Thử tìm hiểu nguồn gốc danh xưng Bảy Núi - Vĩnh Thông

Friday, 10th June 2011

alt

Ngày nay, khái niệm Thất Sơn - Bảy Núi ở tỉnh An Giang được nhiều người biết đến, thậm chí người dân địa phương cũng truyền tai nhau rằng: “Tỉnh An Giang ta có bảy núi”. Nhưng thực tế thì không phải vậy, số núi ở An Giang cao hơn con số bảy rất nhiều lần, cụ thể: đến nay đã có 37 ngọn núi đã có tên. Vậy sao người dân chỉ cho rằng có bảy núi? Đâu là nguồn gốc của khái niệm Thất Sơn - Bảy Núi này?

Trước tiên, chúng ta thường được nghe kể bảy núi gồm có Núi Két (Anh Vũ Sơn), Núi Dài Năm Giếng (Ngũ Hồ Sơn), Núi Tô (Phụng Hoàng Sơn), Núi Cấm (Thiên Cấm Sơn), Núi Dài (Ngọa Long Sơn), Núi Tượng (Liên Hoa Sơn) và Núi Nước (Thủy Đài Sơn). Nhưng thực sự bảy ngọn núi trên chỉ là “một phần” trong khái niệm Bảy Núi. Để giải thích về điều này, chúng ta thử tìm hiểu qua những nguồn chính sử và truyền thuyết.

 

KHÁI NIỆM “BẢY NÚI” RA ĐỜI TỪ KHI NÀO ?

Như đã nói ở trên, khái niệm này chỉ là bảy trong số 37 nọn núi ở An Giang, chưa nói đến Bảy Núi là những núi nào, nhưng trước tiên chúng ta thử tìm hiểu xuất xứ của nó.

Xa xưa nhất, có lẽ là “Gia Định Thành Thông Chí” (GĐTTC) của Trịnh Hoài Đức viết vào đời Minh Mạng, khi đó đơn vị “trấn” chưa đổi thành “tỉnh”, An Giang bấy giờ còn gọi là trấn Vĩnh Thanh. Trịnh Hoài Đức kể tên ở trấn Vĩnh Thanh có 18 ngọn núi gồm núi Ba Thê, Thoại Sơn, Tà Chiếu, Trà Nghinh, Tượng, Ca Âm, Nam Sư, Khê Lạp, Chút, Tà Biệt, Ba Xùi, Ất Sum, Chơn Sum, Nam Vi, Đoài Tốn, Sâm Đăng, Đại Bà Đề, Tiểu Bà Đề. Thống kê được 18 núi so với tổng số 37 núi của ngày nay là một thành tựu đáng nể và có vai trò khá quan trọng trong nghiên cứu bấy giờ. Tuy nhiên, vẫn chưa thấy khái niệm Thất Sơn trong tài liệu này.

Ngót trăm năm sau, trong “Đại Nam Nhất Thống Chí” (ĐNNTC) đời Tự Đức, kể ra được thêm một số núi mới, tất cả 23 núi (cũng nên hiểu thêm rằng “núi mới” là do trước kia chưa thống kê hết, chứ không phải núi mới hình thành). Trong ĐNNTC, tên gọi một số núi được “dân gian hóa” hơn và khái niệm Thất Sơn cũng bắt đầu xuất hiện từ đây. ĐNNTC kể gồm: Ba Thê, Thoại Sơn, Tà Chiếu, Trà Nghinh, Tượng, Tô, Tốt, Ốc Nhâm, Nam Vi, Châm Biệt, Nhân Hòa, Đoài Tốn, Thị Vi, Ba Xùi, Ca Tích, Nam Sư, Khê Lạp, Ngất Sâu, Chân Sâm, Thâm Đăng, Đại Bà Đề, Tiểu Bà Đề.

 

alt


Giữa hai bản ta có thể đối chiếu đôi nét:

- ĐNNTC gọi là núi Tốt (hoặc núi Tụy) chính là núi Chút của GĐTTC, nhà văn Nguyễn Văn Hầu gọi là núi Thốt. Ở đây do không đồng nhất giữa những người phiên dịch nên có sự mâu thuẫn. Theo chữ nôm thì phải gọi là Tốt đúng hơn, dân gian thường gọi là núi Chóc.

- Núi Ngất Sâu, Chân Sâm trong ĐNNTC do người dịch sai, chính là Ất Sum và Chơn Sum trong GĐTTC, Thâm Đăng chính là Sâm Đăng. Núi Châm Biệt là do người soạn viết sai, khiến người dịch vì không am hiểu ừng địa phương nên cũng bám theo bản chữ Hán, đúng ta phải là Tà Biệt.

- Ốc Nhâm, không thấy có trong GĐTTC, trong quyển “Lịch sử đất An Giang” nhà văn Sơn Nam cho rằng từ này bắt nguồn từ “Ok-dum” của người Khmer, nghĩa là diều ó kêu vang, ông cho rằng núi này là núi Dài.

- Các núi Nhân Hòa (tục danh Láng Cháy), Thị Vi, Ca Tích không thấy tên trong GĐTTC, cũng không có núi nào trong GĐTTC có chi tiết chép giống những núi này.

Ngày nay một số tên gọi hầu như không còn nữa, phần đã bị “dân gian hóa”, phần bị mất hoàn toàn, như: Tà Chiếu, Trà Nghinh, Ca Âm, Khê Lạp, Ba Xùi, Ất Sum, Chơn Sum, Đoài Tốn, Sâm Đăng, Đại Bà Đề, Tiểu Bà Đề, Nhân Hòa, Thị Vi, Ca Tích…

Trong quyển “Thất Sơn mầu nhiệm” nhà văn Nguyễn Văn Hầu cho rằng: “Người xưa có đặt cho mỗi chỏm cao một cái tên riêng như: núi Tà Chiếu, núi Trà Nghịch, núi Tượng, núi Thốt, núi Ca Âm, núi Sư, núi Khê Lập, núi Ba Xoáy, núi Ngất Sung, núi Nam Vi, núi Đoài Tốn, núi Chơn Sum. Đó có lẽ là hồi mới khai mở tỉnh An Giang, quan Tổng Đốc viết sách địa dư dâng lên triều đình đã do theo thổ âm hoặc hình thể hay phương hướng mà đặt tên cho các ngọn núi trên đây. Mặt khác, dân chúng ở vùng sơn cước này, vì không biết được sách địa dư nói trên, hoặc vì trọng phong tục hơn sử sách nên gọi là núi Trà Sư, núi Két, núi Dài, núi Tượng, núi Bà Đội Om, núi Ông Tô; còn mấy hòn núi cao nằm khoảng giữa (Ba Xoái, Ngất Sung, Nam Vi, Đoài Tốn) thì họ kêu chung là vùng núi Cấm”.

Trong số 23 núi được kể trong ĐNNTC, có 7 ngọn núi được đề dòng chữ “núi này là một trong số bảy núi” gồm: núi Tượng, Tô, Cấm, Ốc Nhâm (núi Dài), Nam Vi, Tà Biệt, Nhân Hòa. Nhưng ĐNNTC chỉ ghi “là một trong số bảy núi” nhưng không nói là bảy núi gì, bảy núi cao nhất, bảy núi đẹp nhất, hay bảy núi thế nào mà được xếp đặt riêng?

Nhưng nếu đọc kỹ những gì trong ĐNNTC ghi chép thì bảy ngọn núi được sách ghi là bảy ngọn núi cao. Ta thấy: núi Tượng cao hơn 8 trượng, núi Cấm được ghi chép là thế núi cao ngất, Nam Vi cao hơn 30 trượng, Tà Biệt cao 20 trượng… như vậy có thể phỏng đoán Bảy Núi mà ĐNNTC đề cập là những ngọn núi cao trong tỉnh An Giang.

Tuy nghiên cũng có một nghịch lý: tại sao núi Tượng chỉ có 8 trượng lại được liệt vào bảy núi, trong khi các núi Đoài Tốn (50 trượng), Ba Xùi (40 trượng), Ât Sum (40 trượng) lại không được kể vào, trong khi đó các núi Tà Chiếu, Trà Nghinh, Sâm Đăng, Ca Tích, Tà Biệt cũng vẫn con hơn núi Tượng.

Vậy chưa có thể khẳng định Bảy Núi trong ĐNTTC là những ngọn núi cao. Nhà văn Sơn Nam ghi là bảy “linh huyệt”, có phải vậy chăng?

 

“BẢY NÚI” TRONG TÂM THỨC CỘNG ĐỒNG

Nói đến những cái tên lạ trong GĐTTC và ĐNNTC chắc hẳn người dân ít ai biết chính xác, nhưng nếu bảo họ kể tên bảy núi thì chắc chắc họ sẽ kể được, nhưng những núi mà họ kể lại không giống như ĐNNTC, vậy “Bảy Núi dân gian” bắt nguồn từ đâu?

Như đã nói, bảy ngọn núi mà người viết vừa kể ra ở phần đầu (bao gồm núi Két, núi Dài Năm Giếng, núi Tô, núi Cấm, núi Dài, núi Tượng, núi Nước) chỉ là “một phần” trong khái niệm Bảy Núi. Vậy “một phần” ấy là thế nào?

Có lẽ, khái niệm “Bảy Núi dân gian” (tạm gọi như vậy) ra đời sớm nhất là năm 1849, và không xuất phát từ một văn liệu lịch sử nào mà bắt nguồn từ truyền khẩu của một tôn giáo, đạo Bửu Sơn Kỳ Hương của Đức Phật Thầy Tây An (Đoàn Minh Huyên).

Tính đến khi đạo Bửu Sơn Kỳ Hương ra đời, chắc hẳn dân chúng không hề biết Bảy Núi trong ĐNNTC, bởi vì ĐNNTC soạn trong khoảng 1865 - 1875 và hoàn thành năm 1882, trong khi đạo Bửu Sơn Kỳ Hương đã ra đời từ 1849. Sau khi lập đạo, vị tu sĩ họ Đoàn thuyết giảng về Tận thế và Hội Long Hoa, vùng Thất Sơn sẽ là nơi lập Hội Long Hoa, từ đó ông cho biết bảy ngọn núi được xem là linh thiêng bao gồm: Núi Cấm (Thiên Cẩm Sơn), Núi Dài Năm Giếng (Ngũ Hồ Sơn, còn gọi núi Dài nhỏ), Núi Tô (Phụng Hoàng Sơn), Núi Dài (Ngọa Long Sơn, còn gọi núi Dài Văn Liên), Núi Tượng (Liên Hoa Sơn), Núi Két (Anh Vũ Sơn), Núi Nước (Thủy Đài Sơn).

Sách “Lịch sử cuộc đấu tranh chống Thực dân Pháp và Đế quốc Mĩ của quân và dân An Giang” tập 1 do Bộ chỉ huy Quân sự tỉnh An Giang biên soạn năm 1986, phần giới thiệu chung về An Giang có nhắc đến bảy ngọn núi vừa kể trên, nhưng tên chữ có phần khác biệt đôi chút. Cụ thể: Núi Két là Ô Thước Sơn, núi Cấm là Bạch Hổ Sơn, núi Tượng là Kỳ Lân Sơn và núi Nước là Bích Thủy Sơn.

 

alt


Tuy vậy, Bảy Núi không hề là mê tín. Thực ra, thuyết Tận thế và Hội Long Hoa của Bửu Sơn Kỳ Hương chỉ là tiền đề để trở thành động lực thực tế chấn hưng Phật giáo, đồng thời là sự sáng tạo của thầy Đoàn Minh Huyên. Ông rao giảng mở Hội Long Hoa tại bảy ngọn núi mà mình chỉ định chỉ là muốn gom dân về vùng xa xôi hẻo lánh khai phá đất để canh tác và sinh sống - một kiểu “doanh điền” của thời địa mới, hết sức kinh tế và khoa học. Theo nhà văn Sơn Nam thì Tận thế tức là“lật đổ vua quan nhà Nguyễn, sau này là lật đổ Thực dân Pháp, “bất chiến tự nhiên thành”. Với niềm lạc quan để chờ đợi, người dân hăng hái lo việc ruộng nương, đoàn kết để xây dựng xóm làng”

Ngày nay, mong ước của thầy Đoàn Minh Huyên đã trở thành sự thật, Bảy Núi không còn là vùng hoang vu nữa, rừng hoang, đất cằn đã trở thành ruộng lúa, nhà cửa mọc lên san sát, bóng quân thù không còn, Bảy Núi qua lời tiên tri ngày nào nay đã thực sự sung túc, ấm no. Tuy vậy, khái niệm Bảy Núi thời xa xưa vẫn đi vào tâm thức cộng đồng như là sự trân trọng và kế truyền dấu ích của tiền nhân.

Qua những gì đã phân tích ở trên, có thể khẳng định rằng: có đến hai “Bảy Núi”, nghĩa là hai khái niệm cùng song song tồn tại: Bảy Núi theo chính sử và Bảy Núi theo dân gian. Tuy tỉnh An Giang đã xác định, ở hai huyện Tri Tôn và Tịnh Biên 37 ngọn núi đã có tên, nhưng con số bảy vẫn không hề thay đổi, Bảy Núi từ lâu đã trở thành niềm tự hào cho dân An Giang:

“Trước ba sông thêm rạng chí tang bồng

Sau bảy núi chẳng nao lòng anh kiệt” 

 

BẢY NÚI NGÀY NAY

Ngày nay, ở vùng Bảy Núi vẫn có nhiều điểm tích cực lẫn tiêu cực, ở bài viết này cốt chỉ trình bày về danh xưng Bảy Núi, nên những điểm tích cực và tiêu cực chỉ xin phép nêu ngắn gọn.

Ở An Giang, chính quyền và nhân dân đã cùng góp sức làm cho Bảy Núi thực sự “trở mình”, những ngôi nhà kiên cố mọc lên nhanh chóng, nhà tre lá tạm bợ, nhà hẩm hiu bên sườn núi hầu như không còn. Những còn đường đất sìn lầy lòng vòng quanh vùng sơn cước ngày nào được nhựa hóa thẳng tắp, đường bộ lên núi cũng được trải nhựa hoặc làm các nấc thang bằng ximăng, núi Cấm núi Tô trở thành khu du lịch… Vùng đồi núi thâm u thuở xa xưa nay đã có điện, sóng phát thanh truyền hình đến được với bà con, con cái người Kinh, người Khmer được học hành đến nơi đến chốn.

Tuy nhiên, một số ngọn núi có tiềm năng vẫn chưa được đầu tư đúng mức. Núi Trà Sư, núi Dài có nhiều chùa chiền có thể kết hợp du lịch với văn hóa tâm linh, núi Dài Năm Giếng có nhiều thắng cảnh, núi Tượng là nơi có những dấu tích của cuộc thảm sát Ba Chúc trong chiến tranh biên giới Tây Nam… vẫn chưa phát triển về du lịch, núi Két gần đây được mở thành khu du lịch nhưng do tư nhân đầu tư nên cũng chưa khai thác hết tiềm năng. Núi Cấm là khu du lịch nổi tiếng, nhưng chỉ chủ yếu ở khu vực chùa Phật Lớn - chùa Vạn Linh - tượng Phật Di Lặc, một số nơi có phong cảnh và khí hậu thích hợp như vồ Thiên Tuế, vồ Bồ Hông, vồ Bạch Tượng ít có người du lịch vì đường xá trắc trở, các di tích, chùa chiền, hang đá ở núi Cấm vẫn chưa được “đánh thức”.

 

alt


Đáng buồn nhất, nạn khai thác đá và phá rừng vẫn chưa được khắc phục. Có dịp vào Tri Tôn nhìn đồi Tà Pạ xác xơ, một vạt núi bị khoét sâu mà thấy mủi lòng. Một vài ngọn núi dọc theo quốc lộ 91 ở Tịnh Biên cũng thảm thương không kém. Núi bị khai thác đá, rừng mất trắng nên càng ngày càng lở dần, đất cứ theo những cơn mưa trôi xuống xóm làng, ảnh hưởng đến việc sinh hoạt và canh tác. Ở núi Cấm (Tịnh Biên) đường bộ lên núi có một ngã ba, rẽ trái sang chùa Cao Đài và điện Rau Tần, rẽ phải sang chùa Phật Lớn, cách đây hai năm khu vực này chỉ có duy nhất ngã ba thôi, xung quanh đều là cây rừng rậm rạp, nhưng bây giờ tất cả trở thành một bãi đất trồng hoác, không biết đâu là đường đi, đâu là rừng bị san bằng.

Thiết nghĩa, ngày xưa biết bao người đã đến khai phá vùng hoang vu “Hoa tươi trước mặt thơm tho nực / Thú dữ bên mình nhả nhớn chơi” cốt để cho con cháu sau này được “an cư lạc nghiệp” vậy mà giờ đây từng thớ đất, từng lùm cây tổ tiên ta giành giật với thiên nhiên khắc nghiệt lại bị con cháu họ đào xới lên, thẳng tay không chút thương tiếc.

Bảy Núi muôn đời vẫn là Bảy Núi, vẫn sống mãi trong lòng dân tộc và trở nên quen thuộc với bao người, nhưng liệu Bảy Núi ngày nay có còn là vùng đất “thiêng” nữa không? Mặc dù biết rằng đó chỉ là văn hóa tâm linh tín ngưỡng của dân gian, nhưng nghĩ vẫn thấy buồn !

 

Vĩnh Thông (An Giang)

 

TÀI LIỆU THAM KHẢO:

- Quốc sử quán triều Nguyễn: Đại Nam Nhất Thống Chí (phần lục tỉnh Nam Việt), Tu Trai Nguyễn Tạo dịch, Bộ giáo dục Sài Gòn 1959.

- Trịnh Hoài Đức: Gia Đinh Thành Thông chí, Lý Việt Dũng dịch, NXB Đồng Nai 2004.

- Nguyễn Văn Hầu: Thất Sơn mầu nhiệm, NXB Liên Chính, Sài Gòn 1955.

- Nguyễn Văn Hầu: Nửa tháng trong miền Thất Sơn, NXB Trẻ, 2006.

- Sơn Nam: Tìm hiểu đất Hậu Giang và Lịch sử đất An Giang, NXB Trẻ 2009.

- Sơn Nam: Đi và ghi nhớ, NXB Văn hóa Sài Gòn 2008.

- Bộ chỉ huy quân sự tỉnh An Giang: Lịch sử cuộc đấu tranh chống Thực dân Pháp và Đế quốc Mĩ của quân và dân An Giang, dự thảo tập 1, xuất bản 1986.