10.03.2012 21:15:47
Khu di tích Lê Hữu Trác - Hà Tĩnh.
Văn Hiến - Cách thành phố Hà Tĩnh đi về phía huyện Hương Sơn khoảng 70 km, khu di tích tưởng niệm đại danh y Hải Thượng Lãn Ông với bức tượng uy nghiêm sừng sững đó từ lâu vẫn là niềm tự hào thiêng liêng của bao người con xứ Nghệ.
Khu tưởng niệm Đại danh y Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác nằm tại thôn Trung Mỹ xã Sơn Trung huyện Hương Sơn tỉnh Hà Tĩnh
Lê Hữu Trác sinh năm 1724 ở thôn Văn Xá, Làng Liêu Xá, Huyện Đường Hào, trấn Hải Hưng (nay thuộc huyện Yên Mỹ, Hưng Yên). Xuất thân trong một gia đình truyền thống khoa bảng, cha là Lê Hữu Mưu dòng dõi quý tộc làm đến chức thượng thư, mẹ là Bùi Thị Thưởng một phụ nữ đảm đang quê ở làng Bàu Thượng, xã Tình Diệm, huyện Hương Sơn, tỉnh Hà Tĩnh (nay thuộc huyện Hương Sơn, Hà Tĩnh).
Là người “văn võ song toàn”, Lê Hữu Trác từng học binh thư, luyện võ, đăng lính. Thống soái của Chúa Trịnh nể tài ông, nhiều lần tiến cử nhưng vì chán ghét cảnh trận mạc, ông tìm mọi cách từ chối. Vốn có tố chất thông minh lại đam mê học hỏi và rèn luyện, Lê Hữu Trác sớm nổi tiếng là thầy thuốc giỏi với tấm lòng nhân ái. Không những người dân tìm đến chữa bệnh rất đông mà các nhà nho, quan lại vì mến ông có vốn học rộng hiểu về y học, văn học cũng thường lui tới để đàm đạo ngâm vịnh thơ ca. Ông còn cho ra đời bộ “Thượng kinh ký sự”. Đây là tác phẩm quan trọng vừa có giá trị văn chương, triết học, y học vừa là bức tranh hiện thực thối nát của xã hội phong kiến lúc bấy giờ.
Ngoài ra, Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác còn là người đầu tiên trong lịch sử y học Việt Nam đặt nền móng xây dựng y thuật. Trong quá trình làm thuốc, ông dành nhiều thời gian viết cuốn “Y Tông Tâm Lĩnh” và dạy học. Hàng ngàn bài thuốc hay đã được Hải Thượng Lãn Ông đúc kết, ngoài ra ông còn phát hiện bổ sung hơn 350 vị thuốc mới để đồng nghiệp đương thời và các thế hệ mai sau cùng nghiên cứu, sử dụng…
Những năm cuối đời sống tại quê mẹ Hương Sơn – Hà Tĩnh là những năm có ý nghĩa nhất trong cuộc đời làm nghề y. Tại đây, Lê Hữu Trác vừa nghiên cứu học thuật vừa chữa bệnh cho dân nghèo, tránh xa vũng bùn danh lợi của bè lũ phong kiến. Ông làm nhà cạnh rừng, đặt tên hiệu Lãn Ông (ông lười) ý nói lười biếng, chán ghét công danh, tự giải phóng mình khỏi sự ràng buộc của quyền thế, tự do nghiên cứu y học, thực hiện chí hướng.
Trước những gì Lê Hữu Trác để lại cho đời, năm 2000, Bộ Y tế đã chính thức lấy ngày huý kỵ (rằm tháng giêng năm 1791) làm ngày truyền thống y dược cổ truyền Việt Nam. Đồng thời để tôn vinh những đóng góp to lớn và gìn giữ những giá trị vật thể và phi vật thể của ông, ngày 31/10/2003 Bộ trưởng Bộ Y Tế quyết định phê chuẩn dự án tu bổ, tôn tạo quần thể khu di tích Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác và giao cho Viện bỏng quốc gia mang tên Lê Hữu Trác làm chủ đầu tư với tổng kinh phí là 23 tỷ 900 triệu đồng. Công trình được khởi công ngày 21/11/2004, đến nay các hạng mục của quần thể khu di tích bao gồm Khu vực mộ - Tượng đài và Nhà thờ Lê Hữu Trác đã hoàn thành đưa vào sử dụng đón các lượt khách tham quan. Quy mô và cảnh quan nơi đây đang là điểm đến lý thú cho những ai đến với Hà Tĩnh.
Khu di tích rộng 42000m2 đặt trong cảnh quan thiên nhiên thơ mộng, khoáng đạt. Ngôi mộ Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác được hoàn thành sau hai năm, đá bao bọc khu mộ là loại đá xanh Thanh Hóa do những người thợ Ninh Bình đẽo gọt và xây dựng. Tương truyền những lúc cuối đời, khi biết mình không qua nổi vận số, ông đã dặn con cháu khi ông mất thì thả diều, diều rơi ở đâu chôn cất ông ở đó. Khu mộ hiện nay chính nằm ở vị trí rơi diều khi người tạ thế.
Từ phần mộ, để đến chiêm ngưỡng bức tượng Lê Hữu Trác, du khách phải bước qua con đường gồm 223 bậc đá có chiều dài 629m, hai bên lối đi là cây xanh với rãnh thoát nước được thiết kế hiện đại giữ cho con đường không bị xói mòn qua thời gian.
Bức bình phong bằng đá cẩm thạch nguyên khối nặng 17 tấn khắc 3 chữ Đức- Lưu- Quang như tâm đức của đại danh y tỏa sáng muôn đời cũng được đặt tại đây. Bức tượng Lê Hữu Trác hùng vĩ, oai nghiêm là một trong những điểm nhấn độc đáo của khu di tích. Tượng cao 16,91 m, nặng 350 tấn, dòng chữ “Hải Thượng y tông tâm lĩnh” cùng mười điều răn của cụ được khắc lên các tảng đá lớn phía sau, đây cũng được xem là những bài học cơ bản đầu tiên cho những ai gắn bó với nghề y.
Mặc dù mới được đầu tư tôn tạo, xây dựng nhưng khu di tích đã trở thành điểm đến tâm linh của nhiều du khách. Được biết, trong những ngày đầu năm, lượng khách tham quan khu di tích có ngày lên đến 5000 người. Điều làm nên sức hấp dẫn không chỉ cảnh quan mà còn bởi đây là nơi để con người hậu thế hôm nay cùng nhìn lại để học tập về đạo đức cũng như y thuật của bậc đại danh y.
Lê Chính
Đọc báo tin tức 24h, tin thế giới, tin pháp luật
Tin tức trong ngày
xemthem
- Ghềnh Ráng – bức tranh sơn thủy hữu tình (10.03)
- Trùng tu 10 ngôi nhà cổ tại làng cổ Đường Lâm (04.03)
- Bảo tàng Đà Nẵng (28.02)
- Phố cổ trên cao nguyên Đồng Văn (08.02)
- Núi Thiên Ấn - Sông Trà Khúc ở Quảng Ngãi (06.02)
- Mùa xuân đi thăm di sản văn hóa (03.02)
- Ghềnh Ráng Tiên Sa (31.01)
- Bán đảo Sơn Trà - Đà Nẵng (31.01)
- Di tích lịch sử Sơn Mỹ - Quảng Ngãi (29.01)
- Những địa danh mang tên Rồng (26.01)