Nhắc đến thác Tình yêu (Sapa) chắc nhiều người nhớ đến câu chuyện tình đã trở thành huyền thoại giữa chàng tiều phu Ô Qui Hồ và nàng tiên thứ bảy. Thế nhưng ít ai biết rằng, giữa thế kỷ XX, dòng thác tuyệt cảnh đó vẫn còn ẩn chứa những mối tình dù tình cảnh ngang trái nhưng thật đẹp, đủ làm rung động hàng triệu những trái tim đang yêu.
Huyền thoại mối tình thần tiên
Thác tình yêu.
Đặt chân đến xã San Sả Hồ, cách thị trấn Sapa (Lào Cai) khoảng 4km về hướng Tây Nam và cách đèo Ô Qui Hồ chừng 3km theo đường chim bay, ngồi uống chén trà ngọt đặc sản Sapa trên con đường mòn đất đỏ, phóng tầm mắt ra xa là có thể nhìn thấy dòng thác hùng vĩ đổ xuống ầm ầm từ độ cao gần 100 mét. Theo những người già bán thổ cẩm cho khách du lịch nơi đây thì con thác dữ dội đó có tên gọi là thác Cầu Trắng. Chỉ khi hỏi đến danh xưng thác Tình yêu thì những người bản địa mới kể cho tôi nghe câu chuyện mang đậm chất huyền thoại về mối tình cảm động giữa chàng tiều phu Ô Qui Hồ và nàng Tiên thứ bảy.
Chuyện kể rằng, Ô Qui Hồ - người con trai cả của thần núi ngự trị trên dãy Ai Lao - vì mê loài trúc óng ả làm nên những cây sáo kỳ diệu với những giai điệu hút hồn trên dãy Hoàng Liên nên đã chểnh mảng công việc tu luyện để nối vị cha. Tức giận, vị thần oai nghiêm này đã phạt chàng biến thành người thường, đẩy xuống nơi thác Cầu Trắng để ngày ngày trồng trúc, chăn mây, thổi sáo.
Không ngờ, dòng thác phong cảnh hữu tình đó cũng là nơi các nàng tiên trên trời hay xuống tắm để thưởng thức những kỳ hoa dị thảo chốn trần gian. Mỗi khi tắm xong, các nàng hay phơi xiêm y trên những thảm cỏ mướt xanh đợi khô mới mặc lại để về trời. Một lần, trong lúc giáng hạ, nàng tiên thứ bảy phát hiện bên dòng thác có một chàng tiều phu đang ngồi thổi sáo. Tiếng sáo của chàng róc rách như suối reo, líu lo như chim rừng ân ái đã làm nàng mất hồn, quên cả đường về thượng giới. Đêm đại ngàn lạnh giá đã khiến cho nàng phải đến ngồi cạnh chàng trai bên đống lửa. Thời khắc đó không gian như lắng đọng, dòng thác ồn ào chợt vô thanh để cho tiếng sáo chàng tiều phu múa lên những giai điệu du dương, đằm thắm. Từ đó ngày nào cũng thế, nàng tiên thứ bảy luôn nán lại nghe chàng Ô Qui Hồ thổi sáo cho đến khi trời tối thì mới bay về trời.
Một thời gian sau, cha mẹ nàng phát hiện ra và không cho nàng xuống hạ giới tắm nữa. Nhớ chàng tiều phu, chiều nào nàng tiên thứ bảy cũng ra cổng trời nhìn xuống dòng thác trắng xóa để mong thấy được hình bóng và tiếng sáo của người yêu. Ngày qua ngày, nàng buồn phiền biến thành một loài chim mào vàng bay quanh đỉnh núi và cất tiếng gọi Ô Qui Hồ da diết mãi không thôi. Cũng từ đấy người dân Sapa gọi dòng thác này là thác Tình yêu để nhớ về câu chuyện tình buồn của đôi uyên ương đã lưu truyền cả ngàn năm trước.
Viên hạ sĩ Pháp và cô gái Mông
Trên đường vào thác Tình yêu, tình cờ tôi được gặp “người rừng” Trần Ngọc Lâm - người đã sống gần 5 năm trời trong hang gấu ở độ cao 2.800 mét trên đỉnh Phanxipăng để chữa trị căn bệnh ung thư quái ác. Thấy gã trai Hà Nội cứ ngẩn ngơ bởi câu chuyện tình huyền thoại, ông Lâm đã rủ tôi vào đối ẩm với ông trong rừng trà cổ thụ ngàn năm tuổi để nghe ông kể về một mối tình đặc biệt giữa thế kỷ XX, thực sự làm nên danh xưng thác Tình yêu lừng lẫy.
Ông Lâm thổi sáo bằng loại trúc mà chàng Ô Qui Hồ thổi ngày xưa.
Vừa chặt một thân trúc to bằng cổ chân để đổ nước đun trà, ông Lâm chậm rãi kể: “Thời điểm năm 2007 khi tôi đang tập thiền chữa bệnh trên đỉnh đèo Hoàng Liên, nơi đất trời gặp nhau, có đường Quốc lộ cao nhất Đông Dương chạy qua, cao 2.022 mét so với mực nước biển thì tình cờ gặp một đoàn leo núi người Pháp. Trong đoàn có một cụ già râu tóc bạc phơ tỏ ra rất thông thuộc địa hình nơi đây và chủ động ra bắt chuyện với tôi. Qua giới thiệu tôi được biết ông cụ ngoại quốc này chính là Trung úy đồn phó cuối cùng của đồn Trạm Tôn - Giăng Ri Nhong, thoát chết về nước năm 1949 khi Việt Minh tấn công đồn. Ông cụ nhờ tôi dẫn đi thăm lại một số địa danh đã có nhiều thay đổi so với tấm bản đồ quân sự cũ mèm mà ông mang theo, chắc là kỷ vật còn sót lại từ hồi chiến tranh Việt Nam.
Đứng từ đỉnh đèo Trạm Tôn phóng tầm mắt ra xa khoảng 2km, ông Trung úy già chỉ dòng thác tung bụi nước trắng xóa hỏi tôi có biết tên thác nước đó không. Tôi nói đó là thác Cầu Trắng. Ông cụ lắc đầu bảo: Nó ý nghĩa hơn nhiều, người Pháp chúng tôi gọi nó là thác Tình yêu vì nó gắn liền với một mối tình đặc biệt xảy ra vào năm 1943.
Lúc đó đồn Trạm Tôn có một hạ sỹ y tá người Sénégal có cái tên rất đàn bà là Tôm Mê Bơn. Tuy vậy anh ta cao lớn đen nhẻm vì là người Phi chính gốc. Nơi suối Cầu Trắng gặp suối Truva là làng San Sìn Hồ có một ông lão người Mông tên là Hạng A Chơ. Ông lão sống với một cô con gái độc nhất 17 tuổi tên là Hạng A Mỷ, mặc dù A là tên đệm của con trai. Hai bố con đi săn rất giỏi, A Mỷ cũng là tay bắn nỏ thiện xạ. Sỹ quan ở trạm hay mang rượu xuống uống với thịt nướng do ông Chơ và A Mỷ đi săn về.
Một hôm ông Giăng Ri Nhong đang trực chỉ huy thì thấy A Mỷ hốt hoảng lên đồi báo tin bố cô bị thương nặng lắm. Ông Giăng gọi hạ sỹ Tôm đi theo. Khi đến nhà A Mỷ, họ thấy ông Chơ đang nằm thiêm thiếp, bắp chân băng kín bằng một mảnh vải chàm. Tôm cởi băng ra, thật khủng khiếp vì bắp chân bị dập nát như cho vào cối đá giã. A Mỷ cho biết bố cô bị lợn rừng cắn. A Mỷ kể rằng khi bắn con lợn thấy nó ngã không động đậy nên bố cô đi đến, bất ngờ con lợn vùng dậy đớp vào chân. A Mỷ phải lấy dao chặt mõm con lợn mới gỡ được. Từ hôm đó hạ sỹ Tôm mang thuốc men, lương thực xuống nhà A Mỷ chạy chữa cho ông lão.
Những dòng thác nơi ngọn núi sương mù luôn ẩn chứa những câu chuyện tình tuyệt đẹp.
Khoảng một tháng sau, trong một cuộc họp sỹ quan và hạ sỹ quan đồn, hạ sỹ Tôm ngập ngừng báo cáo xin được lấy A Mỷ làm vợ. Các sỹ quan và hạ sỹ quan nhìn anh ta như một vật lạ từ trên trời rơi xuống. Trung úy Truva sau một hồi cười rũ rượi tiến đến đặt tay lên vai Tôm nói: “Mày cần gì phải cưới, cứ như chúng tao đây, thích đứa nào cứ đưa ra rừng, xong chán lại tìm đứa khác”. Tôm lặng đi nhưng vì là da đen nên không ai biết mặt anh ta đỏ lên hay tái đi, chỉ biết mắt anh ta long lên và Truva bị một quả đấm rất mạnh ngã ngửa ra sàn. Sau sự kiện ấy, Tôm bị giam 15 ngày, cách chức xuống làm lính trơn. Khi ông cụ Hạng A Chơ chống gậy đi lại được thì Tôm và A Mỷ trốn mất. Tôm đi mang theo khẩu “mót”. Giăng Ri Nhong điện về Sapa và Bình Lư để 2 nơi tìm giúp. Mười ngày sau có người dân đi nương về báo thấy Tôm và A Mỷ ở cánh rừng có thác nước mà anh gọi là Cầu Trắng. Truva gầm lên dẫn một tiểu đội đi tìm.
Suốt ngày hôm đó nghe thấy tiếng súng vẳng lại trong rừng, Giăng Ri Nhong mong rằng đừng có chuyện gì xảy ra. Chiều tối Truva mới về, lầm lì không nói một câu, đưa cho Giăng một lá thư của Tôm, đại ý là anh ta không muốn bắn Truva và tha thứ cho Trung úy tội xúc phạm A Mỷ. Truva cho biết cả hai đã ăn lá ngón chết ở chân thác rồi. Từ đó những người Pháp ở đồn Trạm Tôn gọi đó là thác Tình Yêu. Đầu năm 1944 chính Truva đưa dân phu lên cánh rừng đỉnh núi đắp hồ để bơi thuyền những ngày nắng đẹp. Sau này Truva nói đã chôn cất tử tế cho hai người và trồng một cây thánh giá bằng đá lên mộ”.
Đêm rừng Hoàng Liên sâu thẳm đến ngút ngàn. Tôi nhấm nháp một ngụm trà nóng để cảm nhận vị ngọt chát tê dần nơi đầu lưỡi. Xa xa, thác Tình Yêu vẫn tung bọt trắng xóa, gầm lên những âm thanh hùng vĩ như để nhắc lại câu chuyện tình bi phẫn đã lùi xa nửa già thế kỷ.
» Thôn nghèo Việt Sơn cảm động tấm lòng đứa con bán thận
» Cảm động cha nuôi đằng đẵng tìm bố mẹ ruột cho con gái
» Cảm động chuyện con cưới vợ cho bố tuổi 80
» Chuyện tình kỳ lạ và cảm động của cặp vợ chồng mù
Theo Báo Gia đình & Xã hội