Lạc vào làng cổ 500 tuổi hiếm có ở Hà Nội

(Kiến Thức) - Ở Hà Nội, nhiều người mới chỉ biết đến làng cổ Cự Đà (Thanh Oai) hay Đường Lâm (Sơn Tây) mà ít người biết đến làng Cựu.
Đó là làng Cựu thuộc xã Vân Từ, huyện Phú Xuyên, nơi dòng sông Nhuệ uốn lượn bao quanh. Làng cổ với những biệt thự pha lẫn kiến trúc Việt cổ và Pháp tạo ra sự độc đáo mà không đâu có được.
Kiến trúc lạ ở Thủ đô
Dọc theo dòng Nhuệ giang, bất cứ ai vào làng Cựu đều như lạc vào một ngôi làng nào lạ lẫm lắm. Tôi cũng có cảm giác như vậy, dù biết rằng đấy là làng Việt, gần gũi thôi mà sao cứ là lạ lẫn những hoang hoải nhưng kích thích sự tò mò trước một kiến trúc làng và kiến trúc nhà đẹp đẽ.
Phải nói thế này cho dễ hiểu, thường thì ở các làng Việt bây giờ, hai bên đường là những ngôi nhà san sát nhau đủ mọi kiểu dáng, kích thước. Có nơi thì toàn nhà kiến trúc hiện đại, nhưng vẫn xen lẫn những nhà cấp bốn mái ngói thời bao cấp xây gạch đốt, trát vữa vôi. Thảng hoặc có những bức tường do thợ lười không trát vữa hay chủ nhà hết tiền mua vôi cát mà tường bong tróc, rơi rụng.
Cổng làng Cựu cổ kính.  
Chính những hình ảnh ấy lại là đặc trưng làng quê Việt hiện thời. Làng Cựu cũng có những vẻ riêng như vậy, nhưng lại không hẳn như thế. Những ngôi nhà hiện đại gần như không có, những ngôi nhà cấp bốn kiểu mẫu thời bao cấp cũng không có. Tất cả những ngôi nhà kia cứ nửa ta nửa tây, nửa tráng lệ nửa bình dân, nửa hào hoa phố xá nửa lại bình dân quê mùa.
Tất cả những sự pha trộn ấy hiển hiện rõ rệt nửa lạ nửa quen khiến người lạ không khỏi thắc mắc lẫn những thán phục. Những cánh cổng nhà xưa cũ quay ra mặt đường đều không quá cao, cũng không quá thấp. Hoa văn, họa tiết trên đó cũng không quá tây mà cũng không hẳn là của người Việt. Hỏi ra mới biết, đó là thứ pha trộn hài hòa giữa kiến trúc Gô-tích Pháp và Việt cổ.
Nhà ông Xã Vinh, một nhà buôn gỗ trứ danh sở hữu một trong những biệt thự cầu kỳ nhất. Lối ngõ thênh thang lát đá tảng xanh, hai tòa nhà ở hai bên nối với nhau bằng cầu bê tông uốn lượn, cổng được trang trí sơn thủy hữu tình. Nhà của cụ Hàn Thăng thì mang dáng dấp đại quan, mái cổ, cửa bức bàn, cột gỗ lim to, nền nhà tôn cao, sân thấp mà rộng, tòa ngang dãy dọc như ở chốn “tam cung lục viện”. Còn biệt thự khổng lồ của ông Chu Văn Luận được ông xây làm Trường Huỳnh Thúc Kháng với nguyện vọng chắp cánh ước mơ chữ nghĩa cho con em làng Cựu.
Làng Cựu còn giữ được khoảng 20 ngôi biệt thự cổ. 
Từ ngoài đường nhìn vào, chẳng ai có thể rời mắt khỏi nhà cụ phó Du. Từ cánh cổng hoen ố thời gian đến mặt tiền biệt thự. Những mảng tường hoặc được thiết kế lồi ra lõm vào, hoặc các bức tượng che chắn không còn trống một mảng “tường chết”. Ở trong nhà, những cột trụ cả hai người ôm chưa xuể đỡ lấy phần mái vòm cong vút như mái đình cổ.
Ông Tôn là chủ nhân đời thứ ba ngôi nhà này. Ông bảo: “Mùa đông thì ấm, mùa hè thì mát. Nhà chưa bao giờ phải sửa chữa lại chỗ nào. Các cụ xây sao thì nó vẫn như thế. Nhiều người đến xin mẫu, chụp choẹt chán chê nhưng cuối cùng vẫn lắc đầu bảo thợ ta không nhái nổi như vậy”.
Đi từ đầu đến cuối làng, mỗi con ngõ nhỏ sâu hun hút là mỗi bí mật của kiến trúc. Đường trong ngõ cứ gọi là đá hộp xanh bóng nhẵn, phẳng lì. Ngõ nhỏ thôi nhưng không bí như những nơi khác, mà ngược lại rất thoáng và mát bởi những ô văng cửa sổ nhà bên thò ra đủ cao để che đi cái nắng. 
Ngôi nhà cụ phó Du xây từ năm 1929. 
Cổng làng đẹp nhất nước
Trưởng thôn Cựu, anh Nguyễn Quang Huy cho hay, làng Cựu cổ kính đã có cách đây trên 500 năm. Làng vốn thờ một vị tướng nhà Trần. Vị tướng này không phải quan văn, cũng không phải quan võ mà là tướng dạy hổ.
Sinh nghề, tử nghiệp nên vị tướng ấy cuối cùng bị chính con hổ mà mình đang dạy cắn chết. Chỗ hổ tha xác về là mộ vị tướng xấu số ấy. Có lẽ thế, mà khi đương thời nhà sử học Trần Quốc Vượng đã về đây khảo cứu tài liệu. Cổng làng Cựu đã khiến vị giáo sư đáng kính phải thốt lên rằng đó là cổng làng đẹp nhất Việt Nam.
Cổng làng Cựu xây kiểu tam quan nhà chùa nhưng vít 2 cửa cạnh tạo một cửa giữa rộng rãi mái vòm. Phía trên đôi kỳ lân cùng hai con chó giữ cổng. Phía mặt trong cổng có nậm rượu, nụ hoa điểm xuyết rất lạ cùng những hàng chữ Nho mực đen đã nhạt màu.
Cổng được quét ve vàng từ xưa, nay đã bạc màu, có chỗ loen đen theo mảng. Giáo sư Vượng bảo với các cao niên của làng Cựu, cổng cổ mà không hẳn cổ, hiện đại mà không hẳn hiện đại. Nó giống như một cổng trường thành không phải để ngăn mà để hút người ta vào bên trong.
Sở hữu làng Cựu có cổng và những ngôi nhà biệt thự kia vì hơn trăm năm trước, một nửa làng bị cháy thành tro. Người dân đói khổ bỏ làng lên Hà Nội làm thuê rồi phát đạt với nghề may áo com-lê và váy đầm cho Tây. Có tiền, họ mới mời thợ về xây cổng làng và những ngôi biệt thự tinh tế như vậy.
 Một cổng nhà rêu phong còn sót lại.
Nguy cơ hoang phế
Theo thống kê của anh Huy, cả làng Cựu bây giờ còn khoảng 20 ngôi biệt thự cổ nữa. Số còn lại hoặc đã chỉnh trang thành nhà ở hiện đại hoặc bỏ không như nhà hoang.
Chúng tôi đi dạo một vòng làng Cựu, quả nhiên có những ngôi nhà đẹp lạ mà cửa đóng then cài nhưng bờ tường vôi vữa đã hoang hóa rơi rụng. Phía bên trong chỉ để củi khô hay cỏ dại mọc um tùm. Anh Huy giải thích là các chủ nhân hoặc đã bỏ làng đi nơi khác, hoặc vẫn còn ở trong làng nhưng không có tiền tu bổ lại ngôi nhà.
Anh Huy xót xa quãng những năm 2000, có đến gần chục ngôi biệt thự cổ còn đẹp còn chắc bị đập đi xây nhà hiện đại. Và hiện nay trong làng cũng có gần chục ngôi nhà khác bị bỏ hoang mặc cho nắng mưa bào mòn, hủy hoại. Theo như ông Nguyễn Ngọc Dương, Chủ tịch UBND xã Vân Từ thì họ không dám ở vì sợ sập.
Ngay ngôi biệt thự to nhất là Trường Huỳnh Thúc Kháng của ông Chu Văn Luận cũng gần như thành phế tích. Biệt thự nhà ông Chánh Linh bị chia cho năm bảy hộ, thế rồi người ta đập hết, phá hết. Chiếc bể cảnh với những hoa văn tuyệt mỹ, bên trong có hòn non bộ cùng với tấm bình phong linh thiêng trước căn biệt thự bề thế của ông Nguyễn Ngọc Du nay chỉ còn trong hoài niệm. Nét độc đáo của ngôi làng là những ngõ nhỏ lát đá xanh, những tảng đá lớn, dày, mát lạnh, rất phù hợp với không gian cổ kính của làng dần thay bằng những con đường bê tông vô hồn.
Nguy cơ làng cổ trăm năm trở thành hoang phế là khó tránh nếu như không có một phương án bảo tồn. Tiếc thay, cho đến nay cấp xã chưa đủ sức nghĩ và làm. Nhưng cấp huyện, sở, thành phố... nếu không tìm cách bảo vệ và tôn vinh làng Cựu thì cái sự tiếc kia sẽ trở thành nỗi buồn muôn thuở.
“Đúng là bây giờ những ngôi biệt thự đẹp của làng Cựu đã bị phá đi rất nhiều. Tôi rất sát sao với vấn đề bảo vệ di tích nhưng làng Cựu chưa trở thành di tích, và địa phương cũng không có đủ kinh phí để bảo tồn làng cổ theo đúng cách”.
Anh Nguyễn Quang Huy (Trưởng thôn Cựu)
Trần Hòa

Công an bảo vệ đồ nghề đánh bắt cá cho ngư dân

Bình luận(0)

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

<!-- Kienthuc_160x600 -->
<ins class="adsbygoogle"
     style="display:inline-block;width:160px;height:600px"
     data-ad-client="ca-pub-1198251289541286"
     data-ad-slot="1921981451"></ins>