Giác Ngộ Online

Một ngôi chùa giàu chất nhân văn

Chùa Dâu là một ngôi chùa cổ có niên đại hơn 800 năm, được xây dựng từ thời nhà Trần. Chùa là nơi tụ hội của dân Ngũ Phúc thôn gồm 5 xóm: Phú, Quý, Thọ, Khang, Ninh nằm trên đất Khê Lương, Khê Tang, nên chùa còn có tên Phúc Khê Tự. Hiện đất chùa Dâu thuộc làng Thượng Phúc, xã Tả Thanh Oai, huyện Thanh Trì, Hà Nội.
 

Được xây dựng vào thời nhà Trần, Am chùa được ra đời còn sớm hơn. Tuy không cụ thể ở niên đại nào, nhưng lưu truyền một truyền thuyết: Một năm vào triều Lý Cao Tông, mưa lũ tràn đầy sông Nhuệ cuốn trôi một pho tượng gỗ Đức Ngài Pháp Vũ, dạt vào bờ Khe hạ (khu vực Chùa Dâu, Phúc Khê). Lũ trẻ chăn trâu trông thấy pho tượng phát ra ánh hào quang, lấy làm lạ, hò nhau vớt tượng lên bờ, lấy gạch đá kê cho pho tượng đứng lên ngay ngắn. Hằng ngày chúng thả trâu và chơi trò "trốn tìm" quanh pho tượng và lấy làm thích thú. Tượng linh thiêng phù trợ cho trẻ mục đồng dưới trời nắng gắt vẫn không bị nhức đầu, khát nước, uống nước lã vẫn không sao. Những năm hạn hán, dân lập đàn tế lễ cầu mưa. Ngài giúp dân làm mưa, giúp dân sản xuất nông nghiệp, tạo lập cuộc sống tốt lành. Ngày hội chùa Dâu 27- 4 âm lịch hằng năm đều có mưa, dân quanh vùng gọi là "mưa để rửa chùa và ban sự tốt lành". Nơi đây là một quần thể di tích gồm Am thờ, Chùa Dâu (có Tam bảo, Phật điện), Tam quan, Điện mẫu, vườn chùa, đặc biệt là gác chuông. Chuông chùa Dâu đánh vang vọng cả một vùng Thượng Phúc, Khê Lương, Cự Khê và Kê Tang, điểm canh cho thuyền bè qua lại và sinh hoạt của người dân. Dân trong vùng còn dựng cầu Khê Lương nối từ tả Trang Hạ với phía hữu là Khê Lương, Khê Tang rồi sang Cự Khê, Khúc Thủy. Đầu cầu, bên gốc đa có dựng hai bia đá nhân sự kiện liên quan đến cầu, đến địa danh và chùa. Trán bia chạm hình Rồng chầu mặt trời, chân bia đặt trên lưng Rùa đá đang bơi trên sóng thủy triều. Hàng chữ ghi ngang mặt bia: "Khê Thượng Kiều bi" (bia cầu Khê Thượng).

Chùa được gọi là chùa Dâu Phúc Khê để phân biệt với chùa Dâu, Bắc Ninh. Tam bảo chùa Dâu Phúc Khê không lớn bằng chùa Dâu, Bắc Ninh nhưng cũng sắp xếp đủ 5 lớp tượng Phật ở gian Thượng điện và một bàn thờ nối tiếp với gian Thiên Hương. Tam bảo Chùa Dâu Phúc Khê bầy các Tượng phật, còn gọi là Phật điện. Ở phần Thượng điện, lớp tượng trên cùng có 3 pho Tam Thế. Phật Thích Ca ngồi giữa, biểu hiện của hiện tại. Phật A-Di-Đà ngồi bên trái, biểu hiện cho quá khứ. Phật Di-Lặc ngồi bên phải biểu hiện của thế giới Vô Vi. Lớp thứ 2 có 3 pho, đáng chú ý là pho tượng A-Di- Đà tiếp dẫn chúng sinh, ngồi tư thế thiền định trên tòa sen. Lớp thứ 3 cũng có 3 pho, ở giữa là tượng Thích Ca đứng trên đài sen. Hai bên là A- Nan và Ca- Diếp, lớp này gọi là " Phật Niệm Hoa" có ý nghĩa đặc trưng của phái Thiền trong đạo Phật.

Những pho tượng trong Chùa làm bằng chất liệu gỗ,đồng, đất đều sơn son thếp vàng, mang đậm phong cách dân gian thể hiện tài khéo léo của các nghệ nhân xưa. Tất cả toát lên một thế giới thiền định, nêu rõ tính chủ đạo của chùa đề cao công đức, uy linh của đạo phật. Các tượng đều rút ngắn chiều cao, nhấn mạnh đặc điểm, chủ đề của nhân vật tượng, Tượng Thích Ca niệm hoa, tay "Vô úy phật" được kéo dài gần hết đài sen, làm rõ sức thuyết pháp, yểm triệt tà ma. Các đầu tượng phật phán quan đều to, đề cao phần trí và tâm, thân tượng nở nang, y phục đơn giản, toát phong thái khai mở tâm đức. Tượng A-Di-Đà tọa sen đường bệ, gợi tỏa nguồn sáng "Tân-Trí-Đức" bất tận.

Phát huy truyền thống đề cao cái Đức, cái Tâm, Sư thầy Thích Diệu Thu chủ trì Chùa Dâu Phúc Khê có nguyện vọng muốn đứng lên quyên góp, kêu gọi các nhà hảo tâm, con nhang đệ tử thập phương, góp công, góp sức cùng nhà chùa xây dựng một tượng đài liệt sĩ ngay trong khuôn viên chùa để ngày đêm hương khói, thỉnh chuông, cầu siêu vong hồn các liệt sĩ đã bỏ mình vì dân, vì nước. Âu đó cũng là đạo lí giầu chất nhân văn "uống nước nhớ nguồn", nét đẹp văn hóa của người Hà Nội cũng là việc làm cụ thể tiến tới kỉ niệm 1000 năm Thăng Long-Hà Nội.

Lê Sĩ Tứ (Người Cao Tuổi)




© 2008-2017  Bản quyền thuộc về Báo Giác Ngộ