Một thị xã không lớn lắm nhưng lại có khá nhiều Di tích cấp Quốc gia đã được xếp hạng: Cụm di tích Đền thờ - Lăng mộ - Tượng dài Anh hùng dân tộc Trương Định, Đền thờ Đức Quốc Công Phạm Đăng Hưng - Lăng Hoàng gia, Nhà Đốc Phủ Hải…
Một khung cảnh vắng lặng, dân cư thưa thớt ngày đó cách đây vài chục năm, giờ đã thay da đổi thịt: sầm uất, đông đúc, nhộn nhịp… nhưng rất văn hóa. Người ta nói, đây là vùng đất “địa linh nhân kiệt”? Quả đúng như vậy: Gò Công!…
Nói đến Gò Công người ta nghĩ ngay đến quê hương xứ sở của người phụ nữ
nổi tiếng được mệnh danh là bậc "Mẫu nghi thiên hạ” cách đây hơn 150
năm: bà Hoàng Thái hậu Từ Dũ, mẹ của vua Tự Đức và Quốc Công Phạm Đăng
Hưng (cha của Phạm Thị Hằng, tức là Hoàng Thái hậu Từ Dũ).
Gò Công còn được biết đến như là quê hương thứ hai của Trương Định - Vị
Anh hùng dân tộc đầu tiên lãnh đạo nghĩa quân và nhân dân Việt Nam
kháng chiến chống lại ách đô hộ của thực dân Pháp vào những năm thập
niên 60 của thế kỷ 19.
Tượng đài Anh hùng Dân tộc Trương Định
Ngoài ra Gò Công còn là vùng đất có nhiều loại hải sản quý, ngon và đặc
biệt là trái sơ ri – một đặc sản trái cây thiên nhiên đã được Trung tâm
sách kỷ lục Việt Nam đưa vào Top 50 loại trái cây ngon nhất Việt Nam.
Chúng tôi đến thị xã Gò Công vào một buổi chiều khi ánh mặt trời đã ngã
bóng về Tây. Hai bên đường phố cờ hoa rực rỡ, hỏi ra mới biết ngày mai
là kỷ niệm 149 năm Ngày giỗ Anh hùng dân tộc Trương Định.
Đoàn tham quan của Tổ chức Kỷ lục Việt Nam
Tiếp chúng tôi ngay tại Đền thờ Trương Định, ông Trần văn Lâm – Phó chủ
tịch UBND thị xà Gò Công cho biết: Gò Công hôm nay không phải là Gò
Công của mấy mươi năm về trước. Nhà cửa, đường sá, trường học, bệnh
viện, các công trình dân sinh tiện ích … đã thay đổi quá nhiều. Với lợi
thế gần biển và có nhiều cụm Di tích cấp Quốc gia, nay mai Gò Công sẽ
phát triển về du lịch. Chúng tôi tin rằng, sau khi Cụm Di tích Đến thờ -
Lăng mộ - Tượng đài Trương Định được Tổ chức kỷ lục Việt Nam công nhận
Tôn vinh giá trị Kỷ lục Việt Nam, sẽ có nhiều du khách đến đây tham quan
nhiều hơn nữa.
Quang cảnh khu Đền thờ Anh hùng Dân tộc Trương Định
Cuộc trò chuyện diễn ra không lâu, nhà sử học Nguyễn Khắc Thuần, Luật
sư Nguyễn Văn Viễn và nhiều thành viên trong đoàn của Tổ chức Kỷ lục
Việt Nam đề nghị được tham quan các Di tích đã được Nhà nước xếp hạng
tại đây. Không ngần ngại, Phó chủ tịch Trần Văn Lâm đưa chúng tôi ra xe
theo sự hướng dẫn của anh Võ Văn Dũng, Trưởng phòng VHTT&DL thị xã
Gò Công.
Điểm đầu tiên chúng tôi đến là Đền thờ - Lăng mộ Đức Quốc Công Phạm Đăng Hưng ở xã Long Hưng (Gò Công).
Giáo sư sử học Nguyễn Khắc Thuần đọc Bia Lăng mộ Đức Quốc Công Phạm Đăng Hưng
Phạm Đăng Hưng người Giồng Sơn Quy, huyện Tân Hòa, phủ Tân An tỉnh Gia
Định xưa (nay thuộc ấp Lăng Hoàng Gia, xã Long Hưng, thị xã Gò Công,
tỉnh Tiền Giang). Ông là con của ông Phạm Đăng Long và bà Phạm Thị Tánh.
Năm Bính Thìn (1976), ông thi đỗ Tam trường tại Gia Định, chuẩn bị thi
Tứ trường thì bị bệnh nên phải trở về quê. Nhưng vì ông nổi tiếng là
người có văn tài và hiền đức nên được bổ làm "Lễ sinh nội phủ” thời chúa
Nguyễn Phúc Ánh. Năm 1799, Phạm Đăng Hưng làm Tham tri bộ Lại. Đến khi
Nguyễn Phúc Ánh lên ngôi lấy niên hiệu là GIa Long năm 1802, ông lần
lượt giữ các chức vụ: Tham tri bộ Lại kiêm Chưởng trưởng đà sự (trông
coi đê điều, 1805), Thanh tra Trường thi Hương ở Kinh Bắc (1807), Thượng
thư bộ Lễ (1813) kiêm quản Khâm thiên giám (1815); Quốc sử quán Phó
tổng tài (1821); Thượng thư Bộ Lễ (1824)… Năm 1825, ông mất tại Huế,
linh cửu được đưa về an táng tại quê nhà.
Khu lăng mộ lớn, nằm ngay tại mảnh đất phát tích của dòng họ mình ở xã
Long Hưng, thị xã Gò Công hiện nay vẫn còn gần như nguyên vẹn. Trong đó
đáng chú ý có Nhà thờ Đức Quốc Công, từng là nơi ở của Thái hậu Từ Dũ từ
lúc nhỏ. Nơi đây cây cối xanh um bao trọn lấy ngôi nhà thờ có lối kiến
trúc giống như các tòa dinh thự của giới quý tộc Nam Bộ xưa, pha lẫn
chút kiến trúc cung đình Huế. Ngoài nhà thờ, nơi đây còn có khu lăng mộ
của Đức Quốc Công Phạm Đăng Hưng.
Sau khi tham quan Đền thờ Đức Quốc Công, đoàn chúng tôi đến viếng khu
lăng mộ. Nhìn gần, khu lăng mộ có hình của một chiếc mũ triều phục,
nhưng nhìn từ xa lại trông giống như một cái đỉnh lớn. Đây là một kiểu
kiến trúc khá lạ và độc đáo. Mặt trước lăng có hai Nhà bia: Nhà bia phía
bên phải được làm bằng đá cẩm thạch trắng (đá Ngũ Hành Sơn ở Đà Nẵng)
có khắc bi văn do Phan Thanh Giản soạn năm 1858… Nhà bia phía bên trái
dựng tấm bia bằng đá hoa cương (đá Ganis) do vua Thành Thái sai làm năm
1899, sau khi tấm bia đầu đã bị quân Pháp chiếm đoạt. Nội dung tấm bia
này giống y tấm bia trước. Phần mộ Phạm Đăng Hưng tọa lạc trên một gò
cao có dáng mai rùa mộ xây theo tam cấp, tứ trụ, diện tích hơn 800 m2.
Khu lăng mộ Hoàng Gia đã được Bộ Văn hóa Thông tin (nay là Bộ Văn hóa –
Thể thao và Du lịch) công nhận là Di tích Lịch sử – Văn hóa cấp Quốc
gia.
Khu mộ Đức Quốc Công Phạm Đăng Hưng
Rời Đền thờ Đức Quốc Công Phạm Đăng Hưng, chúng tôi đến Nhà Đốc Phủ Hải
ở phường 1. thị xã Gò Công. Căn nhà này nguyên gốc của bà Trần Thị
Sanh, vợ thứ của Trương Định. Sau khi bà Sanh qua đời, căn nhà để lại
cho con gái và rể là Dương Thị Hương và Huỳnh Đình Ngươn. Đời sau nữa,
rể của bà Hương và ông Ngươn là Đốc Phủ sứ Nguyễn Văn Hải về đây ở, cho
xây dựng thêm nhiều công trình phụ và căn nhà được gọi là nhà Đốc Phủ
Hải.
Nhà Đốc Phú Hải
Nhà Đốc Phủ Hải thuộc loại kiến trúc dân dụng nhà ở của địa chủ phong
kiến cuối thế kỷ 19 đầu 20. Nhà được xây cất theo dạng chữ Đinh (lúc ban
đầu), qua nhiều lần tu bổ và xây dựng, toàn bộ ngôi nhà ngày nay gồm ba
phần: nhà chánh, hai nhà vuông-nơi ở của những người giúp việc và lẫm
lúa (kho thóc của địa chủ).
Vào trong nhà tiền đường nối các khoảng cột với nhau là các bộ bao lam
bằng gỗ chạm hai mặt thể hiện các đề tài tứ linh, tứ quí, bát bửu…
Ngoài các khuôn biển, các liễn đại tự, các đôi liễn trên các vách cột,
phải kể đến các đồ dùng quí hiếm hiện nay còn để lại như: tủ, ghế khảm
xà cừ, bàn đá cẩm thạch, đồ sứ Trung Quốc và Việt Nam thế kỷ 17-18.
Giường Tàu (giường Thất Bảo) mặt loát 6 tấm đá cẩm thạch màu sắc khác
nhau, thanh chân chạm nổi hoa lá và khảm xà cừ. Hai bộ đi văng bằng đá
cẩm thạch màu trắng vân đen… Đặc biệt các bức tranh vẽ trên kính, hai bộ
tranh hạt cườm bằng nhung đỏ, 8 tấm thêu mai-lan-cúc-trước,
xuân-hạ-thu-đông.
Bên trong Nhà Đốc Phủ Hải
Nhà Đốc Phủ Hải được Nhà nước công nhận là di tích kiến trúc nghệ thuật cấp quốc gia năm 1994.
Trở lại Đền thờ Trương Định, trước khi vào ban thờ thắp hương tưởng
niệm, chúng tôi đến tham quan tượng đài vị Anh hùng dân tộc họ Trương ở
ngay bùng binh cạnh đó. Tượng bằng đồng, cao chừng hơn 20m, ở tư thế
đứng cầm gươm rất uy nghi, dũng mãnh. Vì sắp đến ngày giỗ nên trước đài
tượng có bày bàn hương án để mọi người khi ngang qua đây dừng lại, đốt
nén hương thơm thành kính tưởng nhớ đến Người…
Ngày mai là ngày chánh giỗ, cũng là ngày Cụm Di tích Đền thờ-Lăng
mộ-Tượng đài Trương Định được Tổ chức kỷ lục Việt Nam Tôn vinh giá trị
Kỷ lục Việt Nam. Niềm hãnh diện, tự hào đang lan tỏa trong lòng người
dân Gò Công nói riêng, nhân dân tỉnh Tiền Giang và dân tộc Việt Nam nói
chung.
Trương Như Bá
Theo Cẩm nang Thông tin Kỷ lục