Phố cổ Đồng Văn vốn đã có tiếng, giờ càng vang xa từ khi cao nguyên địa chất được UNESCO công nhận là Di sản thiên nhiên thế giới. Thế nhưng, việc gìn giữ và phát huy... cái “tiếng” đó lại chẳng dễ dàng chút nào?!
Giữ gìn phố cổ miền núi
Sự hấp dẫn của khu phố cổ nơi địa đầu tổ quốc giờ có lẽ cũng đã giảm theo thời gian. Một phần vì đường đi lại đã bớt vất vả hơn, phần khác cũng bởi các chương trình du lịch qua màn ảnh nhỏ, hình ảnh thông tin xuất hiện đầy rẫy trên sách báo và các phương tiện đại chúng. Theo số liệu ghi chép lại ở Ban Quản lý phố cổ, khu vực trung tâm thị trấn Đồng Văn xưa thuộc tổng Đông Quan, châu Nguyên Bình, phủ Tường Vân, tỉnh Tuyên Quang và có dấu ấn lớn về kiến trúc, văn hóa với bề dày hàng trăm năm.
Từ khoảng những năm 1880, khi chiếm đóng khu vực này, người Pháp đã quy hoạch và để lại những điểm nhấn, đặt dấu đậm nét về kiến trúc. Tỉ như chợ Đồng Văn bằng đá từ những năm 20 của thế kỷ trước gần như còn nguyên vẹn đến ngày nay. Đối diện khu chợ là dãy nhà dân san sát nối tiếp nhau hợp thành một khu phố sầm uất hiện hữu giữa đất trời cao nguyên. Hầu hết các công trình nhà ở được trình tường hai tầng, lợp ngói âm dương - thứ ngói mang về từ xứ Lạng. Nhìn tổng thể, phong cách kiến trúc của phố cổ Đồng Văn có sự giao thoa giữa kiến trúc truyền thống của cư dân bản địa với kiến trúc của cư dân vùng Hoa Nam (miền Nam Trung Quốc bao gồm Vân Nam, Quảng Tây và Quảng Đông). Đó là điểm đặc biệt và là điều kỳ lạ vô cùng đối với một khu dân cư có bề dày lịch sử.
So với phố cổ Hà Nội và ngay cả với Hội An thì phố cổ Đồng Văn trẻ trung hơn. Phố cổ Hà Nội, phố cổ Hội An cũng có hàng trăm năm tuổi, còn phố cổ cao hơn mực nước biển trên 1.000m này mới tồn tại trên 100 năm. Chính xác thì khi tỉnh Hà Giang được thành lập (năm 1891), phố cổ Đồng Văn mới được người Pháp quy hoạch một cách quy củ và khoa học trên dưới chục năm sau đó. Những ngôi nhà cổ nhất có thể được xây trước năm 1891, nhưng chắc chắn phố cổ chỉ được hình thành sau khi người Pháp dồn tiền của cho các thổ ty người Tày (họ Lương và họ Nguyễn) phân chia quyền lực cũng như địa phận trấn giữ biên ải phía bắc vào những năm 1900.
Trải qua nhiều đời và cũng bởi thế mà mỗi gia đình ở phố cổ này đều có sự giao thoa văn hóa của nhiều sắc tộc. Theo tìm hiểu của người viết, người Kinh và người Thái cúng vào đúng ngày mồng Một và Rằm, còn người Hoa lại cúng vào mồng Hai và Mười sáu. Ngay như tết Nguyên đán, người Kinh và Thái cúng vào đúng mồng Một tết và Rằm tháng Giêng, nhưng người Hoa lại cúng vào mồng Hai và Mười sáu tết. Hoặc người Kinh ở phố cổ này vẫn kiêng mồng Năm, Mười bốn, Hai ba hoặc chớ đi ngày bảy chớ về ngày ba, nhưng người Thái lại không kiêng kỵ gì cả. Như vậy, tại phố cổ này, du khách có thể trực tiếp khai thác được rất nhiều phong tục, tập quán của các dân tộc anh em sống hòa thuận ở mảnh đất cùng chung một nền văn hóa thay vì phải đi quá nhiều địa phương.
Về vị trí phố cổ Hà Nội nằm giữa thủ đô trung tâm chính trị, văn hóa, kinh tế, giao thông... thuận tiện vô cùng cho khách du lịch. Còn Hội An lại gần sông, gần biển, cách không xa Cù Lao Chàm, không xa làng nghề làm gốm Thanh Hà, trên bến dưới thuyền; lại có Cầu Nhật Bản, có các hội quán của người Quảng Đông, Phúc Kiến... lại càng đặc sắc bởi ở gần di sản Mỹ Sơn và Đà Nẵng. Hội An nằm giữa Hà Nội và Sài Gòn, nên khách du lịch Nam Bắc và quốc tế đều có thể ghé thăm. Còn phố cổ thị trấn Đồng Văn chưa hoàn toàn tiện lợi về giao thông, bởi độc đạo chỉ có một đường bộ từ thành phố Hà Giang đi lên. Con đưòng nhỏ bé, khi hai xe to muốn tránh nhau phải rất khiêm tốn nín nhịn nhau! Giao thông khó khăn vậy, nên phố cổ Đồng Văn còn phải làm nhiều việc để lôi kéo du khách đến với mình. Đó cũng chính là lực cản lớn nhất với chính quyền và người dân.
Cài lợi ích kinh tế vào sinh hoạt hàng ngày
Theo tài liệu từ một cuộc hội thảo về phố cổ Đồng Văn mới đây, khu vực này còn khoảng trên dưới 40 ngôi nhà cổ có tuổi đời trên dưới 100 năm, cá biệt có những ngôi nhà gần 150 năm như nhà ông Lương Huy Ngò, người Tày, được xây dựng từ khoảng năm 1880. Riêng khu vực chợ Đồng Văn, còn có nhiều nhà cổ kiểu ống để tận dụng mặt tiền như phố cổ Hà Nội. Tuy nhiên, hiện tại vấn đề không phải là khai thác như thế nào, mà phải bảo tồn phố cổ Đồng Văn ra sao?! Theo quan sát của các phóng viên, tuy vẫn còn nguyên trạng, nhưng hầu hết các ngôi nhà cổ ở Đồng Văn đều đang ở trong tình trạng cũ nát và xuống cấp nghiêm trọng.
Rót chén trà Shan tuyết, cụ Trần Văn Bộc - một trong những người chứng kiến sự thay đổi của phố cổ từng ngày, từng giờ trong suốt 82 năm chiều dài cuộc đời, lộ rõ vẻ ưu tư. “Gần trăm căn nhà này đều xuống cấp nghiêm trọng cả rồi. Từ ngày Nhà nước công nhận đây là Di tích lịch sử cấp Quốc gia, mọi động tác liên quan đến tu sửa, nâng cấp đều phải được sự đồng ý của chính quyền các gia đình mới được làm”, cụ Bộc trần tình.
Gia đình cụ Bộc vốn gốc Nam Định. Năm 1908, ông nội cụ cùng vợ dắt díu gia đình, anh em rời quê “tha phương cầu thực” lên Đồng Văn. Kể từ đó, các cụ, các ông đều lập gia đình với các bà hoặc người Hoa, Tày hoặc người dân tộc thiểu số khác như Lô Lô, Nùng, Giáy. Đó là lý do vì sao văn hóa ở khu phố cổ giao thoa chằng chéo đến vậy. Theo cụ - người sinh ra và lớn lên ở đây - thì hai dãy phố cổ có khoảng trên 70 nóc, trong đó khoảng 4-5 căn có nguy cơ sập đổ hoàn toàn.
Theo đại diện Ban Quản lý phố cổ, UBND huyện đã có tờ trình lên các cấp có thẩm quyền kế hoạch giãn dân ra khỏi khu phố cổ, đồng thời hỗ trợ kinh phí để nhân dân tự sửa chữa những ngôi nhà đang xuống cấp. Kế hoạch này chưa có chuyển động nào đáng kể. Tuy nhiên, theo vị đại diện trên, việc bảo tồn phố cổ Đồng Văn phải làm trên cơ sở tuyên truyền và kết hợp hài hòa các lợi ích, trong đó đặc biệt quan trọng là các lợi ích kinh tế của người dân. Cụ thể, việc giãn dân ra khỏi khu phố cổ chỉ nên áp dụng với những hộ quá đông người, đồng thời phải tiếp tục duy trì một cuộc sống bình thường của đồng bào để bảo tồn một không gian văn hóa của nhiều dân tộc đang sinh sống. Nét văn hóa phi vật thể này có khi còn hấp dẫn du khách hơn những ngôi nhà cổ dù được gìn giữ tốt nhưng lại không gắn với sự sống, với sinh hoạt của con người.
Với việc tu tạo các ngôi nhà đang xuống cấp, điều quan trọng không phải là Nhà nước cấp bao nhiêu tiền, mà phải làm sao cho người dân có thể tạo ra thu nhập từ giá trị vô hình của khu phố cổ mà họ đang sống. Bản thân cụ Trần Văn Bộc cũng khẳng định, nếu có tiền, cụ vẫn đủ sức khỏe để chỉ đạo thợ mộc, thợ hồ phục dựng nguyên trạng ngôi nhà mình đã gắn bó cả cuộc đời. Bởi vậy, ngoài việc hỗ trợ ban đầu cho một số công trình trọng điểm, chính quyền địa phương cần tổ chức và hướng dẫn cho đồng bào cách khai thác các lợi thế về du lịch của mình. Khi những giá trị văn hóa biến thành lợi ích vật chất, người dân sẽ tự mình gìn giữ. Lúc đó, việc bảo tồn sẽ trở thành tự giác, gắn bó lâu dài với chính người dân.