảo sát trực tiếp di tích người ta có thể đoán định tương đối chính xác bố cục của ngôi chùa cổ thời Lê sơ. Khi đó (thế kỷ 15) chùa Phúc Nghiêm đã có bố cục kiến trúc hoàn chỉnh kiểu “nội công ngoại quốc”, nhưng vì hai dãy hành lang và tam quan đã bị thời gian hủy hoại, cho nên công trình hiện còn theo bố cục chữ công. Tòa tam bảo xây kiểu “bình đầu bít đầu” phía trước có hai cột đồng trụ đắp quả giành. Tam bảo được chia thành hai công trình liền kề nhau là Tiền đường và Phật điện, sắp xếp theo bố cục hình chuôi vồ. Tiền đường gồm 7 gian nhà gỗ lim, với 5 hàng chân cột, kết cấu kiến trúc kiểu kẻ chuyền, có chạm khắc đơn giản. Nối liền phía sau tiền đường là Phật điện, 3 gian rộng có cùng kiểu thức kiến trúc nhưng không chạm khắc mà bào trơn đóng bén kỹ lưỡng. Ở tòa tiền đường có một số mảng chạm, với họa tiết trang trí theo đề tài tứ quý, phản ánh sinh động về sản vật phong phú của quê hương. Trên đầu hồi tòa Phật điện, người xưa đã đề 4 chữ Hán kiểu hành thư, nét chữ bay bướm diệu kỳ “Phong nguyệt vô biên” để ngợi ca cảnh đẹp hữu tình của di tích này.

Trường tồn với tòa tam bảo chùa Phúc Nghiêm còn bảo tồn hệ thống tháp gạch cổ kính. Đây là nơi yên nghỉ vĩnh hằng của các vị sư tổ từng tu hành và viên tịch tại chùa.

Hôm nay, đến thăm chùa Phúc Nghiêm người ta vẫn thấy rõ dấu tích của hai công trình kiến trúc cổ đã bị hư hại, trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp. Đó là hai dãy hành lang (nơi đặt tượng La Hán) và tam quan. Dấu tích ấy đã giúp thế hệ hôm nay có thể hình dung được quy mô bề thế của di tích này.

Từ lâu, chùa Phúc Nghiêm đã trở thành trung tâm Phật giáo có danh tiếng của thiền phái Trúc Lâm ở vùng hạ huyện Lục Nam. Hiện nay, hệ thống tượng cổ cùng công trình kiến trúc, đồ thờ tự vẫn được địa phương bảo quản chu đáo. Ở tam bảo và nhà tổ có tới trên ba chục pho tượng gỗ cổ thời Lê - Nguyễn rất có giá trị.

Hệ thống bia đá bị thất lạc nhưng bản tự còn lưu giữ được một quả chuông đồng thời Tây Sơn. Chuông cao chừng 100cm (cả quai), chu vi miệng là 160cm. Quai chuông được đúc tạo dáng hình đôi rồng chung thân, miệng rồng phun châu nhả ngọc trông nghiêm nghị mà hiền từ, không dữ tợn như rồng thời Nguyễn sau này. Trên 4 múi chuông đúc nổi 4 chữ Hán, cho biết tên chuông: “Phúc Nghiêm tự chung” (chuông chùa Phúc Nghiêm). Cuối bài văn có dòng lạc khoản cho biết thời gian đúc quả chuông này: “Hoàng triều Cảnh Thịnh bát niên, tam nguyệt, sơ cát nhật tạo trù hồng chung” (Ngày tốt đầu tháng ba niên hiệu Cảnh Thịnh thứ 8 (1800) tạo đúc chuông lớn). Bài văn này ghi khắc ý nghĩa việc đúc chuông sau đó đến phần ghi một số tập thể, cá nhân hưng công đúc quả chuông này. Văn chuông do nhà sư trụ trì chùa Phúc Nghiêm khi ấy soạn.

Cuối cùng có bài minh dài 18 câu, viết theo thể kệ 4 chữ ngợi ca cảnh trí thiền tự Phúc Nghiêm và sự thiện tâm tế độ làm cho quốc thái dân an của chư Phật từ bi.

Chùa Phúc Nghiêm là ngôi chùa cổ, từng là nơi in ấn nhiều kinh sách nhà Phật ở thế kỷ 18, 19. Cùng với đình làng Chản, đình Nội, di tích chùa Phúc Nghiêm đã góp phần tô điểm làm phong phú thêm cho quần thể thắng tích ở vùng hạ huyện Lục Nam. Hơn nữa, chùa Phúc Nghiêm còn bảo lưu nhiều di vật cổ thời Lê - Nguyễn nên cần được sự quan tâm nghiên cứu và bảo vệ của chính quyền và ngành chuyên môn./.

Nguồn: Văn Hóa Bắc Giang

Đăng ký lấy RSS cho bình luận Bình luận (0 đã gửi)

tổng số: | đang hiển thị:

Gửi bình luận của bạn

  • Bold
  • Italic
  • Underline
  • Quote

Xin hãy nhập các ký tự bạn nhìn thấy ở ảnh sau:

Captcha
Các bài mới :
Các bài viết khác :

Đánh giá bài viết này

0

Tags

Không có tags cho bài viết này

Đăng nhập