Lăng Ba Vành, một di tích lịch sử đừng để hoang phế
Thứ ba, 12/08/2008 09:35
 

Đã gần 70 năm, qua lăng Ba Vành tại khu vực đồi Thiên An - Hồ Thủy Tiên thuộc Cư Chánh, Thủy Bằng, Hương Thủy đã làm tốn hao biết bao công sức và giấy mực của nhiều nhà nghiên cứu...

Nhưng cho đến nay chủ nhân đích thực của ngôi mộ này vẫn còn là dấu chấm hỏi, bởi vì xung quanh ngôi mộ còn có nhiều điều bí ẩn và những luận chứng đưa ra vẫn chưa đủ sức thuyết phục.

Có thể phân ra làm hai luồng ý kiến khác nhau về chủ nhân của ngôi mộ này.

Luồng ý kiến thứ nhất của Bửu Kế (1961), Lê Văn Hoàng (1974), Trần Đại Vinh (1988) và một số bài viết của tác giả Đỗ Bang, Phan Thuận An, Mai Khắc Ứng… Dựa vào các tư liệu chính là bức thư của linh mục L.Cadière gởi cho R.Orband, phúc thư của bộ Lễ Nam triều gởi cho R.Orband và tờ trình của làng Cư Chánh phúc bẩm Phủ Thừa Thiên để cho rằng lăng Ba Vành là lăng của Chánh Dinh Hộ bộ kiêm Binh bộ Lê Quang Đại.

Luồng ý kiến thứ hai là của Nguyễn Thiệu Lâu (1941 đi khảo cứu, 1961 viết bài đăng báo), Nguyễn Hữu Đính (1983), Trần Viết Điền (1988 cho đến nay) thì cho rằng đây là lăng của vua Quang Trung.

Nổi cộm hơn cả là Trần Viết Điền và nhóm cộng tác viên đã dành hơn hai mươi năm để nghiên cứu về lăng Ba Vành và đã công bố tư liệu mới xung quanh nghi án lăng Ba Vành.

Hãy khoan vội kết luận và thiên về khuynh hướng nào vì những luận chứng trên còn cần những thao tác quan trọng của ngành khoa học khảo cổ mà hãy để những vết tích tại hiện trường và đất đá của khu lăng mộ giúp trả lời và làm sáng tỏ.

Theo chúng tôi, đây là công việc cần kíp và nằm trong tầm tay của chúng ta, bởi không cần một đội ngũ quá đông, một nguồn kinh phí quá lớn vì nơi đây đã là một vùng hoang phế, mặt bằng đã được phát quang, không đòi hỏi phải giải tỏa, phải đền bù cho ai.

Phương pháp khảo cổ học sẽ loại trừ được một trong hai luận chứng và đó là con đường ngắn nhất để định hướng cho việc tìm ra nơi chôn cất đầu tiên của Hoàng đế Quang Trung tại Huế.

Cứ thử cho rằng khi tiến hành công tác khảo cổ khẳng định được rằng lăng Ba Vành không phải là lăng của Quang Trung-Nguyễn Huệ thì công việc đó cũng không phải là vô ích bởi vì lăng Ba Vành là một lăng cá biệt, có không hai trong hệ thống lăng mộ ở Huế và quần thể di tích Huế.

Có thể nêu lên những điểm cá biệt nổi bật của ngôi lăng này:

1. Quy mô của lăng không to lớn bằng những lăng của các vua triều Nguyễn thời thịnh trị như Minh Mạng, Tự Đức, Khải Định… nhưng vẫn to hơn nhiều so với lăng của một số vua còn lại của triều Nguyễn, to gấp nhiều lần so với lăng của các chúa Nguyễn, hoàng thân quốc thích của triều Nguyễn và của các đại thần.

2. Hình dạng của lăng và các mô típ trang trí cũng cá biệt: Lăng có ba vòng thành (thông thường chỉ có hai), có cổng tam quan (lăng vua mới có cổng tam quan, lăng các chúa và đại thần chỉ có cổng vào với một cửa), trong lăng có nhà bia (nếu là bia thờ thổ thần thì không bao giờ xây dựng trong thành lăng mà ở ngoài thành lăng phía trên bên phải hoặc phía dưới bên trái của ngôi mộ), mô típ trang trí nổi bật ở khu lăng là hình tượng con "Cù dậy" (cá sấu mọc sừng sẽ hóa rồng), đây là hình tượng văn hóa đặc trưng của khu vực Nam Trung bộ nhưng lại có mặt duy nhất ở Huế, hình tượng này biểu trưng cho tính đột biến, nổi trội từ một sự bình thường trở thành một sự phi thường.

3. Ngôi mộ có quá nhiều dấu tích đầy bí ẩn, nhiều nghi án lịch sử: Nấm mộ bị đào bới một góc (hiện tượng quật mộ), hầm chôn đồ tuỳ táng được đào bốc, cổng tam quan, nhà bia, bình phong bị phá sập, đặc biệt là tấm bia đá chữ nguyên thủy bị đục xóa, trám vữa xi măng sau đó chạm khắc thêm những hàng chữ khác, một vết chạm sâu hình lưỡi kiếm (vết chém) trên đầu phía phải của bia, trong khu lăng mộ có thêm một ngôi mộ khác đưa vào chôn đoạt hướng (ngay trước nấm mộ cũ) đã được đào dời đi.

Thật ra, lăng ba Vành còn rất nhiều điều kỳ thú nữa như sự cá biệt về phong thủy, về hình tượng kiến trúc, về chất liệu xây dựng… những nét cá biệt này đều đáng được nghiên cứu và có nhiều lợi ích cho nền văn hóa nước nhà.

Để kết luận chúng tôi chỉ muốn nói một điều là hãy quan tâm đến di tích lịch sử văn hóa độc đáo này, đừng để di tích này rơi vào quên lãng và bị hoang phế như hiện nay, rất mong chính quyền và các ngành chức năng hãy tổ chức một hội thảo riêng cho lăng Ba Vành, có thể ngay tại địa điểm khu lăng để được mắt thấy tai nghe, hãy tiến hành khai quật, khảo cổ để tìm thêm những bí ẩn đang còn trong lòng ngôi mộ.


Báo Thừa Thiên Huế cuối tuần
 
32
 
In ấn  Bản in   Gửi bạn bè 
 
Gửi bạn bè
 
* Họ và tên:
* Email của bạn:
* Email của người nhận:
Nội dung:
    Gửi Nhập lại
 
Các bài viết khác