Tượng đài Thánh Gióng: Muốn bay, nhưng chưa lên (P2)
Tượng đài Thánh Gióng: Muốn bay, nhưng chưa lên (P2)
04/12/2012 - 18:19
Thứ tư là tạo hình của tượng đài Thánh Gióng khá rườm rà và dàn trải.
Sự thiếu cô đọng và dàn trải chi tiết làm cho hình khối của tượng đài bị phá nát và trở nên vụn vặt. Những dải mây, vỉa đá (tre ngà? hào quang?) đinh tán, bờm ngựa.v.v. tranh nhau lên lĩnh xướng. Cái nào cũng quan trọng, cái nào cũng muốn nổi hơn cái khác đã làm phân tán sự chú ý của người xem, và làm yếu đi hình ảnh chung của tượng đài. Thêm nữa, khâu thể hiện và kỹ thuật gia công tượng đài cũng chưa tốt. Tượng lam nham như đang ở dạng phác thảo với những hình khối không “căng”, không “nuột” và bề mặt tượng đài thiếu sự trau chuốt cẩn trọng.
Tượng đài nát bươm bởi những hình khối vụn vặt. Bề mặt tượng nhiều chỗ nham nhở… như đang làm dở.
Phần tạo hình Thánh Gióng – hình tượng trung tâm của tượng đài cũng thiếu sự sống động và chưa thật phù hợp với thế ngựa đang phi. Đáng ra, trong cấu trúc tổng thể tượng đài, thì phần tạo hình Thánh Gióng phải được tập trung dụng công nhất, bởi đó chính là linh hồn của tượng. Tuy nhiên, hình tượng Thánh Gióng lại khá mờ nhạt khi đứng trong tổng thể tượng đài. Từ dáng thế đến sự chuyển động của cơ thể người được diễn tả khá cứng nhắc và thô sơ; các khối trên cơ thể trông không khác với cách “gọt thô” hình khối của ngựa sắt là mấy. Chúng thiếu sự tinh tế, thiếu một sức sống, thiếu một tình cảm ẩn chứa bên trong.
Việc tạo hình động tác tay cầm tre của Thánh Gióng cũng vô lý và chẳng mấy phù hợp với thực tế; khi mà cánh tay cầm thân tre thì duỗi thẳng cứng đơ, gốc tre thì chọc, tỳ vào bụng ngựa, vướng vào chân người trong lúc ngựa đang phi. Lại thêm phần chân còn lại ẩn trong mây của Thánh Gióng thì không thể biết kết thúc ở đâu. Rõ ràng việc lạm dụng quá mức những dải mây trong tạo hình tượng đài cùng với cách thể hiện mây chưa khéo là một trong những nguyên nhân góp phần làm cho tượng đài bị nát, thiếu sự thanh thoát và gây cảm giác bí bách.
Tre chọc vào bụng ngựa, vướng vào chân người, và phần chân ẩn trong mây của Thánh Gióng thì không hiểu kết thúc ở đâu.
Thứ năm là tượng đài Thánh Gióng không đạt được sự nhất quán cả về mặt tạo hình lẫn sự hợp lý logic trong tổng thể.
Với cách thể hiện đuôi ngựa tung bay và những vệt mây thẳng băng phía dưới hợp cùng với thế vút lên của chân đế tượng đài cho ta thấy hình ảnh một ngựa Gióng đang phi lên rất nhanh. Nhưng từ tư thế ngồi thẳng lưng của Gióng trên mình ngựa, đến các động tác như đang diễu binh (một tay giơ lên vẫy chào, một tay cầm tre chọc vào bụng ngựa) cùng sự quẩn lại của dải áo (áng mây) quấn sau lưng Gióng lại không nói lên điều như vậy.
Thánh Gióng đang thanh thản bay về trời…
Và cũng bởi dồn ép quá nhiều ý vào tượng đài, bắt tượng phải gánh nhiều điều muốn nói đã dẫn đến sự lủng củng về mặt tạo hình. Theo truyền thuyết, sau khi đánh tan giặc Ân, Thánh Gióng cưỡi ngựa lên núi, trút bỏ giáp sắt rồi cưỡi ngựa bay về trời. Ở tượng đài, nghệ sỹ tạo hình Thánh Gióng với gương mặt thanh thản pha lẫn lưu luyến đang đưa tay vẫy chào và cúi nhìn đất mẹ lần cuối trong lúc bay lên. Có điều với thế ngựa phi nhanh và cách cánh tay cầm tre cứng đơ, căng thẳng lại chẳng ăn nhập gì với sự thanh thản đó. Việc sau khi thắng trận, giặc giã đã tan, Thánh Gióng đã cởi bỏ giáp sắt rồi mà tay vẫn cầm vũ khí đánh giặc (cây tre) bay về trời liệu có hợp với logic chung và phù hợp với truyền thuyết dân gian?
… hay đang phi ngựa tung hoành đánh giặc Ân!?.
Thường thì trong một quần thể tượng đài, về mặt tạo hình bao giờ cũng có phần chính và phần phụ. Phần chính là tượng đài trung tâm thể hiện hình tượng chính, còn phần phụ là những nhóm phù điêu hoặc tượng nhỏ hỗ trợ xung quanh. Việc có thêm nhóm hình tượng phụ hỗ trợ cho tượng đài chính là rất cần thiết. Nó làm cho bố cục quy hoạch tổng thể tượng đài sinh động hài hoà, người xem có nhiều thứ để nhìn ngắm. Và điều quan trọng hơn, nó giúp bổ trợ, làm rõ nghĩa hơn cho tượng đài chính, giảm áp lực phải “nói” tất cả trên một tượng đài. Du khách đến thưởng ngoạn, ngoài việc ngắm nhìn vẻ đẹp đẽ kỳ vĩ của quần thể tượng đài, thì còn thông qua những hình ảnh được miêu tả trên các mảng phù điêu hay nhóm tượng phụ trợ mà hiểu sâu hơn, cụ thể hơn, và trọn vẹn hơn ý nghĩa của tượng đài kỷ niệm.
Ở quần thể tượng đài Thánh Gióng, những người làm thiết kế quy hoạch tượng đài đã “quên” mất mà bỏ qua yếu tố này. Chỉ có tượng đài chính trơ chọi giữa quảng trường mà hoàn toàn thiếu vắng nhóm tạo hình phụ trợ xung quanh. Có lẽ bởi thế, nên tượng đài Thánh Gióng buộc phải gánh quá nhiều những ý tứ gửi gắm trong cùng một hình tượng. Để rồi cuối cùng người xem không rõ đó là hình ảnh Thánh Gióng dũng mãnh, quyết liệt tung hoành trên chiến trận, hay một Thánh Gióng đang thanh thản cưỡi ngựa bay về trời sau khi đã đánh tan giặc giã, mang lại thái bình cho quê hương!?
Với tất cả những yếu tố kể trên, từ việc quy hoạch tượng đài không đặt người xem làm yếu tố trung tâm, đến tạo hình tượng đài chưa hợp lý, thiếu sự nhất quán và logic. Rồi việc ôm đồm, dồn ép quá nhiều ý tưởng vào tượng.v.v. đã tạo ra một tượng đài Thánh Gióng có “thanh” nhưng chưa “thoát”, có “bay” mà thiếu “bổng” … lừng chừng, tối nghĩa và nửa vời.
Anh Kiệt
Tags:
Thánh Gióng
Tags:
Phù Đổng Thiên Vương
Tags:
tượng đài
Tags:
hình khối
Tags:
Sóc Sơn
Tags:
lừng chừng
Tags:
hào quang
Tags:
xấu
Tags:
khô cứng
Tags:
nhầm lẫn