Nhân vật lịch sử: Trần Khắc Chung
Ông Trần Khắc Chung tên thật là Đỗ Khắc Chung, vì có công trong cuộc kháng chiến chống quân Nguyên, nên được đổi theo họ vua. Đây là một trong những nhân vật đặc biệt nhất của nhà Trần, với một cuộc đời đầy sóng gió.
Lần đầu tiên tôi đọc về ông Đỗ Khắc Chung là từ “Nghìn xưa văn hiến” của cụ Trần Quốc Vượng, chắc hồi cấp 1. Chuyện kể về việc Đỗ Khắc Chung đi sứ vào trại Ô Mã Nhi. Đầu cuộc xâm lược lần thứ hai của Mông cổ, Ô Mã Nhi làm tiên phong, thế lực rất mạnh, quân Đại Việt phải lui nhiều trận. Vua Trần muốn cử một người sang đi sứ để thăm dò bên địch. Ông Đỗ Khắc Chung, lúc đó chỉ là một chức quan nhỏ, xung phong xin đi. Ông đối đáp với Ô Mã Nhi rất cứng cỏi, xắn tay áo cho y xem hai chữ Sát Thát xăm trên người. Người Mông Cổ khâm phục sự dũng cảm của ông. Ô Mã Nhi, mặc dầu là một mãnh tướng thắng liền nhiều trận, cũng phải kinh ngạc mà than rằng ‘Đại Việt nhiều người giỏi, chưa thể thắng ngay được”.
Sau đó tôi nhớ ông Khắc Chung cùng với các tướng khác không trong hoàng tộc nhà Trần, như Yết Kiêu, Dã Tượng, Phạm Ngũ Lão. Lớn lên một chút, đi chơi Hà Nội (Hà Nội hồi đó chỉ có bốn quận nội thành, bé hơn bây giờ rất nhiều), thấy có phố Yết Kiêu, Dã Tượng, Phạm Ngũ Lão, Trương Hán Siêu, nhưng không thấy phố Trần Khắc Chung, cũng hơi thấy lạ, nhưng cũng không để ý nhiều. Về sau đọc thêm, mới thấy ông nhiều điểm đặc biệt.
Ông Khắc Chung thọ và làm quan rất lâu, trải ba đời vua Trần Nhân Tôn, Trần Anh Tôn, và Trần Minh Tôn. Đây là giai đoạn thịnh trị nhất của nhà Trần. Như đã nói trên, lúc đầu ông chỉ là chức quan nhỏ, sau được quốc tính, ông dần dần trở thành nhân vật quan trọng; đời vua Anh Tôn và Minh Tông, ông đã từng làm tể tướng (hành khiển).
Sự kiện quan trọng thứ nhất khi ông Khắc Chung làm quan to là chuyện của công chúa Huyền Trân. Công chúa là con vua Nhân Tôn, em vua Anh Tôn. Vua Chiêm Thành là Chế Mân cử người sang cầu hôn (lúc đó công chúa chưa đến 20 tuổi, còn cụ Chế đã 60). Phần lớn triều thần nhà Trần phải đối, chỉ có Văn Túc Vương Đạo Tái (con Thái Sư Trần Quang Khải) và Trần Khắc Chung vun vào. Vật dẫn cưới là hai châu Ô, Rý của Chiêm Thành (địa giới Quảng Bình, Quảng Trị và Thừa Thiên hiện nay); nhờ đó Đại Việt được mở rộng đáng kể.
Thương thay cụ Chế Mân tuy anh hùng, nhưng lấy vợ trẻ chẳng được bao lâu thì mất. Bình thường thì cũng chẳng sao, nhưng người Chiêm Thành hồi đó lại có một tục lệ không được ga lăng là hoàng hậu phải chịu hoả thiêu theo chồng. Điều kiện này lúc ăn hỏi có được nhà giai nêu ra không thì không biết, nhưng vua Anh Tôn xót em, và ông Khắc Chung nhận nhiệm vụ đi cứu công chúa về.
Nhiêm vụ xem ra thật là bất khả thi (mission impossible). Lấy đi hoàng hậu của một nước khác, thì chắc là anh Ethan Hunt–Tom Cruise với tất cả đống đồ nghề hi-tech của anh ấy cũng chịu. Nhưng mà ông Khắc Chung làm được mới tài. Điệp vụ này tình tiết chắc rất hấp dẫn, nhưng sử thì chỉ chép vắn tắt rằng ông thuyết phục được người Chiêm làm lễ chiêu hồn ở gần biển, rồi nhân dịp đem công chúa lên thuyền chạy mất. Thực tế chắc phải hồi hộp gay go thế nào, làm sao công chúa lên thuyền được, và chẳng nhẽ chạy mà bên kia họ không biết đuổi chắc.
Người Chiêm có đuổi theo hay không còn chưa rõ, nhưng ông Khắc Chung và công chúa giăng buồm ra khơi, thong dong khá lâu sau mới về đến Đại Việt. Triều đình bàn tán xầm xì. Các cụ sử gia của các triều đại sau (như Ngô Sĩ Liên) chê bai ông Khắc Chung thậm tệ. Việc này, cũng nên thông cảm với các cụ, vì từ nhà Lê về sau, ảnh hưởng của Nho Giáo rất mạnh, nên các cụ nhìn đâu cũng thấy trái lễ với cả phạm thượng.
Việc quan hệ tình cảm giữa ông Khắc Chung và công chúa là một nghi án. Theo tin gần đây, báo Người Đưa Tin của hội luật gia Việt Nam đã có ý kiến, khẳng định là các cụ sử gia thời Lê vu oan cho ông Khắc Chung. Như báo trên đưa tin, theo điều 122 bộ Luật Hình Sự 1999, các cụ sử gia thời Lê có thể bị phạt từ 1 đến 7 năm tù, bồi thường danh dự nhiều triệu đồng, và bị treo bút từ một đến năm năm. Cũng theo bài báo, sự vu cáo của các sử gia Hậu Lê làm ảnh hưởng rất nhiều đến uy tín và danh dự của ông Khắc Chung tại triều đình (nhà Trần) ! Bài báo này quả rất đáng đọc, nhất là khi bạn làm việc căng thẳng.
Thật ra việc quan hệ nam nữ, hôn nhân dưới triều Trần rất phóng khoáng. Ông Khắc Chung và công chúa nếu có yêu nhau thật, chắc cũng chẳng phải chuyện gì to tát. Công chúa tuổi 20, bị gả vào một đám cưới chính trị, từ giàn hoả thiêu mà bước ra, ở trên thuyền chỉ có biển với trời, không có cảm tình gì với ân nhân của mình thì mới là chuyện lạ.
Việc lớn thứ hai có liên quan đến Trần Khắc Chung là vụ án của Huệ Võ Vương Trần Quốc Chẩn. Ông Quốc Chẩn, cũng như công chúa Huyền Trân, là em vua Anh Tôn, rất được vua Anh Tôn tin cậy. Đến đời vua Minh Tôn, ông vừa là chú vua, vừa là quan đầu triều, vừa là Quốc trượng (bố của hoàng hâu), uy tín và thế lực hết sức lớn. Vua Minh Tôn ở ngôi lâu, nhưng hoàng hậu chưa có con trai, nhà vua muốn lập hoàng tử Vượng (là con một bà khác) làm thái tử, nhưng ông Quốc Chẩn muốn đợi cho tới khi con gái mình có con. Trong triều đình có những người ủng hộ hoàng tử Vượng, mua chuộc một người nhà của ông Quốc Chẩn, xui tên này vu cho ông làm phản. Vua Minh Tôn cho bắt ông Quốc Chẩn, nhưng chưa biết xử trí thế nào, liền hỏi Trần Khắc Chung. Đại Việt sử ký toàn thư chép ông Khắc Chung trả lời “Thả hổ thì dễ, bắt hổ thật khó”. Sau đó Quốc Chẩn bị giam bỏ đói mà chết. Chuyện này có những chi tiết rất thương tâm, như việc hoàng hậu đi thăm bố, phải nhúng áo vào nước cho ướt cho bố uống. Mấy năm sau, việc mua chuộc bại lộ, Trần Quốc Chẩn được phục hồi, nhưng hoàng từ Vượng vẫn được lập làm thái tử. Đây là vụ án chính trị lớn nhất triều Trần và làm vua Minh Tôn hết sức hối hận về sau.
Trần Khắc Chung mất một thời gian ngắn sau khi hoàng tử Vượng lên ngôi (vua Hiến Tôn). Ông được truy tặng chức Thiếu Sư. Phần mộ của ông sau đó bị người nhà Trần Quốc Chẩn xâm phạm.
Hiện ở Vũng Tàu có cả phố Trần Khắc Chung và phố Huyền Trân công chúa. Phố Trần Khắc Chung là một phố nhỏ, song song với phố Trần Khánh Dư và vuông góc với Trần Huy Liệu. Còn phố Huyển Trân công chúa dài hơn rất nhiều, nhưng lại song song với Trương Công Định, và vuông góc với Lê Hồng Phong và Nguyễn An Ninh.
,
Thưa GS VHV, em đọc bài báo của Hội luật gia Việt Nam thì em thấy dở.:-) Chẳng có căn cứ nào mà dám kết tội ông Ngô Sĩ Liên, ông ấy học hành đến thế, quyền cao chức trọng, viết quốc sử, mà còn bịa chuyện thì quả là tệ thật, nhưng vu khống cho ông Trần Khắc Chung thì nhà Lê được lợi gì cơ chứ? Vả lại, nếu cho là sử viết không đúng, thì còn có văn để mà đối chiếu. Rõ ràng là, câu chuyện về Công chúa Huyền Trân có một sự nhất quán, dân gian rất là thương cô ấy, GS đã đọc bài “Nam bình” chưa ạ ? Hai người rong ruổi trên biển mãi không về thì chẳng có gì có thể thanh minh được, còn sau đó thì vua Chế Chí của Champa đem quân đánh đòi lại hai châu Ô, Rí cũng cho thấy là vụ cướp lại công chúa là thật.
Còn cái ông Trần Khắc Chung ấy, hình như là đẹp trai tài giỏi, nghe nói lại là thày dạy của công chúa nữa, chắc hẳn phải làm nàng mơ mộng (cho nên mới không muốn lấy ông Chế Mân chứ ông ấy tuy già nhưng mà hào hùng, người Champa tóc xoăn da bánh mật thực ra là đẹp, ông ấy lại còn yêu chiều nàng quá trời). Nhưng mà ông TKC chắc cũng tàn nhẫn tính toán lắm, nên khi phát hiện ra con người thật của chàng thì nàng vỡ mộng, đời khổ.
Hơ hơ, bài của hội luật gia đem lại cho người đọc những tiếng cười sảng khoái, mặc dầu có thể ngoài ý muốn của tác giả.
Các cụ Hậu Lê thì nhìn vấn đề và phán xét theo cách của các cụ, mà thời các cụ ảnh hường Nho giáo rất mạnh. Đại loại các cụ muốn ông TKC cứu công chúa về, nhưng nếu ông ấy nhỡ chạm tay vào tà áo của nàng, thì phải tự chặt tay ngay, cho nó đúng “lễ”. Nhiều lời bình trong Đại Việt sử ký toàn thư của các cụ hơi khiên cưỡng.
Về nhan sắc của ông Chung và cụ Chế, thì anh không biết ai hơn ai, cũng chẳng thấy đâu chép lại. Nhưng cụ Chế hơn công chúa 40 tuổi, kể ra gọi là ông cháu rất hợp. Chẳng biết về sau công chúa (chắc là phải xinh) có lấy ai nữa không.
Anh chọn ông Chung vì ông ấy là nhân vật đa chiều, thú vị, và có cái hào hùng riêng. Các nhà
nghiên cứu sử hay nhà văn lịch sử phương Tây rất thích khai thác những nhân vật như vậy. Nhân vật trong các truyện dã sử VN thường một chiều và đơn giản (chẳng hạn như trong Đêm hội Long Trì của cụ Nguyễn Huy Tưởng, đã dựng thành phim) nên đọc nhanh chán.
Dạ trong quốc sử thì không thấy có nói gì về việc công chúa có lấy ai nữa không. Em đọc ở nhiều nguồn khác nhau thì là công chúa ở vậy luôn, đi tu luôn, chắc là đúng vì thấy nói có xây chùa cho cổ. Vì sao lại như vậy thì có nhiều lời giải thích khác nhau. Lý do quan trọng nhất là vì ông Trần Khắc Chung có vợ con rồi nên không cưới công chúa làm vợ lẽ được (thế mà còn đi tán tỉnh người ta, thật là tệ, cụ Ngô Sĩ Liên nói đúng ạ!), lý do khác nữa là công chúa đã là hoàng hậu Champa rồi, không lấy mấy anh tầm tầm được nữa (cái này em thấy có vẻ sai vì nhà Trần thường gả các công chúa lung tung cho mấy ông tù trưởng bộ lạc mà có phiền lòng gì đâu), còn em thì đoán là công chúa bị mấy phen tơi tả, ớn quá, chắc cũng không ham lấy chồng nữa. Chỉ hiềm nỗi “đắng cay vì, đương độ xuân thì…”
Hihi, em vẫn tiếc ông Chế Mân, ông ấy đem tặng sính lễ cả hai châu Ô, Rí (không biết có bị dân Chàm nhiếc là bán nước không), phong luôn làm hoàng hậu, lại còn tặng cho một thái tử Chế Đa Da nữa. Ở VN mình thì mới phân biệt ông cháu, chứ ở bên Tây thì “vous” với “you” tuốt.
Reblogged this on zonzoncodon and commented:
Ngon