Tim hieu dao phat

Trang chủ Văn hóa Chùa Việt Nam Chùa Báo Ân (Gia Lâm - Hà Nội)

Chùa Báo Ân (Gia Lâm - Hà Nội)

Chùa Báo Ân là tên gọi một di tích toạ lạc trên một dải đất cao nằm ven dòng sông Thiên Đức cổ thuộc địa bàn thôn Quang Trung, xã Dương Quang, Gia Lâm, Hà Nội.

Theo truyền thuyết, chùa được xây dựng từ thời Lý gắn liền với sự tích người con gái hương Thổ Lỗi nên duyên cùng vua Lý Thánh Tông, sau này trở thành Linh Nhân Hoàng Thái Hậu. Sau sự biến bức tử Dương Thái Hậu cùng 76 cung nữ (1073), Hoàng Thái Hậu hối lại “dựng chùa thờ Phật, trước sau hơn trăm sở… để sám hối và sửa oan”, trong đó có chùa Báo Ân trên quê hương Bà. Hương Thổ Lỗi năm 1068 đổi thành hương Siêu Loại, do đó chùa còn có tên gọi là chùa Siêu Loại(1).

image

Nằm ở vị trí thuận lợi về giao thông đường thuỷ, cách kinh thành Thăng Long không xa, trên một vùng đất thấm đậm tinh thần Phật giáo, được sự quan tâm của Hoàng tộc, chùa Báo Ân dần vươn lên thành một trung tâm Phật giáo nổi tiếng trong vùng.

Tài liệu lịch sử, nguồn dã sử địa phương cùng tài liệu thực địa đã cung cấp nhiều tư liệu để dõi tìm về quá khứ của ngôi chùa xưa một thời vang bóng ven dòng sông Thiên Đức.

Theo tài liệu thực địa, sông Thiên Đức xưa tách nguồn từ sông Hồng nơi ngã ba Dâu (xã Thượng Cát – Gia Lâm) cách kinh đô Thăng Long không xa, dòng sông uốn mình chảy qua địa bàn các xã Đặng Xá (thôn Lời, thôn Lở), Phú Thuỵ, Dương Quang, xuôi xuống sông Như Quỳnh (sông Nghĩa Trụ) hoà nhập cùng sông Dâu. Đoạn sông này còn có tên là sông Bất Nghĩa. Truyền thuyết trong vùng kể rằng, vào thời nhà Trần có công chúa đi thuyền từ kinh đô Thăng Long về chùa Báo Ân đến đoạn sông này do sóng to gió cả thuyền bị lật, công chúa chết đuối, vua giận quá gọi đoạn sông này là sông Bất Nghĩa.

Sông Dâu, theo tài liệu gần đây và dựa vào dấu tích còn lại cho thấy, sau những khúc chảy qua thành Luy Lâu và địa bàn các xã thuộc huyện Thuận Thành, đã hoà nhập cùng sông Bất Nghĩa tạo nên ngã ba sông rộng lớn, dòng chảy xuôi về Lục Đầu, ngược thông cùng sông Thiên Đức nối về Thăng Long. Con đường thuỷ này đến đầu thế kỉ XIX vẫn nhộn nhịp thuyền bè qua lại:

Lênh đênh ba bốn thuyền kề

Chiếc về Hà Nội, chiếc về sông Dâu(2)

Được xây dựng trên địa thế cao thoáng, nằm ở vị trí ngã ba sông:

... Qua Phù Ninh tới nước Cổ Bi

Đông Hồ, Vạn Ty, Lận Khê

Thuận dòng nước cũng về chi Lục Đầu(3)

Chùa Báo Ân hội tụ nhiều điều kiện để trở thành một trung tâm Phật giáo quan trọng theo suốt chiều dài lịch sử, đặc biệt phát triển rực rỡ trong giai đoạn Phật giáo thời Trần.

Theo tài liệu lịch sử cho biết chùa Siêu Loại do Thiền sư Trí Thông trụ trì, vua Trần Nhân Tông đã từng đến thăm và đàm đạo tại chùa. Tháng 8 năm 1299, vua Trần Nhân Tông chính thức xuất gia tại chùa Hoa Yên, núi Yên Tử lấy pháp hiệu là Hương Vân Đầu Đà, sau đổi là Trúc Lâm Đầu Đà và xây dựng một giáo hội mới mà sau này các nhà nghiên cứu gọi là Thiền phái Trúc Lâm. Chùa Siêu Loại đã được Thiền sư Trí Thông hiến cho Thiền phái Trúc Lâm và trở thành một cơ sở của Thiền phái này trong các mùa kiết hạ hằng năm.

Năm 1306, nhà sư Pháp Loa được lập làm giảng chủ chùa Báo Ân (Siêu Loại). Ngày mồng một tết năm 1308, Trúc Lâm chính thức uỷ Pháp Loa trụ trì chùa Siêu Loại dưới sự chứng kiến của hoàng gia triều Trần đứng đầu là vua Trần Anh Tông “… Điều Ngự đem sơn môn Yên Tử và chùa Siêu Loại uỷ cho Pháp Loa kế thế trụ trì, làm vị tổ sư thứ hai phái Trúc Lâm (Tam tổ thực lục)”. Năm đó, nhà nước cúng cho chùa 100 mẫu ruộng và cấp người cày cấy để lấy hoa lợi cho chùa. Pháp Loa là người đầu tiên được vua Trần Anh Tông cấp độ điệp sau khi nhận chức trụ trì chùa Báo Ân ở Siêu Loại khi tổ đệ nhất Trúc Lâm còn sống.

Trong thời kì Pháp Loa đứng đầu giáo hội, Thiền phái Trúc Lâm có sự phát triển mạnh mẽ. Trong 19 năm, Pháp Loa dựng hơn 800 ngôi chùa lớn (Trúc Lâm tông chỉ nguyên thanh), đặc biệt chùa Báo Ân nơi ông trụ trì được xây dựng mở rộng thành trung tâm Phật giáo lớn. Được sự ủng hộ của hoàng gia cùng tăng ni phật tử về vật chất: năm 1312, vua Trần cúng dường 5 vạn quan tiền, cúng 500 mẫu ruộng của Niệm từ Trang vào chùa làm bất động sản… Năm 1313, theo di chiếu của Trần Nhân Tông, vua Anh Tông lấy đồ vật thờ tự tam bảo của mẹ mà cúng vào chùa Báo Ân, lại cúng dường vật liệu xây dựng và cung cấp thợ phu để làm thêm chùa tháp. Cùng năm đó Bảo từ Hoàng Thái Hậu cúng vào chùa 300 mẫu gia điền. Năm 1315, Anh Tông lấy 30 mẫu ruộng của người cung nhân cũ họ Phạm cúng vào chùa, v.v… Những sự ủng hộ đó đã dần tạo điều kiện cho Pháp Loa dương danh phát triển Thiền phái Trúc Lâm trên vùng đất truyền thống của nhiều thiền phái đạo Phật khác. Năm 1314, tại chùa Báo Ân, Pháp Loa đã xây tới 33 cơ sở trong đó có Phật điện tàng kinh và Tăng đường, mời hai vị sư huynh là Tông Cảnh, Bảo Phác về chùa Siêu Loại mở những lớp về Tứ phần luật cho tăng sĩ và in 5.000 bản Tứ phần luật phát cho các tăng sinh.

Chùa Báo Ân đã trở thành cơ sở đào tạo tăng sĩ, phật tử lớn góp phần khẳng định vai trò quan trọng của Thiền phái Trúc Lâm trong đời sống xã hội Việt Nam đương thời. Khoá khai giảng năm 1322 ở chùa Báo Ân có trên 1.000 người đi nghe. Những buổi ít người đi nghe nhất cũng khoảng 500-600 người. Bản thân Pháp Loa là người trực tiếp giảng những kinh, luật cho các đệ tử tại chùa mình trụ trì. Đây đã trở thành nơi xuất gia của nhiều người trong hoàng tộc. “Hoàng Thái hậu đã quy y tại chùa… Năm 1323, Văn Huệ Vương và Uy Huệ Vương đến chùa Báo Ân xin thụ Bồ Đề tam giới và Phát Quán đỉnh”. Chùa Báo Ân còn là cơ sở in ấn kinh sách lớn nhất thời bấy giờ. Nhờ có bản gỗ tàng trữ tại chùa Báo Ân nên kinh sách được ấn hành rộng rãi, cung cấp đầy đủ cho nhu yếu học Phật trong khắp xứ.

Có thể nói, thời kì Pháp Loa trụ trì là thời kì phát triển thịnh đạt nhất của chùa Báo Ân. Sau khi Pháp Loa mất, cùng chung với sự trống vắng của phái Trúc Lâm, như Trần Anh Tông viếng:

Sau khi Pháp Loa qua đời

Phật tử trong thiên hạ trống trải không người

(Tự lòng Pháp Loa khứ thế hậu

Thiên hạ Thích tử không vô nhân)(4)

Chùa Báo Ân cũng mất dần vai trò của nó theo năm tháng. Có lẽ sự mất dòng chảy của các con sông tự nhiên như sông Dâu, sông Bất Nghĩa, vị thế ưu việt về đường thuỷ của ngôi chùa không còn, thiếu sự quan tâm của hoàng tộc cùng Thiền phái Trúc Lâm, ngôi chùa dần xuống cấp.

Theo bi kí hiện còn lại trong chùa cho biết, năm Long Đức nhị niên (1630) dòng họ chúa Trịnh gồm Ngọc tử họ Trịnh cùng các quận công, đô đốc tướng quân, đô đốc phủ … đã bỏ tiền ra tu sửa chùa để lấy phúc cho dòng họ (Báo Ân đại thiền tự bi kí). Theo nội dung văn bia cho biết lịch sử ngôi chùa cùng những lần trùng tu tôn tạo và khẳng định đây là lần trùng tu sửa chữa lớn chùa Báo Ân, sửa chữa tam quan, bái đường, thiêu hương, lầu chuông, gác trống, tô tượng, lập bi kí để truyền lại cho hậu thế.

Bia khắc năm Dương Hoà nhị niên (1636) còn ghi rõ: Vương phủ nội đệ nhị cung tần Đào Thị Ngọc Hữu cùng với con là Khuê quận công Trịnh Lựu và quận chúa Ngọc Xuân, Ngọc Niệm cúng cho chùa 26 mẫu ruộng cùng 6 dật bạc tinh để chi dùng việc đèn hương. Bà Thái Thị Ngọc Phi cũng cúng 9 sào ruộng cùng 5 dật bạc tinh cho chùa, v.v…

Nhiều năm sau đó, chùa Báo Ân liên tục được trùng tu sửa chữa: năm Cảnh Hưng thứ 10 (1750), năm Thành Thái thứ 4 (1892), sửa chữa tiền đường, phật điện (Trùng tu Báo Ân tự bi kí), năm Minh Mạng thứ 4 (1824) đúc lại chuông chùa (Báo Ân tự chung), v.v…

Theo các cụ già địa phương kể lại, trước năm 1946, quy mô chùa Báo Ân còn nguy nga tráng lệ, chùa có 36 nóc nhà với 99 gian cùng hai tam quan nội ngoại, hệ thống tượng Phật phong phú, là trung tâm Phật giáo lớn, một danh lam thắng cảnh nổi tiếng trong vùng, do đó chùa còn được gọi theo tên dân gian là chùa Cả. Trải qua hai cuộc chiến tranh cùng những biến cố xã hội, chùa bị phá dỡ, những hiện vật liên quan thuộc chùa cũng được thu gom chuyển vào ngôi đền thờ vua Trần Nhân Tông bên cạnh. Vị trí ngôi chùa lùi về chức năng ngôi chùa làng bình dị và dần bị lãng quên.

Hiện nay, trên khu đất cao vị trí ngôi chùa thuở trước hiện còn một số hiện vật liên quan đến thuở vàng son của ngôi chùa trong dĩ vãng:

Tháp mộ: Tháp xây bằng gạch nung già cao gần 10 m với ba tầng thu nhỏ vút lên. Kích thước gạch 24 cm x 24 cm, dày 10 cm.

Hai tháp mộ đá kích thước nhỏ, tạo từ đá nguyên khối, lòng tháp có ghi: Nam Thiên Quốc lập tàng phù môn, trụ trì Bắc Lập, pháp hiệu Chân Ngôn, tự Thắng Minh.

Bia đá: Vườn chùa còn khá nhiều bia, đáng chú ý là hai bia dựng năm Long Đức và Chính Hoà nhị niên ghi về lịch sử và những lần tôn tạo sửa chữa lớn ngôi chùa.

Trong ngôi đền thờ vua Trần hiện nay còn lưu giữ khá nhiều tượng Phật như: bộ tượng Tam thế, tượng Di Đà tam tôn, tượng Quan Âm chuẩn đề, tượng sư tổ Bồ Đề Đạt Ma, tượng A Di Đà, cùng tượng vua Trần Nhân Tông, các tượng hậu, các tượng liên quan đến Phật giáo.

Trong quá trình cải tạo canh tác khu nền chùa hiện nay, người dân còn tìm thấy nhiều di vật thuộc ngôi chùa xưa như: gạch lát nền trang trí hoa văn hoa cúc, hoa cúc dây (kích thước 40 cm x 40 cm x 8 cm), lá đề trang trí hình rồng uốn lượn, phù điêu trang trí rồng, bản in đất nung trang trí hoa, các đồ sứ gia dụng men ngọc, men đen, men nâu, lá mũi hài hình lá đề, vật liệu xây dựng, những bảo tháp đất nung trang trí hình tượng Phật, v.v… Những hiện vật này mang những đặc trưng điển hình của những di vật thời Trần tìm thấy ở nước ta.

Dựa vào tài liệu thực địa hiện còn, kết hợp với tư liệu lịch sử có thể khẳng định rằng chùa Báo Ân có vị trí quan trọng trong lịch sử Phật giáo Việt Nam, đặc biệt trong thời Thiền phái Trúc Lâm, một đại danh lam kiêm hành cung của hoàng tộc nhà Trần trên vùng đất Siêu Loại. Nằm trên con đường huyết mạch nối giữa Thăng Long và vùng núi Yên Tử xứ Đông Bắc, trung tâm tổ của Thiền phái Trúc Lâm, sử cũ có ghi lại tháng 10 năm 1308 khi chị là Thụy Thiên công chúa bệnh nặng, Trúc Lâm chống gậy xuống núi về Thăng Long thăm chị “Thăm chị xong, ngày rằm lên đường về núi. Trên đường ghé nghỉ đêm tại chùa Siêu Loại. Sáng mai lại lên đường đi qua ngang chùa làng Cổ Châu (chùa Pháp Vân) ghé lại chơi, có ghé đề một bài thơ :

Số đời một hơi thở

Tình đời hai biển trăng

Cung ma đâu xá kể

Nước Phật một trời xuân

Đây có lẽ là bài thơ cuối của vị vua đã sáng lập ra Thiền phái Phật giáo thấm đậm tinh thần dân tộc.

Với vị trí thuận lợi, chùa Báo Ân giữ vai trò trung tâm trung chuyển giữa hai trung tâm lớn, hỗ trợ nhịp nhàng trong vai trò điều khiển đất nước, Giáo hội Phật giáo theo tinh thần nhập thế mà vị Đại tổ Thiền phái Trúc Lâm Trần Nhân Tông hằng mong muốn. Điều kiện đó đã tạo nên thế và lực để chùa Báo Ân dựng xây phát triển, đáp ứng được yêu cầu của môn phái.

Nằm trên vùng đất có bề dày truyền thống của đạo Phật với nhiều trung tâm lớn của nhiều thiền phái khác nhau: Thiền phái Tỳ Ni Đa Lưu Chi với trung tâm chùa Pháp Vân nổi tiếng, Thiền phái Vô Ngôn Thông với trung tâm chùa Kiến Sơ đều nằm cách không xa chùa Báo Ân (gần 10 km theo đường chim bay), việc Thiền sư Trí Thông trụ trì chùa Siêu Loại hiến chùa cho Thiền phái Trúc Lâm – một tông phái đề cao tinh thần dân tộc - để biến nơi đây thành trung tâm Phật giáo lớn đã khẳng định sự nhập thế của đạo Phật hoà đồng với tinh thần độc lập dân tộc là nét nổi trội trong lịch sử Phật giáo, văn hoá đời Trần.

Chùa Báo Ân là một trong những di tích hiện còn minh chứng cho một thời kì lịch sử sống động huy hoàng đó.

*. TS., Viện Khảo cổ học.

1. Đại Việt sử kí toàn thư. Nxb KHXH, Hà Nội 1972, tr. 246.

2. Trần Đình Luyện và Trần Văn Lạng. Tìm hiểu hệ thống giao thông cổ qua trung tâm Luy Lâu. Trong: Những phát hiện mới về khảo cổ học 1998. Hà Nội 1998, tr. 97.

3. Phong thổ Hà Bắc thời Lê. Ty Văn hoá Hà Bắc 1971, tr. 46.

4. Trúc Lâm tông chỉ nguyên thanh. Nxb KHXH, Hà Nội 1978, tr. 198.

Theo: Nghiên cứu Tôn giáo
TÌM HIỂU ĐẠO PHẬT - SỐNG ĐỜI THANH THẢN THEO PTVN

Quảng cáo

Trực tuyến

Hiện có 41 khách Trực tuyến