Chùa Phụng Sơn
Chùa Phụng Sơn, tên chữ là Phụng Sơn Tự, còn có tên là chùa Gò, tọa lạc ở số 1408, đường 3 tháng 2, phường 2, quận 11, thành phố Hồ Chí Minh, Việt Nam. Ngôi cổ tự này đã được xếp hạng là "di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia" vào ngày 16 tháng 11 năm 1988 [1].
Nguồn gốc[sửa | sửa mã nguồn]
Chùa Phụng Sơn được thiền sư Liễu Thông (1754-1840) [2] tạo lập vào đầu thế kỷ 19, dưới triều vua Gia Long trên nền của một ngôi chùa Chân Lạp cổ, nằm trên một đồi nhỏ bao quanh là ao Bàu Chuông có trồng sen.
Tương truyền, trên đường đi vân du vào phủ Gia Định, thiền sư Liễu Thông trông thấy cảnh trí nơi này thanh tịnh, thích hợp cho việc tu hành, nên dựng một am tranh tại đây, và được người dân quanh vùng gọi bằng một cái tên dân dã là chùa Gò. Một hôm, có một con chim phụng đến đậu trên cây ngô đồng (Firmiana simplex) trước am cất tiếng gáy, thiền sư cho đó là điềm lành, nên đặt tên chùa là Phụng Sơn Tự, có nghĩa chùa trên núi có chim phụng.
Kiến trúc[sửa | sửa mã nguồn]
Năm 1904, am lá được xây cất lại. Và kể từ đó cho đến nay, chùa có hai lần trùng tu lớn, đó là vào thời hòa thượng Huệ Minh trụ trì (1904 -1915) và vào năm 1960. Năm 1963, hòa thượng Thích Phước Quang cho xây lại cổng tam quan, do kiến trúc sư Nguyễn Bá Lăng vẽ kiểu. Tuy được trùng tu lại vài lần, nhưng chùa vẫn theo kiến trúc cổ với bộ khung gỗ và mái ngói âm dương.
Chùa Phụng Sơn xây theo kiểu chữ "quốc" (chữ Hán), dài trên 40 m, rộng gần 20 m, có hàng hiên chạy quanh bốn phía. Bên trong chùa chia ra hai khu rõ rệt, phía trước là chính điện, cách một sân lộ thiên, phía sau là nhà giảng. Hai bên sân lộ thiên có đông lang và tây lang, nối liền hai nơi. Sân lộ thiên có hòn non bộ, tượng Quan Âm và cây cảnh, nhờ có khoảng sân này nên chùa được thoáng đãng, sáng sủa. Nơi chính điện, các cột đều làm bằng gỗ tốt, lâu ngày đã trở nên đen bóng. Chùa thờ kiểu "tiền Phật, hậu Tổ". Điện Phật có nhiều tượng Phật xưa bằng gỗ, thiếp vàng chạm trổ mỹ thuật. Tổng cộng chùa có khoảng 40 pho tượng thờ. Nhiều tượng thờ do nhóm thợ từ Sa Đéc, do hòa thượng Huệ Minh mời đến chùa để tạo tác vào những năm đầu thế kỷ 20. Có nhiều pho tượng quý như bộ Di Đà Tam Tôn, bộ Ngũ Hiền thượng kỳ thú, pho tượng Phật bằng đá, tượng Tiêu Diện...
Di tích[sửa | sửa mã nguồn]
Khu đất chùa Gò tọa lạc là một di tích khảo cổ học. Tài liệu của Bảo tàng Lịch sử Việt Nam (Thành phố Hồ Chí Minh) cho biết vào các năm 1988 và 1991, các nhà khảo cổ học đã tìm được những mặt người bằng đất nung, đồ gốm...thuộc văn hóa Óc Eo. Ở đây cũng đã tìm thấy một tượng Phật bằng đồng theo phong cách Thái Lan...[3]
Năm 1909, nhà sư Huệ Minh đã đem giống mai, có nguồn gốc từ chùa Cây Mai[4] về trồng ở chùa. Đây là giống mai quý hiếm, được nhiều nhà thơ thuộc nhóm Bạch Mai thi xã, như Trịnh Hoài Đức, Nguyễn Thông, Tôn Thọ Tường... ca ngợi, và cho đến nay chỉ còn lại một cây mai già ở bên hông chùa.
Vào thời kỳ đất đai chưa bị đô thị hóa, cả khu vực chùa tọa lạc rất vắng vẻ, chung quanh gò còn có bàu sen rộng và hào nước bao bộc. Nay khuôn viên chùa đã bị lấn chiếm, hào nước bị rác rưởi lấp cạn và bàu sen bị thu hẹp lại bởi các căn nhà mọc lên quanh bờ. Vì vậy, chùa đã mất đi nhiều vẻ đẹp thiên nhiên và không khí tĩnh lặng cần có của một tự viện danh tiếng...
Giá trị[sửa | sửa mã nguồn]
Chùa Phụng Sơn là một trong những ngôi chùa cổ, còn in đậm nét sự có mặt của tín ngưỡng dân gian, Như bên hành lang chánh điện thờ Linh Sơn Thánh Mẫu, một trong những vị nữ thần được tôn kính và thờ tự phổ biến ở miền Nam. Dấu vết của quá trình sinh sống và cộng cư của nhiều dân tộc tại vùng đất này còn được thể hiện qua hình ảnh ngôi miếu nhỏ thờ Ông Tà (Neak Tà) trong khuôn viên chùa, bên những ngôi tháp Tổ. Đó là dạng tín ngưỡng, là một nét văn hóa phổ biến của cư dân Khmer. Là một trong những ngôi chùa cổ còn lưu lại đậm nét về địa thế, kiến trúc, nghệ thuật tạc tượng, cách bày trí và thờ cúng...chùa Phụng Sơn đã góp phần mang lại một giá trị văn hóa - nghệ thuật phong phú, đa dạng trong dòng phát triển của văn hóa Phật giáo tại Nam Bộ.
Chú thích[sửa | sửa mã nguồn]
- ^ Xem tại đây: [1].
- ^ Thiền sư Liễu Thông, tên tục là Huỳnh Dậu, pháp danh Liễu Thông, pháp hiệu Chơn Giác; là người Thanh Hóa, thuộc phái thiền Lâm Tế, đời thứ 37.
- ^ Theo công trình đào khảo sát kết thúc vào ngày 21 tháng 4 năm 1988, thì ngoài những gì ghi trên, ở khu vực chùa Gò còn tìm thấy dấu vết kiến trúc cổ như đền đài, vòng thành...kết cấu bằng gạch nung. Khối lượng gạch đá dùng xây công trình, gần mười ngàn mét khối (theo Nguyễn Thị Thu Hiền, Địa danh du lịch, NXB Từ điển Bách khoa, Hà nội, 2005, tr. 278).
- ^ Trong nhiều loại mai, có một loại mai cũng trổ hoa màu trắng. Đó là mai mù u (hay còn gọi là nam mai, bạch mai) tên khoa học là Ochrocarpus siamensis var.odoratissimus Pierre thuộc họ Guttiferae, hiện còn lại rất ít ở Việt Nam (xem ảnh). Nam mai chỉ là loài tương cận với cây mù u hiện mọc hoang nhiều nơi ở miền Nam; càng không phải là loài mai vàng, mai trắng thuộc họ Ochnaceae thường trổ mỗi dịp xuân về...
Liên kết ngoài[sửa | sửa mã nguồn]
- Mai Sơn Tự Và Mai Khâu Tự.
- Phụng sơn Tự trên web Bình dương.