Đền Vua Đinh Tiên Hoàng

Đền Vua Đinh nhìn từ Mã Yên Sơn

Đền toạ lạc ở xã Trường Yên huyện Hoa Lư trên khuôn viên rộng 5ha, là di tích quan trọng của khu di tích. Đền quay về hướng Đông. Trước mặt đền là núi Mã Yên có hình dáng giống cái yên ngựa. Trên núi có lăng mộ vua Đinh. Đền được xây dựng theo kiểu "nội công ngoại quốc". Toà ngoài là Ngọ môn quan có 3 gian. Toà thứ hai là Nghi môn 3 gian dựng bằng gỗ lim kiến trúc theo 3 hàng chân cột. Bốn góc ngoài của Nghi môn nội có xây bốn trụ cột cao. Đi hết chính đạo, qua hai trụ cột lớn là đến sân rồng. Giữa sân rồng có một long sàng bằng đá chung quanh chạm nổi. Hai bên sập rồng có hai con nghê đá chầu, được tạc trên hai tảng đá xanh nguyên khối. Từ sân rồng bước lên là Bái đường 5 gian, kiến trúc độc đáo. Tiếp đến là Thiêu hương, kiến trúc theo kiểu ống muống, nơi thờ tứ trụ triều đình nhà Đinh là các quan trung thần. Đi hết tòa Thiêu hương vào chính cung 5 gian. Gian giữa thờ tượng vua Đinh Tiên Hoàng được đúc bằng đồng đặt trên bệ thờ bằng đá xanh nguyên khối. Hai bên bệ đá có hai con rồng chầu, tạc theo kiểu yên ngựa. Trên bức đại tự có ghi hàng chữ: “Chính thống thủy” với ý nghĩa ca ngợi Đinh Bộ Lĩnh là người mở nền chính thống. Hai bên cột giữa có treo câu đối: “Cồ Việt Quốc đương Tống khai bảo – Hoa Lư đô thị Hán Tràng An” (Nghĩa là: Nước Đại Cồ Việt sánh ngang niên hiệu khai bảo đời nhà Tống - Kinh đô Hoa Lư như kinh đô Tràng An của nhà Hán). Gian bên phải thờ tượng thái tử Hạng Lang và Đinh Toàn đều quay mặt về phía Bắc, là hai con thứ của vua. Gian bên trái thờ tượng Nam Việt Vương Đinh Liễn quay mặt về phía Nam là con trưởng của vua. Đền Đinh Tiên Hoàng là một công trình kiến trúc độc đáo trong nghệ thuật chạm khắc gỗ của các nghệ sĩ dân gian Việt Nam ở thế kỷ 17. Đền vua Đinh cũng là công trình nghệ thuật đặc sắc với nhiều cổ vật quý hiếm được bảo tồn, như gạch xây cung điện có khắc chữ Đại Việt quốc quân thành chuyên, cột kinh Phật khắc chữ Phạn, các bài bia ký…

Đền Vua Lê Đại Hành

Đền vua Lê Đại Hành nằm cách đền vua Đinh Tiên Hoàng 300 mét. Đền soi bóng xuống nhánh sông Hoàng Long. Trước mặt đền là núi Đèn, sau lưng là núi Đìa. Đền vua Lê qui mô nhỏ hơn nên không gian trong đền khá gần gũi và huyền ảo. Đền cũng xây theo kiểu nội công ngoại quốc với ba toà: Bái Đường, Thiên Hương, Chính Cung - thờ Lê Hoàn, bên phải là Lê Long Đĩnh, bên trái là hoàng hậu Dương Vân Nga hướng về đền vua Đinh. Nét độc đáo ở đền thờ vua Lê Đại Hành là nghệ thuật chạm gỗ thế kỷ 17 đã đạt đến trình độ điêu luyện, tinh xảo. Tương truyền, bà mẹ mơ thấy hoa sen mà sinh ra Lê Hoàn, trong lúc đi cấy ở cạnh ao sen. Bà đã ủ Lê Hoàn trong khóm trúc và được con hổ chúa rừng xanh ấp ủ. Sau lời cầu xin của bà mẹ con hổ bỏ đi. Sau này lớn lên Lê Hoàn đã lập ra nghiệp lớn: “Phá Tống, bình Chiêm” lừng lẫy. Vì vậy mà nghệ thuật điêu khắc gỗ dân gian Việt Nam của các nghệ nhân ở đây cũng thống nhất với truyền thuyết về các đề tài ca ngợi Lê Hoàn.

Đền thờ Công chúa Phất Kim

Phất Kim là một trong các con gái của Đinh Tiên Hoàng. Bà được gả cho Ngô Nhật Khánh, một sứ quân đầu hàng thuộc dòng dõi quý tộc nhà Ngô. Thời gian sau đó Nhật Khánh tìm cách đưa Phất Kim trốn khỏi kinh thành Hoa Lư. Thuyền đi đến cửa bể Nam Giới, Nhật Khánh mắng chửi vợ rồi bỏ sang Chiêm Thành để tìm cách trở lại đánh Đại Cồ Việt. Công chúa Phất Kim trở về kinh thành Hoa Lư trong nỗi đau đớn, tủi nhục. Bà đi tu tại một ngôi chùa ở phía bắc kinh thành. Trong lúc nỗi đau đớn tuyệt vọng lên đỉnh điểm thì vua cha và anh trai bị nghịch thần sát hại. Lê Hoàn làm nhiếp chính. Ngô Nhật Khánh và vua Chiêm Thành dẫn hơn một nghìn chiến thuyền thuỷ quân xuất chinh theo hai cửa biển Đại Ác và Thần Phù vào đánh Đại Cồ Việt cũng bị bão dìm chết. Công chúa Phất Kim đau đớn, xót xa, tuyệt vọng. Bà nhảy xuống giếng nước lầu Vọng Nguyệt, phía tây bắc kinh thành Hoa Lư tự vẫn. Đền thờ Phất Kim là một ngôi đền cổ suy tôn người phụ nữ thế kỷ X, hiền lành, trung hậu và chịu nhiều sóng gió cuộc đời; đồng thời giá trị tâm linh của ngôi đền còn thể hiện ở ý nghĩa: dù thời thế có đổi thay, thăng trầm nhưng những giá trị của cội nguồn văn hóa là mãi mãi trường tồn. Đền nằm gần đền thờ Lê Hoàn và chùa Nhất Trụ. Tương truyền vị trí này nằm trên nền nhà của cung Vọng Nguyệt, nơi trước đây bà đã ở. Chiếc giếng bà nhảy xuống tự vẫn đến nay vẫn còn trước của đền.

Nhà bia Lý Thái Tổ

Nhà bia tưởng niệm vua Lý Thái Tổ là di tích mới được xây dựng tại cố đô Hoa Lư với sự liên kết của tỉnh Ninh Bình và thành phố Hà Nội. Nhà bia được khánh thành ngày 29/9/2000, đúng vào dịp kỷ niệm 990 năm Hoa Lư – Thăng Long – Hà Nội. Vị trí đặt nhà bia sát khu vực quảng trường sân khấu lễ hội. Đây là công trình kiến trúc phương đình với mặt bằng hình vuông. Giữa lòng nhà bia đặt tấm bia đá cao 1,99 m; rộng 1,38 m. Mặt bia quay hướng Bắc. Trán bia chạm hình mặt nguyệt và vân ám, diềm bia chạm hình hoa cúc dây. Đây là một công trình có độ bền vĩnh cửu, mô phỏng nghệ thuật kiến trúc truyền thống dân tộc, hài hoà với cảnh quan di tích.

Theo sử sách, để tưởng niệm công lao đặt nền móng xây dựng độc lập tự chủ của đất nước và nhớ đến Cố đô Hoa Lư, sau khi dời đô về Thăng Long, nhà Lý đã lấy tên một số công trình ở Hoa Lư đặt cho nhiều khu vực ở Thăng Long mà chúng vẫn tồn tại đến tận nay như: Ô Cầu Dền, phố Tràng Tiền, phố Cầu Đông, chùa Một Cột, ngã ba Bồ Đề, cống Trẹm, tháp Báo Thiên... 

Lăng Vua Đinh, lăng Vua Lê

Lăng vua Đinh và lăng vua Lê đều xây từ năm 1840 (đời Minh Mạng thứ 21) và được trùng tu vào năm Hàm Nghi thứ nhất (1885) nên khá khiêm nhường và cổ kính.
Lăng mộ Đinh Bộ Lĩnh được đặt ở chính giữa núi, nơi võng xuống thấp mà dân gian hình dung là cái yên ngựa. Tương truyền, cách tôn thờ như vậy để đề cao tinh thần thượng võ của vua Đinh dù người đã mất. Lăng xây bằng đá, có một bệ thờ trên đặt một lư hương cũng bằng đá. Trước lăng một tấm bia đá có đề chữ mà qua đó, người đời sau biết được lăng được xây dựng từ năm Minh Mạng thứ 21 và đến năm Hàm Nghi thứ nhất có trùng tu lại.
Lăng Vua Lê Đại Hành nằm dưới chân Mã Yên Sơn đi về hướng nam. Hai bên lăng có hai quả núi mà theo các nhà phong thủy cho là "long chầu, hổ phục". Lăng cũng được xây bằng đá như lăng vua Đinh Tiên Hoàng. Trước lăng cũng có bia dựng từ đời Minh Mạng.

Phủ thờ ở vùng bảo vệ đặc biệt

Nằm rải rác trong khu dân cư xã Trường Yên của Cố đô Hoa Lư có rất nhiều các công trình lăng tẩm cổ thờ các quan thời Đinh - Lê và các thái tử, công chúa ở 2 triều đại này. Hệ thống phủ thờ là tư liệu quý về cách bố phòng của kinh đô Hoa Lư.

  • Phù Kình Thiên (phủ Vườn Thiên) thờ Kình Thiên Vương, con cả vua Lê Đại Hành.
  • Phủ Đông Vương và phủ Đông Thành thờ Đông Thành Vương, con thứ 2 của vua Lê Đại Hành.
  • Phủ Bến Đò thờ Đông Thái Đại Vương coi cửa Bắc.
  • Phủ Cửa Đền thờ Ngũ Đạo Đại Vương, phụ trách 5 đạo quân.
  • Phủ Vật thờ Cẩm Trà Đại Vương, phụ trách tuyển quân, có hội vật ngày 6/1 âm lịch tưởng nhớ ông.
  • Phủ Chợ thờ Ngũ Lầu Đại Vương, phụ trách ca hát. Vào 1/1 âm lịch tại đây có hát ca trù tưởng nhớ ông.
  • Phủ Bà Chúa thờ Công chúa Phù Dung, là con của vua Đinh Tiên Hoàng và là vợ của phò mã Quán Sơn (bà cũng được thờ tại Đình làng Phù Sa, Viên Sơn, Sơn Tây).