Thứ Ba, 08/05/2012 - 09:42

Đại gia Sài Gòn và những câu chuyện về cơ ngơi khổng lồ

Tam Xường - Lý Tường Quan, Tứ Định – Trần Hữu Định là hai người xếp vị trí thứ 3, thứ 4 trong tứ đại gia đất Sài Gòn. Cả hai người đều có khối tài sản khổng lồ nhờ các hoạt động kinh doanh buôn bán và làm đầu mối cung cấp độc quyền các mặt hàng khan hiếm.

Nhà Chú Hỏa
 
Tam Xường – Lý Tường Quan

Vị trí thứ ba trong “tứ đại gia” Sài Gòn xưa thuộc về bá hộ Xường. Bá hộ Xường có tên thật là Lý Tường Quan, tên tự là Phước Trai. Lý Tường Quan sinh năm 1842.

Cho đến nay, cuộc đời và sự nghiệp của Bá hộ Xường sách vở còn ghi chép lại rất ít. Bởi vậy, gốc gác cũng như sự giàu có của Bá hộ Xường chủ yếu còn lưu lại trong những giai thoại mà thôi.

Người ta chỉ biết Lý Tường Quan là người Minh Hương, tức là những người Hoa Kiều trung thành với nhà Minh, không chịu khuất phục nhà Thanh nên đến lánh nạn ở miền Nam nước ta.

Bá hộ Xường thông thạo cả tiếng Hoa lẫn tiếng Pháp. Do đó, ông trở thành thông ngôn cho Pháp và được chính quyền thực dân tin tưởng, trọng dụng.

Các thầy thông ngôn thời đó vô cùng được kính trọng trong xã hội. Nhà nghiên cứu Vương Hồng Sển đã từng viết về những “thầy thông ngôn” này: “Xưa thầy thông ngôn oai lắm: chức làm “interprète” khi đứng bàn ông Chánh (tức thông dịch viên của Tham biện chủ tỉnh) thét ra khói. Khi lại đứng bàn ông Phó, làm tay sai và thông dịch viên cho Phó tham biện, hét ra lửa.

Ngày sau thầy thông ngôn có đủ năm làm việc thì được làm một nhiệm kỳ nữa rồi được bổ làm Huyện, lên Phủ, rồi Đốc phủ sứ, làm Chủ quận, đại diện cho quan Pháp trong một vùng, oai thấu trời, oai hơn ông ghẹ”.
 
 
Chính bởi vậy, bá hộ Xường làm thông ngôn, vừa có tiền lại có danh phận. Thế nhưng, sự giàu có và oai phong của nghề thông ngôn không giữ chân được bá hộ Xường. Khoảng năm 30 tuổi, bá hộ Xường từ bỏ địa vị mà nhiều người mơ cũng không có được ấy để bước chân vào thương trường.

Lĩnh vực kinh doanh mà bá hộ Xường nhắm đến là dịch vụ cung cấp lương thực, thực phẩm như lúa gạo, thịt cá cho Sài Gòn và các tỉnh lân cận. Bá hộ Xường dốc tâm sức vào việc kinh doanh thịt cá xuất khẩu, mua đất xây cất biệt thự tại vùng Chợ Lớn để cho thuê và bán.

Do gặp thời điểm xuôi chèo mát mái, lại biết khôn khéo lấy lòng các quan Tây để được họ che chở, nâng đỡ, chẳng mấy chốc bá hộ Xường trở thành nhà trọc phú quyền uy, nhất là trong lĩnh vực lương thực - thực phẩm lúc bấy giờ.

Dinh thự của ông nguy nga bề thế, tọa lạc trên đường Gaudot, nay là đường Hải Thượng Lãn Ông. Tuy nhiên, sau khi bá hộ Xường qua đời, tài sản của ông bị con cháu ăn xài, phung phí hết.

Cái mà nay còn lại là khu nhà mồ cổ khá kiên cố do “tôn tử tương tề đồng tâm” xây dựng vào tháng 12 năm 1896, hiện ở gần di tích Địa đạo Phú Thọ Hòa, Tân Bình, Hồ Chí Minh hiện nay. Toàn bộ công trình không đồ sộ nhưng trang khang, khoáng đạt, có nhiều hoa văn, họa tiết tinh tế. Tuy theo lối kiến trúc gôtich nhưng vẫn giữ được dáng dấp Á Đông.

Ở giữa nhà mồ, là một cái quách lớn đựng thi thể người chết, bằng đá xanh hình chữ nhật. Nói về sự giàu có của bá hộ Xường, trong sách “Sài Gòn năm xưa” của nhà nghiên cứu Vương Hồng Sển chép: Hộ Xường, vốn là thông ngôn xuất thân. Sớm sớm xin thôi, ra lãnh thầu cung cấp vật dụng thức ăn cho thị xã.

Nhờ khéo tay thêm phùng thời, cự phú không mấy hồi. Còn nhà thấp năm căn nửa xưa nửa nay toạ lạc đường Khổng Tử.

Vòng rào sắt trước ngõ chứng rằng mặt tiền ngó ra kinh có lẽ trước kia cao ráo, nay kinh đã lấp, thế vào đây là một con đường cái, thềm lộ bồi đất cao hơn sân nhà, thành thử sân như sâu xuống và vuông nhà đã thấp nay lại càng lụp xụp. Chủ nhà mất đã lâu, gia tài kếch xù, con cái nhiều dòng, phần ăn chia chưa xong.

Những đại gia ở vị trí thứ tư

Người xếp hạng tư trong tứ đại gia đất Sài Gòn xưa chính là bá hộ Định. Bá hộ Định có tên thật Trần Hữu Định.

Ông xuất thân là chủ tiệm cầm đồ rồi được chính quyền Pháp cho làm Hộ trưởng kinh doanh đất đai, xuất nhập khẩu vải sợi. Cũng giống như Tam Xường – Lý Tường Quan, bá hộ Định phất lên nhanh chóng nhờ biết nắm thời cơ những lúc hàng khan hiếm.

Chính vì thế, gia tài của bá hộ Định nhanh chóng trở nên đồ sộ và trở thành người giữ vị trí thứ tư trong những đại gia giàu có đất Sài Gòn. Mặc dù vậy, cũng giống như bá hộ Xường, sau khi bá hộ Định mất, con cháu không biết giữ của, tiêu xài và xóa sạch vết tích của nhà cự phú này.

Sự giàu có của bá hộ Định chỉ còn được ghi chép trong sách vở: “Nhà ở khoảng giữa đường Trần Thanh Cần, gần dốc cầu Palikao một đầu và chợ Quách Đàm một đầu. Ngôi nhà 5 căn trệt chạm trổ thật khéo, cột cẩm lai bóng ngời ngó thấy mặt; trong nhà từ cái bàn, cái ghế, cái đôn sành đều có vẻ cũ xưa.

Mấy năm trước chính mắt tôi còn thấy làu làu vững chắc tuy khoảnh vườn sân trước đã bị cắt xén sát mặt tiền nhường chỗ làm thềm và đường cái mở rộng nên lấp kênh. Gần đây, vì đất chợ cao giá nên tuy nhà lập làm phần hương hỏa mà con cháu đã bán và dỡ đi.

Thay vào đó là một dãy phố lầu tiệm buôn khách trú. Phần hoa lợi tuy có thêm, nhưng thiệt hại về cổ tích từ đây và cứ theo đà này, đô thành Sài Gòn ngày một mất dần những dấu vết xưa...”.

Ở vị trí thứ tư, ngoài bá hộ Xường, còn có một số các “đại gia” khác của Sài Gòn được ghi danh như Trần Trinh Trạch, cha của công tử Bạc Liêu nổi tiếng và Chú Hỏa. Trong đó, chú Hỏa là người gắn với nhiều giai thoại lạ kì về sự giàu có của ông.

Chú Hỏa có tên thật là Hứa Bổn Hòa. Cho đến nay, những giai thoại và dấu vết về sự giàu có của Chú Hỏa vẫn để lại rất nhiều trên đất Sài Gòn.

Không những thế, Chú Hỏa được đánh giá là một trong những người có nhiều đóng góp quan trong vào sự hình thành bộ mặt thành phố trong thời mình sống. Chú Hỏa gốc ở tỉnh Phúc Kiến, Trung Quốc.

Tổ tiên chú Hỏa di cư sang Việt Nam sau khi triều đình Mãn Thanh tiêu diệt nhà Minh và được chúa Nguyễn cho định cư ở Nam Bộ từ thế kỷ XVII. Có rất nhiều giai thoại khác nhau lý giải về việc giàu có của chú Hỏa từ số phận của một người nhặt ve chai.

Có người kể, trong một lần thu mua ve chai, chú Hỏa nhặt được cả túi vàng nằm trong một chiếc ghế nệm cũ từ đó mà dùng số vàng đó làm ăn rồi giàu lên nhanh chóng. Có người khác lại nói chú mua được bức tượng đúc đồng nhưng bên trong đầy vàng.

Trong khi đó, không ít người kể thì khi lê la hầu như khắp Sài Gòn - Chợ Lớn để thu mua những thứ bỏ đi của thiên hạ, chú Hỏa đã mua trúng đồ cổ.

Do chú thạo chữ Hán nên biết trong đám đồ người ta vứt ra có đồ cổ từ thời Nguyên, đời Thanh, thậm chí từ đời Hán. Vậy nên, chú đã bán đồ cổ được một số tiền lớn, gây dựng cơ nghiệp.

Một giai thoại nữa lại cho rằng chú Hỏa rất rành về phong thủy nên đã an táng mộ cha đúng long mạch nên làm ăn phát đạt. Số khác cho rằng chú vốn dòng dõi nhà Minh, do ly loạn nên tạm chôn giấu của cải để lánh thân, về sau chú trở lại quê nhà Trung Quốc, đào số của cải gia bảo ấy lên mang sang làm vốn hùn hạp làm ăn với người Pháp rồi dần dà phát đạt.
 
 
Sài Gòn xưa
Sài Gòn xưa

Rồi thì những lời đồn thổi rằng, ngay từ thời ấy chú đã là… đại lý ve chai có điều kiện rất khấm khá. Sau đó, chú chuyển sang mở tiệm cầm đồ, một mặt mua đất cất nhà bán hoặc cho thuê.

Ngoài ra, cũng có câu chuyện kể rằng do chú Hỏa đã làm việc với một chủ người Pháp, nhờ tính siêng năng lại thật thà nên ông chủ Pháp thương, giúp chú vốn liếng mở tiệm cầm đồ và buôn bán.

Mặc dù các giai thoại trên đều mơ hồ, không rõ tính thực hư nhưng đều không thể phủ nhận một điều là chú Hỏa ngoài sự mẫn cán, chịu khó làm ăn còn có một đầu óc kinh doanh nhanh nhạy.

Do đó, chú Hỏa không chỉ nổi tiếng trong nước mà còn lừng lẫy khắp Đông Dương. Bản tính chịu khó, chăm chỉ và luôn ghi nhớ thuở hàn vi của mình còn được thể hiện qua đôi quang gánh đặt trong tủ kính, chưng giữa nhà như vật vừa trang trí, vừa là kỷ niệm thuở hàn vi của cuộc đời mình.

Khi giàu có, chú Hỏa đổi tên thành Jean Baptiste Hui Bon Hoa. Rồi chú thành lập công ty Hui Bon Hoa, có thời là công ty bất động sản lớn sở hữu trên 20.000 căn nhà ở Sài Gòn.

Công ty của Chú Hỏa cũng xây dựng rất nhiều công trình có giá trị lớn ở vùng Sài Gòn - Gia Định vẫn còn tồn tại đến ngày nay như Bảo tàng Mỹ thuật Thành phố Hồ Chí Minh, Khách sạn Majestic, Bệnh viện Từ Dũ, Trung tâm cấp cứu Sài Gòn, khu nhà khách Chính phủ cùng nhiều ngân hàng, trụ sở mua bán…

Bản thân những người con cái của chú Hỏa cũng được chú ý cho ăn học tử tế. Chú Hỏa có hơn chục người con thì hầu hết được cho đi du học tại các nước lớn như Anh, Pháp, Đức, Nhật… Các con chú ai nấy đều học hành thành đạt, mỗi người đều được nhập quốc tịch, được lưu lại làm việc ở nước sở tại.

Chính bởi vậy, nhà nghiên cứu Vương Hồng Sển từng nhận xét về Chú Hỏa với những lời ưu ái: “Tuy làm giàu cho mình đã đành, nhưng cũng giúp ích rất nhiều cho sự mở mang thịnh vượng kinh tế miền Nam”.

Sự nghiệp của ông ở Việt Nam vẫn được con cháu tiếp tục sau khi ông mất, đến sau năm 1975 thì ngừng do họ đều đi ra nước ngoài sinh sống”.
 
 
 
Theo PN
search