Phủ nằm tại làng Sáo Sơn - Biện Thượng nay thuộc xã Vĩnh Hùng- Vĩnh Lộc, Tỉnh Thanh Hoá.
Phủ Trịnh - Nghệ Vẹt là nơi Chúa Trịnh xây dựng phủ ở quê để thờ cúng và nghỉ ngơi. Phủ Trịnh là một di tích còn lại của thế lực Chúa Trịnh trong triều đại phong kiến Nhà Lê đàng ngoài....
Trước đây Phủ Trịnh được xây dựng trên một vùng đất rộng hàng chục mẫu, có tứ phủ: nơi Chúa làm việc, tiếp khách, khu nội phủ là nơi ở của Chúa, khu làm việc của các quan, khu thờ cúng, hồ thưởng ngoạn. Ngày nay chỉ còn lại ngôi nhà ngói 7 gian ( trước đây là khu bếp) có các bài vị, câu đối, các minh khí, các con giống bằng gỗ
Nghè Vẹt cách đó 500m, là một khu nhà gỗ 12 gian còn nguyên vẹn, nguyên là thờ thành hoàng làng, sau chuyển sang thờ các Chúa Trịnh. Nghè vẹt là khu nhà bằng gỗ - có 12 gian thờ 12 bài vị của 12 vị chúa Trịnh. Đến nay khu di tích này hầu như còn nguyên vẹn.
Ở Nghè Vẹt, mỗi cột đều có tượng Vẹt cao lớn chầu về ban thờ Tổ. Thần Vẹt vươn cao, chân Vẹt dài như chân Hạc và cũng đứng trên mai rùa. Dưới chân mỗi tượng Vẹt đều có tượng Phỗng Chăm Pa bái chầu. Đầu kiệu và cáng thờ, ngày xưa đều trạm trổ đầu Vẹt. Thời xưa quanh Dương cơ và Phủ Chúa ở Thăng Long nuôi rất nhiều Vẹt. Vẹt là linh vật của dòng Trịnh Vương, mang ý nghĩa độc đáo và sâu sắc. Danh Y Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác (quê xã Liên Xá, huyện Yên Mỹ, tỉnh Hưng Yên) từ xã Tình Diễm, huyện Hương Sơn, tỉnh Hà Tĩnh được chúa Thịnh Vương Trịnh Sâm vời vào phủ chúa Trịnh ở Thăng Long, chữa trị cho Vương tử Trịnh Cán. Năm 1782 ông viết tác phẩm Thượng Kinh ký sự (ghi chép những sự việc lần đầu tiên đến Kinh Đô) trong đó có bài thơ Đáo vương phủ, thuật hoài. Bài thơ của ông miêu tả cảnh lộng lẫy cung son, hương hoa ngào ngạt và cả âm vang tiếng Vẹt.
Lầu son gác tía mây lồng biếc
Hiên ngọc rèm châu ánh rọi hồng,
Tiếng vẹt trong vườn đòi đoạn cất
Hương hoa bên điện ngạt ngào xông.
(Dịch giả: Hoa Bằng )
Theo Cinet