An Giang
An Giang | ||||
---|---|---|---|---|
Tỉnh | ||||
Biểu trưng |
||||
Đền thờ Chủ tịch Tôn Đức Thắng ở xã Mỹ Hòa Hưng |
||||
Địa lý | ||||
Tọa độ: 10°22′52″B 105°25′12″Đ / 10,381116°B 105,419884°ĐTọa độ: 10°22′52″B 105°25′12″Đ / 10,381116°B 105,419884°Đ | ||||
Diện tích | 3.536,7 km²[1] | |||
Dân số (2011) | ||||
Tổng cộng | 2.151.000 người[1] | |||
Mật độ | 608 người/km²[1] | |||
Dân tộc | Việt, Khmer, Hoa, Chăm | |||
|
||||
Hành chính | ||||
Quốc gia | Việt Nam | |||
Vùng | Đồng bằng sông Cửu Long | |||
Tỉnh lỵ | Thành phố Long Xuyên | |||
Chủ tịch UBND | Vương Bình Thạnh | |||
Chủ tịch HĐND | Phan Văn Sáu | |||
Bí thư Tỉnh ủy | Phan Văn Sáu | |||
Phân chia hành chính | 2 thành phố 1 thị xã, 8 huyện |
|||
Mã hành chính | VN-44 | |||
Mã bưu chính | 88xxxx | |||
Mã điện thoại | 76 | |||
Biển số xe | 67 | |||
Web | http://www.angiang.gov.vn/ |
An Giang là tỉnh có dân số đông nhất đồng bằng sông Cửu Long, thuộc miền Nam Việt Nam. Một phần của An Giang nằm trong tứ giác Long Xuyên. Đây là tỉnh có dân số đông nhất khu vực đồng bằng sông Cửu Long, tuy nhiên diện tích đứng thứ 4 trong khu vực đồng bằng sông Cửu Long về diện tích sau tỉnh Kiên Giang, tỉnh Cà Mau và tỉnh Long An. Tháng 7/2013, An Giang là tỉnh đầu tiên ở Đồng bằng sông Cửu Long có 2 thành phố trực thuộc tỉnh (Long Xuyên và Châu Đốc)
Thành phố Long Xuyên nằm bên bờ sông Hậu, có truyền thống văn hóa đặc sắc của một thành phố miền Tây với chợ nổi trên sông và nhiều di tích thắng cảnh khác. Thành phố Châu Đốc là thành phố biên giới xinh đẹp, nổi tiếng với cụm di tích và thắng cảnh ở núi Sam.
Mục lục
Vị trí địa lý[sửa]
An Giang thuộc vùng đồng bằng sông Cửu Long với diện tích 3536.7 km², phía đông và phía bắc giáp tỉnh Đồng Tháp gần 107,628 km² đứng thứ 4 trong khu vực đồng bằng sông cửu long về diện tích sau tỉnh Kiên Giang, tỉnh Cà Mau và tỉnh Long An, phía tây Bắc giáp Campuchia với đường biên giới dài gần 100 km², phía nam và Tây Nam giáp tỉnh Kiên Giang đường biên giới khoảng 69,789 phía đông nam giáp thành phố Cần Thơ chiều dài đường biên giới gần 44,734 km²[2].
Với vị trí đó An Giang nằm trong vùng khí hậu nhiệt đới gió mùa, trong năm có 2 mùa rõ rệt gồm mùa mưa và mùa khô. Nhiệt độ trung bình hàng năm khoảng 270C, lượng mưa trung bình năm khoảng 1.130 mm. Độ ẩm trung bình 75 – 80%, khí hậu cơ bản thuận lợi cho phát triển nông nghiệp[2].
Dân cư[sửa]
Tính đến năm 2011, dân số toàn tỉnh là 2.151.000 người, mật độ dân số 608 người/km².[3] Đây là tỉnh có dân số đông nhất khu vực đồng bằng sông Cửu Long.
Toàn tỉnh có 24.011 hộ dân tộc thiểu số, với 114.632 người, chiếm 5,17% tổng dân số toàn tỉnh [3]
- Dân tộc Khmer có 18.512 hộ, 86.592 người, chiếm tỷ lệ 75,54% so tổng số người dân tộc thiểu số và chiếm 3,9% so tổng dân số toàn tỉnh; trong đó có 16.838 hộ với dân số khoảng 80.000 người (chiếm gần 92% tổng số dân tộc Khmer toàn tỉnh) sống tập trung ở 2 huyện miền núi: Tri Tôn và Tịnh Biên, số còn lại sống rải rác ở các huyện: Châu Phú, Châu Thành, Thoại Sơn. Hầu hết đồng bào dân tộc Khmer theo Phật giáo Nam tông, có mối quan hệ rộng rãi với đồng bào dân tộc Khmer các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long và người Khmer ở Campuchia. Nguồn thu nhập chủ yếu của đồng bào Khmer từ trồng trọt, chăn nuôi gia đình và làm thuê mướn theo thời vụ.
- Dân tộc Chăm có 2.660 hộ, 13.722 người, chiếm tỷ lệ gần 12% so tổng số người dân tộc thiểu số và chiếm 0,62% so tổng dân số toàn tỉnh, sống tập trung khá đông ở huyện An Phú và thị xã Tân Châu, số còn lại sống rải rác ở các huyện: Phú Tân, Châu Phú và Châu Thành. Hầu hết đồng bào Chăm theo đạo Hồi, có mối quan hệ với tín đồ Hồi giáo các nước Ả Rập, Malaysia, Indonesia, Campuchia. Nguồn thu nhập chính bằng nghề chài lưới, buôn bán nhỏ và dệt thủ công truyền thống.
- Dân tộc Hoa có 2.839 hộ, 14.318 người, chiếm tỷ lệ 12,50% so tổng số người dân tộc thiểu số và chiếm 0,65% tổng dân số toàn tỉnh. Đại bộ phận sống ở thành phố, thị xã, thị trấn, thị tứ, có mối quan hệ chặt chẽ với người Hoa trong vùng và nhiều nước trên thế giới. Đồng bào người Hoa phần lớn theo Phật giáo Đại thừa, đạo Khổng và tín ngưỡng dân gian. Một bộ phận lớn kinh doanh thương mại, sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, có cuộc sống ổn định, thu nhập khá hơn so với các dân tộc khác.
Lịch sử[sửa]
Thời chúa Nguyễn và nhà Nguyễn[sửa]
Theo Đại Nam nhất thống chí của Quốc sử quán nhà Nguyễn thì, đất An Giang xưa là đất Tầm Phong Long nước Chân Lạp (vùng đất nằm giữa sông Tiền và sông Hậu). Đến năm 1757 (Đinh Sửu), quốc vương Chân Lạp là Nặc Tôn dâng đất này cho chúa Nguyễn. Chúa Nguyễn đặt tên thành đạo Châu Đốc. Từ thời thuộc Chân Lạp cho đến tận đầu nhà Nguyễn, đât An Giang còn hoang hóa, rất ít dân cư. Những năm đầu thời vua Gia Long, nhà Nguyễn mới tổ chức mộ dân đến khai hoang định cư, và gọi là Châu Đốc Tân Cương thuộc trấn Vĩnh Thanh (1 trong 5 trấn của thành Gia Định). Năm Minh Mạng thứ 13 (1832), Minh Mạng cho lấy đất Châu Đốc Tân Cương hợp thêm với huyện Vĩnh An tỉnh Vĩnh Long (tức Vĩnh Trấn) để thành tỉnh An Giang (chữ Hán: 安江), đồng thời chia thành 2 phủ (với 4 huyện): phủ Tuy Biên (gồm 2 huyện: Tây Xuyên, Phong Phú), phủ Tân Thành (gồm 2 huyện: Đông Xuyên và Vĩnh An). Cùng lúc, đặt ra chức An-Hà tổng đốc thống lĩnh cả hai tỉnh An Giang và Hà Tiên, lỵ sở đặt tại tỉnh thành Châu Đốc của tỉnh An Giang.
Tháng 4 âm năm 1824, Nặc Ông Chân (Ang Chan II), hiến tặng nhà Nguyễn thông qua Nguyễn Văn Thoại (để trả ơn Thoại), 3 vùng Chân Sum (còn gọi là Chân Thành hay Chân Chiêm, nằm giữa Giang Thành và Châu Đốc), Mật Luật (Ngọc Luật, cũng nằm giữa Giang Thành và Châu Đốc), Lợi Kha Bát (Prey Kabbas tỉnh Takeo). Nhà Nguyễn chỉ lấy 2 đất Chân Sum và Mật Luật (Mật Luật sau thành đất huyện Tây Xuyên). Chân Sum sau được phân vào hai huyện Hà Âm và Hà Dương từng thuộc phủ Tĩnh Biên tỉnh Hà Tiên, trước khi chia về cho tỉnh An Giang.
Năm 1833, tỉnh An Giang bị quân Lê Văn Khôi nổi dậy chiếm đóng, nhà Nguyễn phải điều binh đánh dẹp, cuối cùng án sát An Giang là Bùi Văn Lý lấy lại được tỉnh thành (Châu Đốc) từ tay quân của Khôi. Năm 1833-1834, quân đội nước Xiêm La, theo cầu viện của Khôi, tiến vào An Giang theo đường sông Cửu Long đánh nhà Nguyễn, bị quân nhà Nguyễn do Trương Minh Giảng, Nguyễn Xuân đánh bại trên sông Vàm Nao.
Năm Minh Mạng thứ 16 (1835), nhà Nguyễn lấy thêm đất Ba Thắc (Bassac, thuộc Cao Miên) sáp nhập vào An Giang và lập thành phủ Ba Xuyên. Đất Ba Thắc cũ chia thành 2 huyện Phong Nhiêu và Phong Thịnh. Đồng thời nhập thêm huyện Vĩnh Định của tỉnh Vĩnh Long vào phủ Ba Xuyên, khiến phủ Ba Xuyên có 3 huyện: Phong Nhiêu, Phong Thịnh và Vĩnh Định.
Năm Minh Mạng 20 (1839), nhà Nguyễn đặt thêm huyện An Xuyên (tách từ phần đất huyện Vĩnh An ra) lệ thuộc vào phủ Tân Thành. Cùng năm này, nhà Nguyễn còn cắt đất huyện Chân Thành phủ Chân Chiêm thuộc Trấn Tây Thành (xứ Cao Miên do nhà Nguyễn bảo hộ) hợp với phần đất cắt từ huyện Tây Xuyên để lập hai huyện Hà Dương (ở bờ Nam sông Vĩnh Tế) và Hà Âm (ở bờ Bắc sông Vĩnh Tế) của tỉnh Hà Tiên (sau chuyển sang tỉnh An Giang), nhập thêm thổ huyện Ô Môn (tên gọi cũ của vùng đất thuộc Cao Miên (Trấn Tây Thành) có nhiều người Khmer sinh sống) vào thành huyện Phong Phú, thổ huyện Mật Luật (Ngọc Luật) của Trấn Tây Thành vào huyện Tây Xuyên.
Năm Thiệu Trị thứ 2 (1842), Thiệu Trị trích phủ Tĩnh Biên cùng huyện Hà Dương của tỉnh Hà Tiên, sáp nhập vào An Giang. Năm 1844, trích thêm huyện Hà Âm của tỉnh Hà Tiên nhập vào phủ Tĩnh Biên, lúc này phủ Tĩnh Biên gồm các huyện Hà Âm, Hà Dương. Năm Tự Đức thứ 3 (1850), nhà Nguyễn bỏ phủ Tĩnh Biên, cho nhập 2 huyện Hà Âm và Hà Dương vào phủ Tuy Biên. Vào thời vua Tự Đức tỉnh An Giang gồm có 3 phủ với 10 huyện: Hà Âm, Hà Dương, Phong Phú, Tây Xuyên, Đông Xuyên, Vĩnh An, An Xuyên, Phong Nhiêu, Phong Thịnh, Vĩnh Định.[4]
Phủ Tuy Biên (绥边):
- Huyện Hà Âm, trước là đất huyện Châu Thành nước Cao Miên, gồm 2 tổng với 40 làng xã, phía tây giáp huyện Hà Châu tỉnh Hà Tiên, phía nam giáp huyện Hà Dương, phía đông giáp huyện Tây Xuyên, phía bắc giáp nước Cao Miên. Theo Đại Nam nhất thống chí: huyện Hà Âm nằm bên trái (tả, tức bờ phía tây bắc) sông Vĩnh Tế[5][6]. Như vậy, vào thời này, vùng đất huyện Hà Âm thuộc phần đất giáp biên giới của Campuchia với Việt Nam, tức là phần đất huyện Kiri Vong, và có thể cả phần đất các huyện Kaoh Andaet, Bourei Cholsar thuộc tỉnh Takeo Campuchia.
- Huyện Hà Dương (河陽), nguyên là đất huyện Chân Thành nước Cao Miên, gồm 4 tổng với 40 làng xã, phía tây giáp huyện Hà Châu tỉnh Hà Tiên, phía nam giáp huyện Kiên Giang tỉnh Hà Tiên, phía đông giáp huyện Tây Xuyên, phía bắc giáp huyện Hà Âm. Đất huyện Hà Dương vào thời nay thuộc các huyện Châu Thành, Thoại Sơn và Tri Tôn của tỉnh An Giang.
- Huyện Phong Phú (豐富) từng là đất huyện Vĩnh Định và đất thổ huyện Ô Môn (của Cao Miên), gồm 3 tổng với 31 làng xã, phía tây giáp huyện Kiên Giang tỉnh Hà Tiên, phía nam giáp huyện Vĩnh Định (phủ Ba Xuyên), phía bắc giáp 2 huyên Tây Xuyên và An Xuyên (phủ Tân Thành). Đất huyện Phong Phú nay có thể là đất thuộc các quận huyện Thốt Nốt, Ô Môn,... của thành phố Cần Thơ. Đại Nam nhất thống chí chép: "Sông Cần Thơ ở bờ Tây sông Hậu Giang, cách huyện Phong Phú 3 dặm về phía đông,..., bờ phía tây là thủ sở đạo Trấn Giang cũ,..."[7]
- Huyện Tây Xuyên (西川) nguyên là đất đạo Châu Đốc cùng huyện Vĩnh Định và thổ huyện Mật Luật (của Cao Miên), nằm ở bờ Tây sông Hậu Giang, gồm 3 tổng (Châu Phú, Định Thành, Định Phước[8]) với 38 làng xã, phía tây giáp huyện Hà Dương, phía nam giáp huyện Long Xuyên tỉnh Hà Tiên, phía đông và phía bắc giáp huyện Đông Xuyên (phủ Tân Thành). Đất huyện Tây Xuyên nay có thể là đất thuộc các huyện thị Châu Đốc, Châu Phú, Châu Thành, thành phố Long Xuyên,... của tỉnh An Giang.
Phủ Tân Thành (新成):
- Huyện Đông Xuyên nguyên là đất huyện Vĩnh Định (gồm đạo Tân Châu) nằm ở phía đông sông Hậu Giang (giữa sông Tiền và sông Hậu), gồm 4 tổng với 33 làng xã, phía tây và phía nam giáp huyện Tây Xuyên, phía đông giáp các huyện Kiến Đăng, (Kiến Phong) tỉnh Định Tường, phía bắc giáp nước Cao Miên. Đất huyện Đông Xuyên nay có thể là thuôc đất các huyện thị Tân Châu, An Phú, Phú Tân,... của tỉnh An Giang.
- Huyện Vĩnh An (永安) gồm 4 tổng với 36 làng xã, phía tây giáp huyện Phong Phú, phía nam và phía đông giáp huyện An Xuyên, phía bắc giáp huyện Kiến Phong tỉnh Định Tường. Đất huyện Vĩnh An có thể nay là đất thuộc huyện Chợ Mới và một số huyện phía nam tỉnh Đồng Tháp (nằm giữa sông Tiền và sông Hậu) là: Lấp Vò, Lai Vung, thị xã Sa Đéc (đạo Đông Khẩu). Theo Đại Nam nhất thống chí thì đạo Đông Khẩu ở bờ Nam sông Sa Đéc thuộc địa phận huyện Vĩnh An.[9]
- Huyện An Xuyên (安川) gồm 3 tổng với 25 làng xã, phía tây giáp huyện Phong Phú, phía nam giáp huyện Vĩnh Định, phía đông giáp tỉnh Vĩnh Long, phía bắc giáp tỉnh Định Tường. Đất huyện An Xuyên có thể nay thuộc các huyện thị phía nam tỉnh Đồng Tháp (nằm giữa sông Tiền và sông Hậu) là: Lấp Vò, Lai Vung,Châu Thành,... và có thể là cả đất huyện Bình Minh tỉnh Vĩnh Long ngày nay.
Phủ Ba Xuyên (巴川):
- Huyện Vĩnh Định (永定) nguyên trước là huyện Vĩnh Định tỉnh Vĩnh Long nhà Nguyễn sau cắt sang An Giang, gồm 4 tổng (Định Thới, Định An, Định Khánh[8], và Trấn Giang (tức Cần Thơ)) với 19 làng xã, phía tây giáp huyện Phong Nhiêu, phía nam giáp huyện Phong Thịnh, phía đông và phía bắc giáp tỉnh Vĩnh Long nhà Nguyễn. Đất huyện Vĩnh Định nay có thể là vùng đất giáp bờ sông Hậu Giang thuộc các tỉnh Hậu Giang (chủ yếu), Sóc Trăng (một phần).
- Huyện Phong Nhiêu (豐饒), gồm 3 tổng với 17 làng xã, phía tây giáp huyện Kiên Giang tỉnh Hà Tiên, phía nam giáp biển Đông, phía đông và phía bắc giáp huyện Vĩnh Định. Nay đất huyện Phong Nhiêu có thể thuộc phần phía tây 2 tỉnh Hậu Giang và Sóc Trăng, cùng phần phía đông hay toàn bộ tỉnh Bạc Liêu.
- Huyện Phong Thịnh (豐盛), đến năm Tự Đức thứ 3 (1850) bị nhập vào cùng huyện Vĩnh Định với sự kiêm quản của phủ lỵ nên bị xóa tên. Toàn bộ đất huyện Phong Thịnh có thể là nằm trọn vẹn trong địa bàn tỉnh Sóc Trăng ngày nay.
Các tổng đốc An Giang-Hà Tiên của nhà Nguyễn:
|
|
Các Tuần phủ (tỉnh trưởng) An Giang nhà Nguyễn
|
|
Thời Pháp thuộc[sửa]
Thời Pháp thuộc (1867-1945) tỉnh An Giang của nhà Nguyễn được chia thành các tỉnh là: tỉnh Châu Đốc, Long Xuyên (gồm đất phủ Tịnh Biên và phủ Tuy Biên cũ), tỉnh Cần Thơ, Sa Đéc (gồm đất phủ Tân Thành cũ), tỉnh Sóc Trăng (gồm đất phủ Ba Xuyên cũ). Cuối thế kỷ 19, thời Pháp thuộc, đất tỉnh An Giang ngày nay (thuộc Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam) là phần đất thuộc 2 tỉnh Châu Đốc và tỉnh Long Xuyên.
Tỉnh An Giang - Việt Nam[sửa]
Năm 1955, tỉnh Châu Đốc có 5 quận gồm Châu Phú, Tân Châu, Tri Tôn, Tịnh Biên, Hồng Ngự trong đó tất cả 70 xã. Tỉnh Long Xuyên có 5 quận gồm Châu Thành, Chợ Mới, Núi Sập, Thốt Nốt, Lấp Vò, với tổng cộng 47 xã. Ngày 22 tháng 10 năm 1956, Tổng thống Ngô Đình Diệm ký Sắc lệnh 143/VN tuyên bố địa phận Việt Nam Cộng Hoà gồm Đô thành Sài Gòn và 22 tỉnh. Theo đó tỉnh Châu Đốc và tỉnh Long Xuyên được sáp nhập thành tỉnh An Giang, tỉnh lỵ đặt tại Long Xuyên.
Tỉnh An Giang lúc này gồm 8 quận là Châu Thành, Châu Phú, Chợ Mới, Tân Châu, Thốt Nốt, Tịnh Biên, Tri Tôn, Núi Sập. Ngày 06 tháng 08 năm 1957, tách 13 xã của quận Châu Phú để thành lập quận mới An Phú. Ngày 08 tháng 09 năm 1964, chính phủ mới của Việt Nam Cộng Hoà ký Sắc lệnh 246/NV, tách tỉnh An Giang thành hai tỉnh Châu Đốc và An Giang. Tỉnh An Giang mới tức phần đất của tỉnh Long Xuyên trước đó.
Năm 1954, chính quyền Cách mạng cũng lập lại hai tỉnh Long Xuyên và Châu Đốc. Tỉnh Long Xuyên gồm các quận là Châu Thành, Chợ Mới, Lấp Vò, Thốt Nốt, Phong Thạnh Thượng. Tỉnh Châu Đốc gồm các quận là Tân Châu, Hồng Ngự, Tri Tôn, Tịnh Biên, Châu Phú. Năm 1957, hợp nhất hai tỉnh này thành tỉnh An Giang, gồm 9 quận: Chợ Mới, Thốt Nốt, Núi Sập, Châu Thành, Châu Phú, An Phú, Tân Châu, Tịnh Biên, Tri Tôn. Trả Hồng Ngự về tỉnh Kiến Phong và Lấp Vò về tỉnh Sa Đéc. Năm 1963, giao Thốt Nốt về tỉnh Cần Thơ và nhận Hà Tiên từ tỉnh Kiên Giang. Tháng 8/1971, tỉnh An Giang lại chia thành hai tỉnh là An Giang và Châu Hà.
Năm 1974, phía Cách mạng lại phân chia địa bàn các tỉnh An Giang, Châu Hà và Kiến Phong thành hai tỉnh mới là Long Châu Tiền và Long Châu Hà.
An Giang sau năm 1975[sửa]
Sau sự kiện ngày 30 tháng 04 năm 1975, Việt Nam thống nhất. Ngày 20 tháng 12 năm 1975, Bộ Chính trị Cộng sản Việt Nam ra Nghị quyết số 19/NQ - TW thành lập tỉnh An Giang trên cơ sở hai tỉnh Long Xuyên và Châu Đốc thời Việt Nam Cộng Hoà, trừ huyện Thốt Nốt. Năm 1976, tỉnh An Giang chính thức có 8 huyện là là Châu Thành, Huệ Đức, Chợ Mới, Phú Tân, Châu Phú, Phú Châu, Tri Tôn, Tịnh Biên cùng với hai thị xã là Long Xuyên và Châu Đốc.
Năm 1977, huyện Huệ Đức và Châu Thành hợp nhất thành huyện Châu Thành, huyện Tri Tôn và Tịnh Biên cũng hợp nhất thành huyện Bảy Núi. Năm 1979, huyện Bảy Núi tách thành huyện Tri Tôn và huyện Tịnh Biên, đồng thời tách một phần của huyện Châu Thành để thành lập huyện Thoại Sơn. Tỉnh An Giang lúc này có 8 huyện và 2 thị xã. Năm 1991, huyện Phú Châu tách thành hai huyện Tân Châu và An Phú.
Ngày 12 tháng 11 năm 1994, Thủ tướng Chính phủ ra Quyết định số 669/TTg về việc xác định ranh giới giữa hai tỉnh An Giang và Kiên Giang. Năm 1996, hoàn tất việc xác định ranh giới giữa tỉnh An Giang và các tỉnh lân cận. Ngày 1 tháng 3 năm 1999, thị xã Long Xuyên được nâng cấp thành thành phố Long Xuyên. Ngày 24 tháng 8 năm 2009, thành phố Long Xuyên được công nhận là đô thị loại 2, huyện Tân Châu được nâng cấp thành thị xã Tân Châu. Ngày 19 tháng 7 năm 2013, thị xã Châu Đốc được công nhận là thành phố Châu Đốc. Tỉnh An Giang có 11 đơn vị hành chính trực thuộc, trong đó có 2 thành phố, 1 thị xã và 8 huyện với tổng cộng 156 đơn vị cơ sở, trong đó có 23 phường, 16 thị trấn và 117 xã.
Các đơn vị hành chính[sửa]
Tỉnh An Giang có 11 đơn vị hành chính trực thuộc gồm 02 thành phố[16], 01 thị xã và 08 huyện trong đó bao gồm 156 đơn vị hành chính cấp xã:
Danh sách các đơn vị hành chính trực thuộc tỉnh An Giang | ||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||||
---|---|---|---|---|---|---|---|---|---|---|---|---|---|---|---|---|---|---|---|---|---|---|---|---|---|---|---|---|---|---|---|---|---|---|---|---|---|---|---|---|---|---|---|---|---|---|---|---|---|---|
|
|
Tài nguyên thiên nhiên[sửa]
An Giang có 37 loại đất khác nhau, hình thành 6 nhóm đất chính, trong đó chủ yếu là nhóm đất phù sa trên 151.600 ha, chiếm 44,5%. phần lớn đất đai điều màu mỡ vì 72% diện tích là đất phù sa hoặc có phù sa, địa hình bằng phẳng, thích nghi đối với nhiều loại cây trồng.
Trên địa bàng toàn tỉnh có trên 583 ha rừng tự nhiên thuộc loại rừng ẩm nhiệt đới, đa số là cây lá rộng, với 154 loài cây quý hiếm thuộc 54 họ, ngoài ra còn có 3.800 ha rừng tràm. Sau một thời gian diện tích rừng bị thu hẹp, những năm gần đây tỉnh đã chú ý nhiều tới việc gây lại vốn rừng. Động vật rừng An Giang cũng khá phong phú và có nhiều loại quí hiếm.
Ngoài ra, An Giang còn có tài nguyên khoáng sản khá phong phú, với trữ lượng khá đá granít trên 7 tỷ m3, đá cát kết 400 triệu m3, cao lanh 2,5 triệu tấn, than bùn 16,4 triệu tấn, vỏ sò 30 – 40 triệu m3, và còn có các loại puzolan, fenspat, bentonite, cát sỏi,…
Với những thế mạnh về đất đai và khí hậu An Giang được xem là tỉnh có tiềm năng du lịch. Du lịch của tỉnh tập trung vào các lĩnh vực văn hoá, du lịch sinh thái, du lịch vui chơi giải trí và du lịch nghỉ dưỡng. Tài nguyên khoáng sản cũng là lợi thế của tỉnh An Giang so với các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long khác, nguồn đá, cát, đất sét là nguyên liệu quý của ngành công nghiệp sản xuất vật liệu xây dựng, đáp ứng nhu cầu rất lớn của vùng đồng bằng sông Cửu Long về vật liệu xây dựng[2].
Danh nhân[sửa]
Liệt kê một số người nổi bật:
Chính trị[sửa]
- Cố Chủ tịch nước CHXHCNVN Tôn Đức Thắng (Tỉnh Long Xuyên).
- Cố thủ tướng Việt Nam Cộng Hòa Nguyễn Ngọc Thơ (Long Xuyên).
- Cố Bộ trưởng Bộ y tế Nguyễn Văn Hưởng (Chợ Mới).
- Cố Bộ trưởng Bộ ngoại giao Ung Văn Khiêm (Chợ Mới).
- Nguyên Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Văn Giàu (Chợ Mới).
- Lãnh tụ phong trào chống Pháp Trần Văn Thành (Phú Tân)
- Nguyễn Hoàng Việt - Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Trưởng Ban Tổ chức Trung ương
Nông nghiệp[sửa]
Văn học - Nghệ thuật[sửa]
|
|
Giáo dục[sửa]
- Nhà giáo Trần Hữu Thường (Tân Châu).
- GS. TS. NGND. Võ Tòng Xuân (Tri Tôn).
Tôn giáo[sửa]
Quân sự[sửa]
- Tướng nhà Nguyễn Nguyễn Văn Nhơn (Vĩnh An, An Giang xưa).
- Tướng nhà Nguyễn Thư Ngọc Hầu (Chợ Mới).
- Người cộng tác với Pháp Trần Bá Lộc (Chợ Mới).
Danh lam thắng cảnh - Du lịch[sửa]
An Giang có một số thắng cảnh tiêu biểu như:
- Châu Đốc: nổi tiếng với Lễ hội vía Bà Chúa xứ, núi Sam. Khu du lịch núi Sam có nhiều di tích lịch sử, tôn giáo quan trọng như: Lăng Thoại Ngọc Hầu, chùa Tây An, Chùa Phước Điền... Ngoài ra còn có các làng Chăm ven sông Hậu, làng bè Châu Đốc...
- Thất Sơn: gồm 7 ngọn núi thuộc 2 huyện Tịnh Biên & Tri Tôn. Chùa Phật Lớn trên núi Cấm có tượng Phật Di Lặc được sách kỷ lục Việt Nam công nhận lớn nhất cả nước.
- Rừng tràm Trà Sư là điểm du lịch sinh thái rộng trên 700 ha, nằm giữa lòng tứ giác Long Xuyên, thuộc xã Văn Giáo, huyện Tịnh Biên.
- Hồ Thoại Sơn là một trong những hồ đẹp cách thành phố Long Xuyên 29 km theo đường tỉnh lộ 943.
- Búng Bình Thiên (còn gọi là Hồ nước trời) là một hồ nước ngọt đặc biệt tại huyện An Phú, quanh năm xanh ngát cho dù xung quanh các kênh rạch bị vẩn đục phù sa.
- Cù lao Giêng (Chợ Mới) nằm giữa sông Tiền với nhiều công trình kiến trúc tôn giáo đặc sắc.
- Khu lưu niệm chủ tịch Tôn Đức Thắng đã được xếp hạng là di tích quốc gia đặc biệt, v.v...
Một số hình ảnh[sửa]
-
Kênh Vĩnh Tế đoạn chạy qua Châu Đốc
-
Thu hoạch lúa dưới chân Núi Cấm
-
Vòng xoay trung tâm thành phố Long Xuyên
-
Phà An Hòa trên sông Hậu
-
Chợ nổi Long Xuyên
-
Trường PTTH chuyên Thoại Ngọc Hầu
Xem thêm[sửa]
Chú giải[sửa]
- ^ a b c “Diện tích, dân số và mật độ dân số năm 2011 phân theo địa phương”. Tổng cục Thống kê Việt Nam. Truy cập 30 tháng 9 năm 2012.
- ^ a b c Giới thiệu khái quát về Tỉnh An Giang, Theo trang Chí Phủ.
- ^ a b “Kế hoạch Phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc Khmer tỉnh An Giang đến năm 2010 ban hành Quyết định số 1987/QĐ-UBND ngày 03 tháng 9 năm 2009 của UBND tỉnh An Giang”. www.chinhphu.vn.
- ^ Đại Nam nhất thống chí, quyển 30, tỉnh An Giang, trang 151-191.
- ^ Đại Nam nhất thống chí, quyển hạ, bản dịch của Tu Trai Nguyễn Tạo lưu tại nhà sách Sông Hương, trang 40.
- ^ Đại Nam thực lục, chính biên, đệ nhị kỷ, quyển CCVII, Thực lục về Thánh tổ Nhân hoàng đế, tập 5, trang 617.
- ^ Đại Nam nhất thống chí, quyển 30, trang 173.
- ^ a b Lịch sử khẩn hoang Miền Nam, Sơn Nam, trang 22 bản pdf.
- ^ Đại Nam nhất thống chí, quyển 30, trang 178.
- ^ Đại Nam thực lục, tập 5, trang 299.
- ^ Đại Nam thực lục, tập 5, trang 785.
- ^ Đại Nam thực lục, chính biên, đệ tam kỷ, quyển 50, trang 765.
- ^ Đại Nam thực lục, chính biên, đệ tam kỷ, quyển 66, trang 992.
- ^ Đại Nam thực lục, Chính biên, đệ tứ kỷ, quyển 21, tập 7, trang 625.
- ^ Đại Nam thực lục, Chính biên, đệ tứ kỷ, quyển 24, tập 7, trang 708-720.
- ^ http://www.chinhphu.vn/portal/page/portal/chinhphu/hethongvanban?class_id=509&_page=1&mode=detail&document_id=168745.
|tựa đề=
trống hay bị thiếu (trợ giúp) - ^ Theo số liệu do Cục Thống kê tỉnh An Giang cung cấp ngày 5 tháng 7 năm 2001.
- ^ “Nghị quyết 86/NQ-CP năm 2013”. Truy cập ngày 21 tháng 7 năm 2013.
- ^ a b Dân số trung bình trên địa bàn thị xã Tân Châu, Cổng thông tin điện tử Thị Xã Tân Châu.
- ^ Theo thông tin thống kê dân số Huyện An Phú năm 2008
- ^ Theo thông tin thống kê dân số huyện Châu Phú năm 2006
- ^ a b Tổng quan về Huyện Châu Thành, Cổng thông tin điện tử Huyện Châu Thành.
- ^ a b Dân số Huyện Chợ Mới năm 2007, Cổng thông tin điện tử tỉnh An Giang.
- ^ a b Điều kiện tự nhiên huyện Phú Tân, Cổng thông tin điện tử huyện Phú Tân.
- ^ a b Diện tích và dân số Huyện Thoại Sơn tính đến năm 2004
- ^ a b Diện tích và dân số huyện Tịnh Biên tính đến 2007, Theo Cổng thông tin điện tử Huyện Tịnh Biên.
- ^ Dân số huyện Tri Tôn tính đến năm 2008, Cổng thông tin điện tử huyện Tri Tôn.
Wikimedia Commons có thêm thể loại hình ảnh và tài liệu về An Giang |
|
|