Một thời trận mạc
Gặp lại người cùng bắt sống tướng Đờ Cát – Xtơ ri (kỳ 2)
QĐND - Thứ Bẩy, 23/04/2011, 22:9 (GMT+7)

Kỳ 2: Trận đánh đầu tiên của “lính mới”

QĐND Online – Khoảng một năm sau cái đêm bỏ làng theo bộ đội, ông Hoàng Đăng Vinh đã tham gia trận đánh đầu tiên trong đời quân ngũ. Trong trận đánh “nghẹt thở” ấy, ông đã bắn đến viên đạn cuối cùng, phải dùng lưỡi lê tiêu diệt địch…Sau trận đánh, ông đã được tặng thưởng Huân chương Chiến công hạng Ba…

Đường ra trận vui như hội

Cuối năm 1953, Hoàng Đăng Vinh cùng đồng đội hành quân về Điện Biên.

Với chất giọng bồi hồi, ông nhớ lại những cảm xúc cách đây đã 58 năm:

- Giai đoạn đầu chúng tôi đi theo đường rừng, sau đó ra đường 41. Mới đầu cứ tưởng chỉ có mình và đồng đội đi đánh trận, ai ngờ ra đến đường 41, chúng tôi gặp từng đoàn bộ đội, dân công nối tiếp nhau hừng hực khí thế tiến về phía trước, vừa đi vừa hò hát vui như đi hội vậy. Bởi thế nên chúng tôi ai nấy đều phấn chấn, quyết tâm hơn.

Khi còn cách cứ điểm đầu tiên của tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ khoảng 10 cây số, đơn vị ông được lệnh dừng lại, bắt đầu đào công sự và làm đường chuẩn bị kéo pháo vào trận địa.

- Mới hôm trước còn là rừng rậm, ấy vậy mà hôm sau đã thấy rừng “biến” thành đường. Mà ngày ấy đâu có máy móc như bây giờ, tất cả chỉ là cuốc, xẻng cộng với sức người, ông Vinh tâm sự.

Nhiều sáng kiến hay được bộ đội, dân công nghĩ ra nhằm đẩy nhanh tiến độ làm đường kéo pháo như đào rãnh một bên mép đường, sau đó đóng cọc, bẩy đất lật sang phía rãnh. Tiếp đó sử dụng bừa gỗ, kéo đất tạo độ phẳng cho mặt đường.

- Chắc hẳn chuyện giữ bí mật để tránh bị địch đánh phá cũng là một kỳ công của bộ đội ta ngày ấy?

Trước câu hỏi của chúng tôi, người lính Điện Biên năm nào nheo nheo đôi mắt, cười hóm hỉnh:

- Đúng thế, để tránh địch trinh sát, phát hiện đường kéo pháo của ta, đường làm đến đâu được ta đào lỗ, chôn ống bương đến đó. Cành cây tươi được đút vào lỗ ống bương, thành thử đường cũng … xanh như rừng vậy.

Sáng hôm sau, cành cây lại được thay mới, vậy nên mặc vè vè bay lượn phía trên song máy bay trinh sát của địch cũng không thể phát hiện ra rằng, ngay phía dưới chúng, một con đường mới đang được hình thành, chuẩn bị đưa pháo vào tiêu diệt quân Pháp tại nơi mà chúng gọi là “pháo đài bất khả xâm phạm”…

Đại tá Hoàng Đăng Vinh (người được Đại tướng Võ Nguyên Giáp bắt tay) trong một lần cùng đồng đội đến thăm Đại tướng. Ảnh chụp lại

Trận đánh đầu tiên của “lính mới”

Một ngày đầu tháng 3-1954, đơn vị của Hoàng Đăng Vinh đã đào công sự vây lấn, cách cứ điểm Him Lam chừng một cây số. Trưa hôm đó, ông được Trung đội trưởng Định giao nhiệm vụ lên quả đồi cạnh đó đào công sự, cảnh giới địch, đề phòng chúng cho lực lượng ra san lấp giao thông hào. Số anh em còn lại tranh thủ nghỉ ngơi lấy lại sức.

- Đêm trước đã tham gia đào hào nên tôi vừa cảnh giới vừa buồn ngủ rũ mắt nên phải lấy nước táp vào mắt để chống chọi lại cơn buồn ngủ, ông Vinh kể.

Đang mơ màng, ông chợt nghe thấy tiếng cành cạch ngày càng rõ. Ông tức tốc chạy về báo cáo với Phó trung đội trưởng Thụ:

- Báo cáo trung đội phó, em nghe thấy tiếng gì cành cạch to lắm.

- Tiếng xe tăng địch chứ còn tiếng gì nữa, Phó trung đội trưởng Thụ hô to.

Toàn trung đội được lệnh chiến đấu. Phía dưới chân đồi, 4 chiếc xe tăng địch bắn lên, yểm trợ cho bộ binh xung phong, khiến cây trên đồi đổ rầm rầm. Lần xung phong thứ nhất, bộ binh địch bị ta bắn và ném lựu đạn quyết liệt vào đội hình, buộc phải quay lại chân đồi để củng cố đội hình. Lần xung phong thứ hai, chúng tràn lên khoảng 1/3 đồi. Khi thấy lực lượng của ta thương vong nhiều, đồng chí Thận, Tiểu đội trưởng Tiểu đội 2, lúc đó cũng đã bị thương, ra lệnh:

- Đồng chí Vinh lên báo cáo Trung đội trưởng là Tiểu đội 2 bị thương vong nhiều.

Chạy lên vị trí trung đội trưởng, Hoàng Đăng Vinh thấy anh Định đã bất tỉnh vì đầu trúng đạn. Chạy về vị trí của Trung đội phó Thụ, ông Vinh cũng thấy anh Thụ đã bị mảnh đạn xuyên qua má, máu thấm đẫm chiếc khăn bông. Một tay giữ khăn cầm máu, tay kia anh Thụ vẫn cầm chắc súng.

- Báo cáo anh Thụ, ta bị thương vong nhiều, Hoàng Đăng Vinh nói như hét.

Vì không thể nói được nữa nên đồng chí Thụ kéo chiếc sổ ra, cắn răng cố viết: “Đồng chí động viên anh em dù chỉ còn một người vẫn phải giữ trận địa”.

Nhìn dòng chữ ấy, ông thấy như có luồng xung điện chạy giần giật trong huyết quản. Ông tức tốc lao về vị trí chiến đấu, tiếp tục nã đạn về phía địch. Khi ném nốt quả lựu đạn cuối cùng, ông ngồi thụp xuống giao thông hào tránh đạn. Ngay sau đó ông thấy tiếng Phó tiểu đội trưởng Chi hô to:

- Đồng chí Vinh chú ý 2 thằng bên trái.

Ngồi bật dậy, ông đã thấy 2 tên lính Pháp lù lù ngay trước mặt. Khẩu súng trường đang trong tư thế giương lê, lợi thế trên cao, ông phóng ngay lê vào cổ tên đi trước, hắn đổ kềnh xuống, kéo ngã cả thằng đi sau.

- Đạn đâu? Lựu đạn đâu? Anh Chi hỏi to.

- Của tôi hết rồi, ông Vinh đáp lại.

- Sao không lấy của anh em đã hi sinh mà tiêu diệt địch?

Dừng kể giây lát, ông Hoàng Đăng Vinh thật thà:

- Đấy, lính mới mà, lúc đó tôi mới tự mắng sao mình … dốt thế.

Ngay sau đó, ông Vinh lấy vũ khí của đồng đội đã hy sinh, bắn kiềm chế địch. Chừng 5 phút sau, Đại đội trưởng Tạ Quốc Luật dẫn quân từ phía sau lên yểm trợ. Trước sức tiến công ồ ạt của ta, địch buộc phải tháo chạy.

Sau trận đánh “đầu đời” ấy, Hoàng Đăng Vinh được tặng thưởng Huân chương Chiến công hạng Ba…

Bài và ảnh: Phạm Hoàng Hà

Gặp lại người cùng bắt sống tướng Đờ Cát – Xtơ ri (kỳ 1)

Kỳ 3: Hai lần đối mặt với Đờ Cát

Họ và tên:
Email:
Tiêu đề:
Mã xác nhận:

Nội dung
Gõ tiếng việt :    Off   Telex   VNI   VIQR
Các tin khác