Một lần đến Cố đô Hoa Lư (Ninh Bình), tôi được nghe người bán nước kể về câu chuyện hai mẹ con cụ bà đã hơn 30 năm nay tự nguyện đứng ra chăm sóc, trông coi mộ vua Đinh Tiên Hoàng trên núi Mã Yên Sơn. Cụ bà năm nay đã 89 tuổi, còn người con trai thì bị tật nguyền. Hàng ngày cứ từ 5h sáng, hai mẹ con cụ luân phiên nhau vượt qua 265 bậc thang lên đỉnh Mã Yên Sơn quét dọn.
Anh Năm đang quét dọn và chăm sóc mộ vua Đinh Tiên Hoàng.
Đó là câu chuyện của hai mẹ con cụ Dương Thị Sửu (sinh năm 1925) và anh Nguyễn Đình Năm (sinh năm 1965), ở thôn Tam Kỳ Tam, xã Trường Yên, huyện Hoa Lư, tỉnh Ninh Bình. Gặp anh Năm trên đỉnh núi Mã Yên Sơn vào đúng dịp lễ hội Cố đô Hoa Lư, du khách đến thăm mộ vua Đinh Tiên Hoàng khá đông, nên công việc của anh cũng khá vất vả.
Nhiều du khách sau khi leo lên đến đỉnh núi Mã Yên Sơn cũng phải “thở dốc” và có phần ngạc nhiên vì có một người đàn ông tật nguyền sáng nào cũng leo qua 265 bậc thang dựng đứng, dọn dẹp mộ vua Đinh. Cụ Sửu dù đã gần 90 tuổi cũng leo lên núi như cơm bữa.
Đã 89 tuổi, nhưng cụ Sửu vẫn vươt qua 265 bậc thang để lên đỉnh Mã Yên Sơn mỗi ngày.
Hai mẹ con anh đến chăm sóc mộ vua Đinh hơn 30 năm nay cũng chỉ vì lòng thành kính. Mẹ anh sinh ra và lớn lên ở vùng đất Cố đô Hoa Lư, cũng như bao người khác ở vùng đất này, từ nhỏ cụ đã thuộc làu làu những câu chuyện về vị vua Đinh Bộ Lĩnh tập trận cờ lau, đến dẹp loạn 12 sứ quân… Say này, khi lớn lên, anh Năm cũng được nghe mẹ kể về câu chuyện của vua Đinh, về những câu chuyện vị vua cưỡi trâu tập trận cờ lau.
Hai mẹ con có cảm tình đặc biệt với mộ vua Đinh Tiên Hoàng, thấy nơi này không có ai chăm sóc, quét dọn nhang khói thường xuyên, nên hai mẹ con anh Năm thường xuyên lui tới đây để dọn dẹp và chăm sóc khu mộ vua Đinh. Năm 1982 khi ban quản lí quần thể di tích Cố đô Hoa Lư cần tuyển người trông coi di tích phần mộ vua Đinh Tiên Hoàng, hai mẹ con anh Năm đã đồng ý tình nguyện nhận công việc này.
Từ đấy, hàng ngày từ 5h sáng, hai mẹ con anh luân phiên nhau dậy nấu cơm rồi lên núi. Công việc chủ yếu là quét dọn sạch sẽ khu lăng mộ, thay nước, thắp nhang rồi đợi nếu có khách lên thì hướng dẫn, chỉ đường cho du khách hành lễ. Đến tối hai mẹ con bà mới xuống núi về nhà nghỉ ngơi.
Vào năm 1997, trong một lần lên đỉnh Mã Yên Sơn, anh Năm không may bị té ngã, rất may là có cây chắn lại, từ một chàng thanh niên khỏe mạnh, anh Năm bị tàn tật suốt đời. Tưởng chừng như công việc chăm sóc mộ vua Đinh Tiên Hoàng của anh sẽ gác lại, nhưng anh vẫn quyết tập luyện cho đôi chân mình có thể bước đi lại được. Những bài tập cùng với sự quyết tâm đã không phụ lòng anh. Sau khi hồi phục sức khỏe, anh lại cố gắng leo lên đỉnh Mã Yên Sơn để tiếp tục công việc của mình mặc cho sự can ngăn của vợ con.
Dịp lễ tết và lễ hội Cố đô Hoa Lư, khách du lịch trong và ngoài nước nườm nượp đổ về, hai mẹ con anh Năm phải làm việc cật lực để hướng dẫn du khách, quét dọn.
Du khách lên đỉnh Mã Yên Sơn thăm mộ vua Đinh Tiên Hoàng.
Anh Năm tâm sự: “Hai mẹ con tôi làm việc này đã lâu lắm rồi, cũng chẳng vụ lợi gì, nhìn thấy mộ ngài không ai chăm sóc thì lên đây làm với lòng thành kính nhất. Với lại nhiều du khách họ lên đây thắp hương nhiều, mà họ lại không biết làm như thế nào, nên cũng muốn giúp đỡ họ”.
Trời dần lúc xế chiều, nhưng anh Năm vẫn còn quét dọn, anh bảo: “Hôm nay là ngày khai hội, chắc tối đến sẽ có nhiều du khách đến thắp hương, tý nữa tôi về mẹ tôi lại lên thay một tý. Cụ cũng già rồi, nên tối tôi phải lên đó cùng với cụ rồi hai mẹ con cùng về”.
Lúc chúng tôi xuống núi thì gặp cụ Sửu đang leo lên. Nhìn cụ bà vừa chống gậy, vừa leo mấy trăm bậc thang thoăn thoắt, nhiều du khách không khỏi ngạc nhiên và thán phục.
Đức Văn
Xem thêm :tật nguyền, lăng mộ, say, Cố đô Hoa Lư, chăm sóc, ninh bình, đinh tiên hoàng, đinh bộ lĩnh, đỉnh Mã Yên Sơn quét dọn, bà 90 tuổi, Nguyễn Đình Năm,